Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2019
Mưa Mùa Hè - Vũ Thành Sơn (Tạp Chí Da Màu )
Tháng Tư mưa như són. Một, hai cơn mưa ngắn, rất vội, như dấu hiệu của một sự vật vã bất thành, chỉ càng làm cho không khí thêm oi bức, ngột ngạt; cái ngột ngạt làm liên tưởng đến số phận tù túng của bà giáo già và hai đứa con, của đám nông dân bần cùng trong Đập Ngăn Thái Bình Dương của Marguerite Duras. Tôi bỏ dở cuốn truyện đó nhiều lần, chỉ muốn nằm dài và thở dốc, nghe cái quạt phía trên đầu phả ra hơi nóng, tưởng tượng phần kết của số phận họ trong cuộc phiêu lưu nhọc nhằn ở cái xứ sở nhiệt đới xa xôi này. Hoàn toàn không phải sự bế tắc, thăng trầm của các nhân vật, mà có lẽ chính vì không hề có một hạt mưa nào rơi trong suốt truyện đã làm cho tôi không thể theo dõi một mạch từ đầu đến cuối trong cái nóng hầm hập này.
Cái nóng trói buộc không cho người ta làm được gì ngoài trốn chạy, bỏ lại sau lưng những khối bê tông, sắt thép, những cổng kín sơn đen và tường cao ngờ vực để chạy trốn vào trong công viên, những chiếc ghế đá bên dưới những tán cây rộng. Nhưng cây lá trong công viên cũng chẳng hơn gì, dưới cái nắng nóng thiêu đốt cũng đứng phơi mình nhẫn nhịn như những tội đồ; vòi phun nước xoay vòng uể oải, click click click…không đủ pha loãng bầu không khí đặc quánh. Tặng vật lớn nhất mà mùa hè đem đến cho con người là được hiện diện như một âm bản, được có mặt ở một nơi chốn không phải của mọi ngày. Người đàn bà mặc đồng phục của công ty vệ sinh môi trường đang ngồi trên bãi cỏ phe phẩy chiếc nón lá kia có thể chỉ là hình ảnh tôi đã nhìn thấy từ nhiều kiếp trước.
Đêm, mấy đứa bé trong xóm khóc ngằn ngặt mặc cho các bà mẹ nựng nịu dỗ dành. Đêm dường như dài hơn một cách bất thường bởi tiếng khóc, tiếng thở dài và tiếng đập cánh chập choạng của những con dơi không ngủ. Tất cả đều khao khát một ngọn gió mát. Tôi nhớ có một buổi sáng bầy quạ đen không biết từ đâu bỗng dưng kéo về thành đàn; trong phút chốc một khoảng trời như bị nhốt kín trong chiếc áo burka đen kịt đầy ắp tiếng kêu the thé cuồng nộ. Ph. sợ hãi kéo tôi chạy vội vào nhà và đóng kín cửa lại. Qua một khe hở cửa sổ tôi còn kịp nhìn thấy giàn thiên lý ngoài sân đang héo rũ, đã hai ngày nay không được tưới tắm. Nàng chỉ muốn đi khỏi thành phố địa ngục này, còn tôi, chỉ mong một cơn mưa.
Trong khi chờ đợi, tôi kể cho nàng về những cơn mưa bất tận, chưa một lần dứt trong ký ức, nơi cậu bé ngồi thả những chiếc thuyền giấy vào con nước đen lềnh bềnh rác rến loang loáng ngập tới chân giường, nơi có người trong xóm câu được cả lươn và những con cá nhỏ lấp lánh. Nước rút ngày hôm sau để lại một vệt đen dài hôi thối, nham nhở ở chân tường. Vệt đen ấy thỉnh thoảng vẫn bắt gặp đâu đó tình cờ, như trên một bức tường quét sơn vàng ở Hội An trận lụt năm 2017, khiến tôi phải tự hỏi mưa từ trong ký ức hay mưa đến từ một giấc mơ? Đôi khi tôi không biết đích xác ký ức có thực hay không, hay ký ức thật ra cũng chỉ là một thứ giấc mơ bất chợt ban ngày, là cái nhìn bâng quơ, nụ cười ngớ ngẩn đang khi bận rộn hoặc giữa chừng một câu chuyện.
