Thứ Bảy, 22 tháng 2, 2020

TRUONG VAN TAN :Tạp ghi của một chuyến đi Nhật

Khi bước ra khỏi cổng hải quan kiểm tra hành lý của phi trường Narita đi đến nhà ga xe lửa vào thành phố Tokyo thì tôi đã thấy một hàng dài khách nước ngoài làm thủ tục nhận vé sức mạnh mềm hấp dẫn khách thập phương. Bờ Tây Nhật Bản vốn là một vùng nông nghiệp chậm phát triển, nhưng giờ đây được chính phủ “khai hoang” tạo điều kiện đưa khách vào vùng này mà trung tâm chính là thành phố Kanazawa cổ kính. Từ chính sách “Phú quốc cường binh” của chế độ quân phiệt Nhật trong Thế chiến thứ hai đến khẩu hiệu “Kỹ thuật lập quốc” vào thập niên 70 của thế kỷ trước dùng khoa học kỹ thuật để tái dựng đất nước sau chiến tranh, nước Nhật đã đi một bước dài củng cố hòa bình. Ngày nay, người Nhật dùng cái vốn văn hóa, truyền thống và thiên nhiên tạo nên phong trào “Du lịch lập quốc”để làm giàu ngân khố quốc gia.
Số lượng người nước ngoài gia tăng không chỉ là khách du lịch mà còn là dân nhập cư lao động, phần lớn từ các nước Đông Nam Á trong đó có vài trăm ngàn người Việt. Dân số Nhật đang tụt giảm, người già gia tăng, người trẻ Nhật bỏ quê lên thành phố làm việc. Những yếu tố này làm giảm số lượng người lao động và lực lượng sản xuất cần thiết cho mọi dịch vụ nhất là ở vùng quê. Tôi gặp người Nepal hầu như khắp nơi trong khách sạn và các cửa hiệu bán lẻ. Người Việt hiện diện từ Bắc chí Nam, từ thành thị đến thôn quê nước Nhật. Việc nhận ra người đồng hương giữa những khuôn mặt châu Á tưởng như bất khả thi nhưng thật ra không khó. Dáng đi người Việt khác người Nhật và cũng khác người Trung Quốc. Âm tiếng Việt ồn ào có thể nghe rõ từ xa trong đám đông người Nhật im lìm. Số lượng đông đảo người Việt không tránh khỏi gây ra một số tiêu cực. Tình trạng ăn cắp vặt có hệ thống, bắt trộm vịt hoang về nấu cháo, chém giết nhau trong cộng đồng người Việt tại Nhật được loan truyền trên các phương tiện truyền thông Nhật tạo ra nhiều phản cảm trong quần chúng. Một thiểu số làm rầu nồi canh. Phần lớn người Việt tại Nhật làm ăn lương thiện. Những du học sinh chăm chỉ học hành và làm việc bán thời gian khắp nơi. Có nhiều người ở lại định cư nhận nơi đây làm quê hương thứ hai
                                                                    ***
Tôi trở lại thị xã Fukuroi, nơi mà tôi có một liên hệ sâu đậm hơn 40 năm qua do một ngẫu nhiên thiên định. Thị xã là điểm trung tâm nằm trên quốc lộ Đông Hải Đạo (Tokaido) nối hai thành phố Tokyo và Osaka từ thời Mạc Phủ (thế kỷ 17). Ngoài ra, thị xã nhỏ này không có gì nổi bật. Nhưng có một điều rất đặc biệt là địa danh Fukuroi có nhiều liên quan đến lịch sử cận đại Việt Nam. Đáng tiếc là rất ít người biết đến điều này kể cả sử gia chuyên nghiệp.
Trong thời kỳ Đông Du, cụ Phan Bội Châu đã từng đặt chân đến nơi này. Cụ Phan sang Nhật phát động phong trào Đông Du, nửa chừng cụ hết tiền trở nên túng quẫn giữa quê người. Bác sĩ Asaba Sakitaro ở thị xã này biết cụ vì quốc nạn mà phải bôn ba hải ngoại qua một sinh viên người Việt trong phong trào Đông Du. Nghe câu chuyện kể từ người sinh viên, Bác sĩ Asaba cảm kích trao tặng cụ một số tiền lớn vô điều kiện (tương đương 300,000 USD ngày nay) mặc dù chưa từng gặp mặt và không hề quen biết. Bác sĩ Asaba còn viết cho cụ Phan một lá thư gởi kèm mà không một chút khách khí tự cao, “Nhặt nhạnh trong nhà, chỉ còn có thế, sau này nếu cần nữa, cứ viết thư đến, sẽ có tiền gửi lại ngay” [1]. Thật là cảm động cho một nghĩa cử cao đẹp có một không hai của một bậc trí thức hào sảng trong truyền thống kẻ sĩ samurai.
Sau đó, dưới áp lực của Pháp cụ Phan bị trục xuất ra khỏi nước Nhật. Chín năm sau, cụ Phan trở lại Nhật đến Fukuroi gặp ân nhân nói lời cảm tạ nhưng tiếc thay Bác sĩ Asaba đã qua đời. Để tri ân, cụ Phan ngỏ ý lập tấm bia cảm tạ (năm 1918). Dân làng cảm khái nghĩa khí của cụ cùng nhau hiệp lực giúp cụ hoàn thành tâm nguyện của mình. Cụ Phan ở lại thị xã này gần một tháng cho đến khi tấm bia hoàn tất. Bia được dựng lên trong khuôn viên chùa Thường Lâm Tự (Jorin-ji) mà cạnh đó là mộ của Bác sĩ và dòng họ Asaba.
Tấm bia viết bằng chữ Hán với lời lẽ bùi ngùi thống thiết: “Chúng tôi vì quốc nạn, lánh chạy sang xứ Phù Tang, ông cảm thương cho chí hướng chúng tôi, giúp chúng tôi lúc khốn cùng… Than ôi! Nay ông không còn, trông khắp bốn bể, biển trời mênh mang hiu quạnh, lòng này biết tỏ cùng ai. …. Xưa nay không ai hào kiệt bằng ông, nghĩa ông bao trùm trong ngoài. Ông giúp như trời, tôi chịu như biển. Chí tôi chưa thành, ông không chờ đợi. Lòng đau vời vợi, đến ức vạn năm. Việt Nam Quang Phục Hội đồng nhân cẩn chí”
Câu chuyện cụ Phan và Bác Sĩ Asaba được kể lại chi tiết trong một quyển sách của cố giáo sư Vĩnh Sính [1].
Tấm bia cụ Phan, phía sau là nghĩa trang có mộ nhà Asaba
trong khuôn viên Thường Lâm Tự. (Ảnh TVT)

Gần như mỗi lần trở về Fukuroi, tôi tìm thời gian ghé thăm tấm bia cụ Phan cùng lúc đứng trước mộ Bác sĩ Asaba cúi đầu cảm tạ. Trong một thời gian dài, tấm bia bị chìm trong quên lãng. Trước 75, chính quyền VNCH không quan tâm nhiều đến di tích lịch sử. Sau 75, chính quyền Cộng Sản dân không mặn mà đến những gì bên ngoài lịch sử Đảng. Chỉ có 10 năm gần đây, tấm bia bỗng nhiên có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong bối cảnh nồng ấm của liên hệ ngoại giao Việt Nhật. Thế sự dù thăng trầm nhưng lòng hào hiệp của người Nhật vẫn không thay đổi. Trước khi thoái vị và nhân 100 năm (2018) ngày thành lập bia cụ Phan, Thiên Hoàng Akihito và Hoàng Hậu đã đến viếng thăm tấm bia và đọc từng dòng chữ khắc trên bia. Cũng nhân dịp này, chính quyền thị xã dựng một tấm bia trước nhà ga Fukuroi với dòng chữ Nhật Việt ghi nhớ công lao và sự liên hệ mật thiết với thị xã của cụ Phan.
Thiên Hoàng và Hoàng Hậu Michiko đang đọc những dòng chữ trên tấm bia. (Nguồn: Koho Fukuroi, 1 January 2019 No. 214)Thành phố Fukuroi dựng bia kỷ niệm trước nhà ga Fukuroi nhân 100 năm thành lập tấm bia cụ Phan. Tấm bia đề: “Nhà lãnh đạo phong trào Độc lập Việt Nam Phan Bội Châu. Thành phố Fukuroi: Nơi có quan hệ mật thiết”. (Ảnh TVT)
Ngày nay, vì ảnh hưởng của dân số tụt giảm và người trẻ đi lên thành phố cũng như những thị trấn khác ở miền quê, Fukuroi trở nên hoang vắng. Con đường chính trước nhà ga không còn nhộn nhịp như vài mươi năm trước. Nhưng trong thị xã nhỏ bé này gần đây xuất hiện một quán bún chả Hà Nội. Cô chủ từng là một du học sinh mở quán để giới thiệu hương vị Việt Nam đến người của thị xã và những người Việt xa quê hương. Cô cũng cho biết hiện đang có 400 người Việt sống và làm việc tại đây. Những người gốc Nghệ An cùng quê với cụ Phan có ý định thành lập Hội người Việt Nghệ An tại Fukuroi để cùng giao lưu văn hóa với thị xã và tưởng nhớ sự hào hiệp của Bác sĩ Asaba Sakitaro cũng như lòng yêu nước của cụ Phan Bội Châu.
                             ***
Trong suốt thời gian tại Nhật, hầu như mỗi đêm tôi theo thói quen của thời sinh viên mở tivi tìm kiếm những chương trình ca nhạc êm dịu. Tiếc thay, người Nhật hiện đại không còn lãng mạn như những thập niên 60 – 80 của thế kỷ trước. Thay vào đó là những chương trình ăn uống, nấu ăn xuất hiện từ sáng đến tối, kênh này qua kênh khác. Năm xưa, chương trình ca nhạc được trình diễn hằng đêm trên màn hình nhỏ với những bài tình ca được diễn tả bằng những giọng ca truyền cảm. Trên đường phố, trong quán ăn đâu đâu cũng nghe thoang thoảng những bài ca hit. Tình ca Nhật cũng có những nụ hôn nồng nàn, vòng tay dịu dàng, ánh mắt đắm đuối và nhiều lắm những giọt nước mắt chia ly. Nhưng không phải là những cuộc chia ly rã rời tan nát, “Mai đây khi hoa tàn úa xanh xao phong ba dập vùi. Em xin nằm xuống mang theo con tim ngậm ngùi” [2], trong khung cảnh cô tịch hoang liêu như trong nhiều bài tình ca Việt. Những cuộc tình Nhật Bản bịn rịn chia tay ở một nơi thực tế hơn như trên sân ga vắng người, sân bay mưa tầm tã, trong chuyến tàu điện cuối cùng. Mỗi bài hát thường là một câu chuyện kể về một chuyện tình mà phần lớn người con gái là kẻ nức nở tâm sự. Và có lẽ để cho bài hát lâm ly bi đát hơn, người con gái lúc nào cũng là người bị bỏ đi, cam chịu làm thân phận của kẻ thiệt thòi. Đã chia tay với anh rồi nhưng “Đôi khi đi giữa chợ đời. Thấy ai có nét giống người hao hao. Lại nhớ anh với nỗi đau. Cớ sao chẳng thấy nơi nào tình yêu?” [3], và cuối cùng người con gái nén lòng không đặng rưng rưng thỏ thẻ, “Trở trời Thu đến buồn thiu. Lâu lâu thư gửi ít điều hỏi thăm. Nếu có vài chữ bị lem. Xin anh hãy hiểu lệ kèm theo đây” [3]. Cũng có bài hát khơi gợi lại một mối tình nhỏ học trò, những hoài niệm sâu lắng của tuổi ngọc ngây thơ, “Em còn nhớ hay em đã quên. Chiếc đu màu trắng đung đưa. Theo cơn gió nhẹ công viên ngày nào” hay “Bầu trời xanh ơi, hãy nói cho tôi. Người con gái nhỏ bây giờ phương nao…” hay những mối tình nghèo kiểu “một mái nhà tranh hai quả tim vàng” trong phòng trọ chật hẹp nhưng đầy tình cảm quyến luyến của người con gái, “Trên gác nhỏ trong căn phòng ba chiếu [4]. Bên song cửa dưới gầm cầu lặng lẽ. Sông Kanda vẫn xuôi ngược giòng đời” [5]…
Giới văn nghệ Nhật Bản ngày nay hầu như không sản sinh được một người ca sĩ đại chúng (pop singer) tầm cỡ, hay những bài ca trữ tình đã từng làm rung động những con tim dù còn xanh hay đã lắm phôi pha. Có phải vì những bài ca hiện đại lai căng nhí nhố lời Anh, lời Nhật xen nhau, ca từ lắp ráp tùy tiện, ý tứ hỗn độn, âm điệu lung tung không thấm vào tâm thức của người nghe. Hay là, người trẻ Nhật bây giờ đã biết hưởng thụ nhiều hơn, thực tế hơn trong cuộc sống. Ngoài men rượu sake khề khà họ còn nhiều lắm thú vui dung tục nên không cần đến những tiếng hát trữ tình giải khuây như những ngày tháng căng thẳng của nền kinh tế phát triển cao độ ở thập niên 70. Họ lãnh đạm trước tình yêu, chỉ cần ăn uống thỏa thuê hơn là lắp đầy tâm hồn bằng sự lãng mạn. Bận bịu làm chi với những thứ “lãng mạn” gái trai…! Những giọng ca nổi tiếng một thời bây giờ cũng đã vượt “cổ lai hi”, nhưng khi có một vài chương trình ca nhạc hiếm hoi nào thì nhất định những ca sĩ này sẽ trở lại sân khấu mang lại một thoáng hương xưa trong nhiều nỗi hoài niệm mênh mang.
                                                              ***
Kiến trúc cổ đại của Nhật Bản mang một sắc thái riêng khác với kiến trúc Trung Hoa. Những ngôi chùa, thần xã (đình thần) mang một phong cách đặc thù Nhật. Nhưng kiến trúc hùng vĩ nhất phải nói đến thành quách Nhật Bản. Vào thế kỷ 15 khi Nhật Bản rơi vào tình trạng sứ quân mà sử Nhật gọi là thời đại Chiến Quốc (Sengoku Jidai). Nhu cầu làm thành như một pháo đài quân sự trở nên bức thiết cho việc phòng vệ cũng như hành chánh cho mỗi sứ quân. Sứ quân nghèo yếu làm thành nhỏ, sứ quân giàu mạnh làm thành lớn.
Theo dòng thời gian những thành quách bị chiến tranh và thiên tai tàn phá. Có nơi chỉ là phế tích trơ trọi nền đất, có nơi được phục nguyên vì tầm quan trọng lịch sử. Trong hàng trăm ngôi thành lớn nhỏ, ngày nay chỉ còn lại năm thành không bị tàn phá và giữ được cấu trúc nguyên sơ. Thành Matsumoto, thuộc tỉnh Nagano ngày nay, là một trong năm thành đó vẫn trơ gan dày dặn với gió sương.
Tôi đến viếng thành Matsumoto trong một buổi chiều mùa thu yên tĩnh. Thành Nhật Bản có một điểm chung là xây trên một nền đá kiên cố, xung quanh là được bao bọc bởi hồ nước được sử dụng như chiến hào. Thành được xây từ 3 đến 6 hay 7 tầng và tầng trên cùng là nơi chủ tướng và các võ tướng tập hợp để chỉ huy các trận đánh. Thành Matsumoto được xây giữa thế kỷ 16. Cấu trúc bên trong của thành là gỗ. Những cây đà vuông góc to nhỏ khác nhau, cây đà to nhất có tiết diện khoảng 50×50 cm, đặt chồng chéo lên nhau tạo nên khung thành thật vững chắc. Thành được xây để chống những cuộc tấn công bằng súng và pháo. Vì vậy, chất liệu làm nên tường là một thể loại composite làm từ bùn đất, vôi và những sợi giây bố gia cường. Tường có độ dày 30 cm. Tôi thử gõ nhẹ vào tường và có cảm giác tường có độ cứng như xi măng hiện đại. Dù cho mục đích quân sự, nhưng khác với Vạn lý Trường thành của Trung Quốc ngoài sự kiên cố thành được xây với thiết kế đẹp mắt uy nghi với những linh vật trên mái ngói như cá hóa long với hoa văn được khắc tỉ mỉ để khoe sự giàu có và hùng mạnh đối với các thế lực thù địch xung quanh.
Trong thành Matsumoto, người ta trưng bày những cây súng trường, súng lục, những viên đạn chì to nhỏ khác nhau mà theo lời thuyết minh nơi trưng bày là hoàn toàn tự chế “made in Japan” 100%. Như vậy, vào giữa thế kỷ 16 cùng thời với nhà Mạc và Lê Trung hưng ở Việt Nam, trong khi ở Việt Nam còn dùng cung kiếm, giáo mác thì tại Nhật các “kỹ sư cơ khí” Nhật đã phát minh súng ống cùng lúc với các thế lực phương Tây.
