Y Chan - TC Luật Khoa
“Để học được những bài
học quan trọng của cuộc đời, mỗi ngày bạn phải vượt qua một nỗi sợ nào đó.”
Đó là chia sẻ của Ralph
Waldo Emerson, một trong những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất ở phương Tây thời
hiện đại.
Kinh nghiệm của R. W.
Emerson là thứ mà mỗi người trong chúng ta đều có thể tự kiểm chứng, đặc biệt
trong những thời khắc khủng hoảng.
Khủng hoảng là “tình
trạng rối loạn, mất thăng bằng nghiêm trọng do có nhiều mâu thuẫn không được
hoặc chưa được giải quyết” hoặc “tình trạng thiếu hụt gây ra mất thăng bằng
nghiêm trọng”.
Đấy là định nghĩa (phức
tạp) trong Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học.
Còn theo gốc từ tiếng
Hoa, “khủng hoảng” (恐慌) có nghĩa khá đơn giản.
“Khủng” (恐) là sợ, như trong “kinh
khủng” (kinh sợ) hay “khủng bố” (gieo rắc sợ hãi).
“Hoảng” (慌) cũng là sợ, như trong
“hoảng hồn” (sợ hết hồn) hay “hoảng loạn” (vừa sợ vừa loạn).
Hai chữ “khủng hoảng” vì
vậy chỉ đơn giản là “sợ”. Khủng hoảng tâm lý nghĩa là trong lòng bất an. Khủng
hoảng kinh tế nghĩa là nhiều người lo lắng về tình trạng kinh tế. Còn một đất
nước khủng hoảng đơn giản là đất nước bao trùm bởi nỗi sợ hãi.
Mỗi một cơn khủng hoảng,
hay cơn sợ, là cơ hội để mỗi cá nhân, cộng đồng, xã hội và các quốc gia học
được nhiều nhất.
Dịch viêm phổi virus
nCov từ Vũ Hán đang gây hoang mang khắp nơi là một cơ hội học hỏi giống vậy.
Theo nhiều dự đoán của
các chuyên gia, phải ít nhất vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng nữa, dịch bệnh
mới đạt đỉnh thiệt hại (về nhân mạng, xã hội, kinh tế …).
Nhưng tất nhiên không
cần phải chờ tới đỉnh ta mới có thể học. Lại càng không cần chờ đến lúc khủng
hoảng qua đi mới ngồi họp hành rút tỉa sợi dây kinh nghiệm, một việc chỉ có ý
nghĩa với các nhà viết sử, và các quan chức thích báo cáo thành tích (hoặc né
tránh trách nhiệm).
Bất kỳ lúc nào, chỉ cần còn một sợi liên kết neuron chưa bị nỗi sợ
nuốt chửng, ai cũng có thể học được những bài học quan trọng của cuộc
đời.
Bạn có ngạc nhiên không
khi trong dịch bệnh lần này, các cơ quan y tế vẫn phải liên tục tuyên truyền toàn dân về việc phải rửa tay thường xuyên, rửa thế nào
mới sạch sẽ, đeo khẩu trang ra sao mới đúng cách, thậm chí nhắc nhở cả đến việc
phải ăn chín uống sôi, những chuyện cứ như người lớn dạy trẻ con vậy?Nếu giống như người
viết, bạn sẽ không ngạc nhiên lắm khi tự nhìn vào gương: sự thật là, những
“người lớn” chúng ta xưa nay có ý thức thua xa rất nhiều đứa trẻ.
Chúng ta giỏi nhất là
dùng lời nói, và sức mạnh cơ bắp (hoặc nếu không đủ cơ bắp thì dùng roi dùng
nịt) để “dạy bảo” trẻ con. Dạy chúng phải nghe theo ý mình, chứ tuyệt
nhiên không dám để chúng bắt chước những gì mình làm.
Mãi đến cách đây chừng
mười năm, người viết mới lần đầu được biết đến sự tồn tại của chai gel rửa tay
sát khuẩn, từ một người bạn ở nước ngoài gửi tặng. Dù để trong ba lô đi làm hàng
ngày, tần suất sử dụng ít đến mức nhiều năm sau chai nước rửa tay bé tẹo đó vẫn
còn đến gần một nửa, dù hạn sử dụng đã qua từ rất lâu.
Có lẽ vì là quà tặng,
nên việc dùng nó được xem như một thứ xa xỉ (luxury), thay vì là căn bản thiết
yếu (basic) – bạn có thể dễ dàng nhận ra, đây chỉ là một kiểu vụng chèo khéo
chống cho ý thức vệ sinh kém cỏi của bản thân.
Tuyệt đại đa số chúng ta
đều là những học trò muôn năm của các “khoá học quan tài”: cứ phải thấy quan
tài mới đổ lệ.
Phải đến khi dịch bệnh
xuất hiện, độ lây lan tăng theo cấp số nhân, chúng ta mới hoảng hồn giật mình
trước những hành vi mất vệ sinh xưa nay của mình.
Sự hoảng loạn đó còn dẫn
đến việc đua nhau giành giật các loại khẩu trang, cồn sát khuẩn, nước rửa tay …
thậm chí đi gom cả nhu yếu phẩm như giấy vệ sinh, gạo và mì gói, chuyện đang
diễn ra nhiều ngày qua tại Hong Kong và Singapore.
