Thứ Năm, 19 tháng 9, 2019

CHỜ MÀ KHÔNG ĐỢI - Chuyện ngắn của Thuyên Huy


Mượn một số tình tiết có thật mà không thật, chuyện được viết bằng tưởng tượng


    Lấp lửng chiều, trời nóng vẫn nóng, từ ngã ba Tầm Long  về tỉnh, chưa thấy gì vội phải về nhà trọ, thủng thẳng ăn cơm trước rồi tính, cũng vừa lúc tan trường, học trò lớn nhỏ, tiểu học trung học từng tốp năm tốp ba, ồn ào qua cầu Quan, con đường Gia Long, phố chính rợp một trời áo trắng con gái con trai giữa nắng muộn hanh vàng, sông lặng lờ đứng im một chỗ, lác đác đâu đó phía khúc quanh ngó qua tòa hành chánh hai ba cái ghe câu nhỏ, lửng thửng chòng chành không lui cũng không tới, Thuận ngừng xe jeep, tấp đậu vào lề ngay quán Đông Đề, anh chọn cái bàn ngồi sát vĩa hè, ngó ra đường, gió từ hướng sông lùa lên mang theo hơi nước pha chút mùi bùn chưa đủ mát, cuốn theo bụi đường, không nhiều nhưng cũng làm phố xá vương chút màu sương sớm.

    Dù nhất định sẽ không trở lại nhưng cuối cùng rồi Thuận cũng về Tây Ninh, cái thành phố buồn thỉu buồn thiu đã bỏ đi sau ngày rớt tú tài 2, ngày gia đình anh dọn về dưới An Tịnh, Trãng Bàng quê ngoại và cũng vì một lá thư . Vốn tính “mê chơi hơn ham học” cho nên thi ra trường đứng hạng gần áp chót, những tỉnh gần Sài Gòn hay tốt thì mấy người học giỏi đậu cao chọn hết rồi, chỉ còn lại Tây Ninh, Hậu Nghĩa, Bình Dương coi như có vẻ gần, còn Cà Mau, An Giang , Quảng Trị, Phú Yên, Kontum Ban Mê Thuộc thì “đường dài sông nước gió núi mưa rừng” quá, suy đi nghĩ lại, tính tới tính lui, dù không muốn cũng đành “trôi theo dòng đời”, Thuận chọn Tây Ninh rồi tính gì thì tính, ít nhất cũng gần nhà.

    Mấy năm không về, Tây Ninh vẫn vậy, cái cầu chia đôi bờ vẫn một màu vôi bạc, loang lỡ, chợ tỉnh vẫn bao nhiêu đó người, cái công viên ngay dốc ngã ba, ngỏ đi Núi Bà, ngỏ về Long Hoa Tòa thánh, ngỏ dọc theo sông xe đò chạy Tây Ninh – Sài Gòn ngang qua trường trung học tỉnh, trước khi qua Giếng Mạch, ra Mít Một cũng khẳng khiu lưa thưa thiếu hoa thiếu lá như ngày nào.

    Cám ơn cậu con trai bán hàng bưng đồ ăn ra, sửa lại thế ngồi, chưa kịp so đôi đủa cái thấp cái cao, một nhóm năm sáu cô, tay cặp tay sách, áo dài cái trắng cái xanh, miệng nói miệng cười, “cô cô em em” bước vào phía góc quán bên trong, vui vẻ kéo ghế ngồi quanh cái bàn tròn lớn, quán còn vắng vì mới vừa tan sở và chợ chiều cũng chưa nhóm, thấy người ta vui, lòng bất chợt vui lây,  ngồ ngộ, Thuận quay vào nhìn, vừa lúc cô áo màu xanh lá mạ trong nhóm ngó ra, khoảng cách hai người không xa, thấy tương đối rõ, Thuận giựt mình chưng hửng nói thầm “Nguyệt đó sao”, chưa kịp phản ứng gì thì cô nàng đã đứng bật dậy, cả nhóm bổng dưng im bặt nhìn theo ngạc nhiên chờ, Nguyệt đúng là Nguyệt, con gái ông chủ ruộng của ba Thuận trước đây, gọi “anh Thuận, trời ơi không ngờ có ngày gặp lại”, Thuận cũng đứng dậy gật đầu mà không nói gì, mấy cô học trò nhỏ ngờ ngợ hỏi “ai vậy cô, ai vậy cô”, cả nhóm đứng lên, Nguyệt nhìn qua hướng Thuận trả lời “bạn cũ của cô, lâu lắm rồi không gặp”, trời dịu mát hơn,  nắng chia đôi con phố hai màu, một mờ mờ xám một vàng vàng hanh, ba bốn người khách bước vào, ngồi che hơi khuất, Thuận cười lơi, làm dấu chỉ xuống bàn, ăn vội ăn vàng tô hủ tiếu vừa đủ nguội, thở dài “trời ơi người đâu gặp lại làm chi”.