Tôi bước ra khỏi thành Matsumoto để kịp chụp vài bức ảnh trong nắng chiều hoàng hôn thì gặp một ông cụ lom khom cầm chiếc máy ảnh to đùng nhưng rất hiện đại loay hoay chụp ảnh. Tôi hỏi ông cụ từ đâu đến. Ông bảo tận Nagoya. Nagoya là thành phố lớn thứ ba tại Nhật sau Tokyo và Osaka. Tôi bảo ông, “Thành phố Nagoya đã có thành Nagoya uy nghi đẹp đẽ, sao ông phải nhọc công đến đây làm gì?”. Ông cụ cười hiền hòa từ tốn nói, “Thành Nagoya cũng như thành Osaka chỉ là thành phục nguyên làm lại từ bê tông cốt sắt, không còn giá trị lịch sử nữa. Chỉ để nhìn cho vui thôi”. Ông vừa chỉ thành Matsumoto vừa nghiêm nghị bảo tôi, “Chỉ có thành này và bốn thành khác mới còn tồn tại cấu trúc nguyên thủy mà thôi”, rồi ông kể một loạt tên của bốn thành còn lại mà bây giờ tôi cũng quên mất…
Thành Osaka là một trong những thành quan trọng bậc nhất trong lịch sử Nhật Bản. Thành được xây vào năm 1583 bởi Toyotomi Hideyoshi, một chiến tướng tài ba, đã tiếp tục sự nghiệp chủ tướng của ông là Oda Nobunaga, chấm dứt thời kỳ Chiến Quốc, thống nhất Nhật Bản. Khác với thành Matsumoto, trong quá khứ thành Osaka nhiều lần từng bị tàn phá vì thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh. Thành Osaka đã được phục nguyên với cái vỏ ngoài rực rỡ vào năm 1997 bằng bê tông cốt sắt cộng thêm cả chiếc thang máy đưa du khách lên xuống tham quan. Bên trong thành tràn ngập du khách, giờ đây là một viện bảo tàng trưng bày những hiện vật và tài liệu lịch sử liên quan đến thời đại cầm quyền của Hideyoshi. Hideyoshi là một nhân vật đặc biệt trong lịch sử Nhật Bản mà tôi cảm thấy cần tìm hiểu và tóm tắt cuộc đời ngang dọc của vị lãnh chúa này.
Sau khi bình định tất cả sứ quân, việc thống nhất Nhật Bản chấm dứt thời đại Chiến Quốc của Hideyoshi đã đưa ông vào lịch sử Nhật Bản như một anh hùng dân tộc. Theo những tài liệu được trưng bày, Hideyoshi xuất thân từ một gia đình nhà nông nghèo khó. Nhưng bù lại, ông có một người vợ tên là One xuất thân giai cấp quý tộc samurai suốt đời tận tụy vì ông và làm cố vấn chính trị cho ông. Sau lưng sự thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người đàn bà. Ông đầu quân theo lãnh chúa Oda Nobunaga, dần dần thành cận vệ thân tín của Nobunaga gồm cả chức vụ “giữ dép” cho chủ tướng. Hideyoshi chăm lo Nobunaga hết mực. Mùa đông, ông ôm dép Nobunaga vào ngực của mình truyền hơi nóng rồi mới trao cho vị chủ tướng giữ ấm đôi chân. Khi Nobunaga qua đời, ông lên cầm quyền tiếp tục con đường thống nhất đất nước.
