Phạm Văn Tuấn
Ngày nay tại khắp nơi trên thế giới, nếu mọi người được xem những hình ảnh
thời sự trên các mặt báo, trong các tạp chí, nếu mọi sách giáo khoa chứa
đựng nhiều tấm ảnh dẫn chứng cụ thể, nếu các bác sĩ có thể xem xét người
bệnh bằng phim chụp do quang tuyến X và nếu mọi người giải trí nhờ những rạp
chiếu bóng... thì tất cả các phát minh này đã được khai triển nhờ đức tính
tận tụy của một thiên tài siêu việt trong ngành Nhiếp Ảnh, đó là ông George
Eastman.
Nhờ thiên tài sáng tạo của ông
Eastman, cách chụp ảnh trước kia là một công việc phức tạp và khó khăn, đã
trở nên dễ dàng và chỉ cần một động tác đơn giản là ấn vào một cái nút trên
chiếc máy ảnh cầm tay, máy sẽ cơ động trong một phần trăm giây đồng hồ và
người ta sẽ lấy được các hình ảnh rất trung thực.
Phát minh của ông George Eastman đã
cải tiến ngành Nhiếp Ảnh, làm dễ dàng công việc ghi rõ hình ảnh của thế giới
hiện tại để truyền lại cho thế giới tương lai. Phát minh của ông George
Eastman còn giúp ích vào các công cuộc khảo cứu khoa học, từ việc nghiên cứu
những đối tượng cực nhỏ như các vi trùng, các nguyên tử, tới các thiên thể
cực lớn chẳng hạn các tinh vân khổng lồ. Ngành Nhiếp Ảnh còn được áp dụng
vào Y Khoa, Kỹ Nghệ, Khoa Học, Giáo Dục, Nghệ Thuật và cả vào ngành Giải
Trí.
1/ Thời niên thiếu.
George Eastman là con của ông George
Washington Eastman và bà Maria Kilbourn, chào đời ngày 12 tháng 7 năm 1854
tại làng Waterville, thuộc tiểu bang New York. Cha của George làm nghề ươm
cây, đã bán lại cơ sở kinh doanh khi cậu bé George lên 6 tuổi, dời gia đình
tới thành phố Rochester và mở một trường thương mại. Hai năm sau ông George
qua đời, để lại một vợ, ba con gồm hai cô gái lớn và cậu trai út, tất cả
sinh sống trong cảnh nghèo túng. Trong thời gian vất vả này, bà Eastman phải
nấu cơm trọ để lấy tiên nuôi các con ăn học.
Vào thời bấy giờ, cậu George là một
học sinh rất chăm chỉ nhưng lại không giỏi hẳn về một môn học nào. Cậu là
tay chơi dã cầu vào hạng khá. Cậu đã sáng chế được các món đồ chơi rất tỉ mỉ
bằng những cây que đan cũ. Nhiều bạn học cùng lớp hỏi xin đồ chơi nhưng cậu
nhất định không chịu tặng không. Cậu bảo bạn: “Nếu bạn ưa thích thứ đó, sao
không mua đi? Giá chỉ có 10 xu thôi!”. Và George đã bán được “sản phẩm” của
mình. Cậu đã ghi lại số tiền kiếm được vào sổ tay, điều này chứng tỏ cậu có
khuynh hướng về thương mại và suốt cuộc đời của cậu, George chỉ suy tính về
các công việc chi thu mà thôi.
Khi George lên 14 tuổi, gia đình
Eastman lâm vào hoàn cảnh quá nghèo túng. Biết rõ cảnh khổ của mẹ, cậu xin
thôi học, trở về giúp đỡ gia đình. Cậu tự nguyện sẽ đưa gia đình ra khỏi
cảnh túng bấn. Cậu vận động và xin được chân tùy phái của một văn phòng bảo
hiểm với số lương 3 mỹ kim một tuần lễ. Cậu làm việc rất cẩn thận và chu
đáo. Xong việc tại sở, cậu George phải đi bộ hàng cây số để trở về giúp nhà
làm các công việc vặt trong 6 hay 7 giờ nữa. Công việc tùy phái này kéo dài
trong một năm trường, tới khi George xin được việc làm trong văn phòng của
một hãng bảo hiểm khác. Nhờ óc sáng tạo, George được giao những công việc
quan trọng hơn và lương bổng của cậu cũng tăng lên tới 5 mỹ kim một tuần lễ.
