Ảnh của Shi Muying.
(Sébastien Faletti, LeFigaro 02/02/2020)
Một bệnh nhân kể với Le Figaro chuyện
thường ngày đáng sợ tại một bệnh viện thiếu thốn đủ thứ, ở thành phố trung tâm
nạn dịch. Lời chứng này cho thấy các điều kiện vệ sinh tạm bợ trước làn sóng
bệnh nhân mới ồ ạt.
Cô đã bay từ Luân Đôn về để ăn một cái Tết cuối cùng với
người mẹ đang bị ung thư. Và thế là cô bị dính vào dịch virus corona, bị nhốt
trong một bệnh viện cũ kỹ, xung quanh là những bệnh nhân đang hấp hối lần lượt
tử vong, trong một căn phòng giá lạnh.
« Tôi cảm thấy
tuyệt vọng » -
Shi Muying, 37 tuổi, thổ lộ. Cô nằm trên giường, trong một phòng bệnh tối tăm,
chung với hai người phụ nữ lớn tuổi hơn và thường xuyên ho lớn, trên tầng ba
của Bệnh viện số 8 đã xuống cấp, ở thủ phủ Hồ Bắc.
Một cơ sở y tế cổ lỗ sĩ, không có nước nóng lẫn hệ thống
sưởi, trong khi nhiệt độ là 7°C, chở đầy không khí ẩm ướt từ dòng Dương Tử
Giang xám ngắt chảy ngang qua Vũ Hán. Mùa đông ở thành phố này thuộc loại khắc
nghiệt nhất Trung Quốc, kể từ khi các nhà quy hoạch đỏ của Mao vạch ra một
đường từ đông sang tây trên bản đồ, không trang bị hệ thống sưởi trung tâm cho
đô thị lớn bằng Paris và vùng phụ cận.
« Tất cả mọi
người đều bị kích động. Chúng tôi hầu như không nói chuyện với nhau, vì khó
thở. Các y tá không cho bệnh nhân ra khỏi phòng. Chúng tôi bị kẹt ở đây » - người phụ nữ than thở với Le
Figaro qua điện thoại hôm thứ Bảy 01/02/2020. Cô là người linh hoạt nhất trong
nhóm.
« Các triệu chứng
của tôi nhẹ, tôi còn trẻ. Nhưng bệnh viện chẳng làm gì được cho chúng tôi
cả ». Cô lo
ngại cho người cha đang bị sốt, bị cách ly ở tầng phía trên, mà cô liên lạc
được qua điện thoại. « Ba tôi yếu, nói chuyện rất khó khăn. Trên tầng của
ông, ba người vừa tử vong. Ba tôi trông thấy một ông già thở hơi cuối cùng và
sau đó, người ta đến mang xác đi ».
Người phụ nữ cư trú ở Luân Đôn đã hạ cánh xuống Vũ Hán hôm
11/1 để ở bên người mẹ bị ung thư ruột giai đoạn cuối. Nhưng thử thách đau buồn
này bỗng biến thành một chiếc bẫy đầy ác mộng như trong tiểu thuyết Kafka, và
chưa thấy hy vọng một cái kết có hậu. Cái bệnh viện mang dáng vẻ nơi dành cho
những người hấp hối trở thành nơi trú ngụ cuối cùng của cô, vì không còn nơi
nào khác có thể đến ở thành phố đang bị cách ly, tâm chấn của nạn dịch đã làm
304 người chết và lây nhiễm cho hơn 14.000 người.
Vào tháng Giêng, mỗi ngày đều vào thăm mẹ ở khu chăm sóc đặc
biệt tại một bệnh viện trong thành phố, Muying và cha sau đó bị sốt. Lo sợ, họ
liêu xiêu đạp xe khắp thành phố ma để tìm mua thuốc nơi những pharmacie đã bán
sạch hàng, dọc theo các đại lộ bị cấm lưu thông. Kiệt lực, họ đành đến Bệnh
viện trung tâm Vũ Hán hôm 26/1 để chắc ăn hơn. « Sau khi thử máu, chụp CT, bác sĩ nói rằng có thể chúng tôi đã bị
nhiễm virus corona. Nhưng ông không có bộ xét nghiệm để xác nhận, cũng không có
giường trống để cho nhập viện ».
Lòng tràn ngập lo lắng, cô rơi vào tình trạng của vô số
trường hợp « nghi ngờ » trên khắp nước Trung Quốc, không biết mình đã
bị nhiễm con virus bí ẩn hay chỉ bị cúm mà thôi. Và chẳng biết phải tìm đến
đâu. Sự huy động tổng lực của chế độ cộng sản không đủ đáp ứng cho nhu cầu của
Vũ Hán, dù đang xây thêm hai bệnh viện, và theo tin đồn thì có đến 30.000 ca
lây nhiễm.
