Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2019

'Bạn đi đâu?' nơi mê cung cổ dưới lòng nước Ý (BBC.com

Vicki Salemi BBC Travel



 Bản quyền hình ảnh Davide Faggiano

"Cuối cùng thì là thế. Tôi rất hài lòng!" Luciano Faggiano thốt lên. Con trai ông là Andrea dịch từng từ tiếng Ý sang tiếng Anh cho tôi.
Đó là hai ngày trước khi nhà hàng Quo Vadis khai trương vào ngày 8/6/2019, một nhà hàng kiểu Ý mà ông mơ ước mở từ gần hai thập niên trước ở quê nhà ông tại Lecce, vùng Puglia miền đông nam nước Ý.

Sinh ra trong gia đình nông dân và từng giúp việc trong nhà hàng của ông cậu từ thời thiếu niên, Luciano luôn có niềm đam mê với ẩm thực.
Đến tuổi 17, ông làm việc trong một nhà hàng nổi tiếng trong lịch sử của London, nhà hàng Quo Vadis, và cuối cùng ông tự mở một tiệm ăn, đặt tên là nhà hàng Moby Dick ở thị trấn Torre dell's Orso, cách Lecce khoảng 30km về hướng đông nam.
Khi tiệm pizza bên bờ biển này đóng cửa vào năm 1987, ông quyết định rời khỏi ngành kinh doanh ẩm thực, tập trung đầu tư vào bất động sản và cuối cùng trở thành chủ cho thuê nhà.
Tuy nhiên, định mệnh như đã an bài khi vào năm 2000, những người thuê nhà ở tầng trệt trong khu nhà của ông liên tục phàn nàn về tình trạng ẩm mốc.
Vào thời điểm đó, kế hoạch ban đầu của Luciano là sẽ sửa chữa hệ thống dẫn nước và mở một nhà hàng kiểu Ý khi khách thuê nhà dọn đi, vì ngành du lịch bắt đầu phát triển trong khu vực.
Thế là ông đập phần sàn nhà ra để thay ống cống, và phần còn lại trở thành lịch sử - đúng nghĩa như người ta vẫn nói
. Bản quyền hình ảnh Davide FaggianoImage caption Gia đình ông Luciano Faggiano đã tốn 20 năm để có thể khai trương nhà hàng Ý có tên là Quo Vadis ở thị trấn Lecce, Italy

Trong tám năm đào bới sau đó, ông và các con trai là Adrea, Marco và Davide đã phát hiện ra cả thế giới ngầm bị chôn giấu từ Thế kỷ 5 trước Công Nguyên.
"Chúng tôi tìm được rất nhiều thứ - 5.000 mảnh hiện vật - gồm đồng xu, một chiếc nhẫn vàng của giám mục trên có khảm 33 viên ngọc lục bảo, đồ gốm, đĩa sứ, đồ chơi trẻ em bằng đất nung, tượng đài và một đường hầm dưới lòng đất dẫn đến một khán phòng vòng cung," Andrea kể lại.
Phát hiện đã rọi ánh sáng vào đời sống của những cư dân bản địa trước đây của vùng này qua nhiều thời đại, từ thời Đế chế Roma, thời Trung Cổ và thời Phục Hưng. Một trong số những hiện vật cổ xưa nhất là từ bộ tộc Messapi, sống ở vùng Salento thời cổ đại.
Trong khi gia đình ông Faggiano đào xới, Tiến sĩ Tanzalla, nhà khảo cổ học do chính phủ chỉ định, là người giám sát cuộc khai quật.
Ở Ý, tất cả những gì tìm được dưới lòng đất đều thuộc về chính phủ, bất kể chủ bất động sản là ai, và vì vậy, theo Andrea, hàng ngàn cổ vật đã được đưa vào kho của Bảo tàng Sigismondo Castromediano trong thành phố, và Bảo tàng Castello di Lecce (còn được gọi là Lâu đài của Vua Charles V).
Tuy nhiên, gia đình Faggiano có thể mượn lại một số cổ vật.
Ban đầu, kế hoạch của họ là mở nhà hàng Ý ở ngôi nhà tại địa chỉ 56 Via Ascanio Grandi sau khi người thuê nhà dọn đi, nhưng đến năm 2008, họ đã khai trương một bảo tàng độc lập, bốn tầng lầu ngay trên khu vực khai quật.
"Tôi đến London để học ngôn ngữ, và giờ đây tôi điều hành một bảo tàng cùng với anh trai," Andrea mỉm cười kể lại khi tôi đến thăm Lecce.
Tôi cực kỳ say mê khu phố cổ duyên dáng này - đây thực sự là bảo vật của vùng Salento, phần miền nam vùng Puglia, nằm ở phần gót trên bản đồ hình chiếc giày của đất nước Italy - và tôi cũng rất thích bảo tàng tuyệt vời này, nằm ngay bên trên khu vực khảo cổ. Không hề để ý, tôi đã trao 5 Euro tiền vé vào cửa cho một trong những nhà khai quật.

