Thứ Năm, 5 tháng 9, 2019

Nguồn gốc của bá đạo và bá quyền Trung Quốc (Nghiên Cứu Quốc Tế )


Tác giả: Hồ Anh Hải

Trong sách Giấc mơ Trung Quốc, tác giả – đại tá Quân Giải phóng Trung Quốc Lưu Minh Phúc – đặc biệt viết nhiều về sự bá đạo của Mỹ và vương đạo của Trung Quốc.
Tác giả dành cả chương II (có số trang nhiều thứ 2 trong 8 chương sách này) để trình bày cái gọi là bá quyền của nước Mỹ và dành chương III và IV (số trang nhiều thứ 6 và 5) để nói về những cái hay cái tốt của Trung Quốc. Tác giả dùng số trang nhiều nhất để nói về nước Mỹ — về mặt tốt cũng như mặt xấu. Số trang viết về Trung Quốc thì ít hơn nhiều; bởi lẽ tác giả cũng chẳng biết nói gì về những cái hay cái tốt của nước mình, còn những cái xấu thì có lẽ biết cả đấy nhưng chẳng dám viết ra.
Lưu Minh Phúc hoàn toàn chỉ nói về những cái tốt của nước ông, nhằm để nhân dân thế giới đừng e ngại Trung Quốc trỗi dậy trở thành “quốc gia quán quân”, “quốc gia lãnh tụ” sẽ đe dọa hoà bình và ổn định trên thế giới.
Hãy thử xem vài cái tốt của Trung Quốc mà Lưu Minh Phúc nêu ra trong sách.
Tác giả tự hào viết: Trung Quốc không có tội tổ tông,[1] cho nên có tư cách nhất làm lãnh tụ thế giới! Tất cả các nước lớn trỗi dậy khác đều “có tiền sử phạm tội”, như buôn bán nô lệ châu Phi hồi thế kỷ 15-18, xâm lược, chinh phục thuộc địa…
Đúng là các vua chúa Trung Quốc chẳng hề sang tận châu Phi để mua nô lệ — nhưng điều đó chẳng có gì đáng để Lưu Minh Phúc tự hào cả. Ông không biết (hay giả vờ không biết) một sự thực lịch sử rất đơn giản: dưới tay các nhà cầm quyền Trung Quốc đã có sẵn hàng triệu nô lệ! Họ gọi dân nước mình là “thần dân”, mà chữ “thần臣” trong tiếng Trung Quốc có nghĩa là “nô lệ trong xã hội nô lệ”. Họ áp bức bóc lột người dân đến tận xương tủy. Ví dụ dưới thời thịnh trị nhà Đường, Hoàng đế có tới 3.000 cung nữ — chính là 3.000 nô lệ tình dục của một gã đực rựa dâm ô. Nước này cũng phát minh ra chế độ hoạn quan cực kỳ dã man: hàng nghìn nam giới bị cắt bộ phận sinh dục chỉ vì để phục vụ nhu cầu tình dục của một gã nam giới khác. Cả triệu người dân chết trong công trình đắp Vạn lý Trường thành. Như vậy sao có thể nói Trung Quốc không có tội tổ tông?
Ở phương Tây, do mọi người dân đều được thừa nhận là chủ đất nước mình, nên họ phải sang tìm nô lệ ở các nước châu Phi lạc hậu, vì thế mà phương Tây phạm “tội tổ tông”.
Tác giả viết người Trung Quốc có tính cách yêu hoà bình, đế quốc Trung Hoa lớn mạnh mà không chinh phục, không có thuộc địa ở nước ngoài, vì thế các nước nhược tiểu xung quanh như Việt Nam, Miến Điện, Thái Lan … vẫn giữ được độc lập.
Rõ ràng đại tá họ Lưu đã có những nhầm lẫn lịch sử đáng tiếc.
