Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

CỎ LẠ ĐƯỜNG QUEN - Tạp Bút

 Tạp bút Lê Kim Duy (Văn Việt _

Chuyến tàu êm ả tiến về phương Bắc. Dù toa tàu không dằn xóc, không còn cảnh chen lấn,  không còn âm thanh ồn ào từ bên ngoài vọng vào như hồi xưa nhưng cảm giác khó chịu với chấn động mỗi khi toa tàu qua một khúc đường ray đến với tôi không lâu sau khi tỉnh dậy.

Vốn có thành kiến với loại phương tiện di chuyển này, nhưng không biết ma xui thế nào mà hôm nay tôi lại đi tàu. Chiều qua, mấy đứa bạn rủ tôi đi bù khú ở một quán gần ga. Nhìn dòng người ra vào ga, bỗng nhiên tôi nhớ Huế da diết.

Ở nhà thì nhớ lang thang

Ra đi lại nhớ mấy hàng mồng tơi!

Hai câu thơ không biết của ai cứ lởn vởn trong đầu tôi suốt mấy chục năm. Nhớ thiệt! Nhà tôi ở Huế không có “hàng mồng tơi”, nhưng tôi cứ nhớ cái chi chi đó không biết.

Tôi lặng lẽ đi vệ sinh rồi vào ga. Cô bán vé bảo còn vé đi Huế vào sáng mai. Tôi lấy một vé rồi trở lại bàn nhậu. Chìa chiếc vé cho đám bạn xem. Chúng nó không ngạc nhiên và chả đứa nào buồn hỏi han. Cả bọn lấy làm vui mừng vì bữa nhậu đã có chủ đề: “Tiệc chia tay!”. Tôi phải tạm biệt mỗi đứa một ly. Rồi mỗi đứa chúc mừng tôi một ly về việc “Sắp được về với mạ!”. Lúc này tôi mới chợt nhớ, bèn điện cho sếp: “Em xin nghỉ một tuần về Huế gấp vì mạ em đau nặng!”. Sếp cũng người Huế nên rất dễ thông cảm. Sếp chỉ dặn giao việc cho thằng phó cẩn thận và thường xuyên liên lạc với hắn để chỉ đạo công việc khi đang ở Huế. Tôi vâng dạ rõ ràng, mấy đứa bạn thì im lặng chờ tôi điện xong. Tôi uống không biết đến mấy tiếng mới về phòng trọ.

Tỉnh giấc, trời đã sáng rõ. Tôi vơ vội hai bộ áo quần, đồ lót, khăn mặt và các thứ cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày mà tôi thấy trong phòng, cho vào một túi xách nhỏ quàng vai. Rửa mặt xong, tôi mặt nguyên bộ đồ đi làm và nhậu ngày hôm qua, mang xách ra ga. May không trễ tàu! Không kịp ăn sáng và cũng chả có thì giờ uống cà phê. Lên tàu, tìm đúng ghế là tôi tựa đầu vào góc thành tàu ngủ tiếp một giấc.

Khi thức dậy thì trời đã quá trưa. Trên bàn, trước mặt tôi là một hộp cơm. Không cần hỏi,  cũng biết đó là suất cơm trưa dành cho tôi. Đói! Tôi vội vàng đi sang phòng vệ sinh. Qua loa cho xong các thủ tục cần thiết. Tôi trở lại chỗ ngồi, ngấu nghiến hết phần ăn của mình mà cũng chẳng nhớ gồm những món gì. Lúc này mới thấy thèm một cốc cà phê.

Quan sát chung quanh, bên cạnh tôi là một cô gái trẻ. Cô ta ngồi né ra mé ngoài ghế như muốn tránh càng xa tôi ra càng tốt. Đối diện là hai người phụ nữ luống tuổi đang ngồi tán gẫu với nhau, gần như không quan tâm đến sự hiện diện của tôi. Mặc! Tôi đi đến toa phục vụ. Các cô phục vụ bảo đã hết cà phê, tư vấn cho tôi mua loại cà phê đóng chai. Tôi mua rồi mang về toa mình. Uống thử một ngụm, chỉ cảm nhận được mùi chua loét. Nhưng hương cà phê cũng giúp tôi đủ hưng phấn để quan sát chung quanh. Rồi tôi chợt nhận ra: mình là kẻ cô đơn suốt cuộc hành trình.

