Chủ Nhật, 15 tháng 9, 2019

Đinh lăng: Nhân sâm bồi bổ cơ thể của người nghèo

Kiên Định (daikynguyen.com )
Đinh lăng được coi là “nhân sâm của người nghèo”, không chỉ được sử dụng làm rau sống mà còn là vị thuốc có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chữa được nhiều chứng bệnh. Nó còn gọi là cây gỏi cá, nam dương sâm.
Đinh lăng có tên khoa học Polyscias fruticosa (L.) Harms (Panax fruticosum L, Nothopanax fruticosum (L) Miq., Tieghemopanax fruticosus (L.) R. Vig. Thuộc họ Ngũ gia bì (Araliaceae). Đinh lăng còn gọi là cây gỏi cá vì nhân dân thường lấy lá để ăn gỏi cá (nhưng tên đinh lăng phổ biến hơn). Là một loại cây thân nhỏ, nhẵn, không có gai, thường cao 0,8 – 1,5m.
Phân biệt các loại đinh lăng
1. Đinh lăng lá nhỏ – sâm Nam Dương
 Cây đinh lăng lá nhỏ thường được gọi tắt là cây đinh lăng, vì chúng là loại phổ biến nhất ở Việt Nam. Đinh lăng lá nhỏ có tên khoa học là Polyscias fruticosa. Một số tên gọi khác của đinh lăng lá nhỏ là đinh lăng nếp, gỏi cá, sâm Nam Dương. Đinh lăng lá nhỏ có lá hình lông chim, có hoa, thân nhẵn, chiều cao từ 80cm đến 2m nếu được chăm sóc tốt.
Ảnh: Vietbao

Cây đinh lăng được trồng làm cảnh, làm gia vị, làm thuốc trong y học cổ truyền. Lá đinh lăng có thể dùng để chế biến món ăn (nổi bật nhất là món gỏi cá), làm thuốc, làm gối đinh lăng với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Rễ cây đinh lăng được ví là nhân sâm của người nghèo, được dùng để sắc nước hoặc ngâm rượu uống rất bổ, có tác dụng kéo dài tuổi thọ.
2. Đinh lăng lá to
Cây đinh lăng lá to có tên khoa học là Polyscias filicifolia, tên gọi khác là đinh lăng ráng, đinh lăng tẻ, đinh lăng lá lớn. Đinh lăng lá to khá hiếm gặp, lá dày và to hơn nhiều so với đinh lăng lá nhỏ.
3. Đinh lăng đĩa
Cây đinh lăng đĩa có lá khác hẳn với đinh lăng lá nhỏ, dáng lá to tròn, loại lá đĩa này rất hiếm gặp và ít được biết đến.
 4. Đinh lăng lá răng
Cây đinh lăng lá răng có dáng lá xẻ răng cưa, thường được trồng để làm cây cảnh.
5. Đinh lăng lá tròn
Cây đinh lăng lá tròn có tên khoa học là Polyscias balfouriana, tên gọi khác là đinh lăng vỏ hến. Cây đinh lăng lá tròn có dáng lá to, xen kẽ màu xanh và trắng trông rất hài hòa, đẹp mắt nên thường được trồng làm cây cảnh.
6. Đinh lăng lá vằn
Cây đinh lăng lá vằn có tên khoa học là Polyscias guilfoylei, có hình dáng lá đẹp như những cánh hoa, loại cây đinh lăng này rất hiếm gặp.
7. Đinh lăng mép lá bạc
Cây đinh lăng mép lá bạc có tên khoa học là P. guilfoylei var. lacinata, tên gọi khác là đinh lăng viền bạc, đinh lăng trổ. Đinh lăng viền bạc có dáng lá đẹp, được trồng làm cây cảnh dạng đinh lăng bonsai.
Tác dụng dược lý
Thành phần hóa học: Trong đinh lăng có các alcoloid, glucozit, saponin, flavonoid, tanin, vitamin B, các axit amin trong đó có lyzin, xystei, và methionin là những axit amin không thể thay thế được (Ngô Ứng Long – Viện Quân y, 1985).
Tính vị, tác dụng: Rễ Đinh lăng có vị ngọt, tính bình; lá vị nhạt, hơi đắng, tính bình; có tác dụng bổ 5 tạng, giải độc, bổ huyết, tăng sữa, tiêu thực, tiêu sưng viêm. Đinh lăng là thuốc tăng lực. Nó làm tăng sức chịu đựng của cơ thể đối với các yếu tố bất lợi như kiệt sức, say nóng. Người bệnh bị suy nhược cơ thể uống Đinh lăng chóng phục hồi cơ thể, ăn ngon, ngủ tốt, tăng cân. Nó cũng làm tử cung co bóp mạnh hơn. Đinh lăng ít độc hơn cả nhân sâm và khác với Nhân sâm: không làm tăng huyết áp.
Công dụng chủ yếu: Đinh lăng làm thuốc bổ, trị suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém, phụ nữ sau khi đẻ ít sữa, sản hậu huyết xông nhức mỏi. Còn dùng làm thuốc chữa ho, ho ra máu, thông tiểu tiện, chữa kiết lỵ. Thân và cành chữa phong thấp, đau lưng. Lá dùng chữa cảm sốt, mụn nhọt. sưng tấy, sưng vú. Ở Ấn độ, người ta dùng trong điều trị sốt.
Ảnh: Tapchihoaky.

