Trần Mộng Tú
Vào năm 1954, gia đình tôi mới di cư vào Nam được vài tháng, nhận được
một lá thư của Hồ Dzếnh (thời gian đầu của năm 1954-1955 Bắc-Nam còn
nhận được thư). Lúc đó tôi còn bé chưa biết ông là một thi sĩ, Ba tôi
nói: Có người đàn ông Trung Hoa muốn lấy thím Phương.
Thím Phương của chúng tôi là vợ góa của chú Trần Trung Phương, người có
tập thơ cho học trò Mấy vần tươi sáng, mà từ nhỏ anh chị em chúng tôi đã thuộc lòng
nhiều bài trong đó. Khi học ở Tiểu học được học lại ở trong lớp như những bài học thuộc lòng.
Chiều qua trăng ngã xuống hồ
Bầy sao nghịch ngợm đổ xô xuống tìm
Trên không có mấy con chim
Vội vàng đâm bổ đi tìm bóng trăng. (Vội vàng – Trần Trung
Phương)
Lá thư của chú Dzếnh, tôi không được đọc, chỉ nghe Ba nói là một lá thư
với lời lẽ hết sức lễ phép, xin phép anh chị cho em được thay anh Phương
vào làm em anh chị trong gia đình. Ba tôi vốn sẵn hiền lành, nên đọc
thư cảm động đến ngồi ngây người ra, không
biết trả lời sao cho xứng với lá thư đó.
Chú Trần Trung Phương của tôi khi còn sống viết văn, làm báo cho thiếu
nhi, hoạt động chống Pháp, bị bắt, tra tấn trong tù. Khi được thả ra thì
ho lao chết ngày 24/7/1945. Lúc đó con trai mới 6 tháng tuổi. Thím Hồng
Nhật, một người đàn bà có học, có nhan sắc,
yêu văn chương, được tất cả các bạn văn của chồng kính nể. Mỗi năm làm
giỗ chồng, thím mặc khăn áo đại tang làm giỗ, mời các bạn Văn/ Họa Sĩ
của chồng như: Mạnh Quỳnh, Hữu Thanh, Tống Ngọc, Tam Lang, Khái Hưng,
v.v. đến dự. Ai cũng kính phục.
Thím ở vậy nuôi con, cho tới khi gặp Hồ Dzếnh. Cũng nên nhắc lại, thím
Hồng Nh,ật cũng viết văn, làm thơ, lúc trẻ Hồng Nhật có gửi bài cho
Phong Hóa và Ngày Nay, là thời điểm Trần Trung Phương đang phụ trách
trang Thiếu Nhi của hai tờ báo này. Duyên văn nghệ
đưa đến cuộc hôn nhân đẹp nhưng quá ngắn (không đầy hai năm).
Khi chú mất, tôi cũng chỉ hơn em Cường một tuổi nên không biết gì cả.
Lớn lên mới biết thím là một phụ nữ đảm đang, qua bao nghịch cảnh, góa
chồng, ly loạn vẫn gây dựng lại được những gì đã mất. Hiệu sách Bình
Minh 200 A, Phố Huế, nức tiếng ở Hà Nội một thời.
Vào năm 1951 thím Hồng Nhật muốn tái bản tập thơ Mấy vần tươi sáng,
nên có vào Nam nhờ Hồ Dzếnh đỡ đầu. Hồ Dzếnh cũng đang trong cảnh gà
trống nuôi con rất
vất vả. Hai người cảm thông nhau cùng hoàn cảnh góa bụa, cùng có hai
đứa con trai nhỏ, cùng yêu văn chương nên nhanh chóng yêu nhau. Đầu năm
1954 Hồ Dzếnh trở về Hà Nội, cuối năm đó lập lại gia đình với thím Hồng
Nhật.
Giai thoại kể lại: Hôm đám cưới, các bạn văn cũ của chú Phương đến dự
đông đủ, có một người ra câu đối: “Vợ góa nhà văn lấy nhà văn góa vợ.”
Không ai đối được.
Hình gia đình Hồ Dzếnh và một người bạn
Cũng có thêm giai thoại nữa về cái tên Hồ Dzếnh, bạn hữu hay gọi đùa là Hồ Dính và có ra câu đối: Hồ Dính, dính hồ, hồ chẳng dính, có người đối là Ngọc
Giao, giao ngọc, ngọc không giao.
Sau năm 1975 chú Dzếnh và thím Hồng Nhật có vào Nam tìm gia đình anh
chị, thì cha mẹ và chúng tôi đã sang Mỹ. Khi tôi liên lạc được với chú
thím bằng thư thì cha mẹ tôi đã qua đời. Lá thư cuối tôi nhận được, chú
nhờ tôi lấy tiền nhuận bút của những nhà sách
bên Mỹ đã tái bản và phát hành những tác phẩm của chú nhưng không nhà
xuất bản nào trả một đồng (các nhà xuất bản hồi đó đều nghĩ việc họ tái
xuất bản sách Việt ở hải ngoại là một đặc ân họ ban phát cho tác giả.)
Năm 1998 lần đầu tiên tôi về Việt Nam thì chú Dzếnh đã mất được 7 năm
(1991). Buổi tối, nằm ngủ chung với thím trên chiếc giường của hai
người, nghe thím kể lại: lúc biết mình sắp mất, chú đòi về nhà, mất trên
cái giường của vợ chồng. Câu cuối cùng của chú
là lời gọi: Mình ơi! trước khi nhắm mắt.
Mình vừa là chị là em
Tấm lòng người mẹ, trái tim bạn đời
Mai này tới phút chia đôi
Hai ta ai sẽ là người tiễn nhau?
Xót mình đã lắm thương đau
Tôi xin làm kẻ đi sau đỡ mình
Cuộc đời đâu phải phù sinh
Nước non chan chứa nghĩa tình, mình ơi! (Bài thơ tặng vợ –
Hồ Dzếnh)
Chú Dzếnh muốn đi sau để tránh cảnh thương đau cho thím, nhưng chú lại
là người đi trước. Trên chiếc giường gỗ ở ngôi nhà 80 phố Hòa Mã, Hà
Nội, trong bóng tối mờ mờ của ngọn đèn đêm ngoài phố hắt vào, tôi nằm
cạnh thím, nắm chặt bàn tay già nua của thím, nhìn
lên đình màn, hình dung ra khuôn mặt thanh nhã với nụ cười hiền lành ở
bức ảnh trên bàn thờ của một thi sĩ Trung Hoa mang trái tim Việt Nam
trong lồng ngực, tôi nói thầm trong lòng: Cám ơn thi sĩ đã vào trong gia
đình họ Trần Trung.
Thủ bút của Hồ Dếnh
Tuổi thơ tôi lớn lên bằng những bài Thơ học trò ngây thơ trong Mấy vần tươi sáng của
thi sĩ Trần Trung Phương và tôi nghĩ đó chính là những hạt giống văn
chương
đã gieo vào mảnh đất hồn tôi để sau này mọc lên hoa trái. Rồi tiếp theo
đó là Thơ và Văn chương trong sáng, giản dị của Hồ Dzếnh ảnh hưởng tới
văn chương và cách viết của tôi.
Tôi cám ơn Thượng Đế đã cho tôi cả hai ông chú tuyệt vời.
Tháng 7/25/2017
(Hoa Huỳnh chuyển)
(Hoa Huỳnh chuyển)
Câu chuyện rất hấp dẫn bạn đọc
Trả lờiXóaCâu chuyện rất hay, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa