Thứ Ba, 4 tháng 2, 2020

Kinh tế Đài Loan không cần Trung Quốc vẫn thành công? (Nghiên Cứu Quốc Tế )

Nguồn: William Pesek, “Taiwan’s strong GDP growth shows it does not need China to succeed”, Nikkei Asian Review, 30/01/2020.
Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Đài Loan đang được hưởng lợi rất nhiều từ thương chiến. Các dữ liệu sơ bộ vào tuần trước cho thấy tăng trưởng GDP đã tăng tốc trong quý 4 lên mức 3,4% so với 3% trong quý 3. Thêm vào đó, Tổng thống Thái Anh Văn vừa tái đắc cử với mức ủng hộ vượt trội, giúp bà có được sứ mệnh mạnh mẽ nhằm tái cân bằng nền kinh tế Đài Loan thoát khỏi Trung Quốc.
Nhưng điều này nói dễ hơn làm. Chính phủ của bà Thái vẫn cần phải lên một kế hoạch thuyết phục để tách khỏi quốc gia thương mại lớn nhất châu Á, một quốc gia kiên quyết đè bẹp phong trào ủng hộ độc lập của Đài Loan.
Tin tốt là những thách thức đang gây khó khăn cho nhiều nền kinh tế khắp toàn cầu lại đang có lợi cho Đài Loan. Một trong số đó là sự chuyển hướng thương mại, bởi vì các khoản thuế từ Washington đã buộc một số công ty đa quốc gia phải chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Đài Loan.
Họ cũng được hưởng lợi từ những xu hướng tích cực, như nhu cầu lớn đối với điện thoại thông minh cao cấp trên toàn cầu. Đài Loan ở vị thế rất phù hợp để tận dụng làn sóng công nghệ mới, bao gồm sự lan tỏa những thiết bị điện tử tương thích với mạng 5G.
Điều này xảy ra không hoàn toàn nhờ may mắn. Tổng thống Thái rất giỏi làm những người phản đối gặp lúng túng. 12 tháng trước, các nhà đầu tư có quan điểm bi quan về sự xoay trục kinh tế khỏi Trung Quốc. Chỉ mới 6 tháng trước, các nhà phân tích chính trị cho rằng bà không có nhiều khả năng đánh bại ứng cử viên dân túy có tư tưởng ủng hộ Bắc Kinh Hàn Quốc Du (Han Kuo-yu).
Ở điểm này thì đúng là bà Thái gặp may khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã quá tay với Hồng Kông. Chiến thắng vang dội của bà vào ngày 11/1 là bằng chứng rõ ràng cho thấy sức mạnh của người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kong trong việc làm biến đổi thái độ đối với Bắc Kinh trong khu vực.
Nhưng vai trò bến đỗ an toàn cho sản xuất của Đài Loan có được là nhờ vào bàn tay của bà Thái từ năm 2016. “Chính sách hướng Nam mới” được phục hồi của bà Thái nhằm xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Đông Nam Á, Nam Á, Úc và New Zealand đã giải cứu ngành du lịch của Đài Loan. Dù chính sách này tập trung vào kết nối thương mại và kinh doanh, nó cũng dẫn đến việc Đài Bắc nới lỏng visa và gia tăng marketing du lịch.
Trung Quốc thường hạn chế dòng khách du lịch để trừng phạt các chính quyền làm phật lòng họ. Không cần nhìn đâu xa hơn Hàn Quốc vào năm 2017 hay Hồng Kông gần đây. Tuy vậy, số lượng du khách đến Đài Loan đạt kỷ lục vào năm 2019, tăng 7% so với năm ngoái.
“Kế hoạch phát triển Thung lũng Silicon Châu Á” của chính quyền Đài Loan đã thôi thúc doanh nhân có ảnh hưởng nhất Đài Loan, Terry Gou của tập đoàn Foxconn, thúc đẩy Apple chuyển dây chuyền sản xuất sang Đài Loan. Tuy rằng Apple vẫn chưa có quyết định cuối cùng, sự tin tưởng của ông Gou đã giúp ích cho chiến dịch của bà Thái. Nó cũng là một lời nhắc nhở rằng tương lai kinh tế của Đài Loan phụ thuộc nhiều vào những tiến bộ của iPhone hơn là vào Trung Quốc.
Kế hoạch của bà Thái cũng tập trung vào cơ sở hạ tầng internet tốc độ cao, giữ chân nhân tài địa phương và thu hút nhân lực từ nước ngoài. Bây giờ thì việc củng cố các chính sách trên phụ thuộc vào bà, thông qua việc tận dụng sứ mệnh mạnh mẽ mà cử tri vừa giao phó cho bà.
