Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019

Mời quý bạn xem 2 bài thơ của Phạm Thái: Đề nghĩa lư nàng Long Cơ.

Mời quý bạn xem 2 bài thơ của Phạm Thái: Đề nghĩa lư nàng Long Cơ.
                                                       *
Lời dẫn: Phạm Thái là bạn cùng chí hướng với Trương Đăng Thụ. Bấy giờ trương Đăng Thụ đang làm Tổng Trấn Lạng Sơn thời Tây Sơn.Trương Đăng Thụ đồng tình với Phạm Thái, chờ thời cơ để khởi nghĩa, chống Tây Sơn, khôi phục nhà Lê.Tướng Tây Sơn là Vũ Văn Dũng, dò biết âm mưu đó nên sai người đánh thuốc độc Trương Đăng Thụ. Phạm Thái, cải trang làm Thầy tu (Tây Sơn cũng như thời trước đó, không khó dễ với người tu hành) và đưa di hài của Trương Đăng Thụ về quê nội là làng Thanh Nê, Nam Định, an táng. Thấy Phạm Thái là người có tài nên cha của Trương Đăng Thụ là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ giữ lại làm gia sư cho con cháu trong nhà.
Trương Quỳnh Như là con gái duy nhất của Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Qũy, và là em ruột của Trương Đăng Thụ. Nàng xinh đẹp, giỏi văn chương...nên khi gặp gỡ Phạm Thái, người quốc sắc, kẻ thiên tài, tri âm gặp nhau, ý hợp tâm đầu nên chẳng mấy chốc đã thành đôi tri kỷ...Thiên tình sử đã mở ra với những thương nhớ thiết tha, vời vợi ân tình.
Vì mẹ Trương Quỳnh Như không đồng ý gả nàng cho Phạm Thái và ép gả nàng cho một người hào phú trong làng. Trương Quỳnh Như tự tử.
Phạm Thái đau đớn tột cùng, tìm quên trong men rượu và từ trần tại Thanh Hóa ở tuổi 37.
                                              *
Long Cơ là vợ của Thanh Xuyên HầuTrương Đăng Thụ, nàng đã theo chồng ở ngoài biên ải. Khi mộ chồng an táng xong, nàng làm 1 cái chòi tranh bên mộ chồng để ngày ngày cúng kiến và gìn giữ mộ phần.
Cảm cái nghĩa cao đẹp của nàng Long Cơ, Phạm Thái đã làm 2 bài thơ như đã nói trên.
                                          *
[14] Đề nghĩa lư(1) nàng Long Cơ
[1] Cuồn cuộn xe mây kiếp ruổi rong,
Dễ mà theo hỏi chốn hành tông.(2)
Khêu sầu chín khúc chùng dây sắt,(3)
Diễn thảm năm canh chạnh giọt đồng.(4)
Niệm đảo (5) mơ màng hồi thú cổ,(6)
Sinh tiêu(7) nghe lắng tiếng thiền chung.(8)
Huyền thương(9) ví chẳng thù hồng phấn,(10)
Chi kiếp trần hoàn trả chửa xong.
*
[2] Gió thu hiu hắt khóm phương tùng,(11)
Thổi rụng hàng châu, nghẹn má hồng.
Cỏ biếc chẳng treo hồn Sở trướng,(12)
Trúc vàng(13) thà điểm giọt Ngu cung.
Hoa kề cổ trủng(14) đeo tình nặng,
Trăng rạng cô lư sáng tiết trong.
Dệt gấm Thanh nê(15) câu nhất tiếu,(16)
Thêu nền Thúy Ái(16) chữ tam tùng.
Phạm Thái.
*
Chú thích:
(1) Lư là lều, chòi; nghĩa là có nghĩa; nghĩa lư là lều của nàng Long Cơ, lều dựng cạnh mộ chồng để cư tang.
(2) Hành tông, hành tung: Lý do của hành động, việc làm.
(3) Dây sắt: đàn sắt thường sánh với đàn cầm chỉ tình nghĩa phu thê.
(4) Giọt đồng: giọt đồng hồ nước, chỉ thời gian trôi qua.
(5) Niệm đảo: đọc lời khấn trong lễ cầu siêu cho chồng.
(6) Hồi thú cổ: thú là biên ải, cổ là trống;
ẩn dụ nàng Long Cơ theo chồng là Trương Đăng Thụ lúc ông làm trấn thủ ở Lạng Sơn.
(7) Sinh tiêu: sênh và tiêu: hai loại nhạc khí.
(8)Thiền chung: chuông chùa.
(9)Huyền thương: huyền là huyền nhiệm; thương là xanh; ý nói Trời xanh huyền nhiệm,
(10) Hồng phấn: phấn hồng chỉ người đàn bà.
(11) Phương tùng: Một giống tùng thơm.
(12) Sở trướng: Trong trướng của Sở Bá Vương, Hạng Vũ. Khi ông bị vây ở Cai Hạ, vợ là Ngu Cơ tự vận để ông khỏi vướng bận.
(13) Trúc vàng: Giống trúc có vân ngoằn ngoèo; người đời cho rằng đó là nước mắt của hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh, khóc chồng là vua Thuấn, lệ rơi xuống mà thành ra như vậy.
(14) Cổ trủng: Gò mả xưa.
Thanh Nê là quê hương của Thanh Xuyên Hầu, chồng bà Long Cơ là người thủ tiết trong Nghĩa lư, thuộc trấn Sơn Nam tức tỉnh Nam Định bây giờ. Câu nhất tiếu: nói tắt của câu nhất tiếu thiên kim, nụ cười đáng ngàn vàng, nghĩa hàm ẩn là ca tụng người phụ nữ đẹp.
(15) câu nhất tiếu: Nói tắt câu thành ngữ nhất tiếu thiên kim.
(16) Thúy Ái: Thúy Ái là tên con sông thuộc huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông, nơi bà Phan Thị Thuấn vợ thứ ba, mới 20 tuồi, tuẩn tiết theo chồng là Thu Lĩnh hầu Ngô Cảnh Hoàn đời Hậu Lê. (nay là phường Thúy Ái, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), Thu Lĩnh hầu Ngô Cảnh Hoàn, thống lĩnh thủy binh chống Tây Sơn và chết trận. (Theo Nguyễn Khắc Thuần, Việt sử giai thoại, Truyện Bà Phan Thị Thuấn).
*
Bản Hán Nôm, Ngân Triều soạn:
題義庐娘龍幾
滚淃車𨗠刧𨆷𨀐,
易麻蹺噲坉行踪.
挑愁𠃩曲𦇮𦀊瑟,
演惨𠄼更𢤜湥銅.
唸倒𢠩恾咴戍皷,
笙簫𦖑𠻴㗂禅鐘.
玄蒼啻丕讐紅粉,
之刧塵寰把渚衝.
*
𩙋秋咻迄㯲芳松,
𠺙梇行珠, 喭媽紅.
苦碧丕招魂楚帳,
竹黄時點湥虞宮.
花倛古塚, 㧅情𥘀,
𦝄𠓁孤廬, 節𤄯.
𦂾錦清坭句一笑,
絩𡋂翆愛𡨸三從.

*
[1]
Xe mây cuồn cuộn, đưa hồn chàng đi mất,
Dễ gì biết được chàng đi về đâu.
Muốn tỏ lòng sầu đứt ruột thì dây đàn đã chùng,
Thể hiện nỗi đau đớn xót xa thâu đêm thì như giọt đồng cùng nhỏ lệ.
Khấn vái vong linh chàng tưởng chừng như nghe vang vọng hồi trống nơi biên ải,
Tiếng sênh và tiêu vang lên nghe như tiếng chuông chùa lắng đọng.
Phải chăng Trời đã thù ghét người má phấn,
Đã vậy làm chi, cho nợ đời kiếp trần hoàn nầy chưa thể trả xong .
*
[2]
Gió thu se sẻ thổi vào khóm phương tùng,
Làm rơi những giọt châu đọng trên lá, làm cho lòng nghẹn ngào, đắng lòng không nói được nên lời.
Thân phận hèn mọn như cỏ biếc, ta không thể chết theo vua Sở như nàng Ngu Cơ,
Thà như hai bà Nga Hoàng và Nữ Anh, khóc vua Thuấn mà lệ còn đọng mãi trên rặng trúc vàng.
Làm hoa bên mộ chồng, tình hoa sâu nặng lắm thay,
Trăng soi vào lều cỏ, sáng ngời phẩm chất thủy chung của vợ hiền.
Dệt bức gấm ở Thanh Nê, quê chồng, nàng Long Cơ là một thiếu phụ đẹp,
Thêu nền ở sông Thúy Ái, chết theo chồng chết trận, nàng Phan Thị Thuấn ngời sáng chữ tam tùng.
*
Ngân Triều cảm đề
[1]
Dong ruổi xe mây vùn vụt khuất,
Về đâu há biết cõi về đâu?
Đoạn trường gióng nhạc tơ chùng phím,
Đồng nhỏ thâu đêm suối lệ sầu.
Cúng vái thì thùng mơ trống thú,
Sanh tiêu trầm lắng mộng chuông mầu.
Ông Xanh sao ghét thân bồ liễu?
Dang dở nợ trần trả được đâu!
*
[2]
Gió thu phơn phớt ngọn phương tùng,
Lệ nhỏ hàng cây, lệ má hồng.
Bèo bọt chẳng theo dòng thác đổ,
Lệ hoa thà thổn thức hương cung.
Hoa tươi mộ mới tình sâu nặng,
Trăng chiếu chòi sơ tiết ánh trong.
Dệt gấm Thanh Nê trang quốc sắc,
Cùng gương Thúy Ái vẹn tam tùng.
22.09.2019
*
Ảnhminh họa, Google
Trích Tình sử Phạm Thái và Trương Quỳnh Như, Ngân Triều biên khảo, chưa xong.


Xem :Thơ Tình Pham Thái Gửi Người Yêu : Trương Quỳnh Như (Ngân Triều Diển Giải )

Trong hình ảnh có thể có: đám mây, bầu trời, ngoài trời và thiên nhiên 

1 nhận xét:

ĐÂU NHỮNG NGÀY ĐÔNG - Thơ MaiVan VTT và Thơ Họa

(Bài xướng) ĐÂU NHỮNG NGÀY ĐÔNG Mưa dầm lả tả việc vàn xong Cái lạnh tàn đông thấm thía lòng Xót thuở quê cha đầy khốn khổ Thương ngày đất ...