    Ăn xong, thấy không thể và cũng không tránh được, Thuận bước qua chào mọi người, Nguyệt và đám học trò đứng dậy theo ra cửa, Thuận lên xe, quay nhìn vào quán lần nữa cùng lúc ông chủ Đông Đề, đi đâu đó về, biết Thuận vì thường đến ăn, mặt mày hớn hở, đứng gần Nguyệt, hỏi lớn “ông Phó ăn chưa, về sớm vậy”, Thuận gật đầu cười rồi lái xe chạy đi, nghe kêu hai tiếng “ông Phó” Nguyệt ngạc nhiên ngó ông chủ quán Đông Đề “bộ bác biết người đó hả bác”, ông chủ nhanh nhẩu “ổng là ông Phó quận trưởng Phước Ninh đó” rồi lửng thửng bỏ đi vào, Nguyệt đứng nhìn theo hướng xe Thuận khuất trên đầu dốc tòa hành chánh chết trân.
                                                        *

    Ở ấp Bảo, không xa Tân Lập bao nhiêu, nhà Thuận nghèo như cái nghèo của cả hàng chục gia đình khác, quanh năm chưa ra khỏi làng, cày thuê, cấy mướn, cứ như vậy mà sống, an phận với con rạch con sông hai mùa nước ròng nước lớn. Gia đình may hơn một chút, năm Thuận lên bốn, nhờ có người quen xa bên nội ở Tây Ninh làm gì đó trong tòa thánh giới thiệu, ba Thuận mướn được chừng năm sáu mẫu ruộng ở Long Hòa, gần con rạch nhỏ đủ nước của ông bà Thịnh, nghe nói lại, ông bà còn cả mấy chục mẫu nữa bên Long Giang, gần biên giới Miên, nhà là một căn biệt thự thời Tây có vườn hoa trước sân, nằm trên đầu dốc đường Võ Tánh, có cơ sở làm ăn gì đó ở Sài Gòn, mấy năm qua, không giỏi giang nhưng nhờ cần cù lam lũ ba mẹ Thuận đủ sống, dư chút đỉnh mua sách mua vở, lo áo quần lành lặn cho con đi học trường làng, trường ấp.




Cuối năm lớp nhất, Thuận may mắn thi đậu vào lớp đệ thất trường trung học tỉnh, cả nhà mừng không biết bao nhiêu mà nói, hàng xóm quanh bờ mương con đê cũng tới cũng lui chúc mừng, đám bạn cùng lớp, chân đất chân bùn không còn ai tiếp tục học nữa, hình như đứa nào cũng bằng lòng an phận với cảnh đời trời định. Ba mẹ Thuận mừng  thì có mà lo cũng có, lên trên tỉnh thì ở đâu đây, có ai quen đâu, còn nhỏ xíu ăn ngủ làm sao, hai người cứ hỏi nhau, bàn nhau hết ngày này qua ngày nọ, cơm chiều cơm sáng, mà chưa biết tính như thế nào. Gần một tháng trước ngày nhập học, như cứ đánh liều, ông dẫn Thuận ra Bến Cầu, đón tàu lớn tới Cẫm Giang, theo xe đò lên nhà ông bà Thịnh trên tỉnh, thử hỏi xin cho Thuận được ở trọ đi học vài năm, thấy thằng nhỏ dễ thương, trạc tuổi Nguyệt, con gái út của mình, lại cùng lớp đệ thất năm nay và dù gì thì gia đình Thuận cũng là người quen cho nên, ông bà mau mắn nhận lời,  ba Thuận ngồi nghe mà mừng muốn khóc, theo lời ông, Thuận vòng tay cúi sát đầu, hai cha con cám ơn không biết bao nhiêu lần, ra về ông bà đưa ra tới cổng, nhắc nhớ lên kịp ngày đi học.

