Thứ Bảy, 5 tháng 9, 2020

đêm trong vườn

Nguyễn Đức Tùng (TC.Da Màu)
 
Bẵng đi mấy chục năm, một lần về nhà cũ tôi có dịp nằm một mình trong vườn. Ở giữa hai gốc cam, tôi còn nhớ chỗ mắc võng ngày xưa của mình. Cây trái trong vườn bị chiến tranh tàn phá, mới được trồng lại, nên nhỏ hơn trước. Thời này ở làng quê, tôi cũng ít thấy ai mắc võng dưới gốc cây, có lẽ con người không thảnh thơi như trước. Đêm trăng không thấy thanh niên tụ tập bên giếng nước đầu làng. Buổi tối thôn quê yên tĩnh, không bị ai làm phiền, tôi nằm một mình trên cỏ. Tôi ngạc nhiên khi thấy những ngôi sao to đến thế, gần đến thế, như chúng không có thật. Ở bắc bán cầu, nơi tôi đang ở, sao hiện ra nhỏ hơn, thưa hơn, xa vắng hơn, ngay cả trong những ngày trời quang mây tạnh. Ngân Hà ở đây rõ mồn một, nhìn thấy được những ngôi sao trong đó, hàng triệu ngôi sao, gần đến nỗi mới đầu tôi tưởng đó chỉ là một vệt sương rơi. Tôi đi tìm con vịt uống nước sông ngày trước. Tôi tìm những chòm sao Đại Hùng Tinh, Hiệp Sĩ, sao Nam Tào sao Bắc Đẩu, nhớ lại những người bạn thơ ấu. Dưới những ngôi sao, tôi trở thành chú bé lên mười tuổi. Một con dế mèn nhận ra người bạn cũ, hót ngập ngừng trong đám cỏ. Sau ba mươi mấy năm, chúng tôi gặp lại nhau. Con người là một sinh vật có hai thế giới, dưới mặt trời và dưới mặt trăng. Nhiều người không biết rằng vì chúng ta là sinh vật của cả ngày lẫn đêm, chúng ta cần bóng tối cũng như cần ánh sáng. Trong xã hội hiện đại với sự phát triển kỹ thuật, ánh sáng ngày một nhiều, bạn đi đâu cũng gặp. Ánh điện khắp nơi: mở mắt là bật đèn, đi ngủ cũng để đèn. Bạn ngồi vào xe, đèn phía trước, đèn phía sau, đèn trên trần, đèn trên điện thoại, của bạn, của người gần bạn. Tất cả những hành lang đều có bóng đèn, tất cả những ngõ hẻm đều có ánh sáng, tất cả những bờ sông với hàng cây thơ mộng đều được chiếu sáng. Tất cả các cuộc gặp gỡ mờ ám đều được chiếu sáng, tất cả đám tang được chiếu sáng, bia mộ được chiếu sáng, giường của cô dâu được chiếu sáng, gậm giường của cô cũng vậy. Gót giày của trẻ em được chiếu sáng. Phòng vệ sinh của một người già bệnh tật được chiếu sáng. Sao cho không một cây kim một sợi chỉ nào lọt khỏi mắt chúng ta. Sao cho không một con thiêu thân nào bay được vào nhà bếp của chúng ta. Ánh sáng ngày một lấn át bóng tối, trở thành niềm kinh hãi cho các động vật, các côn trùng.
