Thứ Năm, 20 tháng 6, 2019

Ly Tao – Khuất Nguyên, lời tự tình của bậc quân tử tài đức vẹn toàn

Ly Tao là một trong những tác phẩm thi ca nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc do Khuất Nguyên sáng tác. Bài thơ là lời oán thán buồn phiền của một bậc trung quân ái quốc. Là áng thơ chất chứa lí tưởng cao đẹp và tinh thần bất khuất của tác giả. Đây là tác phẩm bất hủ của Khuất Nguyên.
Ly Tao được ra đời vào thời kì chiến quốc trong bối cảnh triều đình xã hội nhà Sở. Tựa đề bài thơ dịch sang tiếng Việt có nghĩa là lời than vãn của một quân tử với những muộn phiền và tâm trạng xáo trộn lo toan. Một nét đặc sắc trong bài trường thi này là nỗi buồn bi thảm của tác giả được khéo léo miêu tả qua lối tượng trưng, lối nhân cách hóa và hàm ý thâm sâu khi mượn những điển cố thần thoại mà bộc bạch tâm tình.
Tác phẩm dài 370 câu, được Nhượng Tống (Hoàng Phạm Trân) dịch sang tiếng Việt.

Ly Tao là lời tự tình của bậc quân tử tài đức vẹn toàn, trung quân ái quốc

Khuất Nguyên (340 trước Công nguyên – 278 trước Công nguyên), ông được biết đến là một thi nhân, một chính trị gia nổi tiếng thời bấy giờ. Xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc, thuộc hoàng tộc của nước Sở. Ngay từ khi còn nhỏ Khuất Nguyên đã bộc lộ tinh thần ham học hỏi, và dung bồi tu đạo trọng đức. Học rộng hiểu nhiều, tài đức vẹn toàn.
(Ảnh: Pinterest.com)

Bá Dung nhớ cha ta thuở nọ,
Vốn dòng vua về họ Cao Dương.
Tháng giêng đầu tiết xuân sang,
Cõi đời ta xuống giữa đương ngày Dần.
Buổi trứng nước ân cần chăm sóc,
Biết bao nhiêu khó nhọc công cha.
Chữ hay kén đặt cho ta:
Tên là Chính Tắc, tự là Linh Quân.
Trong ta đã mười phần lộng lẫy,
Chải chuốt càng thêm nẩy xinh tươi.
Sói ngàn nhài bãi khoác ngoài,
Tết lan thu lại làm đai đeo thường.
Sợ chẳng kịp ta càng mê mải,
Tuổi xanh nào có đợi gì ai.
Mộc lan sớm cắt trên đồi,
Ðông thanh chiều hái bên ngoài bến sông.
Ngày tháng vút đi không trở lại,
Vừa xuân qua đã lại thu sang.
Ðoái trông cỏ áy cây vàng,
Sợ con người đẹp muộn màng lỡ duyên!
Ông ôm giữ tấm lòng tận trung báo quốc với tài năng, đức độ và sự chính trực của mình. Khuất Nguyên dốc tâm dốc sức phò trợ Sở Vương, đưa ra kế sách giúp Sở Vương với lí tưởng xây dựng nước Sở trở thành một Sở quốc phú cường. Ông khích lệ Sở Vương học theo những tấm gương trị quốc của những minh quân trong lịch sử.
Tuổi đang trẻ nết quen càn rỡ,
Thế mà không đổi sửa cho đành.
Ngựa hay cưỡi lấy, đi nhanh,
Lại đây ta chỉ cho mình đường quang.
Ðời ba vua thuở đang rực rỡ,
Các giống thơm hớn hở đua tươi.
Hoa tiêu, hoa quế lộn mùi,
Cứ gì hoa huệ được người yêu đương.
Theo đạo chính nhằm đường ngay thẳng,
Nghiêu Thuấn xưa thiệt đấng minh quân.
Ông đưa ra chính sách cải cách triều đình, ông vạch trần sự xa hoa, tham lam vô độ của những quý tộc trong triều. Những tham quan và tình trạng sâu mọi trong đội ngũ quan lại. Những chính sách này đã động chạm tới lợi ích của rất nhiều người. Chính vì thế mà chúng đã không ngừng đả kích, phỉ báng, chửi bới rồi rắp tâm vu oan giá họa Khuất Nguyên.
(Ảnh: Youtube.com)

