Thứ Tư, 18 tháng 9, 2019

TẢN MẠN NGÀY VỀ THĂM TRƯỜNG CŨ . - Bích Thủy * (CuuHS.Tạy Ninh )


Hôm nay ngày 24/02/2019 lần đầu tiên về dự họp mặt cựu học sinh trường Trong học Công lập Tây Ninh tôi nghe lòng nôn nao khó tả
Sáng sớm tôi đã đến bến xe An Sương và 6 giờ xe bắt đầu chuyển bánh Suốt gần 2 giờ tôi nhắm mắt chập chờn ngủ Giữa lúc mơ màng nghe có tiếng nói vang lên từ băng ghế trước :
- Bác tài lát nữa cho xuống ngay cổng trường nam nha
- Dạ không được đâu chú. Tụi con chỉ có thế cho khách xuống ở điểm dừng xe trạm Kiếm lâm.
- Thi đến nơi rà xe chậm lại, mở cửa tôi xuống ngay .
- Công An phạt chết luôn chú ơi, còn bị giam bằng lái nữa !
- Chắc không sao đâu ....
Tôi lên tiếng nói đỡ cho tài xế :
- Quy định vậy rồi, tài xế không dám làm trái đâu Từ trạm đến trường nam cũng gần mà. Chịu khó đi bộ một chút. Tôi cũng tới trường nam. Anh ở gần đó hả ?
- Không. Tôi về dự họp mặt
- Ủa ! Anh là cựu học sinh của trường ?
Niên khóa cuối cùng là năm nào vậy ?
- 1970 -1971
- A ! Thì ra cùng niên khóa. Năm đó tôi học ban A, lớp 12 A1.
- Tôi học ban B Anh văn.
Chúng tôi vui vẻ trò chuyện nhắc đến các thầy cô và bạn bè chung mà chúng tôi từng quen biết. Dù trước đây không biết nhau nhưng tự nhiên chúng tôi cứ như hai người bạn tình cờ gặp lại cùng ngồi ôn chuyện cũ. Có lẽ đây chính là tình cảm đồng môn.
Xe dừng ở trạm. Chúng tôi xuống xe tần ngần nhìn khuôn viên ngôi trường phía xa xa. Trường THCL TN nơi tôi từ đó học những kiến thức, những đạo đức lắm người, nơi lưu giữ biết bao kỷ niệm thời áo trắng. Sở dĩ gọi là trường nam vì từ năm học 1969-1970 các nữ sinh lớp 11 trở xuống được chuyển sang trường Nữ trung học vừa mới xây dựng chỉ còn lại nữ sinh lớp 12. Tôi cũng sang trường nữ học 1 năm là tốp đàn chị đầu tiên, thành viên Ban đại diện học sinh của trường nữ. Hết năm học thi đậu Tú tài 1 tôi lại về trường nam tiếp tục học thí Tú tài 2. Thế nên đối với tôi trường nam là cái nôi tôi từ đó trưởng thành, là dấu ấn khắc sâu vào tâm thức. Mỗi khi về quê, xuống xe ở đây tôi đều nhìn về phía ngôi trường, nhiều lẫn đi ngang qua nhung chưa bao giờ bước chân vào ! Suốt 48 năm, đây là lần đầu tôi về thăm trường cũ, lần đầu bước vào cánh cổng ngày xưa sau ngần ấy năm xa cách....
Chỉ một bước chân thôi mà như bước vào khung trời khác.Nhìn khung cửa, bậc thềm quen thuộc và hàng chữ Trường Trung Học đấp nổi trên cao, bao cảm xúc vỡ òa, ùa về thít chặt trái tim tôi. Dù ngày nay tên trường đã đổi thành trường Trần Hưng Đạo nhưng hàng chữ kia chẳng đổi thay.
48 năm ! Gần nửa thế kỷ ! Hai phần ba đời người ! Biết bao biển cố lịch sử , bao cảnh bể dâu thay đổi không ngờ nhưng trong tôi vẫn vẹn nguyên càm giác tự hào, sung sướng, hồi hộp khi lần đầu bước vào lớp học, chính thức trở thành học sinh của trường THCL TN, ngôi trường danh tiếng của tỉnh trong những năm tháng xa xưa đó .
Đến dãy lớp thân quen, bước lên bậc cầu thang, vuốt nhẹ tay vịn tôi chầm chậm tới trước phòng học cũ nhìn qua khung cửa kính. Cách bài trí bàn ghế, vật dụng trong phòng đã khác xưa. Tuy vậy tôi vẫn hình dung được khung cảnh lớp học năm nào, thấy hiển hiện trước mắt chỗ ngồi quen thuộc, thấy tùng khuôn mặt thầy cô, bè bạn, thấy cả lớp nghiêm túc lắng nghe bài giảng, cắm cúi làm bài kiểm tra, thấy không khí ồn ào, sôi động giờ ra chơi với những trò đùa tinh quái cột vạt áo dài bạn nữ, vẽ hình gắn giấy lên lưng áo bạn nam, thậm chí đoạt lấy hoặc lén cưỡm thư tình bạn trai lớp khác gởi cho bạn gái lớp mình rồi đọc lên cho cả lớp cùng nghe...... Và còn nữa..... nơi khung cửa sổ kia....tôi như thấy lại dáng thẹn thùng một cô bé 16 tuổi tóc thề buông xõa, len lén nhìn quán nhỏ bên kia đường nơi có bóng dáng thân quen ngồi đó đợi ai buổi tan trường, nghe tiếng bước chân thầm lặng theo sau, ngày hai buổi đi về trên con dốc nhỏ, lối mòn xưa..... Cho đến một ngày nhận được lá thư tay nắn nót đôi dòng : "Tạm biệt em tôi đi vào cuộc chiến ..." để rồi người đi...đi mãi không về !