Năm 1874, sau 5 năm làm việc tại
hãng bảo hiểm, George Eastman được Ngân Hàng Rochester Savings nhận làm thư
ký với tiền lương là 800 mỹ kim một năm. Tới lúc này, vì đời sống trở nên dễ
chịu hơn, George bèn nghĩ tới việc giải trí. Cậu học tiếng Đức và tiếng
Pháp, gia nhập hội thể thao và đôi khi còn mượn xe ngựa để mời vài bạn gái
đi dạo chơi ngắm cảnh.
Vào năm 24 tuổi sau một thời gian
làm việc cực nhọc, George quyết định đi nghỉ hè để dưỡng sức. Do đọc các
sách báo nói về miền Santo Domingo, George dự tính sẽ tới nơi này. Đây là
lần đầu tiên đi nghỉ mát nên George phải bàn tính kỹ lưỡng chương trình du
ngoạn với các bạn đồng nghiệp. Khi nghe George nói về những nơi sẽ viếng
thăm, một người bạn tỏ lộ với George lời thèm muốn như sau: “Ước gì tôi được
đi với anh! Nhưng dù không được đi chăng nữa, nếu tôi được xem những hình
ảnh do anh chụp và mang về thì cũng đủ vui thích rồi”. Chính lời nói bất ngờ
này đã dẫn dắt George Eastman vào ngành Nhiếp Ảnh. Eastman không định mang
theo máy ảnh trong chuyến du ngoạn nhưng ông cho rằng lời nói của anh bạn là
một ý kiến hay. Vì vậy ông đã bỏ ra 94.36 mỹ kim để mua một máy ảnh với dụng
cụ đầy đủ.
Vào thời bấy giờ, công việc chụp ảnh
rất phức tạp. Nhà nhiếp ảnh phải dùng một miếng kính tráng một lớp thuốc và
thứ kính này phải được chụp khi lớp thuốc còn ướt rồi rửa ngay sau đó. Vì
thế khi bán máy ảnh, người ta cũng bán kèm những lọ thủy tinh đựng hóa chất,
những khay, quặng (phễu), cân hóa chất và cả một chiếc lều vải dùng làm
phòng tối. Khi nhớ lại các kỷ niệm xa xưa, ông George Eastman còn nói: "Nhà
nhiếp ảnh tài tử không những chỉ cần một chiếc máy ảnh, mà còn cần tới cả
một bộ đồ nghề trong đó chiếc máy ảnh chỉ là một phần nhỏ. Tôi cho rằng làm
một anh thợ ảnh cần phải khỏe mạnh và còn phải can đảm nữa, vì mang bộ đồ
nghề nhiếp ảnh chẳng khác nào mang bộ yên cương”. Vì lý do riêng, Eastman
không thể đi Santo Domingo được, ông liền dùng thời giờ nhàn rỗi vào việc
tìm hiểu Nhiếp Ảnh.
Khi đã hiểu biết tạm đủ về kỹ thuật, ông Eastman liền qua đảo Mackimac để
chụp hình chiếc cầu thiên tạo. Eastman chọn một ngày nhiều nắng và mang máy
ảnh ra xử dụng. Nhóm du khách thấy có thợ chụp ảnh liền sắp hàng trên cầu để
được chụp. Họ coi Eastman đặt máy, ngắm nghía, vặn vật kính và theo dõi nhà
nhiếp ảnh chạy lăng xăng từ lều ra máy với những tấm kính ướt. Hôm đó, trời
nắng gắt nhưng nhóm người ưa thích được chụp ảnh vẫn kiên tâm đứng yên để
Eastman làm đủ mọi động tác phức tạp.
Tới khi Eastman rửa ra kính ảnh rồi, một người trong bọn hỏi mua thì ông
Eastman trả lời: “những kính ảnh này không bán vì tôi chỉ là một người chụp
ảnh tài tử”. Tới lúc này, ông khách liền nổi nóng: “Anh điên hả? Tại sao anh
bắt chúng tôi đứng hàng nửa giờ ngoài nắng trong khi anh chạy đi chạy lại
lăng xăng, đáng lẽ anh phải treo tấm bảng ghi rõ anh là một người chụp ảnh
tài tử chứ?”.
