Thứ Năm, 6 tháng 2, 2020

Qua với Bậu - Nguyễn Thị Cỏ May



Nhơn ngày Tết, ông Nguyễn văn Tương (*) tới thăm và mừng tuổi Cụ Trần văn Hương tại tư thất của Cụ . Bắt tay khách, Cụ Trần văn Hương vui vẻ nói :
-Em còn trẻ quá, chắc em không có học với qua . Mà nay, qua không còn làm việc chánh quyền nữa, được em tới thăm  như vầy, thật cảm động . Qua mời em ở lại ăn cơm với qua . An cơm cá kho, canh chua, …(*)
Chữ « qua » còn được thông dụng với Cụ Trần văn Hương, người gốc Nam kỳ ở lớp tuổi 60, năm 1965 tại Sài gòn .
Cụ Trần văn Hương xưng « qua » nhưng lại gọi ông Nguyễn văn Tương bằng « em » chớ không phải « bậu » như trong ngôn ngữ giao tiếp rất phô thông ở Nam kỳ trước kia . 
Hai chữ «qua» và «bậu» được người có địa vị cao và có học trong xã hội dùng trong sanh hoạt hằng ngày chớ không riêng gì chỉ giới bình dân . Nhưng có lẽ tới thời Cụ Trần văn Hương, người ta không dùng « bậu » nữa mà dùng tiếng «em» để chỉ người đối thoại nhỏ tuổi hơn .
Chữ "bậu" có nghĩa là "bạn, là em" cả khi nói với người con trai, và cũng có nghĩa "em" trong nghĩa "vợ", trong quan hệ vợ chồng .
Như trong Truyện Lục Vân Tiên, Lý Thông nói với Thạch Sanh khi gặp nhau lần đầu tiên, thấy Thạch Sanh trẻ tuổi hơn mình :
            
             "Chẳng hay chú bậu (chú em) ở đâu,
               Áo quần chẳng có dãi dầu khá thương ? 

Thường thì người ta vẫn hiểu lầm là tiếng bậu chỉ dùng để chỉ người con gái, người phụ nữ . Như trong bài hát dân gian châm biếm, trêu chọc người con gái lớn tuổi mà còn ế chồng :
               
                Ống tre khô người ta còn chuộng
                Bậu lỡ thời như ruộng bỏ hoang
                Ruộng bỏ hoang người ta còn cấy
                Bậu lỡ thời như giấy trôi sông
               Giấy trôi sông người ta còn vớt
               Bậu lỡ thời như ớt chín cây 
             ......
             Bậu lỡ thời như muốn người ta
             Muốn người ta người ta không muốn
             Xách cây dù đi xuống đi lên .

Ghi chú thêm - Theo  Gíao sư Âm nhạc học Trần văn Khê, bài hát trên đây là bài "rap", một thể loại hát dân gian ở Việt nam xưa, như một cách nói chuyện nhanh, lời tiếp nối nhau nên không có chấm câu, ngụ ý chọc ghẹo một đối tượng nào đó trong xóm, trong làng . Rất dễ hát nên trẻ con nghe qua là có thể hát theo . Nhờ đó, dễ phổ biến rộng rải và chỉ trong thời gian ngắn, đối tượng có thể nghe được . Ngày nay, "rap", thanh niên phi châu thường hát, nhứt là hát để khiêu khích cảnh sát .

Cũng tiếng  «bậu » còn lưu hành ngày nay nhưng chỉ trong thi ca (Luân Hoán và Phan NiTấn, Phải lòng người con gái Bến Tre  ) :
                   
                 «Bậu sang phà Rạch Miễu, ngoe nguẩy xuống Bến Tre 
                   Về Cái Mơn, Lương Hòa hay là, Về Sơn Đốc, Ba Tri ? 
                   Guốc bậu rụng tiếng lá (ơ hơ), thoang thoảng mùi làm duyên 
                   Thoáng mùi thương quá đỗi; mùi tình Lục Vân Tiên » . 