Việt Nam chẳng đã bị phong kiến Trung Quốc thống trị 1.000 năm đấy ư? Nhưng họ không đồng hóa nổi dân tộc Việt và cuối cùng bị dân ta vùng dậy đánh đuổi, giành lại độc lập cho đất nước. Tuy thất bại cay đắng như thế nhưng sau đó các vương triều phương Bắc còn mấy lần cất đại quân sang “thảo phạt” Việt Nam, lần nào cũng thua nhục nhã.
Tác giả còn nêu “sự kiện nổi tiếng nhất” là đời Hán Nguyên Đế, triều đình quyết định bỏ không chiếm quận Châu Nhai ở đảo Hải Nam, coi đó như một minh chứng nhà Hán không chủ trương mở rộng lãnh thổ.
Nhưng thực ra đó là do đảo Hải Nam khí hậu nóng ẩm, quan quân Trung Quốc lục địa ra đấy đều khốn khổ vì dịch bệnh, lại thêm hải quân Trung Quốc nhỏ yếu không dễ ra được Châu Nhai ở xa trên biển.
Ai cũng biết đất Trung Quốc quá rộng, dân quá đông, chính quyền phong kiến trung ương quản lý không xuể, lại thêm trong nước luôn luôn rối loạn vì nông dân khắp nơi nổi dậy chống lại triều đình, nhiều đầu lĩnh các địa phương muốn lập chính quyền cát cứ. Chính quyền trung ương đàn áp dân trong nước còn chưa xong, sao mà dám đem quân ra nước ngoài chiếm thuộc địa? Nếu làm thế thì ngai vàng nhà vua sẽ lập tức bị loạn thần hoặc nông dân khởi nghĩa cướp mất.
Lưu Minh Phúc nói bừa rằng nguyên nhân nông dân Trung Quốc nổi dậy nhiều là do nước này thiếu đất trồng trọt nhưng chính quyền không làm như phương Tây, tức đem quân đi cướp đất nước ngoài để chuyển dịch mâu thuẫn ra ngoài, mà chỉ “vận dụng phương pháp hướng nội, tập trung giải quyết ở trong nước mọi mâu thuẫn”.
Giải thích như thế là ngụy biện. Nông dân Trung Quốc khởi nghĩa đánh lại triều đình chỉ vì họ bị áp bức bóc lột quá tàn ác, không còn đường sống nữa. Hầu hết các cuộc khởi nghĩa ấy đều bị triều đình dìm trong biển máu. Và nếu thắng lợi thì ông trùm khởi nghĩa lại trở thành ông vua mới, tàn ác với dân mình chẳng khác gì vua cũ.
Rõ ràng các vương triều Trung Quốc thực hành bá đạo với chính thần dân của mình, thế mà Lưu Minh Phúc dám nói bừa là thực hành vương đạo!
Một chính quyền thực hành bá đạo với chính đồng bào mình thì sao có thể lại thực hành vương đạo với dân chúng các nước khác? Trong Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi tố cáo chính quyền nhà Minh đối xử tàn ác khủng khiếp với nhân dân ta: Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ.
Tướng Lưu Á Châu (người viết Lời Tựa sách Giấc mơ Trung Quốc của Lưu Minh Phúc) vạch trần bản chất của các tầng lớp cai trị Trung Quốc đều là “đối ngoại mềm mỏng, đối nội tàn nhẫn”. Đây chính là nguyên nhân làm cho nhiều người Trung Quốc căm ghét chính quyền; lúc bình thường lắm phe phái đánh lẫn nhau rình rập cướp quyền bính, khi có ngoại xâm thì không ít người theo địch chống lại chính quyền nước mình. Lưu Á Châu nói Trung Quốc thời bị Nhật xâm lược có rất nhiều Hán gian chính là vì thế.
Lưu Minh Phúc tô son điểm phấn cho tổ tiên mình trong khi chính ông lại thừa nhận: đế quốc Trung Hoa có nhiều nội chiến, đế quốc phương Tây có nhiều “ngoại chiến”, nông dân Trung Quốc khởi nghĩa nhiều nhất, quy mô lớn nhất thế giới; ở nước này nội chiến nhiều, “ngoại chiến” ít.