    Thuận được sắp ở trong cái nhà nhỏ cũng tường gạch cửa nẻo hẳn hoi, phía sân sau, gần giếng nước, mái nối liền với nhà trước, cách bậc tam cấp ra cửa sau không hơn một thước, chỗ này là chỗ ở của chị An, chừng hơn hai mươi mấy, là người ở trong nhà, lo chuyện quét dọn lau chùi, nấu nướng giặt giũ, chị là cháu của bà Thịnh đâu đó dưới miệt Long An. Ngoài cái gường ngủ bằng gỗ nâu kê sát một bên vách phòng của chị An, ông bà còn đặt cho Thuận cái bàn học cũ nhưng còn tốt thêm cái ghế cao và cái kệ hai ba ngăn để sách vở, quần áo  không có bao nhiêu, thì đựng trong cái rương cây mà ba Thuận đã ra chợ Bến Cầu mua trước ngày lên tỉnh nhập học.

   Mấy ngày đầu, vừa bỡ ngỡ lạ chỗ vừa rụt rè, nhớ nhà, Thuận cứ thúc thít khóc hoài, chị An thấy tội nghiệp đêm nào cũng vỗ về an ủi, biết thân biết phận ít khi nào Thuận dám lên nhà trên và thường ăn cơm sau chung với chị An, thay vì lên nhà trên ngồi với cả nhà ông bà Thịnh, vậy mà thấy đở ngại hơn, sáng đi học thì đi ngả sau vòng quanh qua hông nhà ra cổng. Ông bà Thịnh có hai người con gái, Ngọc là chị lớn học lớp đệ tứ, hiền ít nói, Nguyệt, con út, bằng tuổi Thuận và cùng học đệ thất nhưng khác lớp, là con gái thị thành có khác, một hai hôm đầu mới gặp đã nhanh nhẫu, tía lia hỏi này hỏi nọ, chạy lên chạy xuống, chỉ chỗ này chỗ kia, từ nhà trước tới nhà sau, nhờ vậy mà Thuận cảm thấy bớt tủi thân. Bên kia đường, đối dện với nhà ông bà Thịnh là căn nhà gạch khá lớn của Liêm, bạn chung lớp với Thuận, có ba làm trưởng ty gì đó trong tòa hành chánh tỉnh, trở thành bạn với nhau sau vài tuần vào học, từ đó sáng nào cũng vậy, Liêm qua trước cổng chờ, hai chị em Nguyệt đi trước, hai thằng bên nhau thủng thẳng phía sau đến trường, chiều về thì chạy qua chạy lại rủ ren chơi cái này cái nọ.

    Dần dà rồi cũng quen cái quen nước, Thuận nói năng nhiều hơn, nhỏ nhẹ, dạ thưa, học lại giỏi, ai nấy trong nhà đều đem lòng thương mến, nhất là chị An, mỗi lần giặt quần áo là giặt luôn cả đồ của Thuận, ăn cơm cũng chừa miếng thịt miếng cá cho. Sáng thứ bảy cuối tuần nào cũng như tuần nấy, Thuận nôn nóng thức sớm, khi cả nhà còn ngủ, chào chị An, rồi xách cái túi vải cũ lội bộ ngang qua trường, xuống khu S, chỗ có nhà máy nước đá, cùng với thằng bạn chung lớp tên Long, nhà ở chợ Cẫm Giang đón chuyến xe sớm nhất Tây Ninh – Gò Dầu, Long xuống đầu chợ, Thuận xuống bến tàu, về Bến Cầu. Trưa chủ nhật, Long cũng chờ Thuận ngay bến tàu rồi lên tỉnh lại, hai người cứ như vậy suốt gần hơn nửa năm đệ thất, sau đó quen đường quen xá rồi, có khi thì chờ nhau có khi thì mạnh ai nấy đi, xe ai nấy đón.

    Tuy nói rồi cũng quen nhưng cái phận con nhà nghèo vẫn cứ là con nhà nghèo, ngày tháng qua, lớn thêm một chút, suy nghĩ nhiều hơn một chút, có những đêm, ngồi trên thềm giếng nước sân sau nhìn vô nhà trên, trong phòng khách, tường vôi trắng và những tấm hình, chị em Nguyệt cùng ông bà Thịnh quây quần bên nhau, nói cười ngặt nghẽo, lòng Thuận buồn ray buồn rứt, buồn cái gì đó chắc chỉ có riêng mình hiểu. Hết hè, trước ngày vào học năm lên đệ ngủ, hai cha con từ Tân Lập lên tỉnh, gặp ông bà Thịnh lần nữa, trước để cám ơn ông bà thương tình đã cho phép Thuận được tá túc đi học trong hai năm qua, sau báo tin đã tìm được chỗ ở mới, có mấy đứa bạn chung lớp, gần quê, xin phép dọn đi, trước khi ra về, Thuận cầm tay chị An mà nước mắt ròng ròng, hai chị em Nguyệt coi vậy mà mắt cũng rươm rướm đỏ.