Ngay lập tức tôi cực kỳ sửng sốt trước những gì mình chứng kiến, gồm một bể nước hình quả chuông được tạo tác từ đá và sau đó được dùng làm hầm thoát hiểm; một hầm mộ làm nơi chôn cất tập thể, có chứa các hiện vật được tìm thấy như chiếc nhẫn của một hồng y Dòng Tên.
Đi loanh quanh trong bảo tàng, người ta khó lòng cưỡng lại sự mê hoặc khi đưa mắt nhìn qua chiếc nắp bằng mica đậy trên miệng chiếc giếng sâu 8m. Nội dung miêu tả viết rằng: "Nơi đây lúc nào cũng có nước chảy từ sông ngầm Idume bên dưới Lecce và sau đó đổ ra biển ở Torre Chianca, cách Lecce 12km."
Một phòng trong bảo tàng là một phần của nhà nguyện cũ từng được sử dụng khi tòa nhà là tu viện từ năm 1200 đến năm 1609.
Trên bàn thờ đá có những hình ảnh điêu khắc chiếc lá thể hiện chu kỳ cuộc đời. Mái nhà có từ Thế kỷ 16 ở tầng một được xây bằng đá mác, tạo hình thành một cây thập giá, và khoảng 600 chiếc bình hình trụ bằng đất nung, theo như một miêu tả viết lại, là hệ thống cách nhiệt và khiến trần nhà nhẹ hơn.
Gặp gỡ gia đình thực hiện bảo tàng là một dịp may không ngờ. Ánh mắt của ông Luciano và Andrea đều sáng lên khi nói về nhà hàng Ý của gia đình mà ông Luciano cuối cùng cũng có thể mở bằng cách mua lại ngôi nhà hàng xóm ở số nhà 58 Via Ascanio Grandia.
"Cha tôi muốn sao cho khách một khi đã ghé thăm bảo tàng rồi thì sẽ ghé qua cả nhà hàng Ý. Hoặc thêm cả khách đến nhà hàng rồi sang thăm bảo tàng nữa thì còn tốt hơn," Andrea nói. "Nó giống như dịch vụ mà bạn có thể mang lại cho mọi người - cả hai đều quan trọng."
Tuy nhiên, Luciano kìm nén cơn phấn khích đào sâu xuống bên dưới nhà hàng. "Chắc chắn là vẫn còn nhiều thứ ở bên dưới, vì ngôi nhà đó ở ngay bên cạnh," Andrea nói.
Luciano đặt tên nhà hàng là Quo Vadis, theo tên của nhà hàng nổi tiếng ở London từ thời ông mới đi làm, cũng là tên bộ phim Mỹ năm 1951 về triều đại của Hoàng đế Nero.
Trong tiếng Latin, "quo vadis" có nghĩa là "bạn đi đâu?" Cụm từ này rất hợp với Luciano, vì ông đã có kế hoạch tổng thể cho cả hai tài sản của mình: ông hy vọng nhà hàng - với các chỗ ngồi nhìn xuống khu vực khai quật - sẽ tạo ra cảm giác "cổ xưa" tương tự như cảm giác với viện bảo tàng, và nhà hàng phục vụ những món ăn từ xa xưa bắt nguồn từ Lecce.
"Tất cả đều có kết nối. Ẩm thực là văn hóa," ông Luciano giải thích. "Trong mỗi bảo tàng đều có chứa lịch sử, nhưng ẩm thực có lịch sử của riêng nó… tôi muốn mọi người hiểu ẩm thực địa phương."
Thực đơn của nhà hàng thể hiện những nguyên liệu chất lượng đặc trưng cho vùng Salento, cùng với những món đặc sản trong tuần hoặc món ăn theo mùa.
Chẳng hạn, ở nhà hàng có món ciceri e tria, một món nui địa phương với đậu gà và nui chiên, và món frisa ncapunata, một loại bánh mì nguyên cám nướng bỏ lò có rắc cà chua tươi, nụ bạch hoa, lá oregano, rau xà lách rocket, và dầu ôliu. Và nơi đây sẽ không thể trọn vẹn là nhà hàng vùng Puglia nếu không có món orecchiette (món nui có hình dạng như cái tai).
Tráng miệng gồm có các món như cotognata (mứt mộc qua với đường), và pasticciotto, một loại bánh ngọt phủ kem sữa trứng.