Bài thuốc dân gian trị bệnh từ Đinh lăng
Trên cơ sở kết quả nghiên cứu dược lý, Viện Y học quân sự Việt Nam năm 1964 cho dùng trên người thấy với liều 0,23 đến 0,50g bột đinh lăng dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu nhẹ độ (30 độ) thì có kết quả tăng sức dẻo dai của cơ thể như khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Trong nhân dân, ngoài công dụng ăn gỏi cá, có nơi dùng chữa ho, ho ra máu, thông tiểu, thông sữa, kiết lỵ nặng.
Chữa mệt mỏi, biếng hoạt động: Đinh lăng dùng rễ phơi khô, thái mỏng 0,50g, thêm 100ml nước, đun sôi trong 15 phút, chia 2 – 3 lần uống trong ngày.
Thông tia sữa, căng vú sữa: Rễ đinh lăng 30 – 40g, thêm 500ml nước sắc còn 250ml. Uống nóng. Uống luôn 2 – 3 ngày, vú hết nhức, sữa chảy bình thường.
Chữa vết thương: Giã nát lá đinh lăng đắp lên.
Chữa sưng đau cơ khớp, vết thương: Lấy 40g lá tươi giã nhuyễn, đắp vết thương hay chỗ sưng đau.
Phòng co giật ở trẻ: Lấy lá đinh lăng non, lá già cùng phơi khô rồi lót vào gối hay trải xuống giường cho trẻ nằm.
Chữa đau lưng mỏi gối: Dùng thân cành đinh lăng 20 – 30g, sắc lấy nước chia 3 lần uống trong ngày. Có thể phối hợp cả rễ cây xấu hổ, cúc tần và cam thảo dây.
Chữa thiếu máu: Rễ đinh lăng, mỗi vị 100g, 20g, tán bột, sắc uống ngày 100g bột hỗn hợp.
Chữa dị ứng, ban sởi, ho, kiết lỵ: Lá đinh lăng khô 10g sắc chung với 200ml nước, uống trong ngày.
Ho suyễn lâu năm: Lấy rễ đinh lăng, đậu săng, tang bạch bì, nghệ vàng, tần dày lá tất cả đều 8g, xương bồ 6g, gừng khô 4g, đổ 600ml sắc còn 250ml. Chia làm 2 lần uống trong ngày. Uống lúc thuốc còn nóng.
Lưu ý: Dùng rễ đinh lăng với liều cao, sẽ bị say thuốc và xuất hiện cảm giác mệt mỏi, nôn mửa, tiêu chảy.

 

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...