« Qua» và «Bậu»
Theo Giáo sư Hán nôm Nguyễn văn Sâm (Đại Học Văn Khoa Sài gòn), chữ qua  là tiếng biến âm từ tiếng quá (hóa) giọng Triều Châu của chữ ngã (tôi). Dùng tiếng «tôi, anh» bình thường, người ta thấy không sang, không thân mật, và quan trọng nhứt là hơi mất tự nhiên nên người ta dùng tiếng qua.  Chuyện nầy cũng tương tợ như người Việt Nam thời còn nặng mùi Tây hay dùng toi, moi (tutoyer) khi nói với bạn hay với cả người mình yêu khi mới bắt đầu tấn công ái tình . Ngày nay, ở Mỹ, tuổi trẻ Việt Nam  có một chút học vấn khi bắt đầu tán tỉnh cũng thích dùng hai từ me, you hơn là anh em, em anh vì quá quen thuộc .
Chữ qua với nghĩa tôi, anh thân mật cũng thấy trong văn chương thế kỷ 19, như Lý Thông nói chuyện với Thạch Sanh (Truyện Thạch Sanh Lý Thông) . :.                
         
          « Lý Thông thấy nói, sầu bi :
‘            Qua xin kết nghĩa vậy thì đệ huynh »
        
        …Qua thời vốn có một mình, 
             Mẹ thời già cả kết chưng bạn mày» .

Điều đáng để ý, qua lời của Lý Thông nói với Thạch Sanh, người ta hiểu tiếng qua của Lý Thông dùng có nghĩa là anh, là ta, là kẻ lớn hơn, vai vế là bực đàn anh của Thạch Sanh và tiếp theo, đã không ngại gọi Thạch Sanh bằng mày .
Cũng theo Giáo sư Nguyễn văn Sâm, chữ bậu có nghĩa là em, dùng trong cách nói thân mật . Người Nùng có tiếng bậu nghĩa là em. Người Thái có tiếng phậu cũng có nghĩa tương tợ (Tự điển Nguồn Gốc Tiếng Việt của BS Nguyễn Hy Vọng) .  
Người Nam kỳ nói bậu bạn, trong cách nói thân mật. Nên khi nói nó «làm bạn với…» có nghĩa là cưới vợ lấy chồng. Văn thơ Nam Kỳ dùng chữ bậu chỉ người mình thương khi nói trực diện . 
                                 Bậu nói với qua bậu không bẻ mận hái đào,
                                  Mận đâu bậu bọc, đào nào bậu cầm tay ?


Nguồn gốc qua và bậu
Theo Giáo sư Nguyyễn văn Sâm, như trên đây, hai tiếng qua và bậu có nguồn gốc từ tiếng Triều châu và Nùng, Thái, Miên . Có người lại quả quyết một cách chắc nịch hai tiếng qua và bậu hoàn toàn là sản phẩm trong ngôn ngữ đặc sệt của dân Nam kỳ Lục tỉnh và cà cách sử dụng hai tiếng đó trong nói chuyện hằng ngày .
Nhưng có người khác (Trang « Ngày Ngày viết văn », internet) lại dẩn chứng Từ điển Lê Ngọc Trụ để tìm về nguồn gốc của chữ qua và bậu và cho rằng cách lý giải của Học giả Lê Ngọc Trụ là dễ hiểu, logic, có cơ sở hơn hết . Theo đó, xin trích : 

- Qua là cách phát âm của người Triều Châu của chữ "ngã" mà âm đọc phổ thông là “". Người Triều Châu đọc chữ này là "wá". Người ta giải thích thêm là khi xưa, ở miền Nam, nhất là khu vực Bạc Liêu, người Triều Châu di dân đến sanh sống rất đông. Cái tên Bạc Liêu cũng được cho là từ gốc Triều Châu mà ra.