Sau khi thống nhất, Hideyoshi thực hiện chủ nghĩa bành trướng. Ông có thái độ rất ngạo mạn với các nước xung quanh. Ông nghi ngờ những người truyền giáo Tây Ban Nha là những người thực dân trá hình nên ông cấm đạo Ki-tô, bắt và giết những người theo Ki-tô giáo. Ông nhìn về phía tây thấy Triều Tiên và Minh Quốc (nhà Minh, Trung Quốc). Từ những thông tin của những thương thuyền giao dịch với Đông Nam Á, ở phía nam ông biết sự tồn tại của đảo Luzon (Philippines), thuộc địa Tây Ban Nha. Năm 1587, khi còn đang trên đường chinh phạt thống nhất đất nước ông yêu cầu vua Triều Tiên đến gặp ông. Năm 1591, ông gởi thư đến đảo Luzon yêu cầu Toàn quyền người Tây Ban Nha và cả vua Tây Ban Nha đến Nhật. Không ai đến gặp ông, ông giận dữ và hăm dọa cất quân chinh phạt. Vương quốc Lưu Cầu (Okinawa ngày nay) và Đài Loan cũng nằm trong tầm nhìn của ông. Chiến lược của Hideyoshi là chiếm hai đảo này và dùng chúng như bàn đạp Nam tiến chiếm Luzon. Nhưng miếng mồi to lớn của Hideyoshi là Minh Quốc. Ông muốn thực hiện giấc mơ của chủ tướng Oda Nobunaga xâm chiếm Minh Quốc qua ngả Triều Tiên. Ông yêu cầu vua Triều Tiên mở đường cho ông chinh phạt Minh Quốc. Vua Triều Tiên phớt lờ. Ông tức giận phát động cuộc chiến xâm lược Triều Tiên vào năm 1592 nhằm năm Nhâm Thìn nên người Triều Tiên gọi là chiến tranh Imjin (Nhâm Thìn). Trong cuộc chinh phạt này, Hideyoshi dùng 16 vạn bộ binh và hơn 9000 thủy quân và sử dụng 1700 chiến thuyền đổ bộ tại Busan, phía Nam Triều Tiên. Đoàn binh tinh nhuệ của Hideyoshi thế như chẻ tre tiến lên phía Bắc hướng về kinh đô Hán Thành (Seoul ngày nay). Trung bình đoàn binh di chuyển 100 km trong một tuần. Trong vòng 3 tuần, các tướng lãnh của Hideyoshi chiếm được Hán Thành và sau đó Bình Nhưỡng. Vua Triều Tiên bỏ chạy và đoàn quân xăm lăng của Hideyoshi bắt sống được một vị hoàng tử Triều Tiên. Một nhánh quân khác thần tốc tiến về hướng Đông Bắc gần nơi mà ngày nay là biên giới giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Minh Quốc chấn động. Từ Busan đến vùng biên cương này gần 1500 km.
Được tin đại thắng tại Triều Tiên, Hideyoshi mừng lớn, giấc mơ chiếm đóng Minh Quốc gần như trong tầm tay. Ông mơ đến ngày di dời Thiên Hoàng đến Bắc Kinh rồi biến nơi này thành thủ đô của Đế quốc Nhật Bản. Ông lên kế hoạch cùng phu nhân One định cư tại Ninh Ba (một thành phố cảng thuộc tỉnh Chiết Giang ngày nay) và từ nơi này ông kỳ vọng những tướng lãnh của ông sẽ tiến chiếm nước Thiên Trúc (Ấn Độ) sau khi bình định Minh Quốc. Những diễn biến này cho thấy Hideyoshi cực kỳ tham vọng có cái hoang tưởng ngạo mạn “điếc không sợ súng” của một tên võ biền nhưng cũng có sự tính toán thao lược của một vị đại tướng.
Tuy nhiên, niềm vui của Hideyoshi đến hơi sớm. Đáp ứng lời yêu cầu của vua Triều Tiên, viện binh Minh Quốc đến kịp thời cùng với du kích quân Triều Tiên ngăn chặn mũi dùi tiến công của đoàn quân xâm lược. Nhưng bức trường thành phòng vệ dũng cảm vô hiệu hóa những cuộc càn quét trên biển của tướng lãnh Hideyoshi là các chiến thuyền Triều Tiên do Đề đốc Triều Tiên Yi Sun-sin (Lý Thuấn Thần) chỉ huy mà tư liệu Nhật trong viện bảo tàng thành Osaka không thấy đề cập tới. Những trận đánh bách chiến bách thắng của vị đề đốc thiên tài đã tiêu diệt hàng trăm chiến thuyền Nhật với tổn thất rất nhỏ cho Triều Tiên. Những trận hải chiến này cắt đứt đường tiếp vận lương thực chiến lược của vùng biển Tây Nam cho lực lượng chiếm đóng ở Hán Thành và Bình Nhưỡng. Yi Sun-sin không những là một đề đốc thao lược mà còn là một kiến trúc sư hàng hải (naval architect) tài ba. Ông thiết kế chiến thuyền dài 36 m mà nóc tàu được làm bằng thép giống như mai rùa với gai nhọn nên gọi là “tàu rùa” để chống pháo và chống nhảy tàu từ phe địch. Có thể nói “tàu rùa” là thuyền có cấu trúc thép đầu tiên trên thế giới.