Nếu là một người có chút
tò mò về lịch sử, ắt hẳn bạn sẽ không thấy ngạc nhiên mấy, cả về ý thức vệ sinh
kém cỏi lẫn tâm lý chủ quan của đa phần nhân loại thời nay.
Sau hàng triệu năm tiến
hóa, và hàng trăm ngàn năm kể từ khi tách ra khỏi các đồng loại khỉ khác, phải
mãi đến gần 200 năm trước đây, con người mới bắt đầu có hiểu biết khoa học về
lý do thật sự cần phải vệ sinh cơ thể.
Ở châu Âu, đến giữa thế
kỷ 19, rửa tay sát trùng là một khái niệm xa lạ, nếu không muốn nói là không
tồn tại. Nhiều y bác sĩ tại các bệnh viện giải phẫu xong tử thi chỉ rửa tay qua
loa bằng xà phòng và nước rồi đi thẳng tới khu phụ sản đỡ đẻ cho các bà bầu.
Nhiều trường hợp sản phụ thời đó chết vì chứng sốt hậu sản (puerperal fever).
Cho đến khi nhà khoa học người Hungary Ignaz Semmelweis tiến hành quan sát và đặt ra giả thiết rằng có các loại “hạt gây bệnh” nào đó truyền từ những xác chết
qua tay của các bác sĩ giải phẫu và sau đó nhiễm vào sản phụ. Semmelweis yêu
cầu các y bác sĩ thực hiện việc rửa tay sát trùng trước khi tiếp xúc với bệnh
nhân, nhất là sau khi rời khỏi nhà xác. Tỷ lệ tử vong của sản phụ tại bệnh viện
nơi Semmelweis nghiên cứu lập tức rớt từ 16% xuống còn 3% (theo một thống kê khác là từ 18% xuống còn trên 2%).
Vài năm sau đó, các công
trình nghiên cứu của Robert Koch và đặc biệt là của Louis Pasteur đã chứng minh cơ sở khoa học của “Lý thuyết vi trùng lây bệnh” (Germ Theory of
Disease). Kể từ đó, nhân loại mới bắt đầu nhìn thấy được rõ, cả nghĩa đen lẫn
nghĩa bóng, đường đi nước bước của các căn bệnh, đặc biệt là các loại dịch bệnh
chết người.
Lịch sử hiểu biết ngắn
ngủn này có thể giải thích phần nào cho sức ì của tập tính ở dơ cố hữu, nhưng
dĩ nhiên nó không thể là cái cớ để chúng ta đổ thừa.
Ngày nay, ngay cả trong
những chế độ cố tình kiềm hãm dân trí, tuyệt đại đa số trẻ con vẫn được dạy dỗ
cẩn thận về các yêu cầu đảm bảo an toàn vệ sinh.
Chỉ có những người lớn
tưởng rằng mình không cần phải học nữa. Chúng ta nghĩ rằng mình đã đủ giỏi đủ
tài, chủ quan từ cái cầm trên tay đến thứ bỏ vào mồm, không bận tâm từ cái tay
nắm cửa đến những tờ giấy bạc dính phải hàng ngàn bàn tay khác nhau, và vô ý
thức từ miếng đàm phun phì phèo trên phố đến những con chuột chết vứt lăn queo
ngoài đường.
Từ cái tài chủ quan đến
khi phải làm chủ quan tài nhiều lúc chỉ là vài tích tắc, đủ để một con virus
hay vi khuẩn ranh ma nào đó nhảy từ vật chủ cũ sang vật chủ mới.
Chuyện vệ sinh vì vậy
không hề là chuyện trẻ con. Nó là thứ mà mỗi người đều phải ghi vào đầu nếu còn
muốn sống, hay ít nhất nếu không muốn sống một cuộc đời đau đớn bệnh tật.
Rốt cuộc thì hai chữ “vệ sinh” nó cũng chỉ mang cái nghĩa giản dị như thế: làm thế nào để bảo vệ sinh mạng của mỗi người.
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng không những thổi bùng
lên ngọn lửa giận dữ trong nhiều người Trung Quốc về cách thức mà chính quyền
cộng sản độc tài kiểm soát che giấu thông tin.Nó còn đẩy ra ánh sáng một chủ đề thường chỉ được người dân nơi đây dè
dặt nhắc đến trong bóng tối: quyền tự do thông tin.
Đối diện với đại dịch,
nhiều người Trung Quốc nhận ra rằng tự do thông tin hóa ra chẳng phải thứ phù
phiếm trên trời, cũng chẳng phải là sản phẩm của “các thế lực phản động nước
ngoài” nào. Nó là thứ quyền lợi mà chính vì bị tước đoạt lâu nay, sinh mạng của
họ mới mong manh như vậy.
Hay nói chính xác hơn,
không có quyền tự do tiếp cận, tự do biểu đạt, tự do chia sẻ thông tin, những
người dân sống trong thể chế độc tài phải hoàn toàn phó thác tính mạng và sự an
nguy của mình vào tay những kẻ khác.
Những kẻ này, ăn lương
của dân, trên danh nghĩa là “đầy tớ”, nhưng trên thực tế lại luồn trên nẹt
dưới, chỉ có trách nhiệm với cái ghế quyền lực được “đảng ban phát” của
mình.
Những quan chức trong
các chế độ độc tài vì vậy sống một cuộc đời của ma cà rồng. Tự do thông tin đối
với họ giống như ánh sáng mặt trời. Chỉ cần bị ánh sáng chiếu vào, họ sẽ bị
thiêu sống.
