Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn Whitmore thường sốt, giảm cân, đau dạ dày hoặc ngực, đau cơ khớp, đau đầu và co giật.
Whitmore còn gọi bệnh melioidosis, là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy
hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. B. pseudomallei sống
trong đất, vì thế đường lây nhiễm chính là qua tiếp xúc các vết trầy
xước trên da với đất hoặc nước có vi khuẩn. Lây nhiễm qua đường hô hấp
khi hít phải các hạt bụi đất có vi khuẩn trong những trận gió lốc xoáy
trước cơn mưa.
Một số nghiên cứu cho thấy có thể nhiễm bệnh khi ăn thức ăn có vi
khuẩn. Chưa có bằng chứng về lây bệnh giữa người với người hoặc lây từ
động vật sang người qua đường không khí. Vì thế, các ca bệnh Whitmore
thường lác đác, lẻ tẻ chứ không bùng phát thành dịch hoặc đại dịch.
Thời gian ủ bệnh từ một đến 21 ngày, trung bình 9 ngày. Các triệu chứng
thường xuất hiện hai đến bốn tuần sau khi tiếp xúc vi khuẩn.
MedicineNet chia bệnh melioidosis thành các loại khác nhau, mỗi loại có dấu hiệu và triệu chứng riêng:
Nhiễm trùng phổi:
Các dấu hiệu và triệu chứng của melioidosis phổ biến nhất, xuất phát từ
bệnh phổi nơi nhiễm trùng có thể hình thành một khoang mủ (áp xe). Tác
động của nhiễm trùng phổi có thể từ viêm phế quản nhẹ đến viêm phổi
nặng. Do đó, bệnh nhân cũng có thể bị sốt, nhức đầu, chán ăn, ho, khó
thở, đau ngực và đau nhức cơ nói chung.
Nhiễm trùng cục bộ: Khi nhiễm trùng trên da (viêm mô tế bào) sẽ có các dấu hiệu như đau hoặc sưng, loét và áp xe, kèm theo sốt và đau cơ.
Nhiễm trùng máu:
Nếu melioidosis xâm nhập vào máu, các triệu chứng có thể bao gồm sốt,
nhức đầu, suy hô hấp, khó chịu ở bụng, đau khớp và mất phương hướng.
Nhiễm trùng lan tỏa:
Bệnh melioidosis có thể lây lan từ da qua máu để trở thành một dạng
melioidosis mạn tính ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận, khớp và mắt.
Chẩn đoán bệnh Whitmore chính xác phải dựa trên các xét nghiệm phân lập
và định danh vi khuẩn trong mẫu bệnh phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu hoặc
dịch não tủy. Ảnh: Luke Duggleby.
|
Theo bác sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện
Bạch Mai, Whitmore được coi là "kẻ mạo danh" vì bệnh không có những biểu
hiện lâm sàng rõ ràng và thường bị chẩn đoán lâm sàng nhầm sang các
bệnh khác như viêm phổi, lao phổi, áp xe cơ, nhiễm trùng huyết do các vi
khuẩn khác như tụ cầu, liên cầu... Chẩn đoán chính xác bệnh phải dựa
trên các xét nghiệm phân lập và định danh vi khuẩn trong các mẫu bệnh
phẩm máu, mủ, đờm, nước tiểu, hoặc dịch não tủy.
Whitmore không phải là bệnh nhiễm trùng cơ hội, gặp ở mọi đối tượng từ
trẻ sơ sinh đến người già, người khỏe mạnh cho đến người có hệ miễn dịch
yếu. Người có nguy cơ nhiễm Whitmore nhiều nhất là nông dân nghèo, có
tiền sử đái tháo đường, người nghiện rượu, người có bệnh mạn tính về
phổi và thận.
Theo báo cáo từ các vùng có bệnh trên thế giới, tỷ lệ trẻ em mắc bệnh
chiếm 5-15% tổng số ca Whitmore. Khoảng 35% trẻ mắc bệnh có biểu hiện
viêm mủ tuyến nước bọt mang tai, 65% ở các thể khác như sốt cao, viêm
phổi, áp xe ở lách và thận, cũng có thể biểu hiện khu trú bằng các ổ
nhiễm khuẩn trên da, đặc biệt ở vùng đầu, mặt và cổ. Diễn biến nặng có
thể gây sốc nhiễm khuẩn huyết dẫn đến tử vong.
Ở người lớn, đa số bệnh nhân mắc bệnh có biểu hiện viêm phổi kèm nhiễm
khuẩn huyết, viêm bàng quang, có các vết mưng mủ trên da, một số trường
hợp còn có biểu hiện viêm cơ, viêm khớp hoặc viêm màng não.
Whitmore là bệnh vùng, phân bố chủ yếu ở Đông Nam Á và phía Bắc
Australia, trong đó vùng Đông Bắc Thái Lan (gần với miền Trung Việt Nam)
được coi là tâm điểm của dịch bệnh trên thế giới. Singapore là đất nước
có tỷ lệ người dân ít mắc bệnh nhất Đông Nam Á, song hàng năm số người
mắc Whitmore tại đất nước không làm nông nghiệp này rất nhiều, trung
bình tỷ lệ 1,3 người/100.000 dân.
Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện trong khoảng thời gian từ
tháng 9 đến tháng 11. Số bệnh nhân tăng tỷ lệ thuận với lượng mưa. Đa
số bệnh nhân là nông dân, tuổi từ 50 đến 70, có bệnh nền đái tháo đường
hoặc bệnh mạn tính liên quan đến phổi và thận, có biểu hiện nhiễm khuẩn
huyết và viêm phổi khi nhập viện.
Quá trình điều trị Whitmore chia làm 2 pha: Pha điều trị tấn công và pha
duy trì uống kháng sinh. Phải dùng kháng sinh (thường là nhóm
ceftazidime) tiêm tấn công liều cao kéo dài liên tục trong ít nhất
khoảng 2 tuần, sau đó tiếp tục dùng kháng sinh duy trì khoảng từ 3 đến 6
tháng nữa. Điều nguy hiểm là bệnh dễ tái phát, sức khỏe của bệnh nhân
rất dễ suy kiệt do bệnh tái đi tái lại hoặc nếu điều trị không đúng phác
đồ. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong rất cao, tới 40%.
Đến nay Whitmore chưa có vắcxin phòng bệnh.
Lê NgaXem Thêm :Phát hiện 72 đột biến chưa từng biết đến gây ung thư vú
Bài viết rất hữu ích, cảm ơn tác giả
Trả lờiXóa