Để rồi bậc trung quân ôm tấm lòng đau đớn bi thảm mà than khóc không thôi
Cớ sao Kiệt Trụ ngu đần,
Ðâm đầu lối tắt sa chân đường cùng.
Hám vui bọn chúng không biết sợ,
Ðường tối tăm hiểm trở xiết bao.
Xe loan e lúc đổ nhào,
Phải rằng ta sợ thiệt vào đến thân!
Cố theo kịp gót chân vua trước,
Quản chi công xuôi ngược long đong.
Tình ta mình chẳng xét cùng,
Sở Vương ban đầu hết mực yêu quý, trọng dụng Khuất Nguyên. Nhưng sau này lại nghe theo đám quan lại ganh tài, tìm cách vu cáo hãm hại. Vua nghe lời gièm pha và dần xa lánh Khuất Nguyên. Khiến ông ôm trong lòng nỗi buồn bi thảm.
Trong tâm trí của Khuất Nguyên ông chỉ mong muốn được tận tâm báo quốc, ông coi trọng nhân tài quốc gia nên đã gia sức bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài. Một lòng muốn thanh sạch bộ máy quan lại, loại bỏ quan tham và phơi bày sự hủ bại của giới quan lại để giảm đi sự sách nhiễu dân chúng.
Thế nhưng có lẽ ông chỉ là một ngọn đuốc lẻ loi, một kỵ binh đơn thương độc mã. Tấm lòng trong sáng muốn báo quốc, ý chí và tư tưởng của đại quân tử không thể đấu lại với vô lại, tiểu nhân.
Nghe lời ton hót đem lòng giận ta!
Nói thẳng vẫn biết là có hại,
Biết vậy mà nín mãi không đành!
Chín lần trời hãy chứng minh,
Chỉ vì ta quá yêu mình đấy thôi!
Trước cùng ta nặng lời hẹn ước,
Sau vì đâu đổi khác đơn sai?
Biệt ly ta chẳng quản nài,
Xót mình lòng dạ đổi dời bao phen.
Chín vườn lan lại nghìn sào huệ,
Một mình ta chăm chỉ hôm mai.
Tử tiêu bạch chỉ xen vai,
Kẹ trong đỗ nhược, bao ngoài tân di.
Mong cành lá có khi đua nẩy,
Chờ đến mùa hái lấy hoa tươi.
Bỏ rơi ta thiết chi đời,
Thấy trăm hoa chịu lạc loài mà thương!
Chúng chen chúc trên đường vụ lợi,
Tấm lòng tham, tham mãi tham hoài!
Ðem dạ mình đọ bụng người,
Sinh lòng ghen ghét, đặt lời gièm pha.
Mồi phú quý cố mà đeo đuổi,
Phải lòng ta có vội thế đâu.
(Ảnh: Pinterest.com)

Cái già sồng sộc theo nhau,
E không để được về sau tiếng lành.
Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc,
Uống sương sa dưới gốc mộc lan.
Tình yêu khôn đẹp muôn vàn,
Khát hoài! đói mãi! phàn nàn mà chi!
Rút rễ cây ta xe sợi chỉ,
Xâu cánh hoa thiên lý xinh xinh.
Cánh lan cánh huệ trắng tinh,
Giây ngần bền dẻo tết manh áo ngoài.
Áo như thế thói đời chẳng mặc,
Ta cứ theo phép tắc người xưa.
Dẫu rằng đời có chẳng ưa,
Thì xin theo lối cũng như Bành, Hàm.
Ðời người khổ kể làm sao xiết!
Ðành than dài gạt vết lệ hoen.
Làm xinh ta khéo vô duyên,
Sớm vừa can gián chiều liền sa cơ.
Sa cơ mặc nhởn nhơ vẫn thế,
Vẫn đeo lan dắt huệ như xưa.
Lòng ta đã thích đã ưa,
Dẫu rằng chín chết có chừa được đâu.
Trách mình chẳng suy sau xét trước,
Mãi mãi không rõ được thói đời.
Chúng ghen ta có mày ngài,
Phao cho ta tiếng con người lẳng lơ.
Người đời thật đã thừa khôn khéo,
Ðua nhau theo mức vẹo thước cong.
Khuôn vuông mẫu thẳng chẳng dùng,
Cúi luồn cầu cạnh một dòng như nhau!
Một mình chịu nuốt sầu ngậm tủi,
Nói ai hay nông nỗi lúc này?
Thà cho sống đọa thác đày,
Lòng ta không nỡ để lây thói thường!
Loài chim cắt ngang tàng bay bổng,
Vốn xưa nay là giống không đàn.
Vuông tròn vốn chẳng cùng làn,
Khúc đường ai để yên hàn cho ai?
Tránh điều lỗi, mặc đời xoi mói!
Nén chí xưa, cam nỗi xót xa.
Thánh hiền xưa cũng như ta,
Thẳng ngay mà chết, ấy là chết trong
Sở Vương tin theo lời gièm pha, xa lánh và cuối cùng trục xuất Khuất Nguyên. Những nhân tài mà ông dày tâm trí bồi dưỡng lâu nay cũng trở nên biến chất tha hóa. Ông như cánh buồm cô lập. Thấy cảnh dân sinh trong gian khó, đất nước rơi vào đường u muội. Chứng kiến điều ấy mà một bậc quân tử kì tài như ông ôm nỗi thống khổ cực độ cào xé nội tâm ông.
Thương dân mới được cầm quyền trị dân.
Trông sau trước xét lần sự thế,
Hãy để tâm suy nghĩ cho cùng.
Làm đâu được việc bất công!
(Ảnh: Wikipedia.org)