2/ Chế tạo kính ảnh.
Các ngày nghỉ đã hết, Eastman khi
trở lại ngân hàng thì đã thấu triệt được kỹ thuật của môn Nhiếp Ảnh thời bấy
giờ. Do sự say mê chụp ảnh, Eastman thấy cần phải làm đơn giản các phương
pháp rắc rối cũ. Ông tìm cách đọc các sách báo nói về Nhiếp Ảnh xuất bản tại
nước Anh, rồi một tin tức đã khích động Eastman hơn cả là sự tìm ra kính
khô. Nhờ phương pháp này người ta không cần phải chụp và rửa phim ngay tại
chỗ và tốc độ thu hình trước kia từ 3 tới 4 giây, bây giờ được rút gọn còn 1
phần 25 giây.
Ông Eastman đã theo đúng các công
thức cho sẵn trong tờ tạp chí Anh để tự chế tạo kính ảnh. Lúc đầu ông chỉ dự
tính chế tạo kính khô cho riêng mình dùng nhưng chẳng bao lâu, ông lại nẩy
ra ý kiến chế tạo thật nhiều loại kính đó để bán ra ngoài. Ông tham khảo rất
nhiều sách vở để tìm hiểu các phương pháp thí nghiệm và sản xuất. Ban ngày
làm việc tại ngân hàng, đến tối ông bận rộn pha trộn và nấu thuốc ảnh trong
bếp. Ông thường làm việc cho tới khi nào mệt lả. Có nhiều đêm, ông để nguyên
cả quần áo mà ngả lưng trên ghế rồi ngủ cho đến sáng. Lòng lo sợ cảnh nghèo
túng đã ám ảnh ông, nhất là khi gia đình ông lại gồm mẹ già và một người chị
bị bại liệt nửa người. Ông Eastman đã làm việc không ngừng vì hai nguyên do:
lòng yêu mến mẹ già và ý chí kiếm tiền.
Vào tháng 4 năm 1880, ông Eastman
thuê từng lầu thứ ba của một tòa nhà trên đường State trong thành phố
Rochester, dùng làm nơi sản xuất kính ảnh sau khi đã xin bằng sáng chế để
bảo đảm phương pháp chế tạo của mình. Eastman thôi việc tại ngân hàng khi
Henry Strong, người khách trọ trong nhà của bà mẹ và cũng là nhà sản xuất
roi đánh xe ngựa, bằng lòng bỏ ra năm ngàn mỹ kim làm vốn và hai người lập
ra Công Ty Kính Khô Eastman.
Lúc đầu, việc bán sản phẩm nhiếp ảnh chưa gặp khó khăn và mặc dù đã có 6
nhân viên, Công Ty Eastman vẫn phải mướn thêm người phụ giúp. Nhưng ít lâu
sau, các người chơi ảnh phàn nàn rằng kính khô do Eastman sản xuất chưa nhạy
lắm và các nhà buôn đã hoàn trả công ty một số kính ảnh bị hư hỏng vì lỗi kỹ
thuật chế tạo. Trước tình thế này, vài người hùn vốn rút lui. Eastman và
Strong quyết định qua nước Anh là nơi tiến bộ nhất về kỹ nghệ chế tạo dụng
cụ nhiếp ảnh với hy vọng nhờ các chuyên viên tại nơi này tìm ra khuyết điểm.
Sau khi trở lại Rochester, Eastman đã cải tiến phương pháp cũ và từ nay, ông
đã thực hiện được các kính ảnh hoàn toàn tốt khiến cho không còn ai phải
phàn nàn về sản phẩm nữa.
Vào năm 1884, công việc chế tạo kính
khô phát đạt, ông Eastman phải mở rộng thêm cơ xưởng. Ông dọn trụ sở tới một
tòa nhà bốn tầng mà ngày nay là nơi chiếc tháp Kodak còn đứng sừng sững. Với
mục đích làm giản dị ngành Nhiếp Ảnh, ông Eastman luôn luôn nghĩ tới cách
chế tạo ra một chất liệu nào thay thế kính là thứ hay bị bể vỡ và nặng nề.