« Sáng nay, một
bác sĩ đến nói với tôi là chỉ có khoảng 12 cơ sở ở Vũ Hán có bộ thử nghiệm để
xác nhận virus, và tự chúng tôi phải đến xin. Nhưng chúng tôi bị cô lập ở đây,
không được ra ngoài ». Một tình huống Kafka trên dòng Dương Tử !
« Hai cha con tôi bị kẹt ở đây »
Trường hợp xui xẻo của Shi cho thấy thế lưỡng nan của đông
đảo người Hoa và người ngoại quốc sống tại Trung Quốc, khi có những triệu chứng
khả nghi, không còn cách nào khác là đến những bệnh viện quá tải và trang bị sơ
sài của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, vì thiếu một hệ thống bác sĩ đa khoa.
Trước nạn dịch, bác sĩ Klein đã đóng cửa dưỡng đường đặt tại một tòa tháp của Union Hospital, đến khám bệnh tại gia để tránh cho bệnh nhân bị lây nhiễm. Shi Muying xác nhận sự lộn xộn tại các bệnh viện bị quá tải của cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới. « Hôm 29/1, chúng tôi đến bệnh viện để tái khám. Hai cha con tôi phải đứng suốt bốn, năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ. Tất cả các bệnh nhân, đã bị nhiễm virus hay không đều sát cạnh nhau ».
Sốt, ho, các triệu chứng thường thấy trong mùa đông làm
người ta khủng hoảng, gây hoảng loạn trong các gia đình. Bác sĩ Philippe Klein,
giám đốc dưỡng đường International SOS ở Vũ Hán ghi nhận : « Tại Trung Quốc, không có hệ thống bác
sĩ đa khoa để chẩn đoán trước như ở Pháp. Cũng không có số y tế cấp cứu 15 để
người dân có thể gọi bác sĩ đến khám tại nhà ».
Trước nạn dịch, bác sĩ Klein đã đóng cửa dưỡng đường đặt tại một tòa tháp của Union Hospital, đến khám bệnh tại gia để tránh cho bệnh nhân bị lây nhiễm. Shi Muying xác nhận sự lộn xộn tại các bệnh viện bị quá tải của cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới. « Hôm 29/1, chúng tôi đến bệnh viện để tái khám. Hai cha con tôi phải đứng suốt bốn, năm tiếng đồng hồ trong một gian phòng nhỏ. Tất cả các bệnh nhân, đã bị nhiễm virus hay không đều sát cạnh nhau ».
Tuyệt vọng, Shi Muying đã đăng một lá thư trên Vi Bác, kêu
gọi giúp đỡ. Một cái chai thả xuống biển, được bạn bè chia sẻ trên WeChat, cuối
cùng đã mang lại kết quả. Hôm 30/1, các viên chức khu phố mà cho đến nay vẫn
làm lơ, thông báo đã tìm được hai giường tại Bệnh viện số 8 của Vũ Hán. Hai cha
con được cách ly ở cơ sở có balcon nhìn ra sông này.
Nhưng Muying không có ảo tưởng nào, bất chấp các biện pháp
nghiêm ngặt của chính quyền để ngăn chận nạn dịch. « Hai cha con tôi bị kẹt ở đây, có ít hy vọng được chữa trị. Tôi
đọc thấy có không ít trang thiết bị y tế từ các tỉnh khác được đưa đến Vũ Hán.
Nhưng không đủ đâu, có quá nhiều bệnh nhân ». Điều mỉa mai chết người
là Muying vẫn chưa biết được chắc chắn mình có bị nhiễm virus hay không.
Trùm chăn đến cổ trên giường bệnh, cô trăn trở với một nỗi
đau khác, ray rứt hơn nhiều so với căn bệnh. Cô bị chia cắt với bà mẹ già, đang
hiu hắt lịm dần tại phòng chăm sóc đặc biệt ở cách đó vài cây số, trong một
bệnh viện của đại đô thị.
Người phụ nữ cư dân Luân Đôn không biết một ngày nào đó có
thể gặp lại người đã sinh thành ra mình hay không. Cô lo ngại : « Điều mà tôi sợ nhất là nếu mẹ tôi qua
đời, chúng tôi thậm chí còn không thể đến bệnh viện nhận xác bà. Ba tôi còn lo
hơn, và tôi sợ rằng ông không thể chịu đựng nổi ».
Từ Blog Thuy My
Dịch bệnh này đã để lại những hậu quả khôn lường và biết bao tang thương
Trả lờiXóa