Hai bà đối diện nói đủ thứ chuyện, từ chuyện dâu con trong nhà cho đến chuyện mua bán ngoài chợ. Tôi không để ý nghe, nhưng cũng nhận ra là hai bà này chả quen biết nhau trước. Họ chỉ mới gặp nhau trên tàu như gặp tôi vậy. Có điều, mỗi bà nói một giọng miền Nam rất khó nghe. Tôi đi nhiều nhưng cũng không đoán nổi người nào là dân tỉnh nào. Cứ cho là, một bà ở Tây Ninh còn bà kia ở Mỹ Tho vậy.

Cứ thế, tôi không nói với ai lời nào. Cô gái bên cạnh cứ mải mê với cái điện thoại, cũng im lặng như tôi. Mải quan sát khung cảnh những vùng miền đi qua, tôi không hề có được cảm giác gắn bó với vùng đất nào trong suốt hành trình trên con đường quen thuộc. Không như những lần đi xe. Đến đâu tôi cũng như giao hòa với nơi ấy. Và không ít nơi đã có những kỷ niệm. Hàng chục lần vào ra, mỗi lần là một trải nghiệm khác biệt.

Thế rồi, tàu cũng đến ga Đà Nẵng. Đêm đã quá khuya, tôi bật điện thoại xem giờ mới biết đã gần ba giờ sáng. Hai bà đối diện sau khi ngủ một hồi cũng đã thức dậy. Họ lại tán gẫu bằng cái giọng Nam Kỳ lạ lẫm. Cô gái trẻ cũng choàng tỉnh, bất giác hỏi tôi bằng cái giọng Sài Gòn nhẹ nhàng rất chuẩn:

-Tàu đến đâu rồi hả ông?

-Ga Đà Nẵng rồi đó!

-Bao lâu nữa thì đến Huế?

-Gần ba tiếng nữa. Rứa cô cũng đi Huế à?

-Anh người Huế à? Tui cũng đi Huế! Một bà đối diện bỗng cất tiếng, giọng Huế pha lẫn giọng Quảng Trị.

-Ủa, rứa chị người Huế à? Rứa mà tui cứ tưởng… Chị đi mô? Bà bên cạnh cũng lên tiếng bằng giọng Huế nặng trịch của người miền núi.

-Tui về Phong Thu đám cưới đứa cháu. Chị đi mô?

-Tui về dạp (giáp) năm ôn tui trên Cù Bi. Rứa là mình cùng đi ra một đường. Còn anh về mô? Bà thứ hai ngước mặt hỏi tôi.

-Dạ, em về chợ Đông Ba.

-À! Anh ở trung tâm Huế. Khỏe hí! Tụi tui về tới Đông Ba còn đi xe ra thêm nữa.

Cô gái bên cạnh ngơ ngác. Có lẽ cô ta chẳng hiểu mấy về những trao đổi của chúng tôi.

Đợi cho hai người phụ nữ kia dứt tiếng, cô ta bảo tôi:

-Em đi Huế lần đầu. Đứa bạn ở đường Phan Chu Trinh hẹn ra đón. Khi nào thì có thể điện cho bạn hả ông?

-Khi nào đến ga Hương Thủy, tôi sẽ nhắc cô điện. Đừng điện sớm làm bạn mất ngủ!

-Cám ơn ông! Nhờ ông giúp!

Hai bà đối diện đã quay lại cuộc tán gẫu rôm rả bằng giọng Huế cũng không giống nhau lắm, như khi nói giọng Nam Kỳ hôm qua vậy.