Nhìn chung có thể thấy: nếu đế quốc Trung Hoa thời nào đó không quá chú trọng chinh phục và xâm lược nước ngoài thì điều đó chẳng phải vì họ yêu hoà bình và thực hành “vương đạo”, mà vì họ tuy rất muốn xâm lược nước ngoài nhưng không dám làm hoặc không làm nổi. Thế kỷ 12, thủy quân nhà Nguyên đánh Việt Nam và Nhật Bản đều thua trận phải cuốn xéo về nước, là những chứng cớ hiển nhiên mà tác giả cố tình bỏ qua.
Nói cách khác, Trung Quốc rất muốn làm Bá nhưng chưa làm được. Thấy Mỹ làm được vai trò ấy họ sinh ra ganh tị và chê Mỹ đủ thứ xấu.
Làm được vai trò Bá như nước Mỹ đâu dễ! Đó là vai trò kẻ giữ trật tự công cộng, cảnh sát chỉ đường. Tác giả nói Trung Quốc muốn làm “quốc gia quán quân, lãnh tụ” nhưng không muốn làm bá quyền, chỉ làm “quốc gia dẫn dắt” thôi. Nhưng chính tác giả thừa nhận Trung Quốc hiện chưa cắm được ngọn cờ văn hoá lên điểm cao khống chế thế giới, chưa có giá trị quan nào thu hút toàn cầu như giá trị quan tự do dân chủ của Mỹ — thế thì sao mà dẫn dắt thế giới được?
Điểm này thì tác giả nói đúng: người Trung Quốc xưa nay chưa bao giờ tự hào với nền văn hóa truyền thống tổ tiên để lại (xem: “Vì sao người Trung Quốc thiếu tự tin văn hóa” trên “Nghiên cứu quốc tế”), thậm chí họ đã nhiều lần kêu gọi đánh đổ học thuyết của Khổng Tử – vị thánh nhân được tổ tiên họ thờ phụng mấy nghìn năm. Hai tác phẩm văn học họ yêu thích là “Thủy Hử” ngày xưa và “Tô tem sói” ngày nay đều bị thế giới chê là cổ vũ cho chủ nghĩa bạo lực. Một nền văn học như thế sao mà cắm được ngọn cờ văn hoá lên điểm cao khống chế thế giới, tạo ra giá trị nhân văn thu hút toàn cầu?
Tác giả viết: Trung Quốc sẽ lãnh đạo thế giới nhưng không làm bá đạo như Mỹ mà thực hành vương đạo. Bản chất của vương đạo là đạo đức nhân nghĩa, dựa trên nguyên tắc “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (lời Khổng Tử: Điều mình không thích thì chớ đem đến cho người khác), thực hiện bình đẳng, công bằng, chân thành rộng lượng, hòa bình, dùng sức mạnh đạo đức để cảm hóa kẻ khác chứ không áp bức họ, phòng ngự tự vệ chứ không đánh trước, không lạm dụng vũ lực.
Chính quyền Trung Quốc có thói quen nói một đằng làm một nẻo, thậm chí cậy thế to mồm vu vạ kẻ hiền lành thành kẻ tội phạm. Nói vương đạo, nhưng thực tế trong cách giải quyết các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, họ luôn luôn ưa dùng sức mạnh, cậy ta đây lắm tàu nhiều súng bắt nạt kẻ yếu.