    Ở khu S, căn nhà Thuận ở có Long, hai người khác quê Gò Dầu cùng đệ ngủ nhưng khác lớp và anh Thìn, người Bến Kéo học đệ tam, là căn nhà dư  gần bìa lề đường, không xa trường của bà cô Hạnh tu tại gia, ăn chay trường ngoài ngã ba chợ Mới, không biết quen biết ra sao, bà giao nhà cho anh Thìn giữ, cho học trò ở mà không tính tiền gì hết, thỉnh thoảng trên đường đi lễ ra chùa  Gò Kén bà còn ghé tạt qua thăm, cho chút tiền nho nhỏ mua nước mắm nước tương cho cơm trưa cơm chiều có thêm chút mặn mòi.


    Từ đó, sáng vào lớp chiều tan trường, đi về hai ngả rẽ, nhiều đêm ngồi học bài, nhìn ra ngoài sân, bỗng dưng Thuận thấy mình nhớ nhớ cái gì đó là lạ, nhớ thoáng qua rồi thôi, đôi khi tan học Thuận không về liền mà tới ngã ba đầu cổng con gái ra, đứng chờ hai chị em Nguyệt ở bên này đường, vẫy vẫy tay chào, hỏi vọng qua hai ba câu, không đầu không đuôi, rồi đứng chờ đến khi hai chị em khuất dạng cuối đường, chỉ như vậy, nụ cười nửa miệng của Nguyệt, chừng đó cũng đủ cho Thuận vui trên đường về,  đêm thôi còn thao thức và cũng từ sau mùa hè năm đó, Thuận đã biết thương nhưng thương thầm, thương chỉ để mà thương thôi vậy thôi, cái thương của tuổi mới biết buồn, buồn theo nắng mưa bất chợt.

    Sau tết, qua giữa năm đệ nhất, hôm bữa tiệc chia tay trước mùa thi tú tài 2, do nhà trường tổ chức sớm, chừng một tháng để học trò có thời giờ lo bài vở lần cuối cùng, Thuận đưa cho Nguyệt cái thư mà anh đã lần lựa, nghĩ tới nghĩ lui rồi mới viết, viết với tất cả nổi niềm ôm ấp từ mấy năm qua, cô ta vui vẻ nhận, hứa sẽ đọc và đọc thật kỹ, tan tiệc, về nhà trọ, hôm đó có thể gọi là một ngày vui nhất trong đời, vì Thuận đã nói ra được những gì ẩn chứa, canh cánh trong lòng, mặc dù không chắc là có được toại nguyện như mình mong không nhưng Thuận vẫn cứ ngóng ngóng trông trông thư Nguyệt trả lời.

    Rớt tú tài 2, Thuận lặng lẽ bỏ Tây Ninh đi, chuyện chờ Nguyệt thư trả lời là chuyện không còn dám nghĩ tới, sau ngày đó, bao nhiêu năm rồi chưa có lần nào trở lại.