Tàu đến sân ga Huế. Trời mờ sáng. Hai bà đối diện xuống tàu trước. Tôi cùng cô gái trẻ xuống sau. Ra sân ga, bạn gái của cô gái trẻ đợi sẵn trên chiếc Honda Air Blade. Tôi chào  cô gái rồi đi về phía cầu Ga. Vắng tiếng chào mời níu kéo của đám xe thồ, taxi. Không biết có phải Huế nay đã lịch sự hơn hay do tôi quá lùi xùi nên không ai nhận ra là người từ phương xa về.

Tôi chậm rãi đi theo đường Lê Lợi. Đường phố vắng và sạch. Đến cổng trường Quốc Học đã thấy lác đác người đi tập thể dục. Phía trước Bia Chiến sĩ Trận vong, một nhóm người đang đặt loa cho một nhóm tập thể dục nhịp điệu nào đó. Chắc là đông lắm.

Tôi sang đường đi về phía bờ sông Hương. Cặp đường đi bộ dọc theo bờ sông càng về phía Trường Tiền, người đi tập thể dục càng nhiều hơn. Có nhóm tập Thái Cực quyền. Dưới tán cây bồ đề lớn, mấy cô gái đang khởi động Yoga. Đằng xa, khoảng hai chục người đang tập Pháp Luân công. Có nhiều nhóm nhỏ hơn chục người đứng thành vòng tròn tập thể dục thông thường. Vài cô gái mở nhạc trong điện thoại tập thể dục nhịp điệu một mình.

Tôi ước lượng, người đi bộ có phần đông hơn số ngưởi đang tập trong công viên. Mấy bà sồn sồn vừa đi vừa vẫy tay, le te nhanh chóng vượt qua làm tôi liên tưởng đến mấy bà gánh cá hồi xưa từ Thuận An chạy vội lên bán cho kịp chợ. Tiếng nói chuyện của mấy bà đi tập thể dục này tạo ra không khí ồn ào còn hơn ở trên tàu. Tôi chợt nhận ra, toàn giọng Quảng Bình, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Nghệ An. Thỉnh thoảng có giọng Bắc, nhưng tôi không rành để phân biệt giọng của tỉnh nào. Giọng Huế hầu như không nghe thấy.

Cái cảm giác vẫn chưa đến Huế cứ lâng lâng làm tôi đi lòn qua gầm cầu Trường Tiền hồi nào không hay. Nhìn ra phía bờ sông, mấy chiếc thuyền rồng khiến tôi giật mình nhận ra mình đã đi quá. Thây kệ! Tôi đi tiếp đến cuối đường đi bộ rồi bước ra ngồi ở ghế đá ngoài bờ sông.

Nhìn sang phía sau chợ Đông Ba hãy còn vắng người. Cầu Gia Hội bị che khuất gần hết. Nhà tôi bên kia phía dưới đường Chi Lăng. Đường Trịnh Công Sơn cây xanh đã phủ đầy.

Một cháu gái nhỏ dưới thuyền rồng bước lên. Thấy tôi chăm chăm nhìn mấy chiếc thuyền rồng bèn hỏi:

-Chú muốn đi thuyền rồng hả? Chiều mới đi lận! Mua vé trên tê tề! Vừa nói cô bé vừa chỉ tay vào ngôi nhà cạnh Century, có quán cà phê mới lác đác vài khách.

-Cám ơn cháu! Tôi như bừng tỉnh. Mình đã về tới Huế! Hình ảnh mấy cô gái bên đường Hàng Bè hồi xưa chặn hỏi “Đò anh! Đò anh?” bỗng hiện lên trong đầu.

Tôi mỉm cười, đi ra đường Lê Lợi rồi ngược về phía cầu Trường Tiền.

Rảo bước đến vài cầu thứ ba, tôi nhìn về phía Cồn Hến, nơi nước sông chia ba, còn khi lụt thì chia tư, lòng mới rộn rã muốn về nhà.

Đây rồi! Huế của ta đây!

07/07/2020



1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...