Năm 1974 Trung Quốc cướp Hoàng Sa của Việt Nam. Bản đồ Trung Quốc vẽ Đường chín đoạn chiếm 80% Biển Đông xa nước họ hàng nghìn dặm, áp sát lãnh thổ một số nước Đông Nam Á. Nhiều năm nay họ ngang nhiên ra lệnh cấm đánh cá trên vùng biển có tranh chấp rồi cho tàu ngư chính đến Biển Đông xua đuổi tàu đánh cá của ngư dân ta, thậm chí cho tàu (ta gọi là “tàu lạ”) đâm chìm nhiều tàu của ngư dân Việt Nam, gây ra đắm tàu chết người vô cùng dã man. Năm 2014 họ ngang ngược kéo giàn khoan 981 vào vùng biển nước ta khoan thăm dò coi như ở nước họ. Gần đây nhất họ hai lần hung hăng cho tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) cùng với các tàu hải cảnh và tàu của “dân quân biển” xâm nhập vào vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Thế mà họ lại to mồm vu vạ: “Bất chấp sự phản đối cứng rắn của Trung Quốc, Việt Nam đơn phương bắt đầu hoạt động khoan thăm dò dầu khí ở các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc ở Biển Nam Trung Hoa [Biển Đông], [và đây là] nguồn gốc của tình hình hiện thời” (người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh hôm 23/8/2019).
Như thế chẳng là Bá đạo thì là gì?
Bạn sẽ hỏi: đâu là cội nguồn của tính cách thích làm Bá?
Hãy tìm về nền văn hoá truyền thống của họ.
Xin mượn lời của chính họ: Người Trung Quốc ưa chuộng sức mạnh và bạo lực.
Chẳng dân tộc nào ưa chuộng sự yếu đuối, nhưng tôn thờ sức mạnh như người Trung Quốc thì quả là hiếm. Thời xưa, nhiều nước, nhất là ở phương Tây, có loại tiểu thuyết viết về tình yêu; nhưng Trung Quốc không có loại ấy. Mấy bộ tiểu thuyết cổ của nước này đều đề cao những kẻ có sức mạnh và lạm dụng bạo lực, cho dù dùng vào việc phi nghĩa. Thời xưa đã vậy; thế kỷ 20 lãnh tụ họ Mao đề ra châm ngôn Súng đẻ ra chính quyền. Nền văn hoá chuộng bạo lực, đấu đá, đánh đấm, chiến tranh ấy quyết định họ hành xử kiểu Bá, tức dùng vũ lực giải quyết mọi chuyện.
Các hảo hán trong Thủy Hử lạm dụng bạo lực vô hạn độ; chỉ vì để chứng tỏ võ công của mình mà họ sẵn sàng hại cả kẻ vô tội. Lý Quỳ giận lên là giết bất cứ ai mà không ghê tay. Võ Tòng khỏe vật chết hổ, nhẫn tâm giết bà chị dâu yếu đuối mà không thẹn với lương tâm kẻ nam nhi. Các nhân vật ấy được người Trung Quốc mê say ca ngợi — điều đó cho thấy văn hoá chuộng bạo lực của họ chính là nguồn gốc sinh ra tính cách thích làm Bá. Một nhà Hán học người Australia nói Thủy Hử là cuốn tiểu thuyết bệnh hoạn. Một nhà Hán học người Đức nhận định Tô Tem Sói tuyên truyền chủ nghĩa phát xít…
Giờ đây đông đảo dân mạng Trung Quốc hô lớn “Tả, tả, tả lớ!” [Đánh! Đánh thôi!], đòi dạy Việt Nam một bài học nữa, đòi đánh Philippines để cướp bãi cạn Scarborough. Hiếm thấy quốc gia nào hiếu chiến như vậy nhưng miệng lại luôn nói “Trỗi dậy hòa bình”.
Tóm lại, vương đạo thì chẳng thấy đâu mà lịch sử cũng như hiện tại đều đầy rẫy những sự thật cho thấy bá đạo mới là thứ “đặc sản” Trung Quốc ưa thích.
—————
[1] Tội tổ tông (original sin) là một khái niệm, một tín điều của Ki-tô giáo, nói về tình trạng mắc tội ngay từ khi sinh ra của tất cả mọi người. Kinh Thánh có chép tội lỗi của Adam và Eva, hai vị tổ đầu tiên của loài người đã phạm tội làm trái lời răn của Thượng Đế, do đó bị Thượng Đế trừng phạt: Tất cả mọi người đều phải chết già.

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...