Chủ Nhật, 5 tháng 4, 2020

Đại dịch toàn cầu virus Vũ Hán: Trách nhiệm xã hội và ý thức cá nhân

Trần Hồng Phong

Trên 50 tuổi đời, lần đầu tiên tôi biết đến và đang ở trong một đại dịch toàn cầu: dịch cúm virus Vũ Hán (khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc; WHO gọi là "Covid-19"). Sự lây lan và ảnh hưởng của virus cúm Vũ Hán suốt hơn 2 tháng qua vẫn đang không ngừng tăng lên về số lượng và ngày càng mở rộng, tác động tiêu cực đến cuộc sống của nhiều tỷ người, gây khó khăn cho nền kinh tế của hàng trăm quốc gia. Tính đến hôm nay 21/03/2020, toàn thế giới đã có trên 270.000 người bị nhiễm, 11.300 người đã tử vong. 

<< Nhân viên y tế Ý đang kiệt quệ vì những ca làm việc kéo dài, căng thẳng.  Quốc gia này đang là một "địa chỉ đen" về dịch cúm Vũ Hán với khoảng 47.000 người bị nhiễm, trên 4.000 người đã tử vong chỉ trong khoảng hơn 1 tháng qua. Ảnh: Reuters

Theo nghiên cứu mới nhất được Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố hôm 18/3/2020, dịch cúm Vũ Hán có thể khiến 25 triệu người mất việc làm trên toàn thế giới. Tổng thu nhập của người lao động trên toàn thế giới có thể sẽ giảm từ 860 tỉ USD đến 3.400 tỉ USD vào cuối năm 2020.

Có thể nói, việc các quốc gia đang tiến hành các biện pháp chống chọi với cúm Vũ Hán hiện đang không khác gì thời kỳ chiến tranh. Toàn bộ nguồn lực, phương tiện, con người ... đều đã được huy động vào cuộc chiến. Có khác chăng, đây là một cuộc chiến không có bom đạn, tiếng súng ...

Qua số liệu công bố, cho thấy chi phí của mỗi quốc gia đổ vào cuộc chiến chống cúm Vũ Hán là rất lớn. Những nước giàu như Mỹ, Anh ... là hàng trăm tỷ USD, thậm chí hàng ngàn tỷ USD. Những nước nghèo hơn ở châu Á ít nhất cũng phải cả tỷ USD. Thiệt hại về nhân mạng, tài sản rất lớn và vẫn không ngừng tăng lên. Theo số liệu do WHO công bố ngày 21/3/2020: Hiện tổng ca nhiễm và tử vong liên quan đến cúm Vũ Hán trên toàn cầu lần lượt là 270.000 và 11.300, và mỗi ngày đều tăng lên hàng ngàn.

Điều đáng lo ngại là cuộc chiến với cúm Vũ Hán vẫn đang tiếp diễn căng thẳng, với nhiều kịch bản khó hình dung. Có một điều thật bất ngờ, là kết quả thắng - thua lại phụ thuộc không nhỏ, nếu không muốn nói là mang tính quyết định - vào ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng! Bởi lẽ đây là một căn bệnh lây nhiễm, mỗi cá nhân đã bị lây nhiễm nếu không có ý thức, chính là tự biến mình thành một "quả bom" lây bệnh cho người khác, trước hết là cho chính người thân trong gia đình. Ngược lại, mỗi cá nhân dù không bị nhiễm, nếu không có ý thức tự bảo vệ, thì có khả năng sẽ bị lây nhiễm. Để rồi ... lây nhiễm cho người khác!

Sở dĩ nói như vậy, là vì cho đến giờ phút này, vẫn chưa có quốc gia nào nghiên cứu thành công một loại thuốc nào có thể giết chết virus Vũ Hán hoặc một loại vaccine nào có thể giúp bảo vệ con người khỏi việc lây nhiễm chúng. Theo thông tin trên BBC, hiện nay việc nghiên cứu đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Có khoảng 20 loại vaccine đang được phát triển. Một loại vừa được thử nghiệm trên người, bỏ qua cả khâu thử nghiệm thông thường trên động vật, để kiểm tra độ an toàn và tính hiệu quả của nó. Tuy nhiên, điều đáng nói là ngay cả khi các nhà khoa học có thể ăn mừng về việc đang phát triển một loại vaccine vào năm nay, thì vẫn còn khối lượng công việc khổng lồ để có thể sản xuất nó đại trà. Điều đó có nghĩa là, trên thực tế, một loại thuốc hay vaccine như vậy sẽ không sẵn sàng ít nhất cho tới giữa năm sau 2021.