Rượu trong vùng, bia nấu thủ công, cà phê cappuccino, thức uống đóng chai và nước trái cây được phục vụ kèm với những món bán chính ở quán như bánh pizza, bánh calzones có nhân và parmigiana (cà tím chiên với sốt thịt và phô mai mozzarella).
Trong thực đơn thậm chí còn có cả một phần "ẩm thực đường phố Salento" gồm những món như rustico Leccese, bánh ngọt nhân phô mai mozzarella, sốt cà chua, sốt béchamel và tiêu đen, bánh pizza calzone chiên, và pittule, bánh rán nhỏ nhân ôliu đen và cà chua.
"Chúng tôi cần quay trở về ăn những món ăn mà đất đai dành cho chúng tôi," Luciano nói. "Ăn uống không có hóa chất, không thuốc trừ sâu hay chất độc - chỉ là tự nhiên. Chỉ ăn những món đơn giản thôi."
Khách đến nhà hàng có thể thưởng thức tất cả những món đơn giản ngon lành này khi ăn bên trong nhà hàng hay ngoài vườn; gia đình Faggiano định sẽ đối đãi với thực khách như "khách của gia đình" - và rõ ràng việc vận hành nhà hàng - bảo tàng là công việc gia đình.
Andrea và Marco làm việc ở viện bảo tàng, cùng với mẹ là bà Anna Maria, vợ ông Luciano. Bà là người làm món orecchiette toàn bộ, từ giai đoạn đầu tiên cho tới khi hoàn tất.
Người em họ, Antonio, là trưởng nhóm bồi bàn ở nhà hàng Quo Vadis. Davide, người con trai út làm việc ở Astoria, một quán cà phê cách đó hai phút đi bộ mà ông Luciano mua lại từ năm 2009, và nơi này là nguồn cung cấp tài chính cho bảo tàng đến khi nó có thể tự vận hành.
Dù hân hoan đón chào ngày khai trương dự tính cùng với gia đình và bạn bè, ông Luciano vẫn chưa xong việc. Ông muốn bắt đầu một cuộc phiêu lưu khác để kết nối mọi người trong vùng và thậm chí trở lại từ thời tuổi thơ làm nông của ông Luciano.
"Dự án kế tiếp là xây một công viên," Andrea nói. "Cha tôi sở hữu một mảnh đất cách Lecce 12 km với cây mọc dại từ xa xưa và muốn giữ lại những loại cây già cỗi. Mọi người thậm chí không biết về những loại cây này nữa. Tất cả mọi thứ đều kết nối với nhau - cỏ cây, rau củ đều đến từ lòng đất, vì vậy không có gì khác biệt."
Khi tạo ra kết nối mạnh mẽ với vùng đất cổ xưa này, dù là nhờ bảo tàng, nhà hàng hay công viên, gia đình Faggiano hy vọng chia sẻ nỗ lực của họ với nhiều thế hệ cư dân bản địa và du khách, một tinh thần nhất quán với những di sản họ khám phá.
"Chúng tôi tìm thấy một khối đá có viết dòng chữ Latin với nội dung: "Si deus pro nobis quis contra nos'," Andrea kể lại. "Chúng tôi chỉ tìm thấy một nửa khi khai quật, nhưng nó có nghĩa là "Nếu Chúa bên ta, thì ai có thể chống lại ta?", vì vậy [nỗ lực của chúng tôi] như khối đá chúng tôi tìm thấy - nếu bạn làm điều tốt cho đời, không có gì xấu có thể xảy ra… cuối cùng bạn sẽ được làm điều bạn mong muốn."
Vậy, người chủ cảm thấy gì khi nhà hàng Quo Vadis cuối cùng cũng có thể khai trương?
"Thấy nhẹ nhõm," ông Luciano chia sẻ. "Như người Hy Lạp nói, luôn luôn có alpha và omega, mọi thứ luôn luôn có bắt đầu và kết thúc. Khi bạn có ý chí và năng lượng để thực hiện một việc, cuối cùng nó sẽ đến với bạn."
"Dưới lòng đất" (Unearthed) là loạt bài viết của BBC Travel tìm hiểu những kỳ quan khảo cổ vừa được phát hiện và ít người biết đến.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

2 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...