Mắt thoáng cay, tôi lắc đầu xua đi nỗi nhớ quay ra hành lang nhìn xuống sân trường. Đã không còn bãi cỏ xanh và hàng sứ ngày xưa lớp tôi trồng Sân trường trông sạch đẹp hơn nhưng trên nền xi măng khô cứng như thiếu đi sức sống của những sáng mùa đông gió lạnh, đám con gái tụm ba tụm bảy kéo nhau đi sưởi nắng, vui đùa rượt đuổi nhau hoặc tay nằm tay bước trên thảm cỏ, áo trắng buông dài kết đan thành những thuong yêu, tiếng cười trong trẻo, dòn tan trong gió xen lẫn tiếng xuýt xoa : "Nga lạnh không ? Thủy lạnh không ? Mấy bạn lạnh không ?"
Cột cờ hình như lệch đi so với vị trí cũ trong ký ức của tôi. Nhớ như in những buổi sáng chào cờ trong nắng sớm, những tiếng cười khúc khích trước dáng vé uy nghiêm, hùng hổ răn đe của thầy Tổng Giám Thị . Nhớ lần cả lớp phụ trách kéo cờ hát quốc ca và sau đó bị phạt đứng ngoài sân nắng Nguyên nhân vì sao bị phạt tôi không còn nhớ chỉ biết là sau khi hết thời gian phạt lớp tôi lại ngoan cố đứng mãi không chịu vào học khiến cả trường xôn xao Ban Giám hiệu và Giáo sư hướng dẫn lớp phải nhẹ nhàng xoa dịu chúng tôi. Thật là một kỷ niệm khó quên !
Người đến mỗi lúc một đông.Tiếng chào hỏi cười nói ồn ào. Các bạn lớp tôi kéo nhau đi chụp ảnh đi tìm lại từng góc kỷ niệm xưa. Này là nơi nhỏ Hen cột vạt áo dài leo qua Này là cầu thang cả đám con gái đua nhau chạy lên chạy xuống khua guốc cồm cộp . Này là hội trường, phòng thí nghiệm... Kia là nhà chú Bảy Chí người giám thị lâu năm của trường mà đám học trò tinh nghịch cúp cua trốn học rất sợ bị chú điểm danh và phạt cấm túc
Từng nhóm xúm xít bên nhau, xen lẫn nhau trò chuyện ...mãi cho đến khi tiếng trống trường thùng thùng vang lên mọi người mới tập trung nghe Ban Tổ chức trình bày Không có bài diễn văn phát biểu rườm rà, không có những câu nói văn vẻ, sáo rỗng ,Ban Tổ chức đơn giản chào mừng các cựu học sinh, giới thiệu sơ lược về mục đích buổi họp mặt Đây là lần họp thứ 13 Mỗi nằm qua Tết là ta lại gặp nhau, các huynh đệ, tỷ muội đồng môn cùng về sum họp dưới mái trường xưa, hàn huyên, tâm sự, liên hoan. Kinh phí hoạt động do các cựu học sinh tự nguyện đóng góp theo khả năng của mình.
Cảm động nhất là giây phút tưởng niệm các thầy cô, bạn bè đã qua đời, đặc biệt là thầy Võ Thanh Tòng vừa mới mất. Trong phút mặc niệm tôi bùi ngùi nhớ đến những người bạn thân quen lớp 12 A1 chúng tôi đã ngã xuống trong cuộc chiến hoặc lìa đời vì bênh tật như Hồng, Sết, Lệ, Ngoc Khuê , Quốc Minh, Kim Tuyến, Phan Anh...
Nhìn chung quanh đều là những mái tóc điểm suong. U60, U70, U80... khoảng 100 người, đa số là nữ Hầu hết đã là ông bà nội, ông bà ngoại Nhưng khi nhìn những nụ cười rạng rỡ, nghe những câu đối thoại hóm hỉnh đùa vui tôi thấy các đàn anh đàn chị, đàn em vẫn còn đầy nét tinh nghịch, đáng yêu của tuổi học trò. Có lẽ phút giây này mọi người tạm quên đi tuổi tác, quên bệnh tật và quên cả muộn phiền để sống trọn một ngày vui
Những điệu nhạc, lời thơ, những tiếng hát mãi xanh ngân vang làm không khí thêm sinh động. Món quà rút thăm trúng thưởng của Ban Tổ chức tăng thêm sự vui vẻ phấn khởi Có 18 phần quà lớn nhỏ khác nhau tùy thuộc con số ghi trên lá thăm Tôi may mắn rút trúng phần quà số 14 là một chú tiểu đáng yêu hai tay bịt kín mắt. Chú không nhìn đời bằng mắt mà nhìn bằng tâm Một bạn khác có duyên lành nhận được tượng Phật Di Lặc tươi cười mang đến sự an lạc. Nói chung những phần quà đều thể hiện triết lý Phật giáo phù hợp người cao tuổi, là một điểm cộng cho buổi họp mặt hôm nay.
Chia tay lòng thoáng bồi hồi. Năm sau đến hẹn lại lên Đầu xuân 2020 họp mặt cựu học sinh trường THCL TN lần thứ 14 sẽ đông vui và nhiều ý nghĩa hơn.
Phạm Bích Thủy
( Bích Như )

1 nhận xét:

  1. Kỷ niệm đẹp về ngôi trường cũ lại hiện về khi đọc bài viết này

    Trả lờiXóa

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...