Quay lại lịch sử Trái đất, chúng ta đã ghi nhận hay đặt ra giả thuyết từng có nhiều loài động vật, trong đó có những loài người cổ đại, thậm chí những nền văn minh, quốc gia từng đi đến tuyệt chủng vì dịch bệnh. Với thực tế của cúm Vũ Hán như hiện nay, càng cho thấy khả năng một giống nòi bị tuyệt chủng vì nhiễm bệnh dịch không phải là chuyện viễn tưởng. Nhiều nơi trên thế giới, cảnh tượng giống như trong bộ phim viễn tưởng cách nay nhiều năm.

Do bản năng sinh tồn, mỗi cá nhân không nhiều thì ít, sẽ lo lắng, thậm chí sợ hãi và có tâm lý né tránh tiếp xúc với những người nhiễm bệnh hay có khả năng bị nhiễm bệnh khi trở về từ những vùng dịch bệnh. Chưa kể là mỗi gia đình người Việt Nam hiện nay có quá nhiều áp lực và rủi ro. Hãy hình dung giả sử một thành viên trong gia đình, đặc biệt đó là người trụ cột bị lây nhiễm virus Vũ Hán, thì gia đình sẽ ra sao?

Tôi và có lẽ đa số người Việt Nam nhìn chung tin tưởng và trông mong vào nguồn lực, khả năng và trách nhiệm của Nhà nước trong việc triển khai các biện pháp chống dịch. Nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa và cũng không đồng nghĩa là mọi người sẽ phó mặc mọi hậu quả theo kiểu "mọi thứ đều đã có Nhà nước lo".

Còn nhớ chỉ khoảng hơn nửa tháng trước, Chính Phủ tuyên bố đã có phương án giải quyết và xử lý cho kịch bản có 30.000 người bị nhiễm virus Vũ Hán. Khi đó, số ca nhiễm (dương tính) tại VN là dưới 20. Nhưng giả sử sẽ xảy ra kịch bản số người nhiễm gấp 2 lần hay thậm chí nhiều hơn nữa thì sẽ sao? Trong khi số ca dương tính hôm nay đã là khoảng 90 người. (Hãy nhìn qua nước Ý, chỉ mới hơn 1 tháng mà đã có hơn 47.000 người nhiễm virus Vũ Hán). Nhìn rộng ra, ngân sách, nguồn lực của Việt Nam là nhỏ và có hạn.

Có lẽ hơn lúc nào hết, vì quyền được sống của toàn xã hội, trong đó bao gồm từng gia đình, từng cá nhân, đòi hỏi mọi người đều phải có ý thức và trách nhiệm đối với xã hội mà mình đang sống. Trước hết, là trách nhiệm và ý thức tự bảo vệ sức khỏe của chính mình.

Qua thông tin trên báo chí và mạng xã hội những ngày qua, chúng ta thấy có một số người VN trở về từ nước ngoài có thái độ, kiểu cư xử khiến nhiều người bất bình, thậm chí phẫn nộ. Như: chê bai điều kiện cách ly, ăn uống, cơ sở kém; không hợp tác và tự nguyện khi được yêu cầu cách ly; không khai báo y tế, thông tin di chuyển (về và khả năng, xác suất lây nhiễm; khai báo không đúng sự thật...vv.

Hành vi "không khai báo" hoặc "khai báo không đúng sự thật" là nghiêm trọng và tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ, nguy hiểm cho xã hội. Đặc biệt là nếu chủ thể thuộc trường hợp đang bị nhiễm virus cúm Vũ Hán.

Khai báo không đúng sự thật chính là hành vi có tính chất gian dối, xét trên phương diện một cuộc chiến tranh, không khác gì là đòn "nghi binh". Sẽ dẫn đến hậu quả là các lực lượng chức năng bỏ lọt nguồn lây nhiễm nguy hiểm, tốn kém thời gian, tiền bạc một cách vô lý và ... đi lạc! Mặc dù có thể là không cố ý, nhưng đây chính là sự "tiếp tay" làm lan truyền bệnh dịch; là hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ. Nhưng hậu quả và sự nguy hiểm chưa dừng ở đó.

Đối với bất kỳ quốc gia nào, sức khỏe và tính mạng con người đều là vô giá và được pháp luật bảo vệ. Chính vì vậy, từ lâu trong Bộ luật hình sự nước ta có những tội về "lan truyền bệnh dịch"; "lây truyền HIV cho người khác"... Như vậy, hành vi khai báo gian dối của người nhiễm virus Covid-19 là nguy hiểm và thậm chí có dấu hiệu phạm tội hình sự. Trên thực tế, một số người đã làm lây nhiễm Codid-19 cho người khác, kể cả người thân trong gia đình mình. Đây là điều mà lẽ ra họ đã tránh được nếu thực sự có ý thức, trách nhiệm. Cụ thể là khai báo thông tin chính xác và tự nguyện cách ly tại các bệnh viện ngay từ đầu.

(Ghi chú: từ thực tế dịch cúm Vũ Hán, cũng cho thấy hệ thống pháp luật hiện hành đã bộ lộ những khiếm khuyết cẩn phải bổ sung. Chẳng hạn thay vì chỉ có tội danh "lây truyền HIV", cần phải bổ sung những điều luật về các tội như "lây truyền virus bệnh lây nhiễm nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng", hay hành vi "không chịu cách ly" khi bản thân đang mang nguồn bệnh lây nhiễm chẳng hạn...)

Giờ phút này không phải là lúc chúng ta nặng nề, hay thậm chí là "chửi bới", xúc phạm nhau. Nhưng cũng không phải cứ im lặng là tốt. Mỗi cá nhân cần lên tiếng, góp ý với ý thức và trách nhiệm của mình.

Một xã hội chỉ có thể vận hành tốt khi có sự liên kết, tác động giữa mọi cá nhân với nhau. Chính điều này cho thấy trách nhiệm đối với cộng đồng, ý thức pháp luật của cá nhân là rất quan trọng và không thể thiếu.

Trách nhiệm xã hội, ý thức cá nhân hoàn toàn không phải là điều xa xôi hay phù phiếm. Đơn giản là chúng ta biết yêu quý bản thân, người thân, những người xung quanh mình. Hãy đối xử với nhau như đối xử với chính bản thân mình, như chính mình muốn được người khác yêu thương, quý mến.



Bài liên quan:https://dandensg.blogspot.com/2020/03/ap-dung-quy-inh-su-kien-bat-kha-khang.html



* Quy định tại Bộ luật hình sự: 

Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng lây truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Đưa vào hoặc cho phép đưa vào lãnh thổ Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng lây truyền cho người;

c) Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ trưởng Bộ Y tế;

b) Làm chết người.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 12 năm:

a) Dẫn đến phải công bố dịch thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ;

b) Làm chết 02 người trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Điều 148. Tội lây truyền HIV cho người khác

1. Người nào biết mình bị nhiễm HIV mà cố ý lây truyền HIV cho người khác, trừ trường hợp nạn nhân đã biết về tình trạng nhiễm HIV của người bị HIV và tự nguyện quan hệ tình dục, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Đối với 02 người trở lên;

b) Đối với người dưới 18 tuổi;

c) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

d) Đối với thầy thuốc hoặc nhân viên y tế trực tiếp chữa bệnh cho mình;

đ) Đối với người thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân.

Điều 149. Tội cố ý truyền HIV cho người khác

1. Người nào cố ý truyền HIV cho người khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 148 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

c) Đối với người dưới 18 tuổi;

d) Đối với từ 02 người đến 05 người;

đ) Lợi dụng nghề nghiệp;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Đối với phụ nữ mà biết là có thai;

b) Đối với 06 người trở lên;

c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;

d) Làm nạn nhân tự sát.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

.....

1 nhận xét:

  1. Dịch bệnh covid 19 đã gây ra thiệt hại rất nặng nề về con người và kinh tế cho toàn thế giới; chúng ta hãy chung tay để phòng, chống dịch bệnh

    Trả lờiXóa

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...