Nhà mồ Jrai được dựng theo kết cấu, hai mái lớn hình thang cân, hai đầu hồi đều hình tam giác cân, vách được ghép kín bằng những thân cây gỗ.
Mái nhà lợp gỗ ván và được phủ một lớp phên nan tre có trang trí nhiều hình vẽ bằng phẩm màu chế tác theo lối cổ truyền.
Những hình tạc trên nóc mô tả chủ yếu sinh hoạt lễ bỏ mả.
Bên trong nhà có nhiều ché, bát, đĩa, chai, chén và mô hình dụng cụ lao động, là những đồ dùng cho người quá cố
Quanh nhà mồ được bao bằng một hàng rào tượng, được đẽo và tạc bằng rìu, đục và dao.
Loại tượng chủ đạo ở nhà mồ Jrai là tượng người ôm mặt, được tạo dáng như đang khóc thương người quá cố. Thông thường, một nhà mồ có năm tượng loại này, trong đó bốn tượng dựng ở bốn góc bờ rào, còn một tượng dựng ở chính giữa hàng rào phía Đông.
Một loại tượng độc đáo khác ở nhà mồ là tượng những phụ nữ mang thai.
Ngoài ra còn có cả tượng những người nam, nữ đứng đơn lẻ.
Các loại hình tượng khác của nhà mồ Jrai gồm tượng mặt dài, tượng trưng cho hình ảnh của bram – người hóa trang trong nghi thức cuối cùng trong lễ bỏ mả của người Jrai.
Tượng thể hiện cảnh sinh hoạt đời thường như phụ nữ ôm ống cơm lam, hai người chải tóc cho nhau, vỏ bầu nậm…
Hình tượng động vật cũng xuất hiện như tượng chim ó, tượng chó cõng khỉ…
Những bức tượng nhà mồ của người Jrai không chỉ là các sản phẩm điêu khắc dân gian đơn thuần, mà còn thể hiện quan niệm nhân sinh về cuộc đời.
Người Jrai tin rằng cái chết chưa phải là hết. Bên cạnh cuộc sống thực tại, vẫn tồn tại một cuộc sống khác đó là thế giới của người chết, của thần linh.
Từ quan niệm này, người Jrai có một lễ hội rất độc đáo, đó là lễ bỏ mả để lễ tiễn biệt người chết về thế giới của thần linh.
Nhà mồ và tượng mồ được làm ra để phục vụ cho lễ bỏ mả và chỉ được sử dụng trong những ngày lễ hội.
Sau lễ bỏ mả, những ngôi nhà mồ và tượng mồ sẽ bị bỏ không, bị hủy hoại dần theo thời gian.
Do sự thay đổi của đời sống, những ngôi nhà mồ độc đáo này đang ngày càng trở nên vắng bóng trên đại ngàn Tây Nguyên.
Theo KIẾN THỨC
nét độc đáo của Tây Nguyên
Trả lờiXóa