Dù vậy, bà Thái vẫn còn phải tiếp tục thuyết phục những người khác. “Chúng tôi đã nghi ngờ sự thành công của chiến lược đầu tư này trong vài tháng qua và chúng tôi vẫn nghi ngờ hiệu quả của nó trong việc hỗ trợ nền kinh tế Đài Loan,” theo Iris Pang đến từ ngân hàng ING của Hà Lan.
Người ủng hộ những hoài nghi trên nhiều nhất chính là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người đang đối mặt với tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong 30 năm qua. Chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” hoành tráng đã lôi kéo hơn 3.000 kỹ sư chip máy tính từ Đài Loan. Tình trạng chảy máu chất xám cho thấy bà Thái cần phải nhanh chân trong nhiệm kỳ hai như thế nào.
Bà phải đối mặt với rất nhiều chướng ngại, bao gồm giá đất và điện đắt đỏ, mức lương không cạnh tranh, và những ảnh hưởng từ một nền kinh tế đang già đi nhanh chóng. Việc nước Mỹ giờ đây là một ẩn số cũng gây khó khăn.
Mức tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6,8 tỉ đôla Mỹ, tương đương 17,2%, sang Hoa Kỳ trong năm 2019 giúp Đài Loan bù đắp mức giảm 5,7 tỉ đôla Mỹ, tức 4,1%, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông. Nhưng vai trò giúp ổn định đó của Mỹ cũng phụ thuộc vào việc ông Trump không muốn áp thuế mới lên các công ty công nghệ hay nhắm đến các sản phẩm 5G khác ngoài Huawei.
Phản ứng ban đầu của bà Thái với tư tưởng bảo hộ của Trump là hối thúc các công ty Đài Loan ở Trung Quốc đầu tư về Đài Loan. Các công ty sản xuất chip như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. đã làm điều đó, và nó đã đem lại nhiều lợi ích cho Đài Bắc.
Tỷ lệ xuất khẩu gia tăng cũng đến từ các công ty như công ty sản xuất thiết bị bán dẫn Hà Lan ASML, nhà cung cấp lớn nhất thế giới. Các khoản đầu tư như vậy giúp Đài Loan đạt được một năm thành công trên phương diện tiếp nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài, với mức tăng 9% chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019.
Tuy vậy, Đài Loan vẫn cần phải nhanh chóng nâng cấp nền kinh tế. Nhiệm vụ này bao gồm việc cần khích lệ tăng trưởng sáng tạo và năng suất thông qua những sửa đổi về luật lệ và thuế. Chính phủ của bà Thái phải giúp tăng tốc quá trình leo lên chuỗi giá trị công nghệ, từ chip bán dẫn nhanh hơn đến các sáng tạo trong ngành hóa sinh và trí tuệ nhân tạo.
Nhà kinh tế học Min-Hua Chiang từ Đại học Quốc gia Singapore đề nghị nới lỏng chính sách về nhân lực nước ngoài. Đài Loan đang trên đà trở thành một “xã hôi siêu già” vào năm 2026, với hơn 20% dân số trên 65 tuổi.
Quan trọng hơn là việc tăng mức lương trung bình. “Mức lương thấp không những đẩy các nhân sự có tay nghề sang các nước khác mà còn cản trở khả năng phát triển một nền kinh tế Đài Loan có các nền công nghiệp sáng tạo, giá trị gia tăng cao, và dựa vào kiến thức,” theo ông Chiang.
Đài Loan đã hưởng lợi từ thương chiến do đã thành công trong việc ngăn nền kinh tế chuyên về công nghệ của họ bị rỗng ruột. Chính phủ của bà Thái bây giờ phải hành động quyết liệt để thuyết phục các nhà đầu tư rằng Đài Loan có một kế hoạch rõ ràng và khả tín để vượt qua những trở ngại mà Trung Quốc sẽ dựng lên.

William Pesek là một nhà báo từng giành nhiều giải thưởng làm việc tại Tokyo và là tác giả của cuốn “Japanization: What the World Can Learn from Japan’s Lost Decades”.

(Ảnh:Wikipedia )

1 nhận xét:

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO - Thái Thanh

Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn Qui Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả ...