Cho rằng nhiều sát thủ được tự do vì điều tra
viên yếu kém, bà Frances Glessner Lee tạo mô hình hiện trường án mạng để
phục vụ đào tạo.
Một buổi sáng tháng 4/1948, thi thể của Annie Morrison
được phát hiện nằm sấp dưới mái hiên ngôi nhà hai tầng, bên cạnh có
chiếc giẻ ướt và chiếc kẹp phơi quần áo. Trước đó, nhiều người thấy
Annie Morrison đứng trên ghế phơi đồ ở tầng hai. Giám định pháp y phát
hiện một vết đạn bắn trong ngực của nạn nhân, cỡ đạn trùng với khẩu súng
ổ xoay của người chồng.
Mô hình hiện trường vụ án Annie Morrison. Ảnh: Lorie Shaull.
|
Người hàng xóm sống ở tầng dưới cho biết người chồng thường đối xử tệ với vợ. Sáng hôm đó, hai người cãi nhau.
Làm việc với cảnh sát, người chồng phủ nhận giết vợ,
khai đang ngồi trong bếp thì nghe thấy có tiếng động, chạy ra ngoài đã
thấy cảnh như hiện trường. Trong gần 70 năm, nhiều điều tra viên đã bế
tắc khi điều tra về vụ án Annie Morrison.
Hiện trường cái chết của Annie Morrison là một trong
nhiều mô hình thu nhỏ đã được "bà tổ nghề" khoa học pháp y người Mỹ,
Frances Glessner Lee (1878–1962) nêu trong bộ sưu tập "Nghiên cứu giản
lược về những cái chết không lời giải" (Nutshell).
Sinh ra trong gia đình khá giả nhưng định kiến về phụ
nữ, ước muốn học y hoặc luật của Frances Lee bị bố mẹ phản đối. Bà phải ở
nhà và học thiết kế nội thất, khâu vá, đan móc, thêu thùa và hội họa.
Sau ly hôn, Frances Lee bắt đầu quan tâm tới khoa học pháp y qua người
bạn làm nghề điều tra viên.
Thừa kế khối gia sản cả triệu USD do bố mẹ để lại vào
năm 1931, Frances Lee được tự do theo đuổi đam mê. Bà tài trợ tiền thành
lập Khoa Pháp y ở đại học Harvard, khi ngành khoa học này vẫn còn trong
trứng nước.
Thời điểm bấy giờ, giám định viên pháp y không bị yêu
cầu có bằng cấp y khoa, cảnh sát cũng không được huấn luyện cách thu
thập và giữ gìn chứng cứ tại hiện trường. Nhiều kẻ giết người được tự do
vì kỹ năng yếu kém của người làm nhiệm vụ.
Khi hợp tác cùng đồng nghiệp ở Harvard để thay đổi
thực trạng này, Frances Lee nhận ra học viên cần có loại học cụ đặc biệt
để luyện tập. Bà tin rằng hiện trường vụ án dù có số lượng dấu vết
khổng lồ, nhưng chỉ cần đủ kiến thức và kỹ thuật, điều tra viên có thể
thu thập bằng chứng một cách có hệ thống.
Frances Lee tỉ mẩn làm những chi tiết tí hon. Ảnh: Glessner House Museum.
|
Với niềm tin ấy, Frances Lee xây dựng mô hình Nutshell
đầu tiên vào năm 1943, mất ba tháng để hoàn thiện, lấy tên "vụ án người
nông dân treo cổ". Frances Lee thuê thợ mộc chế tạo đồ đạc cho mô hình.
Mọi chi tiết còn lại đều do bà thực hiện. Mỗi năm, hai người chế tạo ba
mô hình Nutshell, tiêu tốn 3.000-4.500 USD mỗi chiếc. Tổng cộng có 20
mô hình, nhưng tới nay chỉ còn lại 18.
Mục tiêu khi dạy học bằng mô hình Nutshell không phải
để giải đố mà là luyện khả năng quan sát, chú ý những chi tiết quan
trọng. Từng món đồ tại hiện trường vụ án được tái hiện chi tiết: từ vết
máu bắn trên sàn nhà tới màu sắc nhợt nhạt của thi thể, từ nắm đấm cửa
bám bẩn mồ hôi tay lâu ngày tới chiếc chìa khóa nhỏ tí có thể khóa mở
cửa, thậm chí chiếc ghế bập bênh lắc qua lại đúng ba lần khi thả từ góc
45 độ. Tất cả đều trùng khớp với hiện trường án mạng, đặt ra thách thức
với khả năng quan sát của người xem.
Nhãn mác của từng chiếc hộp đều được Frances Lee tái hiện. Ảnh: Lorie Shaull.
|
Bộ mô hình Nutshell còn phản ánh cái nhìn của Frances
Lee về những "nạn nhân vô hình" của xã hội. Trong 18 mô hình, phần lớn
nạn nhân đều là nữ giới hoặc người nghèo, những thành phần thường dễ bị
coi nhẹ vì định kiến của điều tra viên. Frances Lee muốn các học viên
nhận ra định kiến của bản thân, từ đó luôn cố tìm hiểu từng vụ việc hết
sức có thể, bất kể nạn nhân là ai.
Vì cống hiến của mình, Frances Lee được nhận vị trí
danh dự là giám đốc đào tạo và nữ đội trưởng cảnh sát đầu tiên của Sở
cảnh sát bang New Hampshire vào 1943 - 25 năm trước khi cảnh sát nữ được
phép đi tuần một mình trên xe.
Năm 1945, bộ sưu tập mô hình Nutshell được quyên tặng cho Khoa Pháp y
của Đại học Harvard để phục vụ mục đích dạy học. Frances Lee cũng bắt
đầu phụ trách đứng lớp để dạy cảnh sát và điều tra viên phương thức khoa
học để thu thập chứng cứ. Trong mỗi buổi học, Frances Lee phân cho mỗi
học viên hai mô hình Nutshell cùng chiếc đèn pin. Sau 90 phút, học viên
sẽ phải trình bày những gì đã xảy ra tại hiện trường vụ án.
Trạng thái mở của quyển sổ cũng được tái hiện lại. Ảnh: Lorie Shaull.
|
Theo Nytimes, Frances Lee nhắc nhở học viên
rằng lời khai của nhân chứng có thể không chính xác, nhiệm vụ của điều
tra viên là vừa phải gỡ tội cho người bị oan, vừa phải vạch mặt kẻ có
tội. Như trong trường hợp của Anne Morrison, Frances Lee cho rằng người
chồng không phạm tội bởi các điều tra viên nhận ra viên đạn từ dưới bắn
lên, không phải từ trong nhà bắn ra.
Nhờ vào nỗ lực của Frances Lee, việc thu thập chứng cứ
theo hệ thống, khoa học dần trở thành một phần của quá trình điều tra.
Nhiều tiểu bang sửa đổi luật, đặt ra yêu cầu khắt khe hơn về trình độ
của chuyên viên khám nghiệm pháp y.
Sau khi Frances Lee qua đời vào năm 1962, bộ sưu tập mô hình được
chuyển giao cho Phòng Khám nghiệm pháp y thành phố Maryland, bang
Baltimore vào 1966. Tại đây, chúng được trưng bày công khai và vẫn được
sử dụng để đào tạo nghiệp vụ pháp y cho tới ngày nay.Quốc Đại
một nhân tài
Trả lờiXóaKhám phá này thật thú vị, xin cảm ơn
Trả lờiXóa