Một lần lái xe đường dài băng qua thành phố, dừng lại bên đường, tôi nhìn thấy một cái hố nước nhỏ. Tôi ngắm thật lâu và nhìn thấy một con ếch duy nhất trong đó. Con vật di chuyển chậm chạp, gần bờ nước, nghe tiếng người liền nhảy lên sợ hãi. Nhưng nó không thể nhảy vào đâu được, không có một bụi rậm nào xung quanh đó cả. Tôi ngạc nhiên nhìn thấy con ếch chạy vòng vòng quanh bờ nhưng không nhảy xuống nước. Tôi nhìn xuống nước và hiểu ra câu chuyện: mặt nước phản ánh dưới ánh đèn, những ngọn đèn xanh đỏ tím vàng chiếu nhấp nha nhấp nhánh, chính tôi nhìn vào còn chóng cả mặt. Thì ra trong đáy nước là cả một thế giới ánh sáng khiến loài ếch nhái sợ hãi. Chúng ta chiếu ánh sáng khắp nơi, chiếm đoạt bóng đêm, tấn công chúng, đẩy lùi chúng. Động vật và côn trùng sợ hãi, lùi lại, chui xuống đất, trốn trên cây, chạy vào rừng sâu núi thẳm, cũng không thoát. Chúng ta chiếu sáng vào chúng, vào mắt chúng, khắp nơi, làm cho đồng tử của các con vật mở lớn suốt ngày, các tế bào que và nón làm việc cho đến khi mỏi mệt kiệt sức.
Cách đây một thế kỷ, ánh sáng mang lại niềm hy vọng từ trong bóng tối. Ánh sáng hy vọng điều gì? Mở mang trí óc cho con người, cho trái tim nhân loại. Nó đã thất bại. Một thế kỷ sau khi đèn điện xuất hiện, loài người tự biến mình thành nô lệ, dùng ánh sáng tấn công loài vật, làm chúng sợ hãi, tiêu diệt chúng, những con bướm chết vì những bức tường quá cao, loài chim bay đêm, vạc và sếu, vịt trời và ngỗng trời, lao đầu vào các cao ốc, đập cánh của chúng rào rào vào các cửa kính trên tầng lầu hai mươi tầng, ba mươi tầng. Chúng vỡ hộp sọ, lả tả rơi xuống. Bạn nghĩ sao, chúng không bị tổn thương ư?
Tôi nằm trên cỏ dại, đêm về khuya, ướt sương. Giờ này mẹ tôi sẽ đi tìm tôi trong nhà ngoài ngõ, và sẽ lôi tôi vào giường ngủ. Thời ấy chiến tranh, tình hình an ninh không tốt, nên mẹ tôi sợ cho các con, kỳ thực bà cũng yêu bóng đêm lắm, như một người phụ nữ thôn quê, mẹ tôi yêu bóng trăng, thích nhìn dải Ngân Hà từ chỗ ngồi của bà trên mái hiên trước nhà nơi bà ngồi nhai trầu cùng những người bạn hàng xóm, vuốt tóc tôi đang nằm thiu thiu ngủ. Ở thôn quê bây giờ, những ngôi sao vẫn sáng như ngày trước, vẫn to như thế, cúi xuống thật gần chúng ta như thế, nhưng ngày càng ít hơn những người nằm một mình trong đêm, ngước nhìn chúng. Tôi đã dự những đám cưới trong Nam ngoài Bắc, loa phát thanh cả làng nghe, ánh sáng rọi đèn pha vào mắt cô dâu như trong phòng tra tấn của sở liêm phóng. Con người ngày càng đông hơn về dân số thì ngày càng ít người thích sự đơn độc; nhân loại ngày càng đông, bóng đêm ngày càng lùi lại. Đối với chúng ta, xưa nay thiên nhiên là một thứ cho không, muốn khi nào cũng có, vì vậy nó không đáng chú ý nữa. Sao trên trời lúc nào cũng ở đó chờ bạn, cho không biếu không, vì vậy bạn không thèm nhìn chúng. Sông Ngân lúc nào cũng ở đó với con vịt của mình, bạn đi tìm làm gì. Nhưng khi ánh sáng hoàn tất công việc đẩy lùi bóng tối của nó, con người sẽ hoảng hốt. Bây giờ thì chưa, trong một thành phố nhộn nhịp, không ai nhìn thấy trăng và sao cả. Tôi cũng thế. Những ngày tôi còn làm nội trú, buổi sáng đi xem bệnh với một bác sĩ phẫu thuật thần kinh, cùng với các thường trú đàn anh và các nội trú khác. Chúng tôi đi thăm bệnh rất sớm, từ năm giờ ba mươi sáng vì bảy giờ phòng mổ đã mở cửa. Chúng tôi chỉ có hơn một giờ để thăm lại bệnh nhân, chuẩn bị các dữ liệu cho bác sĩ gây mê, vốn khó tính, nhất là ở những bệnh nhân già yếu. Tôi nhớ một lần khi vào phòng bệnh có ba giường nằm, trời rất tối, tôi nhanh nhẩu đưa tay bật đèn phòng. Bật đèn thì dễ. Tôi ngạc nhiên thấy mọi người ngạc nhiên nhìn tôi. Vị bác sĩ quay lại bảo tôi tắt đèn đi, ông lôi từ trong túi ra một cây đèn pin nhỏ. Một vài người khác cũng làm theo. Chúng tôi thăm bệnh, bắt mạch, trò chuyện với bệnh nhân, bằng những cây đèn pin bé xíu này thay vì bật sáng đèn trần của phòng để tránh làm kinh động giấc ngủ của người khác. Khi xong việc, ra cửa, bác sĩ chỉ vào ngọn đèn, nói riêng với tôi: it hurts, nó làm đau.
Tôi nhớ mãi: ánh sáng có thể làm bạn đau.
Ngày tôi còn bé, buổi tối đom đóm bay ra đầy trời từ các bụi rậm gần hồ nước. Ngày nay bọn chúng buồn phiền biến đâu mất. Vẫn biết cái được bao giờ cũng kèm theo cái mất, như cây cầu giết chết bến đò ngang, thuốc ngừa thai giết chết mối tình đầu, nhưng khi cái mất quá lớn thì cái được cần phải điều chỉnh hẹp lại. Đô thị phát triển vô tội vạ, xi măng hút cạn cát đáy sông, rừng núi thu hẹp, không gian sống hoang dã tự do biến mất. Xã hội ngày một nặng về văn minh vật chất, xa rời đời sống tinh thần, tâm hồn trẻ em trở nên nông cạn, các chứng bệnh tinh thần như lo âu, trầm cảm ngày một tăng lên. Con người sở hữu quá nhiều tỉnh thức, tâm trí không kịp nghỉ ngơi, như người thiếu ngủ lâu dài mà không tự biết, trái tim đập nhanh lên, thỉnh thoảng gấp quá nó đập lỗi nhịp, mới đầu lỗi một nhịp bạn không hay, về sau lỗi nhiều nhịp nhơn, bạn hồi hộp, thấp thỏm, bất an, tâm hồn bạn ngày một điên cuồng quay đảo. Các nhà khoa học gọi đó là hiện tượng đêm ô nhiễm ánh sáng. Đêm không bóng tối.
Chỉ khi về lại làng quê, nằm trên thảm cỏ của mình ngày trước, dưới bầu trời sao ấy, những ngôi sao to và gần đến thế, như trong một thế giới siêu thực, bạn nằm đó, lắng nghe sự cô độc của mình, lắng nghe sự trống rỗng, chỉ lúc ấy bạn mới nhận ra vòng tay êm dịu của bóng tối. Từ trong bóng tối, bạn nhìn thấy trần gian rõ hơn, mặt tốt và mặt xấu, phía huy hoàng và phía ngu ngốc của nó. Bạn nhìn thấy những dòng sông cạn kiệt chảy trở lại, những cánh chim bỏ xứ quay về, những tình nhân cũ gặp nhau dưới trăng, người thổi sáo năm xưa lại đứng bên cầu. Bạn trở nên hạnh phúc, vì vậy bạn muốn cho đi tất cả. Bạn muốn trao tặng. Trao tặng cho ai, bạn không biết. Bạn chẳng có gì. Bạn chỉ có sự trống rỗng, làm sao mà tặng. Trong sự trống rỗng ấy, một con dế cất lên tiếng hót quen thuộc của nó từ trong đám cỏ, mới đầu ngập ngừng, về sau nhận ra sự trống rỗng ấy của bạn, nó gáy vang lên, nó hót líu lo như chào một người bạn cũ, không gặp mấy mươi năm, giọng của nó vui mừng hớn hở.

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...