Ph. nói nắng nóng làm cho người ta dễ sinh ý muốn giết người hoặc tự sát. Tôi tin điều đó, bởi đó mới chính là ý nghĩa triệt để nhất của mùa hè. Chẳng phải Meursault đã có ý nghĩ đó hay sao? Chẳng phải Sebastian đã bị giết trong một mùa hè nắng quái ở Cabeza de Lobo hay sao? Cái chết giữa mùa hè bao giờ cũng đem đến cho tôi những cảm xúc mạnh mẽ và đẹp. Như Hemingway. Như Nhất Linh. Cái chết đã làm họ bất tử. Tôi hiểu vì sao Ph. có nhu cầu như vậy, cũng như tôi, mùa hè đồng nghĩa với sự vắng mặt, hay gương mặt bị tước bỏ. Sống những ngày nắng nóng cho tôi cảm giác về một sự thiếu hụt, một khoảng trống bất thình lình mở rộng từ bên trong cần được lấp đầy; nó kêu gọi, thúc đẩy, rượt đuổi, mà tôi biết nếu dừng lại là chấp nhận một sự đánh đổi, chấp nhận tỳ vết trong cái toàn bích lấp lánh. Sự trống trải đó thường bắt gặp một cách đột ngột những lúc đi giữa một đám đông, hoặc lúc ngồi trên bao lơn nhìn ra những mái nhà lô nhô khi chiều xuống một màu đỏ bầm.
Cuối cùng, sau nhiều ngày ngóng đợi, vào lúc Ph. đã mất hết kiên nhẫn, quyết định ngày mai một mình sẽ rời thành phố thì bất thình lình, mưa.
Mưa vào lúc Ph. và tôi ngồi trong quán như hai con thú hoang. Con đường trước mặt vẫn vươn dài một cách tuyệt vọng về phía cây cầu bắt qua con kênh khô cạn nứt nẻ hôi thối. Dọc con đường này mọi ngày vẫn dựng những tấm bảng với hàng chữ xiêu vẹo rao bán tôm, cua, rùa, cá từ một nơi chốn nào đó tận Cà Mau đem lên. Trời chuyển mưa khi tôi đang đọc một đoạn trong Đập Ngăn Thái Bình Dương nơi những đứa trẻ con chết đói, những con cua đất trong đầm một hôm bỏ hết ra biển và cuối cùng mưa cũng đã đổ trên những cánh đồng ngập mặn, trong lúc Ph. vẽ nghuệch ngoạc những bộ mặt người trên tờ hóa đơn tính tiền. Mưa như chẳng từ đâu đột ngột trút xuống sầm sập. Mưa vồ vập. Mưa như rút ruột. Tiếng mưa có một sức hút kỳ lạ làm cho mọi ánh mắt trong quán bỗng dưng đều đổ dồn hết ra ngoài sân ngăn cách với bên trong bởi một lớp kính trong suốt. Cái cửa kính tạo ra sự khác biệt, để chúng tôi nhìn rõ mưa, mưa một bên và chúng tôi ở về một phía. Không có cửa kính, mỗi chúng tôi sẽ là một cơn mưa và hóa thành bất tử. Trong màn nước mù mịt người ta chứng kiến cây si ngoài trời vươn thẳng sáng rực màu xanh mơn mởn. Im lặng đột ngột, tưởng như có thể nghe rõ mưa đang rơi trong lòng quán, trước khi nó bùng vỡ ra thành những tiếng reo hể hả hài lòng. Mưa đã nới lỏng, làm mềm đi những câu thúc, dè dặt thường lệ của con người; mưa là sự phủ định biên giới giả tạo giữa mơ và thực, giữa hữu hạn và vô cùng; mưa là sự phủ định mà tôi cưu mang, như cưu mang cái chết.
Những ngày trước đó không hề có một tín hiệu nào báo trước hoặc cũng có thể có mà tôi không mấy chú ý, như có thể sấm rền ở chân trời, nắng có thể đã bớt đi cái gay gắt và bầu trời thấp dần, tối hơn mọi ngày, chẳng hạn… Nhưng có hề gì? Tôi chào đón những bất chợt như tin mừng. Như một bước chân lỡ không đi lại. Như cái chết chỉ một lần. Tôi nói Ph. nhắm mắt lại, để cho mưa tuôn chảy trong từng huyết quản của mình. Hãy để cho mưa rửa sạch sông suối, kênh rạch, biển cả, bầu trời, mặt đất, cuốn đi hết cát bụi và thương tích.
Tôi không biết mưa đã bao lâu, hình như khá dài. Khi chúng tôi ra khỏi quán, trời đã ráo tạnh. Mặt đường còn loang loáng nước. Những tấm biển bên cầu lại được bày ra, những con cua ở Thái Bình Dương đã trở lại. Chúng tôi bắt gặp trước mặt mình một chiếc cầu vồng.
Về đến nhà, tôi thấy nhiều người đông đúc khác thường bên trong căn nhà đối diện. Hàng xóm nói với tôi người đàn ông ấy vừa từ trần.
Bà giáo già cũng đã chết. Trong căn nhà tồi tàn.
Không có gì thích hợp để chết cho bằng một căn nhà tồi tàn. Ai đã nói điều đó? Hélène Cixous?
Tạm biệt mùa hè.
VŨ THÀNH SƠN
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )
NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Bài viết rất hay
Trả lờiXóa