                                                                   *

    Trời chiều xuống chậm hơn thường ngày, Thuận từ trên quận về sớm, hối hả vào bệnh viện tỉnh thăm chị Hạnh, thư ký của văn phòng quận bị sốt viêm phổi sao đó, nghỉ làm mấy ngày nay, không ngờ gặp lại chị Nhiên, bạn chung lớp đệ nhất với Nguyệt, chung lớp nhưng lớn hơn hai ba tuổi gì đó, đang đi với một cô y tá tới phòng bệnh, mừng quá, hai người rủ nhau ra cái quán cốc che tấm bạt ni – lông xanh xế cổng bệnh viện, cặp một bên tường vôi bạc màu vàng của quân y viện hỏi nhau chuyện xưa chuyện cũ, chị Nhiên tốt nghiệp cán sự điều dưỡng, về làm ở đây hai ba năm rồi, Nguyệt cũng như Liêm thi đậu, vào đại học Sư Phạm, ra trường, cùng về dạy ở trung học Tây Ninh, trường cũ, chừng năm sáu tháng sau Liêm ngỏ ý muốn xin hỏi cưới Nguyệt nhưng rồi có lẽ là định mạng, Nguyệt cứ hẹn lần hẹn lựa, trả lời chưa muốn lập gia đình lúc này, ông bà Thịnh không giận không buồn, không hối thúc, hơn một năm sau đó, có lẽ cũng nản chí vì biết Nguyệt không yêu mình, nên thôi, Liêm kết hôn với Ngọc Hương, dược sĩ, học trước đám Nguyệt và Liêm, Thuận một năm, có nhà thuốc tây trên phố Gia long, con gái lớn của ông bà chủ tịch Hội Đồng Tỉnh, bạn bè thường qua lại với gia đình Liêm, vậy cũng êm đẹp đôi đàng. Đám bạn cũ lần lượt bỏ Tây Ninh đi hết, chị chưa lập gia đình, giờ gặp Nguyệt rất thường, hễ thấy mặt nhau thì cứ nhắc chuyện này chuyện kia cả “một trời tâm sự”, chị Nhiên cũng nhắc tới chuyện cái thư mà Thuận đưa Nguyệt hôm tiệc chia tay lớp đệ nhất, có viết thư trả lời, chờ sau mùa thi, đưa cho Thuận nhưng anh đã không về lại đây nữa và chị lắc đầu “Nguyệt vẫn chưa chịu nói là viết gì trong đó”, trở vào bệnh viện, chị Hạnh đang ngủ mê, Thuận từ giã ra về, đưa Thuận ra cổng, chị nhắc chỗ nhà mình, cũng chỗ cũ, ngay cái đường đất nhỏ có hàng ô môi, bên hông trường tư thục Văn Thanh, bảo anh nếu rãnh thứ bảy tuần tới ghé qua chơi, vì chị Nhiên được nghỉ phiên trực, Thuận gật đầu hẹn sẽ tới, bước qua bên kia đường rồi quay lại, chị mĩm cười nói vói theo “nhớ nghe ông Phó”.


     Sáng thứ bảy Thuận đến nhà chị Nhiên như đã hẹn, nói chuyện qua loa một chút, đi đâu đó ăn sáng rồi nhờ chị đi theo đến thăm ông bà Thịnh, mới về đây vài tháng, công việc trên quận còn lu bu, nên chưa sắp xếp lúc nào được, hôm nay may quá, sẳn dịp “một công hai việc”, vã lại có thêm người theo cũng đở ngại hơn. Thuận đậu xe jeep bên lề đường ngay cửa nhà, không biết chị Nhiên có nói năng gì trước với Nguyệt không, hai người chưa kịp xuống xe thì cô ta đã ra tới cổng, chị nhanh miệng ngó qua Thuận “gặp nhau rồi mà”, Nguyệt cười, không nói gì, chờ hai người cùng đi vào nhà, vừa đi cô nàng vừa nói vọng vào trong “ba mẹ ơi, có anh Thuận tới”. Trong phòng khách, cũng bộ ghế sa – lông da, cũng những tấm hình đen trắng chụp nguyên gia đình cũ ngày trước, Thuận chợt thấy lòng có chút xao xuyến, bâng khuâng trước “người xưa cảnh cũ”, hai tiếng cám ơn lại một lần nữa được nghe, ngồi bên Thuận, ông Thịnh cười, ít nói, bà Thịnh hỏi han nhiều hơn đôi chút nhưng một hai cứ gọi Thuận “ông Phó, ông Phó”, Thuận lắc đầu cười “dạ ông bà cứ kêu thằng Thuận như hồi đó được rồi”, trong khi đó, ở một góc phòng sau nhìn lên, Nguyệt, chị Nhiên và chị An, ba người tụm đầu thì thầm nhỏ to gì đó. Thuận ra xe về một mình, chị Nhiên ở nán lại, hai người theo ra tới cổng, chào nhau nhưng không hẹn chừng nào gặp nữa.