Trong tình thế tiến thoái lưỡng nan, Hideyoshi lúc hăm dọa, lúc mềm mỏng; một mặt kết tập lực lượng, cho đóng quân từ Hán Thành trở xuống đến Busan, một mặt ở mời sứ giả Minh Quốc đến Nhật giảng hòa trong tâm thế của một kẻ chiến thắng. Hideyoshi mở ra mặt trận ngoại giao, vừa hòa hoãn trao trả vị hoàng tử bị bắt cho Triều Tiên vừa đưa ra 7 yêu sách trong đó yêu cầu vua Minh gả công chúa cho Thiên Hoàng làm hậu phi, cắt đôi Triều Tiên mà phía Nam sẽ là thuộc địa Nhật, mang hoàng tử Triều Tiên sang Nhật làm con tin. Mặt khác, Hideyoshi muốn dứt bỏ “cái gai” Yi Sun-sin, đặt nội gián trong triều đình vua Triều Tiên để dèm pha Đề đốc Yi khiến Yi bị bỏ tù. Phải nói Hideyoshi là người đa mưu túc trí. Nhưng liên minh Minh – Triều cũng mưu mô không kém. Liên minh Minh – Triều “câu giờ” trong một thời gian dài, ỡm ờ không đáp ứng các yêu sách của Hideyoshi. Thay vì nhận được yêu sách của Hideyoshi, vua Minh lại được trao cho một lá thư giả với nội dung Hideyoshi tỏ ý thần phục nhà Minh. Vua Minh vui vẻ tấn phong Hideyoshi cái chức “Nhật Bản Quốc Vương” hữu danh vô thực, đồng thời đòi hỏi Hideyoshi rút quân ra khỏi Triều Tiên. Hideyoshi nổi cơn thịnh nộ vì yêu cầu không được đáp ứng mà phía nhà Minh lại đưa ra những thứ vớ vẩn.
Năm 1597, Hideyoshi xé toạc 7 yêu sách rồi cử 10 vạn đại quân, 1000 chiến thuyền cộng với 5 vạn quân đang chiếm đóng chinh phạt Triều Tiên lần thứ hai. Bấy giờ, Đề đốc Yi đã bị bỏ tù không còn trong triều đình. Cái gai đã bị rút bỏ. Không có sự hiện diện của Đề đốc Yi, thủy quân Triều Tiên ở phòng tuyến phía Nam dễ dàng bị tiêu diệt. Trong lần xâm lược lần thứ hai, bộ binh Hideyoshi tiến chậm hơn lần trước vì quân Triều Tiên có tổ chức hơn, phản công quyết liệt và có đại quân Minh Quốc hỗ trợ phía sau. Nhưng sau trận đại bại của thủy quân Triều Tiên, vua Triều Tiên vội vàng phóng thích Đề đốc Yi. Người đề đốc thiên tài này trở lại chiến trường như rồng thiêng trở lại biển cả. Đề đốc Yi nhanh chóng tái tổ chức lực lượng thủy quân phía Nam, thêm một lần nữa đánh tan hơn 150 chiến thuyền, phá tan vòng kiềm tỏa, cắt đứt con đường biển huyết mạch tải lương của thủy quân Hideyoshi mà không bị một tổn thất nào. Không may, trong trận quyết chiến cuối cùng này Đề đốc Yi vô tình bị một loạt đạn bắn trúng, ông tử trận.
Cuộc đời của Đề đốc Yi Sun-sin là một thiên bi hùng ca vĩ đại. Ông không những là một anh hùng dân tộc của người Triều Tiên mà còn được tôn vinh là một vị đề đốc thiên tài trong lịch sử hải quân thế giới.
Năm 1598, Hideyoshi qua đời. Cuộc chinh phạt Triều Tiên tốn kém cũng chết theo Hideyoshi. Vài trăm năm sau, ở đầu thế kỷ 20 quân phiệt Nhật khởi động chiến tranh tiến chiếm Triều Tiên và đại lục Trung Hoa. Họ dùng con đường tiến quân cũ tái hiện giấc mộng xâm lăng nhưng bất thành của lãnh chúa Hideyoshi. Lịch sử lặp lại một cách tàn nhẫn và con người dù thắng hay thua đã phải trả cái giá quá đắt.
Sau gần ba giờ đồng hồ đọc và tham khảo các tài liệu lịch sử, tôi bước ra khỏi thành Osaka mang một khoái cảm lâng lâng như vừa xem xong một cuốn phim lịch sử thú vị.
