Thứ Ba, 10 tháng 9, 2019

Mời quý bạn đọc một bài thơ tình của Phạm Thái.(Ngân Triều Diển Giãi )


Vài nét về tác giả:
*
Phạm Thái (chữ Hán: 範泰, 1777-1813), còn gọi Phạm Đan Phượng, Phạm Phượng Sinh, hiệu Chiêu Lì (hoặc Chiêu Lỳ); là một danh sĩ ở cuối thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.
Tiểu sử
Phạm Thái sinh ngày 19 tháng Giêng năm Đinh Dậu (26 tháng 2 năm 1777) tại làng Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội).
Ông là con Trạch Trung hầu Phạm Đạt, một võ tướng cao cấp đời Cảnh Hưng, đã khởi chống Tây Sơn nhưng thất bại.
Nối chí cha, năm 20 tuổi, Phạm Thái đi ngao du nhiều nơi để tìm và kết giao với người cùng chí hướng. Ông gặp Phổ tỉnh thiền sư (Trương Quang Ngọc), Nguyễn Đoàn rồi cùng nhau chống Tây Sơn, nhưng không thành công.
Bị truy nã, ông cắt tóc, đội lốt nhà sư, vào tu ở chùa Tiêu Sơn (tức chùa Thiên Tâm nằm trên lưng chừng núi Tiêu, nay thuộc xã Tương Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh), đặt đạo hiệu là Phổ Chiếu Thiền sư [1].
Đi tu được mấy năm, thì bạn ông là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ (người làng Thanh Nê, thuộc huyện Kiến Xương, trấn Sơn Nam, nay thuộc tỉnh Thái Bình[2]), đang làm quan ở Lạng Sơn, cho người đón ông lên đấy, tính chuyện phù Lê.
Một năm sau, khi ông trở về Kinh Bắc thăm nhà, thì được tin Trương Đăng Thụ bị đại thần Vũ Văn Dũng đầu độc chết, và đang được đem về chôn cất ở quê nhà. Phạm Thái liền đến làng Thanh Nê điếu tang bạn. Ở đây, ông đã giúp nàng Long Cơ (vợ Thanh Xuyên hầu) soạn Văn triệu linh gọi hồn chồng, làm Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu và viết Lời đề nhà Nghĩa lư để giải bày nỗi niềm thương nhớ bạn sâu sắc của ông.
Vì yêu nết, trọng tài, Kiến Xương hầu Trương Đăng Quỹ (cha Thanh Xuyên hầu) đã mời Phạm Thái ở lại để làm gia sư dạy trẻ. Nhờ vậy, Phạm Thái quen được em gái bạn là Trương Quỳnh Như. Họ cùng xướng họa thơ văn, rồi thầm yêu nhau. Cảm phục tài thơ của Phạm Thái, Kiến Xương hầu định gả con cho ông, nhưng người mẹ không bằng lòng, vì muốn gả cho một người khác [3].
Bị ép gả, Quỳnh Như tự tử [4], còn Phạm Thái cũng vì quá đau xót, đã rời bỏ nơi đó đi lang bạt. Quảng đời cuối của ông là những trận rượu say li bì [5], là những bài thơ văn bi quan và yếm thế.
Phạm Thái mắc bệnh rồi mất ở Thanh Hóa năm Quý Dậu (1813), lúc 36 tuổi.
Tác phẩm
Tác phẩm của Phạm Thái gồm:
+Chiến tụng Tây hồ phú (Đánh lại bài Phú ca tụng hồ Tây):
Đây là một bài phú họa lại 85 vận của bài Tụng Tây Hồ của Nguyễn Huy Lượng. Mục đích của ông là có ý đả phá nhà Tây sơn, một triều đại mà ông Lượng đang suy tôn.
+ Sơ kính tân trang (Câu chuyện mới về lược và gương):
Sáng tác năm Giáp Tý (1804), tức năm Phạm Thái 21 tuổi. Đây là một truyện thơ Nôm gồm 1484 câu [7], chủ yếu là thơ lục bát, có xen một ít bài thơ Đường luật, thơ cổ phong và thơ song thất lục bát. Nội dung truyện kể lại một câu chuyện tình duyên lãng mạn và trắc trở, hư cấu trên cơ sở mối tình cay đắng của chính tác giả. Xem chi tiết ở trang: Sơ kính tân trang.
*
Chung quanh mối tình với Trương Quỳnh Như, ông có một số thơ Nôm như sau:
-Văn tế Trương Quỳnh Như
-Thơ họa 12 bài Trương Quỳnh Như.
-Ngoài ra, ông còn có một bài Văn triệu linh theo thể song thất lục bát, Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu theo thể lục bát và một số bài thơ Nôm ngẩu cảm như: Tự trào, Tự thuật, Đề tranh mỹ nữ, Đề chùa Tiêu Sơn, Họa thơ Thanh Xuyên hầu, Đề nhà Nghĩa lư, Đề núi Con Voi, v.v…