Những phường bất nghĩa có dùng được đâu.
Lòng này nghĩ trước sau như một,
Dẫu chết ngay chẳng chút nôn nao.
Người xưa oan thác biết bao,
Theo vuông lựa có vào sao lỗ tròn.
Nức nở khóc cho buồn đầy dạ,
Tủi cho thân sinh đã lỗi thời!
Gạt sầu bứt cánh huệ tươi,
Áo khăn lã chã lệ rơi ướt đầm!
….
Những vần thơ bi ai thể hiện nỗi đau khổ tột cùng của một trung thần dưới trướng một vị vua không phân biệt được trung- gian, ưa nịnh hót mà không tin lời nói thật. Ông đau đớn khôn nguôi khi con dân khổ sở, đám tham quan kết bè kết phái bán nước hại dân. Con thuyền nước Sở như sắp lật nhào mà ông không thể làm gì thay đổi.
Nhìn thấy trước con đường suy vong trước mắt, ông lại càng ôm nỗi hận ngàn thu. Sự phẫn uất trước thời cuộc làm cho đại thần với lòng yêu nước nồng nhiệt đau đáu nỗi đau như thể nó có thể giết chết ông.
Điểm đặc sắc là tác giả vận dụng nhiều thần thoại, truyền thuyết, thể hiện trí tưởng tượng phong phú với ngôn từ trong sáng, bay bổng mà giáo hóa, mà thức tỉnh vương quân đang u muội tối tăm.
Những câu thơ giữa bài, nhân vật ‘‘ta’’ tưởng tượng đi từ mộ vua Thuấn tới nhiều địa danh rồi lên thiên đình, ông đi nhờ sự giúp đỡ của các vị thần. Rồi Thần giữ cửa thiên đình không cho ông vào, các nữ thần khác cũng cự tuyệt. Tới đoạn này phải chăng ông đã ngộ ra được, thịnh suy của vương triều là an bài của thiên tượng, là thiên ý.
Nhưng tấm lòng yêu nước thương dân của ông cứ một lòng thôi thúc, ông chẳng kiếm đâu được chút thanh thản ở trong lòng, biết đi đâu đây ông liền tìm tới hai thầy bói:
“Vãn rằng: Thôi! Thương tiếc làm chi cho cực!
Biết ta đâu một nước không người!
Chính lành làm, sửa với ai?
Bành Hàm đâu đó, ta thời đi theo”.
Bành Hàm là một nhân sĩ đời Ân, do can vua mà vua không nghe nên ôm đá tự trầm. Nỗi đau đớn xót xa của một sĩ phu yêu nước muốn dùng cái chết thanh sạch của mình mà thức tỉnh sự ngu muội của bậc vương tử.
Cảm xúc và sự bế tắc bất lực của ông lúc này lên tới đỉnh điểm, chán nản muốn đi gặp Thượng Đế. Và cuối cùng Khuất Nguyên không chịu nổi họa mất nước, liền ôm bọc đá nhảy xuống sông Mịch La tự trầm. Truyền thuyết cho rằng ông chết vào ngày 5/5 âm lịch, nên nhân dân Trung Quốc cúng Tết Đoan Ngọ tưởng nhớ người trung nghĩa.
Với cách sử dụng ngôn từ chắt lọc, ngắn gọn, kín đáo, chí ông trong sạch, nết ông thanh cao; tuy nói những điều vụn vặt, nhưng ý nghĩa rất rộng; việc nhắc đến tuy gần, nhưng nghĩa thì xa. Chí ông trong sạch nên hay nói đến cái hoa thơm. Nết ông cao cho nên dù chết cũng không được dung nạp. ông thoát khỏi cái thế giới bùn lầy như con ve bỏ lốt ở nơi dơ đục, để cất mình ra khỏi đám bụi trần chẳng để cho đời làm dơ bẩn. Thật là ở bùn mà trong trắng chẳng lây đen. Suy cái chí ấy thì ông có thể thi sáng với Mặt Trăng, Mặt Trời vậy!
(Ảnh: Investopedia.com)

Phải nói rằng, Ly Tao là một áng bi phẫn thi đạt tới đỉnh cao của nghệ thuật văn chương. Người đọc thơ ông mà như đang đọc tự truyện. Nỗi đau khổ trong nội tâm của người trung nghĩa với tình yêu nước thiết tha được bày tỏ rất tinh tế. Mượn cây mượn cỏ, mượn cảnh mà tả tình. Nỗi đau tưởng chừng như không thể nào bộc bạch thì người yêu thơ lại có thể cảm thụ được từng cơn cào xé tâm can. Bài thơ được ví là những tiếng khóc thảm, than dài của một mảnh hồn trong sạch và đau thương, gọi tới người thiên cổ.

Tịnh Tâm (daikynguyen.com _

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...