                                        ***
Hơn 400 năm trước Oda Nobunaga đã đứng trước bước ngoặt lịch sử. Nối gót Nobunaga, Toyotomi Hideyasu hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước. Sau khi Hideyasu qua đời và sau nhiều cuộc tranh chấp quyền lực đẫm máu với các thế lực xung quanh và gia tộc của Hideyoshi, Tokugawa Ieyasu bước lên kế tục Toyotomi Hideyoshi. Tướng quân (Shogun) Tokugawa đẩy lùi quá khứ chiến tranh và mở ra thời đại Edo (Mạc Phủ) thái bình thịnh trị, văn hóa rực rỡ, kinh tế thăng hoa, tràn đầy hào khí dân tộc, kéo dài 15 đời gần 270 năm. Một sự kiện chưa từng thấy trong lịch sử dựng nước Nhật Bản. Người Nhật may mắn có một lãnh tụ như Tokugawa biết yêu nước thương dân và tầm nhìn sâu xa. Những kẻ sĩ samurai của thời đại Edo học tập kinh điển Nho học một cách chọn lọc, một tay cầm kiếm, một tay cầm sách, văn võ song toàn. Thời đại Edo hòa bình đã tạo ra và khẳng định những giá trị nghệ thuật lồng trong tinh thần mỹ học Nhật Bản, định hình tinh hoa văn hóa và khoa học kỹ thuật. Những kẻ sĩ samurai kiệt xuất của thời đại Edo mang tinh thần võ sĩ đạo anh hùng bất khuất. Họ đại diện cho lý tưởng “chân thiện mỹ” tỏa sáng như những đóa hoa anh đào rực rỡ trong ánh bình minh đã tạo nên cuộc Minh Trị Duy Tân có ảnh hưởng và đóng góp sâu sắc đến sự thành hình của một Nhật Bản cường thịnh và hiện đại. Bác sĩ Asaba Sakitaro, ân nhân của cụ Phan Bội Châu, mang dòng máu khảng khái nhân hậu từ người cha từng tham gia tranh đấu cho cuộc vận động Minh Trị Duy Tân [1].
Nhật Bản ngày nay cũng đang đứng trước một bước ngoặt. Trước một Trung Quốc trỗi dậy, một Triều Tiên cực đoan và một Hàn Quốc tiềm năng, Nhật Bản đang tìm thế đứng cân bằng trong vùng địa chính trị cực kỳ sôi động. Sự tụt giảm dân số, thiếu lao động trong những dịch vụ xã hội khiến cho chính phủ Nhật phải gia tăng nhân số bằng cách tiếp nhận người nhập cư nước ngoài. Bây giờ, người da trắng hay da màu nói tiếng Nhật lưu loát, tự nhiên, không còn là hiện tượng lạ lẫm như vài mươi năm trước. Xã hội Nhật đang được “quốc tế hóa”. Như một cánh cửa khi được mở toang, những luồng gió mới và bụi bậm cùng đua nhau tuồn vào. Cái gọi là xã hội “đa văn hóa” mà các chính phủ phương Tây đang loay hoay điều chỉnh tìm sự hài hòa giữa cộng đồng chính mạch và cộng đồng sắc tộc sẽ ảnh hưởng thế nào đến một xã hội thuần chủng Nhật Bản khi số người nhập cư gia tăng? Tinh thần võ sĩ đạo đẹp như đóa hoa anh đào đã héo tàn từ lâu, không phải vì thời gian, mà vì sự thờ ơ của những người trẻ Nhật Bản vô tư thích hưởng thụ. Nhưng hãy nhìn gần hơn, cung cách lễ độ, dịu dàng, khiêm tốn, tương kính, kỷ cương, cảm thông (omoiyari), tôn trọng luật pháp, ép mình vì tập thể của truyền thống tốt đẹp Phù Tang liệu có tan chảy trong cái nồi lẩu tả-pín-lù “đa văn hóa”?
Tha thiết lắm, xin thời gian hãy cho tôi câu trả lời phủ định.
Trương Văn Tân

(Từ Cảnh chuyển)

3 nhận xét:

CHIẾC VÒNG MÃ NÃO - Thái Thanh

Vòng tay mã não là sản phẩm trang sức từ đá tự nhiên - ảnh Internet Tôi bán đồ trang sức si mạ ở chợ lớn Qui Nhơn gồm kẹp tóc, nơ cài và cả ...