***
DẠM HỎI TRƯƠNG QUỲNH NHƯ
Từ chốn thiềm cung trộm dấu hương
Dễ xui tao khách mối sầu vương
Gió thông réo rắt dong đèn oán
Trăng lạnh chênh vênh rạng bóng dương
Nếu đã tình duyên dun dủi phận
Thì xin ân ái vẹn nên đường
Phong lưu đôi lứa đà ai dễ ?
Bụi tục chi cho bợn lóa gương.
(Phạm Thái)
                     *
Chú giải:
Thiềm cung: Theo truyền thuyết, những vết đen đen trên mặt trăng là con cóc, nên gọi ánh trăng là “thiềm” 蟾. Cũng gọi mặt trăng là “thiềm cung” 蟾宮, “ngân thiềm” 銀蟾 hay “minh thiềm” 明蟾.
trộm dấu: thầm yêu mến.
Tao khách: đồng nghĩa với tao nhân, người làm thơ, người hay thơ.
Réo rắt: reo lên, vang lên cao và thanh, lúc to lúc nhỏ, lúc nhanh lúc chậm.
Oán: than thở.
Chênh vênh: ở trên cao và trơ trọi
Dun dủi: như run rủi, cơ may đưa đến.
Phong lưu: vẻ nhàn nhã, đáng yêu, xứng đôi.
*
Diễn ý:
Nàng ở nơi cung trăng, ta đã thầm yêu mùi hương ấy,
Để cho khách thơ vương vấn mối sầu tư.
Kìa gió lùa ngàn thông reo lên du dương, ta chong đèn than thở,
Ngắm vầng trăng lạnh treo cao, cho đến lúc mặt trời rạng sáng.
Nếu có phải duyên tình là hạnh phận,
Thì nên yêu nhau cho vẹn đôi đường.
Dễ gì có đôi lứa xứng đôi như thế?
Tình yêu thanh cao sao có thể mờ tấm gương sáng kia.
*
Bản Hán Nôm Ngân Triều soạn:
啖噲張琼如
自坉𡍞宮囕𢰳香,
易吹騷客䋦愁𥿁.
𩙍桶嘹溧熔畑怨,
𦝄冷崢榮𠓁𩄴陽.
𡀮㐌情緣撴㩡分,
時吀恩愛援𢧚塘.
風流對侶㐌埃易,
培俗之渚𣵲𤍶鏡.
笵泰
*
Dị bản: Gởi Quỳnh Như sau đây:
Gởi Quỳnh Như
Từ lúc thiềm cung trộm dấu thương,
Dễ xui lòng khách mối sầu vương.
Gió thông réo rắt dong đàn oán,
Trăng hạnh chênh vênh rạng bóng dương.
Nếu đã tình duyên dun rủi phận,
Thì xin ân ái vẹn nên đường.
Phong lưu đôi lứa đà ai dễ,
Bụi tục chi cho bợn lóa gương.
Phạm Thái.
*
Bản Hán Nôm Ngân Triều soạn:
𢭮琼如
自𣅶蟾宮囕𨣥愴,
易𠺼𢙱客䋦愁𥿁.
𩙍松𠰉溧搈弹怨,
𦝄幸征榮𠓁𣈖陽.
裊㐌情緣撴𡂳分,
時吀恩愛援𢧚塘.
風流對侶㐌埃易,
垻俗之渚泮𤍶鏡.
              *
Ngân Triều cảm đề
Thầm yêu hương ấy mãi xa xôi,
Tiếng sét sầu tư vương vấn rồi.
Than thở bên đèn, thông réo rắt,
Ngắm vầng trăng lạnh suốt đêm trôi.
              *
Mắt xanh xao xuyến nên duyên kiếp?
Nguyệt lão xe dây kết đẹp đôi.
Góc biển chân trời đâu phải dễ,
Phương trời thương nhớ mộng chơi vơi.
                        *
Trích tình sử Phạm Thái và Trương Quỳnh Như
Ngân Triều biên khảo, quyển số 6.
                      *
Chú giải Tiểu sử:
[1] Sách Hợp tuyển thơ văn Việt Nam (Tập 3, tr. 375) ghi "Phổ Chiêu thiền sư".
[3] Lê Dư trong Phổ Chiếu thiền sư thi văn tập cho rằng mẹ Trương Quỳnh Như ép nàng lấy Trịnh Nhị, con một nhà giàu trong vùng. Trong Thi văn bình chú, Ngô Tất Tố nói nàng bị ép gả làm lẽ một viên quan võ. Còn Sơn kính tân trang của Phạm Thái thì chép rõ là viên Đô đốc miền Trung ép phải gả nàng cho y.
[4] Sách Thành ngữ điển tích từ điển của Diên Hương ghi: Quỳnh Như đau chết (Nhà xuất bản Đồng Tháp, 1992, tr. 276).
[5] Phạm Thái là con bậc đại thần nên được gọi là cậu chiêu; lại hay say sưa túy lúy, nên lúc này ông tự gọi mình là Chiêu Lì.
[7] Số câu ghi theo truyện Sơ kính tân trang in trong sách Văn học thế kỷ 18 của Nguyễn Thạch Giang. Nguyễn Lộc trong Từ điển văn học (bộ mới) thì ghi là 1482 câu thơ.
                                    *
Tranh minh họa của Học Viết, Google.

1 nhận xét:

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...