- Tuy Từ điển Lê Ngọc Trụ không giải thích chữ "bậu" nhưng nếu "qua" là gốc Triều Châu thì cũng có thể suy ra "bậu" cũng từ gốc ấy mà ra. Người Triều Châu gọi vợ hay em bằng "pau", "bấu" hoặc "bô" tùy theo từng vùng. 
Nếu đúng "qua" và "bậu" đều là gốc Triều Châu, thì người ta có thể nghĩ rằng trong ngôn ngữ gốc, hai tiếng này không nặng tính chất tình cảm, không có ý nghĩa thân mật chi hết, cũng bình thường như tôi với anh hay như tao với mày vậy thôi . Trái lại trong tiếng việt, 2 tiếng ấy lại chứa chan tình cảm mỗi khi nghe nói, tuy ngày nay không còn dùng trong giao tiếp, chỉ còn thấy trong thơ ca, trong văn chương mà thôi . Hai tiếng quabậu luôn thắm đượm nghĩa tình. Có ai mà không cảm thấy thắt lòng khi đọc những câu ca dao này:

« Trách mẹ với cha chứ qua không trách bậu,
   Cha mẹ ham giàu gả bậu đi xa »

Bậu có chồng chưa, bậu thưa cho thiệt,
  Kẻo anh lầm tội nghiệp cho anh

Hay đau khổ, trách hờn người yêu:

“Trách lòng bậu cứ đẩy đưa,
Gạt anh dãi nắng, dầm mưa nhọc nhằn”

Hoặc thể hiện nỗi da diết, nhớ mong:

Bướm xa hoa, bướm dật, bướm dờ,
 Anh đây xa bậu, đêm chờ ngày trông”

Và có đứt ruột không khi xa nhà, bổng nghe văng vẳng tiếng hát “Ầu ơ ….” ( không phài giọng “À ơi …” của Bắc kỳ) :

….” Chim chiều lẻ bạn ngoài song
       Em còn mong đợi người dưng.
       Qua không thương bậu, bậu còn buồn ai!” .

Có người (trên báo Tuổi Trẻ gần đây) giải thích một cách quả quyết: “Nhiều người lầm tưởng “qua” là một từ mới nhưng thật ra đây là một từ địa phương Nam Bộ giàu sắc thái biểu cảm, đã hình thành từ thời người dân nước Việt đi xuống phương Nam mở cõi”. 

Có thật đó “là một từ địa phương Nam Bộ”? 
Năm 1602, Nguyễn Hoàng  sai lập dinh trấn, xây kho tàng chứa lương thực, vũ khí rồi sai con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên (sau là Chúa Sãi) trấn giữ. Ban đầu dinh trấn được dựng ở Cần Húc, huyện Duy Xuyên, ít lâu sau dời sang Thanh Chiêm, rồi năm 1833, vua Minh Mạng cho dời lỵ sở Quảng Nam qua làng La Qua,Điện Bàn. Từ đó, ca dao địa phương có câu: 

“Tỉnh thành đóng tại La Qua, 
  Hội An tòa sứ vốn là việc quan”.

Và La Qua đã đi vào câu đối với cách chơi chữ tuyệt vời, lấy chữ qua với chữ đồng âm: 

“Con gái La Qua, 
qua hôn, 
qua hít, 
qua vít, 
qua véo, 
qua chọc, 
qua ghẹo, 
qua biểu em đừng có la qua” (la nghĩa là rầy mắn, qua là anh, tôi).

Có câu đối lại cũng sát sàn sạt về chữ nghĩa, ý tứ: 
“Đàn bà Phước Chỉ, 
chỉ xấu, 
chỉ xa, chỉ lười, 
chỉ nhác, 
chỉ bài, 
chỉ bạc, 
chỉ có chồng là may phước chỉ” (chỉ là chị ấy) 

Không riêng gì Quảng Nam, vượt qua đèo Hải Vân ngược ra Bắc, nếu dừng chân tại Quảng Bình, người ta còn nghe câu hát huê tình đầy tiếng qua: 

Răng chừ đá nổi lắc lư 
  Lạch Ròn kia cạn, qua mới từ nghĩa em”. (Theo Lê Minh Quốc)

Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi từ Quảng Nam đi xuôi về phương Nam, người ta sẽ nghe nói thường hơn 2 tiếng qua và bậu

“Xa xôi chưa kịp nói năng 
  Từ qua với bậu như trăng xế chiều” 

Và khi tới xứ Nam kỳ Lục tỉnh, 2 tiếng qua và bậu dường như cũng dừng bước và đóng đô luôn ở miền đất lành chim đậu này : 

« Bảng treo tại chợ Mỹ Lồng:
  Chữ đề tên bậu, không chồng có con »
Khi qua và bậu đã bén rể ở đất Nam kỳ, thì cách nói năng cũng bộc trực, nghĩ sao, nói vậy như dân Nam kỳ :

«Bậu đừng lên xuống đèo bồng
Chồng con hay đặng sanh lòng nghi nan » .