Đa phần người dân tất nhiên
không phải giống loài ma cà rồng. Họ cần tự do thông tin như cây cần ánh sáng
mặt trời.
Đối với những người làm
ngành y, nơi sinh mạng được giành giật từng giây, dòng chảy thông tin quan
trọng không kém gì máu chảy trong huyết quản bệnh nhân.
Lý Văn Lượng hiểu rõ
điều đó, nên đã mạo hiểm chia sẻ thông tin cho những người bạn của mình. Nhưng
anh không phải là “bác sĩ thổi còi” duy nhất ở Trung Quốc.
Vào năm 2003, khi đại
dịch SARS hoành hành, Tưởng Nhan Vĩnh (Jiang Yanyong) đã tố cáo với báo chí trong và ngoài nước rằng chính quyền cố tình che giấu
số ca nhiễm bệnh thật sự.
Khác với Lý Văn Lượng,
vốn chỉ vô tình để rò rỉ thông tin ra bên ngoài nhóm bạn bè, Tưởng Nhan Vĩnh
công khai chống lại chế độ kiểm duyệt bưng bít thông tin của Trung Quốc.
Là bác sĩ quân y dày dạn
kinh nghiệm, vào thời điểm đó đã trên 70 tuổi, lại mang quân hàm cấp tướng
trong quân ngũ, bác sĩ Tưởng không ngần ngại chống lại thể chế mà mình hiểu rõ
chân tơ kẽ tóc.
Sau vụ SARS, ông thậm
chí còn yêu cầu Đảng Cộng sản Trung Quốc phải trả lại sự thật
lịch sử, công khai thừa nhận sự kiện thảm sát Thiên An Môn (sự kiện mà chính
ông đã phải chăm sóc cứu chữa những nạn nhân của chính quyền), trả lại tính
chính danh “yêu nước” của những người đã tham gia vào phong trào đấu tranh.
Ông bị chính quyền bắt
giam ngay sau đó, bị buộc phải “cải tạo tư tưởng”, biến mất khỏi các phương
tiện truyền thông cả nước, dù chỉ mới cách đó một năm ông còn được gọi là “anh
hùng dân tộc”.
Cho đến thời điểm hiện
tại, vị bác sĩ già đã 88 tuổi này vẫn bị quản thúc tại gia, cắt đứt mọi liên lạc với thế giới bên
ngoài.
Những người Việt Nam có
lẽ vẫn còn chưa quên bác sĩ người Ý Carlo Urbani.
Vào cuối tháng 2/2003,
Carlo Urbani được mời đến Bệnh viện Việt Pháp tại Hà Nội để khám cho một bệnh
nhân mắc chứng viêm phổi nặng. Ông nhanh chóng nhận ra có bất thường, thu thập thông tin và
cảnh báo ngay cho Tổ chức Y tế Thế giới WHO về một cơn đại dịch mới mà sau này
chúng ta đều biết là SARS.
Trong thời gian đó, ông
vẫn tiếp tục cùng các y bác sĩ tại bệnh viện cứu chữa bệnh nhân, đưa ra các
biện pháp đối phó với dịch bệnh.
Cuối tháng 3/2003, Carlo
Urbani qua đời vì nhiễm dịch SARS.
Những người như bác sĩ
Carlo Urbani, như Tưởng Nhan Vĩnh, và phần nào đó là Lý Văn Lượng, cũng như rất
nhiều những con người vô danh thầm lặng khác, hiểu rõ giá trị của thông tin đối
với sinh mạng của người khác.
Họ sẵn sàng mạo hiểm
tính mạng bản thân để truyền đạt thông tin, cảnh báo cho những người xung
quanh.
Trong khi đó, rất nhiều
quan chức trong các chế độ độc tài cũng sẵn sàng mạo hiểm tính mạng, nhưng là mạo
hiểm tính mạng của người khác, làm mọi cách bưng bít thông tin, đàn áp
trừng phạt người dám mở miệng, tất cả chỉ để giữ lấy “ổn định chính trị”, hay
nói trắng ra là cái ghế êm mông ấm đít của mình.
Dĩ nhiên giống như mọi
thứ trên đời – càng tự do càng phải có trách nhiệm – tự do thông tin cũng phải
đi kèm với trách nhiệm bảo vệ sự thật.
Nhưng sẽ là vô nghĩa khi
cứ đòi hỏi trách nhiệm của người dân mà chính quyền vẫn tước đi quyền tự do của
họ.
Giống như việc xích hai
quả tạ khổng lồ vào chân của một người từ lúc sinh ra, trong khi vẫn ra rả yêu
cầu người đó không được chạy lung tung đụng trúng người khác.
Có nhiều người lại sẽ lý
luận rằng quyền tự do thông tin thật ra không cần thiết lắm. Bằng chứng là chỉ
những lúc có đại dịch thế này mới quan trọng, còn bình thường đâu chết ai?!
Đây đích thị là suy nghĩ
của rất nhiều người Trung Quốc xưa nay, và có lẽ cũng là suy nghĩ chung của
không ít người Việt Nam đã quen ngọ nguậy trong lồng.
Thể chế của một đất nước
giống như một ngôi nhà.
Ngôi nhà chỉ đứng vững
khi thời tiết yên bình, gặp nắng gắt thì nứt gãy, đụng mưa to thì dột nát, tới
cơn gió mạnh thổi qua là đổ sập.
