Vợ chồng
Bửu-Hoàng cùng làm trong toà báo ở đường Nghiêm Văn Chỉnh. Tác giả ở Huế nên
xin nói ngay rằng Bửu là tên chồng, Hoàng là tên vợ, chứ không dám bàn chuyện
liên quan đến Huế và các “mệ” Tôn Thất (những “Bửu”, “Vĩnh”…) mặc dù chuyện
“các mệ” ngày xưa ở đất Cố Đô cũng vui đáo để. Tên đôi vợ chồng này có người
còn gọi là “Bảo-Hoàng”, do câu nói cũng khá quen thuộc: “Thằng cha ấy bảo hoàng
hơn vua!”
Thực ra, Bửu
không muốn vợ ở cùng cơ quan. Có cả chục lý do. Lâu nay, dân gian nói về sự
“trong sạch” của nơi này nơi kia bằng một câu hay đáo để: “Thưa các đồng
chí… chưa bị lộ!” Để vợ kè kè 8/8 giờ trong ngày, “đồng chí chồng” lỡ có
“vui vẻ” với ai hay hát ca-ô-kê “mỏi tay” là lộ ngay. Rồi lúc bình bầu, không
khéo mang tiếng thiên vị. Mà vợ chồng 24/24 giờ bên nhau thì còn biết chi là
nhớ nhung, nếu không nói là dễ bị nhàm chán… Nhưng “bà Hoàng” không vừa, liệt
kê cả trăm nguyên cớ để quyết xin làm cùng đơn vị; nào là xăng nhớt lên giá như
thế, vợ chồng đi chung một xe giảm 50 % chi phí đi lại; rồi đến kỳ lĩnh lương,
chàng khỏi lo ai hỏi vay mượn hay rủ đi nhậu vân vân và vân vân.
“Lệnh ông không
bằng cồng bà”. Cũng nhờ thế mà mới đây bà đã cứu cho ông một bàn thua trông
thấy. Nguyên do là ông phát hiện vụ tiêu cực lớn ở cơ quan có tên là “KNB” (có
người đọc là “Kín Như Bưng”, cũng có kẻ lại “dịch” thành “Không Nên Biết”!).
Hoàng thức thâu đêm viết một bài nẩy lửa, chỉ trích thẳng vị đứng đầu cơ quan
lâu nay không ai dám đụng đến vì ông ta còn có “chân” trong mấy tổ chức rất có
uy tín. Nhưng Đảng đã nhiều lần tuyên bố là trong cuộc chiến chống tham nhũng
không có vùng cấm, không bênh che bất kỳ ai, bất kỳ cương vị nào. Vừa mở mắt,
nhà báo ta nhảy sang bàn vi tính để đọc lại bài báo trước khi mang nộp cho Tổng
Biên tập. Nếu “Báo nhà” sợ không đăng thì “phóng” ngay cho báo khác. Không ngờ,
bài báo in ra đã không cánh mà bay. Thì ra bà Hoàng đã trộm phép duyệt trước cụ
Tổng. Tay đập đập lên bài báo, bà bước vội từ bếp sang, giọng nhỏ mà riết róng:
- Chết chết!
Anh viết thế này thì coi chừng mất việc!
- Ai cũng sợ,
cũng tránh né thì…
- Em xin anh!
Anh không nhớ hôm “sếp” gì nhỉ - em quên tên - đến giảng cho các toà báo đã căn
dặn là “đánh chuột nhưng cẩn thận đừng đập vỡ lọ hoa” à? Anh ngây thơ
lắm!
Quả nhiên,
không một tờ báo nào dám đăng bài báo ấy. Thế là “con chuột” ấy thoát nạn, vẫn
nghiễm nhiên ngồi ghế cao, hưởng lộc lớn. Xin nhớ là không ai cấm đoán đâu nhé.
Chỉ vì phải giữ cho “lọ hoa” không vỡ! Nghe nói “ông lớn” đó mấy năm sau “hạ
cánh an toàn” ôm một đống của chìm của nổi không biết đến đời nào mới ăn hết.
Vì là “đồng chí chưa bị lộ” nên hình như còn được thưởng huân huy chương gì đó
nữa!
***
Nhà Bửu-Hoàng
có con chuột rất khôn, ngày rằm, mồng một hay khi có cúng giỗ, chuyên mò lên
bàn thờ xơi trộm bánh trái. Có khi bắt quả tang mà đành chịu. Dám vung gậy hay
ném dép lên bàn thờ à? Không chỉ có mấy lọ hoa, mà có cả tượng Phật, nên chẳng
dám đặt bẫy.
Thế rồi một
đêm, chuột ta đói quá, lại tưởng được chủ nuông chiều, mò đến tận giường kiếm
ăn. Chỗ ngủ vẫn thường có mùi này vị kia mà. Đang ngon giấc, bà chủ cảm thấy
nhột nhột nơi bàn chân, vội bật đèn. Chuột ta hoảng quá, lại quen núp dựa các
lọ hoa, thấy đôi bắp chân bà chủ trắng tròn chẳng khác chi lọ hoa liền chui tọt
vào. Tức thì bà rú lên:
- Ôi! Cứu…cứu
em với!
- Ờ…Em mơ thấy
gì thế?
Nhà báo ta thức
khuya, mắt nhắm mắt mở lè nhè hỏi. Lập tức, mấy ngón tay đỏ chót của vợ liền
túm ngực áo chồng, rồi tiếng chân dẫy, tiếng kêu rên:
- Trời! Mau! Mơ
mộng gì. Con rắn hay chuột đây này…
- Đâu? Đâu
nào?... Mà chuột thì chịu thôi. Đánh nó khéo làm vỡ lọ hoa…
Không phải
chàng mỉa mai. Chàng đã nhập tâm lời dặn dò ấy. Thấy chàng nhẩn nha, nàng vừa
dẫy đành đạch, vừa đưa tay vỗ bồm bộm vào chỗ kín để ngăn chuột chui vào đó;
cũng vì sợ đập vào bắp chân lỡ trúng chuột nó cắn cho, mang bệnh dịch hạch thì
toi đời.
- Mau mau! Nó
chui vào đây này. Ai cắt mất tay rồi à? Sao lúc khác chưa gì đã xông pha tận
hang cùng ngõ hẽm, nay thì …
- Thì vì sợ vỡ
lọ hoa trời đất ạ!
Muốn biết chuột
ta có chạy thoát không và màn kịch tiếp diễn ra sao, cũng như bọn “chuột” có
lợi dụng các “lọ hoa” và bàn thờ để kiếm ăn nữa không, xin…mời cùng tác giả
tưởng tượng sẽ phong phú và thú vị hơn nhiều!
Câu chuyện rất hay và có tính giáo dục rất cao
Trả lờiXóa