Nguồn gốc qua, bậu là Nam kỳ, là từ tiếng Triều châu, tiếng Nùng, Thái… ?
Nói 2 tiếng qua và bậu là tiếng của địa phương xứ Nam kỳ hay do bắt chước theo cách phát âm của tiếng triều châu vì người triều châu sanh sống ở vùng đất mới này khá đông đảo, lẩn lộn với người việt nam nên ảnh hưởng qua lại là bình thường.
Nhưng người ta bắt gặp rất phổ biến 2 tiếng qua và bậu trong nói chuyện, trong câu hát của người dân miền Trung, từ Quảng Nam trở ra tới Quảng Bình và từ thời Chúa Nguyễn (1602), nghĩa là trước khi người Triều châu từ bên Tàu qua và xuống Bạc liêu lập nghiệp, làm rẩy, « dưới sông cá chốt, trên bờ Triều châu » . Như câu ca dao sau đây mang rất đậm nét địa phương và thời điểm :

« Ngó lên hòn Kẽm, đá Dừng 
Thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi...  
Thương cha nhớ mẹ thì về
Nhược bằng thương cảnh nhớ quê thì đừng ! »

Hòn Kẽm, đá Dừng là hai địa danh đèo heo, hút gió tận thượng nguồn sông Thu Bồn của Quảng Nam. Ngày trước, để ngược dòng lên đây, từ Hội An là nơi đô thị trên bến, dưới thuyền, nếu đi thuyền, người ta phải mất cả tháng trời chèo chống . Và người Quảng Nam có lẽ ít có ai mà không biết vùng đất hẻo lánh kia cùng câu ca dao buồn tênh này (Theo Lê Minh Quốc) .

Như vậy, nếu nói 2 tiếng qua và bậu là 2 tiếng địa phương của Nam kỳ Lục tỉnh có thể đúng trong sự chấp nhận 2 tiếng đó từ Miền Trung đi theo người Miền Trung vào đất Nam kỳ . Trong trường hợp này thì 2 tiếng qua và bậu hoàn toàn không có liên hệ họ hàng xa gần gì với chú ba triều châu hết cả .
Còn do ảnh hưởng tiếng nùng, thái, miên ? Người ta có thể hiểu được cũng từ miền Cao nguyên theo bước di dân mà vào Nam và ở lại trở thành tiếng địa phương chăng ?

Nhưng theo cách diển giải, suy diển thế nào đi nữa thì 2 tiếng qua và bậu, tuy xưa, nhưng khi thốt lên, vẫn dễ làm rung động lòng người vì sức nặng ý nghĩa thân thương, đạc tính nam kỳ của nó :

    «Hôm qua qua hứa qua qua mà qua không qua . Nay qua không nói qua qua mà qua qua !»

(*) Hồi ký của Nguyễn văn Tương, Paris . Ông Nguyễn văn Tương làm Tổng Thư ký Văn phòng Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Bộ N-(i vụ, Giáo sư Công pháp Trường Luật và Học Viện Quốc gia Hành chánh . Tỵ nạn ở Pháp, ông dạy ô Đại học Brest, Poitiers, …Nay huu trí, ở ngoại ô Paris .

Nguyễn thị Cỏ May

(tc chuyển)

1 nhận xét:

ĐỜI ĐÁ VÀNG ,TIẾC MÀU TRĂNG CŨ - Thơ Ngọc Ánh

ĐỜI ĐÁ VÀNG Em đếm thời gian trên ngón tay Thêm mùa Thu nữa đã tàn phai Thôi đừng nhắc lại câu vàng đá Làn tóc mây trời theo gió bay Anh hiể...