Bạn sẽ phải tự hỏi, một ngôi nhà kiểu đó có còn đáng để giữ lại?
Câu chuyện đã từng được
kể trong một bài viết gần đây, vẫn đáng được nhắc đi nhắc lại.Ngày xưa có cậu học trò
đến hỏi thầy của mình về cách trị quốc.
Thầy dạy rằng có ba thứ
quan trọng cần phải làm được: đủ đồ ăn, đủ binh lực, và đủ uy tín.
Phải lo chuyện ăn no mặc
ấm của dân. Phải xây dựng được nền quốc phòng vững mạnh. Và chính quyền phải
được dân tin.
Học trò nghe xong hỏi
tiếp, bảo mình không có nhiều điều kiện để làm được hết cả ba việc trên, vậy
cái nào có thể tạm thời bỏ qua không làm?
Thầy trả lời, vậy thì bỏ
qua việc xây dựng binh lực. Quốc phòng có thể không có, nhưng dân phải được ăn
no, và phải tin vào chính quyền, vậy là ổn.
Câu học trò lại hỏi,
rằng cũng không có đủ tiền để làm hết hai việc đó, giờ nếu buộc chọn một việc
thì phải làm việc nào?
Câu trả lời: chuyện đủ
ăn nếu vậy có thể tạm thời bỏ qua. Gặp phải thiên tai địch họa không lo được đủ
cái ăn cho dân thì đành chịu, nhưng một chính quyền không thể không được lòng
tin của dân.
Câu chuyện được chép trong sách “Luận ngữ”. Người học trò
là Tử Cống, còn người thầy ở đây là Khổng Tử.
Sở dĩ phải nhắc lại vì
chỉ trong thời khủng hoảng, lời dạy này của Khổng Tử mới mang đầy đủ sức nặng.
Khi không đủ tài lực xây
binh hùng tướng mạnh, cũng không đủ vật lực đảm bảo dân ăn no mặc ấm, một chính
quyền, một thể chế muốn tồn tại bắt buộc phải có lòng tin của dân.
Chỉ khi nào dân còn tin
tưởng thật sự vào chính quyền, vào thể chế đó, họ mới có thể cắn răng chịu
đựng, đồng cam cộng khổ để vượt qua khó khăn.
Ngôi nhà có bị giật sập
cũng có thể cùng nhau dựng lại.
Chứng kiến những gì đang
diễn ra tại Trung Quốc trong cơn đại dịch này, người ta khó có thể tìm thấy dấu
vết của lòng tin, ngoại trừ trên những khẩu hiệu tuyên truyền rỗng tuếch.
Những người dân trong
nước nghi ngờ cách chính quyền xử lý kiểm soát dịch bệnh, nhất là khi các quan
chức dường như không những không học được bài học từ SARS mà vẫn quyết tâm bưng
bít thông tin từ đầu.
Lòng tin của người dân
trong lẫn ngoài nước càng được thử thách khi vài ngày trước chính quyền “thay đổi cách tính”, lập tức chỉ qua một đêm số ca mắc bệnh tại Hồ
Bắc tăng gần gấp 10 lần còn số người chết tăng hơn gấp đôi.
Đại dịch lan nhanh trong
tình cảnh thông tin bị phù phép càng khiến khắp nơi hoang mang. Không chỉ tâm
dịch Vũ Hán bị thiếu thốn trang thiết bị y tế, các địa phương khác giờ đây cũng
tự lực cánh sinh, sẵn sàng “trưng thu” bất kỳ chuyến hàng y tế nào đi
ngang qua địa phận của mình, bất kể mệnh lệnh từ trung ương.
Nghi ngờ về tình hình
thật sự của dịch bệnh cũng khiến nhiều doanh nghiệp dè dặt trước lời kêu gọi
phục hồi sản xuất từ chính quyền, khi chỉ cần một ca lây nhiễm xuất hiện, toàn
bộ dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp sẽ đổ sập, thiệt hại là khôn lường.
Chỉ trong những thời
khắc khủng hoảng này, người ta mới ý thức rõ giá trị của lòng tin.
Nó mới là thứ vốn liếng
thật sự của chính quyền, là gốc rễ của toàn bộ xã hội.
Lòng tin có thể được tạo
ra từ nhiều cách.
Cho dù là bất kỳ cách
gì, lòng tin cũng không bao giờ tồn tại ở nơi mà người ta bưng bít che giấu
thông tin, ra rả những thứ dối trá sáo rỗng, tưng tửng những chiêu trò tự sướng
đầy hoang tưởng.
Lòng tin giữa người với
người càng không bao giờ tồn tại ở những chế độ bạo quyền, nơi có những loại
người bị cạo bỏ nhân tính, ngày ngày tiêm thứ dưỡng chất mang tên căm thù, bơm
đầy các loại vitamin khát máu, luôn sẵn sàng dùng thứ “sức mạnh động vật” để
kéo người khác xuống cùng với tầng loại của mình.
Một chính quyền/ thể chế
dung dưỡng những thứ trên là thứ chính quyền/ thể chế không những cạn vốn
liếng, mà còn sống mòn trong vay mượn.
Mà ở đời, một khi đã vay thì liệu có quỵt nợ được mãi?
Bài học này thật ra chỉ
có ý nghĩa với những chính thể độc tài.Các chính quyền dân cử,
theo định nghĩa, do người dân bầu ra với lá phiếu của mình, tất nhiên đã có sẵn
niềm tin của cử tri. Việc họ tiêu xài niềm tin đó thế nào là vấn đề khác.
Nhưng ngay cả các chính
quyền độc tài độc chiếm quyền lực vẫn hoàn toàn có thể, trong một chừng mực nào
đó, tạo được lòng tin trong dân.
Họ có thể làm được điều
đó bằng hai việc giản dị: minh bạch thông tin và làm theo ý dân.
Ngay từ khi dịch bệnh
chưa chính thức xuất hiện tại Việt Nam, các cơ quan chính phủ đã rất sốt sắng
trong việc truyền tải thông tin đến người dân. Thông tin được cung cấp liên tục
hàng ngày trên các báo đài.
Đáng kể nhất là trang
web của báo Sức khỏe & Đời sống thuộc Bộ Y tế, nơi có một chuyên trang cập nhật liên tục theo thời gian thực các thông
tin về tình hình dịch bệnh.
Đây có lẽ là lần đầu
tiên trong lịch sử chính quyền có một trang tin tức được trình bày hiện đại, rõ
ràng, đầy đủ thông tin cần thiết, từ các số liệu đồ thị thống kê, diễn biến
dịch bệnh đến hướng dẫn chi tiết về cách thức rửa tay, đeo khẩu trang đúng
cách…
Những người thực hiện
cũng thể hiện sự chú tâm đến phản hồi của người đọc trên mạng xã hội, khi các ý
kiến ban đầu về thời gian cập nhật chậm trễ, đường dây nóng thu phí cao quá
mức… đều được tiếp thu và chỉnh sửa gần như ngay lập tức.
Sự xuất hiện của trang
tin tức này là một minh chứng rằng chính quyền hoàn toàn có đủ năng lực để minh
bạch thông tin và đối thoại, phản hồi với người dân. Vấn đề chỉ là liệu họ có
tiếp tục làm việc này sau khi dịch bệnh đã qua đi hay không.
Lòng dân còn có thể lấy
được qua những quyết định đơn giản như cho học sinh tiếp tục nghỉ học.
Việc cho học sinh nghỉ
học dài hạn như vậy có cơ sở nào trên thực tế hay không? Có lẽ là không.
Có người lấy trường hợp
của Singapore, nơi số ca xác nhận lây nhiễm gấp vài lần Việt Nam nhưng học sinh
vẫn đi học bình thường (chỉ giới hạn các hoạt động ngoài trời và giao
lưu tập thể).
Nhưng khi đối diện với
dịch bệnh, lý trí thường phải nhường chỗ cho niềm tin.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam
cũng nhận ra điều đó khi chỉ đạo “nếu chưa làm được cho phụ huynh an tâm thì
chưa nên cho đi học” (dù rất nhiều người cho rằng đây là kiểu chỉ đạo nửa vời,
đá quả bóng trách nhiệm qua lại, một đặc trưng của các quan chức cộng sản).
Không ai biết được cho
học sinh đi học lại sẽ khiến dịch bệnh lây lan hay không, nhưng một khi lòng
người vẫn còn bất an, nghe theo đa số là lựa chọn khôn ngoan. Nó có thể không
phải là giải pháp tốt nhất, nhưng là giải pháp vừa an dân, lại vừa an toàn nhất
với chính quyền.
Bất kỳ thiệt hại nào
phát sinh từ lựa chọn đó cũng đều sẽ được xã hội đồng lòng gánh chịu.
Đây là ý nghĩa giản dị
nhất của dân chủ: tất cả đều chịu trách nhiệm.
Ngay cả trong những quyết định sai lầm, cũng không ai phải trở thành vật tế thần.
Cho dù chính quyền Trung
Quốc đã thực thi các biện pháp mạnh tay vô tiền khoáng hậu trong lịch sử, cách
ly hàng trăm triệu người, cũng như khiến thế giới tò mò ngạc nhiên với việc
tổng huy động công sức xây các bệnh viện chỉ trong vòng 10 ngày – những việc làm thể
hiện “ưu điểm” của thể chế tập quyền – tất cả đều không che lấp được thực tế:
cơn đại dịch này một lần nữa phơi bày rõ ràng những lỗ hổng chết người của chế độ độc tài.Một chính quyền được xây
dựng trên thứ chủ nghĩa thâu tóm tuyệt đối quyền lực, bóp chết tự do ngôn luận,
cấm cản các hội đoàn độc lập, dẹp bỏ đối trọng chính trị, bứng đi tính độc lập
nghiêm chính của hệ thống tư pháp, dựa dẫm hoàn toàn vào năng khiếu đàn áp bạo
lực của lực lượng an ninh chìm nổi, đó là môi trường hoàn hảo để thiêu rụi tất cả niềm tin của dân với chính
quyền lẫn giữa người với người.
Mà một khi niềm tin, thứ
vốn liếng quan trọng nhất trong mọi mối quan hệ, đã không còn, chính quyền còn
tồn tại ngày nào cũng không khác gì cái xác sống (zombie), vật vờ lượn lờ đi
truyền nhiễm cho những người khác.
Đó là bài học mà những
người dân sống trong chế độ độc tài như Trung Quốc và Việt Nam sẽ càng ngày
càng thấm thía và ngộ ra.
Nhưng các cuộc khủng
hoảng cũng làm lộ ra sự thật, rằng thứ chủ nghĩa tuyệt đối ở chiều ngược lại,
mang tên “thị trường tự do tuyệt đối”, lại cũng là thứ môi trường chẳng hay ho
gì.
Nếu khi đối diện với cơn
dịch, chế độ quan liêu độc tài phản ứng quá chậm, thì các con buôn tự do lại
phản ứng quá nhanh.
Núp trong thứ chân lý
tối thượng – quy luật cung cầu – những nhà buôn khôn ngoan tha hồ thổi giá để
đáp ứng nhu cầu hoảng loạn của thị trường.
Có một điểm gặp gỡ giao
thoa giữa hành động của các nhà buôn tự do nhanh nhạy cùng tư duy các vị quan
chức độc tài ù mề: đều bưng bít thông tin.
Bạn sẽ không gặp được
bao nhiêu nhà buôn thổi giá công khai minh bạch toàn bộ chi phí của mình để
biện minh rằng “tôi tăng vì bất khả kháng chứ không phải do lòng tham”.
Họ thừa biết rằng người
khác sẽ chấp nhận cho mình kiếm lời (rốt cục thì ai chẳng muốn kiếm lợi?!),
nhưng sẽ không mấy người chấp nhận việc “ăn khủng” dựa trên sự hoảng loạn, thậm
chí là an nguy sinh mạng của kẻ khác.
Trường hợp cách đây vài năm của Martin Shkreli, “người bị
căm ghét nhất nước Mỹ”, là một ví dụ.
Vào năm 2015, doanh nhân
trẻ Shkreli mua lại thương quyền của một loại thuốc có tên Daraprim. Thuốc này
được chế ra từ thập niên 1950 vốn chuyên dùng chữa trị cho một chứng nhiễm ký
sinh (parasitic infection) hiếm gặp. Sau khi mua được quyền sở hữu, Shkreli lập
tức quyết định tăng hơn 55 lần giá thuốc, từ 13,5 đô lên 750 đô một viên. Quyết
định này vấp phải làn sóng phẫn nộ khắp nước Mỹ, dù nó chỉ ảnh hưởng đến một số
ít người. Loại thuốc đó chỉ dành cho một số ít bệnh nhân, chủ yếu là những
người phải điều trị HIV.
Thái độ thách thức công
luận ban đầu của Shkreli càng góp phần khiến doanh nhân này trở nên nổi tiếng
với danh xưng “kẻ bị căm ghét nhất nước” (the most hated man).
Hơn hai năm sau, Martin
Shkreli nhận bản án bảy năm tù vì tội danh lừa đảo nhà đầu tư. Dù
bản án không liên quan đến scandal giá thuốc trên, nhưng có lẽ Shkreli đã không
bị cơ quan điều tra sờ gáy (nhanh đến vậy) nếu như ban đầu không tham lam thổi
phồng giá thuốc gây chú ý khắp nơi.
Lòng tham có thể chấp
nhận được, hoặc buộc phải chấp nhận, vì trong dài hạn nó mang lại lợi
ích cho tất cả. Đó là lập luận thường thấy của những người thuộc phe thị trường
tự do tuyệt đối.
Bạn sẽ phải tự hỏi,
trong số những người ủng hộ thứ lập luận này, có bao nhiêu là nạn nhân của lòng
tham đó? Hay họ có đủ tiền, đủ quan hệ để có thể sống sót, thậm chí sống tốt
trong những cơn khủng hoảng?
Sẽ lại có người bĩu môi,
thì sao nào? Thị trường tự do, ai cũng bình đẳng, ai tài giỏi thì sống tốt hơn
thôi. Quá công bằng!
Nói cách khác, miễn
không phải tôi chịu thiệt là được – một kiểu lý sự quá quen thuộc mà ta
thấy cũng xuất hiện trong nhóm người ủng hộ “sự ổn định” của các chế độ độc tài
(lại một điểm giao thoa giữa những người anh em tuyệt đối).
Thứ bình đẳng trong
thị trường tự do tuyệt đối thật sự công bằng tới đâu, sẽ cần nhiều bài viết để
nói về nó, cũng như thứ lợi ích dài hạn cho tất cả mà nhiều người vẫn
tin tưởng trong mô hình tuyệt đối đó.
Nhưng có một điều phải
khẳng định ngay từ bây giờ (mà thực chất là đã rất trễ), rằng niềm tin về lòng
tham tự do đó dựa trên một ảo tưởng: mọi nguồn lực trên đời này đều vô hạn.
Ảo tưởng đó đã dẫn đến
môi trường sống ngày càng bị tàn phá, nguồn nước sạch ngày càng cạn kiệt, các
cánh rừng ngày càng bị đốn trụi, tốc độ tuyệt chủng của những sinh vật khác
càng được đẩy nhanh.
Trong khi đó, cơn điên
nhai nuốt nhiên liệu hóa thạch của nhân loại – thải những thứ khí nhà kính ra
bầu khí quyển, nhốt toàn bộ hệ sinh thái trên trái đất trong quả bóng nhiệt
khổng lồ – vẫn tiếp diễn.
Đối diện với các cuộc khủng hoảng, đặc biệt là cuộc khủng hoảng khí
hậu mà nhiều người cho là lớn nhất trong lịch sử nhân loại, không ai có
thể sống sót bằng cách tử thủ ôm chết lấy bất kỳ thứ niềm tin tuyệt đối
nào.
Nhiều người ắt vẫn còn
nhớ đến “sự tích con thạch sùng” nổi tiếng.Đó là một trong những
câu truyện kinh điển minh họa cho một hiện tượng: cái rủi của người này là cái
may của người khác.
Trong cơn dịch lần này,
toàn bộ các hoạt động kinh tế của Trung Quốc gần như ngưng trệ, nhưng người ta
vẫn có thể chỉ ra một số ít những người hưởng lợi.
Đó là các nhà sản xuất
kinh doanh các mặt hàng y tế (khẩu trang, dung dịch sát trùng tẩy rửa, đồ bảo
hộ …), các công ty thương mại điện tử (người dân hạn chế ra đường, hạn chế tiếp
xúc, chủ động giao dịch online), và cả các doanh nghiệp giao thức ăn nhanh
(người dân không dám đi hàng quán, ưu tiên đặt hàng giao tại nhà) …
Nhưng ngay cả những nhân
vật hưởng lợi đó có lẽ cũng không hề hy vọng tình trạng khủng hoảng kéo dài.
Đơn giản vì thế giới ngày nay đã khác rất xa thời của Thạch Sùng.
Khi đại đa số người dân
đổ dồn về sống trong các đô thị (hiện tượng đô thị hóa), quan hệ phụ thuộc giữa
người với người ngày càng sâu sắc.
Một người sống ở đô thị
có thể kiếm ra rất nhiều tiền (tiêu chí cơ bản để đánh giá cái “lợi” trong thế
giới hiện đại), nhưng tất cả những nhu cầu thiết yếu của họ đều phụ thuộc vào
người khác.
Từ nước uống, thức ăn,
quần áo, đèn điện, giao thông đi lại, đến việc đi học, khám chữa bệnh, sửa chữa
đồ vật hỏng hóc, thậm chí cả các nhu cầu giải trí cũng hoàn toàn phụ thuộc vào
người khác.
Không cần phải đọc bất
kỳ quyển sách kinh tế nào, ai cũng có thể hiểu tờ giấy bạc (hay cục vàng cục
kim cương) đều chỉ là phương tiện. Giá trị của nó là do người khác quyết
định.
Một cuộc khủng hoảng gây
ảnh hưởng xấu đến người khác, vì vậy, sớm hay muộn, cũng quay ngược lại ảnh
hưởng đến bản thân.
Trừ phi sống ở một ốc
đảo hoàn toàn tự cung tự cấp, tách biệt với thế giới bên ngoài, nếu không, khi
dịch bệnh kéo dài và lây lan, ai cũng sẽ trở thành nạn nhân của nó.
Tương tự với quan hệ
giữa những cá nhân trong một cộng đồng, ngày nay các cộng đồng, các quốc gia
cũng phụ thuộc lẫn nhau ở mức độ cao chưa từng có trong lịch sử.
Chuỗi cung ứng toàn cầu,
tối ưu hóa lợi thế cạnh tranh của từng quốc gia, giúp người dân ở khắp nơi trên
thế giới đều có thể có được sản phẩm tốt nhất (tạm thời chưa bàn đến khái niệm
“tốt nhất” này có ý nghĩa đến đâu). Nhưng chính chuỗi toàn cầu đó cũng khiến
bất kỳ mắt xích nào hắt hơi thì gần như lập tức mắt xích khác cũng phải sổ mũi.
Nếu không chỉ hắt hơi mà
đổ bệnh, cộng thêm việc đó là mắt xích lớn trong chuỗi, hậu quả dây chuyền càng
nghiêm trọng hơn.
Việc Trung Quốc là tâm
phát dịch bệnh khiến gần như kinh tế toàn cầu đều lên cơn sốt: ngành dịch vụ du lịch giải trí
thiệt hại nặng, các công ty phụ thuộc vào thị trường tỷ dân tại đây điêu đứng,
những doanh nghiệp sản xuất khắp nơi thiếu linh kiện, hụt nguyên liệu phải tạm
ngưng nhà máy…
Những lời hỉ hả của một
số người Việt theo kiểu “đáng đời bọn Tàu” hay “ước gì chúng chết hết” vì vậy
cũng là thứ tâm lý ao làng ấu trĩ và không kém phần bệnh hoạn.
Khác với thời của Thạch
Sùng ngày xưa, khủng hoảng thời nay không phải là cơ hội để kiếm chác lẫn bàng
quan ngồi cười thiên hạ. Nó là cơ hội, và cũng là yêu cầu bắt buộc để tất cả
cùng thay đổi.
Đối với Trung Quốc, đó
là cơ hội để họ thay đổi phần nào thể chế quản lý (một việc có lẽ không mấy
người hy vọng). Đối với thế giới, đó là cơ hội để họ tái cơ cấu nền sản xuất và
kinh tế của mình, bớt lệ thuộc vào một nguồn duy nhất.
Còn đối với bản thân mỗi người, đó là cơ hội để học tất cả những bài
học quan trọng của cuộc đời, để có thể sống tốt trước những cơn sóng
thật sự sắp đến.
Bất kể đại dịch lần này
diễn tiến ra sao, có lây nhiễm tới 60% dân số toàn cầu như cảnh báo của các chuyên gia hay không, nó sẽ vẫn chỉ là
một bài tập dượt nhẹ.Khủng hoảng thật sự, và
là chuỗi khủng hoảng lớn nhất trong lịch sử nhân loại, đang ở phía trước.
Hay chính xác hơn, nó đã
bắt đầu từ rất lâu, nhưng vì hậu quả không diễn ra ngay trước mắt nên chẳng mấy
người để tâm.
Thử tưởng tượng nếu bạn
hút một điếu thuốc và chỉ trong vòng hai tuần, da mặt sẽ nhăn nheo, phổi
nám đen sì và sau đó là trụy tim lăn ra chết, liệu bạn có còn dám hút? Tất
nhiên là không, trừ phi đó là cách ra đi mà bạn ao ước.
Nhưng hút thuốc không có
tác dụng nhanh đến thế. Những hậu quả trên, cùng với các loại ung thư đi kèm,
chỉ xuất hiện vài chục năm sau khi hút.
Đó là lý do mà ngày nay,
bất chấp bằng chứng thực tế về tác hại của thuốc lá, nhiều người vẫn không từ
bỏ được thú vui giết mình và giết người này.
Giống như câu chuyện ẩn
dụ về con ếch và nồi lẩu.
Nếu rớt vào nồi lẩu khi
nước đang sôi sùng sục, con ếch ngay lập tức sẽ nhảy phốc ra ngoài, giữ được
mạng. Nhưng nếu nhảy vào trong lúc nước vẫn mát, cho dù nhiệt độ có ấm lên từ
từ, con ếch vẫn sung sướng yên vị trong nồi. Đến khi nước sôi, cháy bỏng da
mình, chú ếch muốn nhảy ra cũng không được. Nó đã bị luộc chín.
Người ta đang lo sợ tình
cảnh tương tự với cuộc khủng hoảng khí hậu (climate crisis) hiện tại.
Rất nhiều người vẫn chưa
xem nó là khủng hoảng (crisis), vẫn chỉ gọi nó là “biến đổi khí hậu” (climate
change), thậm chí như Donald Trump cùng một lượng lớn người ủng hộ, vẫn xem nó
chỉ là trò lừa đảo của đám “cánh tả” và cả Trung Quốc.
Những người này chối bỏ
tất cả các bằng chứng khoa học (đấy là nếu họ có đủ kiên nhẫn đọc hiểu các tài
liệu khoa học), gạt bỏ các hậu quả của cuộc khủng hoảng khí hậu (miễn rằng bản
thân chưa phải là nạn nhân), và tuyệt nhiên không thấy có lý do gì phải thay
đổi (có lẽ vì vậy nên họ luôn muốn tin “biến đổi khí hậu” là trò lừa đảo).
Ở Việt Nam không thiếu
những người như vậy. Họ có thể trốn trong các căn phòng máy lạnh mở 24/7, giấu
mình trong những chiếc xe hơi bật điều hòa hết công suất, lang thang cả ngày
trong những trung tâm thương mại mát mẻ và nghĩ rằng khủng hoảng khí hậu là
chuyện của thiên hạ.
Có thể họ không sai,
rằng khủng hoảng này chỉ tác động đến vựa lúa lớn nhất cả nước, chỉ gây ra các cơn bão mạnh với tần suất nhiều hơn nhắm vào những vùng ven
biển, chỉ khiến hạn hán diễn ra khốc liệt hơn, và biến những khu vực bị
ảnh hưởng thành môi trường lý tưởng để truyền nhiễm dịch bệnh… tóm lại là chưa trực tiếp dính dáng đến
họ.
Nhưng như bài học ở trên
đã đề cập, trong thế giới ngày nay, không ai có thể đứng ngoài cuộc chơi.
Sớm hay muộn, mọi tác
động tiêu cực ảnh hưởng đến người này cũng sẽ lan truyền đến người khác.
Cuộc khủng hoảng khí hậu
gây họa trực tiếp tới hàng trăm triệu người trên thế giới, sớm hay muộn cũng sẽ
kéo theo toàn bộ phần còn lại của nhân loại.
Đến khi đó, những người
nghĩ “khủng hoảng là chuyện của thiên hạ” mới là những đối tượng kém thích ứng
và dễ bị đào thải nhất. Vì cả đời họ không hề chuẩn bị gì cho nó, ngoài việc
trốn tránh và tiếp tục hưởng thụ.
Khủng hoảng đối với
những người này chỉ có một ý nghĩa duy nhất: nỗi sợ kinh hoàng.
Với những người khác,
những ai không muốn rúc đầu trong cát, mọi cuộc khủng hoảng đều là cơ hội để
học và phải học.
Học những bài học quan trọng nhất của cuộc đời.
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh
ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...
-
CON MỂN VÀ ĐIỀM BÁO KHÔNG MAY MẮN Con thú rừng có tên “ Mển ” hay“ Mang” , còn gọi là hoẵng , kỉ , là mộ...
-
Năm nào cũng vậy, do thức dậy sớm đi chợ sớm, nên má là người đầu tiên mở ngày ba mươi Tết ra. Không biết có phải số má cực, vía má cực kh...
-
Bối cảnh lịch sử: Nguyễn Du (chữ Hán: 阮攸; sinh ngày 3 tháng 1 năm 1766–1820), tên tự Tố Như (素如), hiệu Thanh Hiên (清軒), biệt hiệu Hồ...
Cần rút kinh nghiệm ngay
Trả lờiXóaNhững kinh nghiệm này cần được vận dụng cho những lần dịch bệnh sau này
Trả lờiXóa