Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2019

Việt Nam sản xuất thành công túi nilon tự phân hủy từ nhựa phế thải, thành dinh dưỡng cho cây trồng

Túi nilon tự phân hủy sau khi bị chôn xuống đất sẽ chuyển hóa thành nước và khí CO2, dễ dàng thẩm thấu vào đất, đem lại dinh dưỡng cho cây trồng. Thời gian phân hủy hoàn toàn chưa đến 3 năm.
Sau thành công trong việc chế tạo hạt nhựa có khả năng phân hủy sinh học, năm 2018, nhóm các nhà khoa học thuộc Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiếp tục tạo ra túi nilon từ nhựa phế thải HDPE có khả năng phân hủy và đã được thử nghiệm thành công. Đây là thành quả nỗ lực sau gần 2 năm nghiên cứu.

Việt Nam sản xuất thành công túi nilon tự phân hủy từ nhựa phế thải, thành dinh dưỡng cho cây trồng
Túi tự phân hủy đang được sản xuất tại nhà máy (ảnh: NVCC).

Các nhà khoa học đã làm như thế nào? Đầu tiên, họ phân tích kỹ lưỡng đặc tính của nhựa HDPE – loại nhựa phổ biến ở Việt Nam sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm như chai nhựa, ống nhựa, gỗ nhựa, túi nilon, phụ tùng ô tô, … Loại nhựa này sau khi thải ra không đúng cách sẽ gây hàng loạt tác hại lâu dài đối với sức khỏe con người và môi trường.

Sau khi được thu gom và xử lý, nhựa HDPE sẽ được trộn đều với chất độn và các chất phụ gia xúc tiến oxy hóa (bao gồm muối và hợp chất kim loại) nhằm phá vỡ cấu trúc ban đầu của nhựa phế thải, khiến các liên kết carbon bị yếu đi. 

Tiếp đến là áp dụng công nghệ ép, kéo, đùn thổi,… để tạo thành túi đựng. Sau khi sử dụng và thải ra môi trường, loại túi này có thể tự phân hủy.

Dù có khả năng phân hủy, nhưng so với các loại túi nilon trên thị trường hiện nay, loại túi này còn bền chắc và có độ co giãn cao hơn 5,06%. 

Để thử nghiệm độ phân hủy, mẫu túi đã được nhóm nghiên cứu chôn xuống một vườn đất ở Phú Thọ. Sau 12 tháng kiểm tra lại thì túi đã phân hủy 70 -100% khối lượng. Thời gian túi phân hủy ước tính chưa đến 3 năm, ngoài ra còn tùy thuộc vào độ dày của túi.

Trao đổi với VnExpress, TS Nguyễn Trung Đức, trưởng nhóm nghiên cứu cho hay, khác với các loại túi nhựa khác, loại túi này không phân hủy thành những mảnh nhỏ mà sẽ chuyển hóa thành nước và khí cacbonic (CO2), dễ dàng thẩm thấu vào đất, mang đến dinh dưỡng cho cây trồng. Khi được ngâm trong môi trường phân trộn và bùn hoạt tính, thời gian phân hủy của túi sẽ rút ngắn xuống còn 7-8 tháng.

Việt Nam sản xuất thành công túi nilon tự phân hủy từ nhựa phế thải, thành dinh dưỡng cho cây trồng
Túi Nilon tự phân hủy còn có thể biến thành dinh dưỡng cho cây trồng (ảnh: Immago).

Hiện nhóm nghiên cứu đã kết hợp với Công ty TNHH Công nghệ và Dịch vụ thương mại Lạc Trung (Hà Nội) để áp dụng và sản xuất đồng bộ với công suất 30kg/giờ.

Do áp dụng công nghệ tiên tiến, nên các sản phẩm túi tự phân hủy được sản xuất có độ dày khác nhau, có thể đựng đồ thô, nặng và phục vụ sinh hoạt hàng ngày, rất tiện lợi. Tuy vậy, túi phân hủy hiện đang có giá thành cao hơn so với túi nilon thông thường.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu cải tiến phương pháp sản xuất để giá hợp lý”, TS Nguyễn Trung Đức cho biết nhóm còn dự định nghiên cứu màng phủ nông nghiệp và bầu ươm cây tự hủy từ nhựa PE phế thải để ứng dụng trong nông nghiệp.

Năm 2018, Tổng cục Môi trường – Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp Giấy chứng nhận túi nilon thân thiện với môi trường cho sản phẩm túi nhựa tự hủy.

Minh Tâm (daikynguyen.com)

2 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...