        Từ Gò Nổi, Bến Cầu về, trời cũng đã lấp xấp quá trưa, đi lối sau vào tới văn phòng, chị Hạnh thư ký đưa cho Thuận cái thư ngắn, viết vội mấy chữ của chị Nhiên, nhắn chiều nay nếu có về lại tỉnh thì ghé qua nhà ăn cơm, bác gái mẹ chị mời, đã nhờ chị Hạnh đưa lại giùm, hỏi ra mới biết, nhớ mấy ngày nằm bệnh viện tỉnh, chị được chị Nhiên săn sóc tận tình nên sáng nay, trước khi đi làm, chị có ghé nhà mang theo mấy trái xoài, trái măng cụt, vài ba hộp bánh gọi là chút quà nhỏ cám ơn.

    Chị Nhiên lấy xe Honda đi đâu đó về cũng vừa lúc Thuận đến, vào nhà, bác gái vồn vã mời nước mời trà, hỏi đủ thứ chuyện, rồi bỏ đi xuống bếp, ngồi nói ba chuyện xưa chuyện nay qua loa chút xíu rồi chị nhắc chuyện đến bây giờ Nguyệt mới chịu nói ra là đã viết gì trong thư trả lời cho Thuận, hỏi Thuận thấy sao, thật ra, cho tới bây giờ, những gì mà anh đã viết cho Nguyệt ngày đó, anh vẫn còn nhớ rõ, đôi khi ngồi một mình, bỗng chợt một trời vương vương vấn vấn bừng sống lại trong lòng, có lúc như một cơn mưa cuồng thác lũ, Thuận cố nén nhưng cứ ray rứt nhớ, lại sợ hai tiếng “muộn rồi”, Thuận nhìn chị lắc đầu “coi vậy mà quên không được”, cả hai phá lên cười, bác gái từ dưới nhà đi lên hỏi lớn “cái gì mà hai đứa cười dữ vậy”.

     Chuông tan học chiều, chị Nhiên tới đón Nguyệt trước cổng ra con gái, Thuận đậu xe jeep xa đầu ngã ba, ngồi chờ, học trò từng tốp túa nhau ra về, từ xa nhìn, hai người băng qua đường đi về hướng Thuận, chị Nhiên nói gì đó, Nguyệt ngó quanh ngó quất, hai ba đứa học trò đẩy xe đạp qua ngang, cúi đầu “chào cô”, cô ta quên mất chào lại, tới chỗ xe đậu, chị Nhiên cười hỏi đùa “ai đây”, tim đập liên hồi, Nguyệt ngập ngừng  muốn khóc “anh Thuận”.

                                                     *

    Cơm nước xong, bữa cơm cười nhiều hơn là ăn,  chiều xuống thấp thật thấp bên kia sông, mặt trời lơ lửng đỏ màu hoa phượng, trời chưa chịu tối, nắng vẫn còn nằm vắt ngang trên đường sáng rực, Thuận lái xe ngang qua bệnh viện, bỏ chị Nhiên xuống, kịp phiên trực đêm nay trên đường đưa Nguyệt về, tới nhà, ông bà Thịnh đi qua đi lại trước cửa, hai người vừa xuống xe thì cũng vừa lúc từ nhà bên kia, ông trưởng ty, ba của Liêm đẩy xe vết – pa ra, gật đầu chào “ông Phó”,  Nguyệt cúi đầu chào lại rồi đi vào trước, Thuận bước qua bên đường, bắt tay ông, hai người cười cười hỏi qua hỏi lại gì đó, rồi ông lái xe chạy đi, ông bà Thịnh và Nguyệt vẫn còn đứng trước hiên nhà chờ. Ra về, đêm nay đường phố Tây Ninh lên đèn muộn, cả nhà theo ra tới cổng, Nguyệt rươm rướm nước mắt “anh tới đón em ở trường hả”, Thuận nắm tay cô nàng, cái nắm tay đầu của một cuộc tình muộn, rồi gật đầu, ông bà Thịnh đứng cạnh bên nghe, cùng vui thầm trong lòng, họ vẫn ở đó thật lâu, nhìn theo bóng xe Thuận khuất dần dưới dốc đường, rưng rưng nước mắt. Thuận lái xe chầm chậm về nhà trọ, đếm từng ngọn đèn đường đi qua, mĩm cười một mình, cuối cùng sau những năm dài, dài như con số đèn đường vừa đếm, anh không còn chờ cái thư trả lời mà anh đã cố quên nhưng cứ nhớ.

Thuyên Huy
Canberra cuối hạ 2019
Để nhớ đám bạn cùng lớp cùng trường và cùng rớt mùa thi năm đó, năm 1969.

2 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...