Thứ Ba, 17 tháng 9, 2019

Sách về cô gái Việt lao động ở Arab Saudi

Trốn thoát sau hơn chín tháng đi xuất khẩu lao động, tác giả Nghiêm Hương viết cuốn "Đừng chết ở Ả Rập Xê Út".
Tác giả Nghiêm Hương sinh năm 1974 tại Bắc Giang. Cô đi xuất khẩu lao động tại Arab Saudi (phiên âm tiếng Việt là Ả Rập Xê Út) tháng 11/2014, trốn thoát tháng 7/2015. Hiện cô sinh sống và làm việc tại TP HCM. Tác giả cho biết ở phần mở đầu sách: "Tôi viết để giải tỏa nỗi ám ảnh về những phận người nô lệ dưới mác đi xuất khẩu lao động mà chính tôi là nạn nhân kiêm nhân chứng sống". 
Học nấu ăn tại Trường Du lịch Hà Nội và thiết kế thời trang tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, nhưng sau khi ly hôn, tác giả rơi vào khủng hoảng, muốn trốn chạy thực tại. Khi đọc mẩu quảng cáo xuất khẩu lao động không cần tiền cọc, cô gọi đến công ty môi giới, đăng ký đi xuất khẩu tại Ả Rập Xê Út. Nhưng giấc mộng đổi đời biến mất ngay khi cô xuống sân bay Riyadh. "Thực tế phũ phàng hơn những gì tôi tưởng tượng. Không có lời cảnh báo nào về việc bạn sẽ bị cưỡng hiếp. Chẳng có lời nào cho bạn biết bạn sẽ bị biến thành nô lệ. Và không có đường về", Nghiêm Hương viết.
Bìa sách Đừng chết ở Ả Rập Xê Út
Bìa sách Đừng chết ở Ả Rập Xê Út
Tác giả phải làm việc khoảng 16-20 tiếng một ngày dưới giá rét âm độ của mùa đông xứ Ả Rập. Sự hà khắc của nữ chủ nhà, sự khác biệt vê ngôn ngữ, văn hóa, luật lệ khiến cô không thể thích nghi. Cô sẽ không được ăn và ngủ nếu chưa làm xong việc, thậm chí: "Họ biết tôi bệnh. Nhưng không có sự khoan nhượng". Tất cả hành động của người lao động sẽ bị chủ nhà giám sát. Theo văn hóa ở Ả Rập, người giúp việc không được nói chuyện với ông chủ. Mọi việc trong gia đình kể cả cuộc sống của người giúp việc chính là phục tùng mọi yêu cầu mà bà chủ đặt ra. Sau hơn chín tháng, cô qua ba đời chủ và không một nơi nào yên ổn.
Tại nhà chủ đầu tiên, Nghiêm Hương đối mặt mối nguy bị cưỡng bức và không ai đứng ra bảo vệ mỗi lần bà chủ vắng nhà. "Ông ta không để tôi kịp đề phòng, từ phía sau ông ta ôm chặt ngang người tôi, tay còn lại thọc thẳng vào ngực tôi từ phía trên cổ áo rồi cứ vậy ông ta ép "của quý" của mình vào mông tôi và dồn tôi vào sát tường", trích chương Đại chiến với ông chủ dâm ô.
Tại nhà chủ thứ hai, tác giả không còn sợ nỗi lo bị cưỡng bức nhưng phải chịu sự hành hạ về thể xác. Cô bị bạt tai mỗi khi làm không vừa ý hay cãi lại bà chủ. cô kể: "Không nói không rằng, bà ta táng mạnh vào đầu tôi làm tôi loạng choạng ngã vào bồn rửa. Quá đau, mắt tôi hoa lên". Những lần bà chủ tụ tập bạn bè, "bà ta tát tôi đến chóng mặt vì không giữ bọn trẻ cho tốt để bà ta xấu hổ trước mặt mọi người", tác giả viết trong chương Đói rét, tủi cực và... chết hụt.
Hương tiếp tục bị bạo hành trong lần đổi chủ thứ ba với mức độ nặng hơn. Có lần cô bị hất cả lọ tiêu xay vào mặt khi làm sai ý mama (bà chủ). "Tôi chưa từng thấy gia đình nào mà người giúp việc đông tới mức như vậy. Nhưng họ không phải người giúp việc, không phải nô lệ mà chỉ là những con vật câm lặng làm theo tiếng huýt gió của mama", tác giả nhớ lại.
Trong những bữa tiệc xa hoa tại nhà chủ, tác giả thấy một bên là những con người áo quần lộng lẫy, nhàn hạ tận hưởng niềm vui, một bên là những người giúp việc như cô túi bụi trong việc bày biện, dọn dẹp, nấu ăn, rửa bát, giặt ủi... "Chúng tôi phục vụ hết bữa trà sáng thì chuyển sang bữa trưa lúc chín giờ tối. Họ ăn uống, chuyện trò đến gần nửa đêm thì đi nghỉ một lát. Ba giờ sáng họ dậy và chúng tôi lại tất tả bê bữa ăn cuối cho họ để họ kịp ăn trước khi mặt trời mọc. Rửa ráy, dọn dẹp xong xuôi là hơn sáu giờ sáng, cả đám rũ rượi kéo lên nằm vạ vật để chín rưỡi lại phải có mặt để tiếp tục ngày tiếp theo. Được một tuần, tôi không thể chịu đựng nổi khối lượng người phải phục vụ và công việc mà mình cáng đáng" (trích trang 80).
Khi mọi chuyện vượt quá sức chịu đựng, Nghiêm Hương tìm mọi cách tự giải thoát. Cô kể may mắn được một người giúp việc khác có thâm niên hơn trong gia đình chủ giúp đỡ, bày cách trốn. Tuy nhiên, quãng thời gian trôi dạt qua các nhà chủ đã để lại mảng màu u tối trong tâm hồn cô, bởi để tự cứu mình, cô ngụy tạo những lời nói dối về cái chết của mẹ mình, lừa dối những người tốt hiếm hoi cô gặp được ở xứ người, ngụy tạo vụ tự tử để đổi lấy tự do.
Hồi đầu tháng 2, Nghiêm Hương gửi bản thảo mang tên Người đàn bà bỏ trốn và 285 ngày ở Ả Rập Xê Út cho công ty sách Sống. Sách sau đó được in với tên Đừng chết ở Ả Rập Xê Út. Tác giả hy vọng gửi gắm thông điệp: "Hãy cân nhắc trước khi trả giá, trước khi đặt bút ký vào một hợp đồng mang mác xuất khẩu lao động"

1 nhận xét:

  1. Đây là thông điệp rất hữu ích cho những người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động

    Trả lờiXóa

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...