Ông đã dùng giấy để thay thế với hy vọng lắp được cả cuộn phim vào máy để
chụp hàng loạt.
Đồng thời với việc nghiên cứu, ông Eastman còn khuếch trương công ty. Ông
hủy bỏ giao kèo cũ và thành lập Công Ty Kính và Phim Ảnh Eastman (the
Eastman Dry Plate and Film Company) với 12 người cộng tác. Eastman đã quảng
cáo vào năm 1885 sản phẩm của mình như sau: “Ít lâu nữa, sẽ có một loại phim
chụp ảnh mới dùng vào việc thu hình ngoài trời cũng như trong nhà, loại phim
này vừa rẻ tiền, vừa tiện lợi để thay thế những tấm kính ảnh khô”.
Với sự trợ giúp của William Walker,
Eastman đã tìm ra một loại giấy âm bản. Tuy sản phẩm này thành công trên thị
trường nhưng phát minh của Eastman vẫn còn khuyết điểm. Vì giấy không đúng
là chất làm nền hoàn hảo, nên khi in ra hình ảnh, người ta vẫn thấy rõ các
sợi giấy. Eastman lại bắt tay vào việc tìm kiếm một chất mới để thay thế cho
giấy. Ông đã dùng chất collodion nhưng chất này không bắt thuốc ảnh. Vì thế
ông phủ một chất keo có thể tan được lên trên mặt giấy rồi tới lượt lớp keo
thuốc ảnh không tan trong nước. Sau khi chụp xong, lớp keo thuốc ảnh được
bóc ra khỏi giấy và dán vào một tờ keo trong khác rồi người ta mới bôi thêm
một lớp collodion ra ngoài. Vào năm 1886, vì công việc tổ chức công ty quá
bận rộn, ông Eastman phải thuê thêm các nhà hóa học phụ giúp việc nghiên
cứu.
Bất cứ lúc nào, đầu óc của ông
Eastman cũng bận rộn về cách chế tạo các máy móc mới để giảm bớt nhân công
và làm hạ giá sản phẩm. Sau khi thay thế kính ảnh bằng phim, ông nhận thấy
số người dùng phim ảnh chưa có nhiều. Ông muốn theo đuổi một công cuộc kinh
doanh lớn lao và muốn vậy, ông phải tìm cách hấp dẫn đa số quần chúng. Ông
quyết định cung cấp đầy đủ vật liệu nhiếp ảnh với giá thật rẻ để mọi người
đều có thể chụp ảnh được. Ông đã quảng cáo rầm rộ sản phẩm của mình và tìm
cách khai thác thị trường thương mại.
Để đại chúng hóa ngành Nhiếp Ảnh,
ông Eastman tung ra thương trường chiếc máy ảnh Kodak đầu tiên vào tháng 6
năm 1888. Đây là chiếc máy ảnh kiểu hộp, nhỏ và nhẹ, có dây đeo, bên trong
có lắp một cuộn phim giấy dài, đủ chụp 100 kiểu ảnh. Khách chơi ảnh chỉ việc
bỏ ra 25 mỹ kim để mua máy có lắp sẵn “Phim Hoa Kỳ” rồi khi chụp xong, gửi
máy ảnh về thành phố Rochester và tại nơi này, hãng Eastman sẽ tháo phim ra,
rửa và in hình, tất cả chỉ tốn thêm 10 mỹ kim.
Trong việc quảng cáo, Eastman đã
nói: “Bạn chỉ cần bấm nút rồi chúng tôi sẽ lo tất cả các công việc còn lại”.
Đây là một cải cách mới, làm thay đổi hoàn toàn chính sách thương mại và ông
Eastman đã áp dụng các phương pháp tân kỳ vào việc sản xuất đại quy mô để
làm giảm giá hàng. Do cách quảng cáo đặc biệt, máy chụp ảnh Kodak của
Eastman đã nổi tiếng trên khắp thế giới và ngành Nhiếp Ảnh bình dân được
khai sinh.
Không những thành công về phương
diện thương mại, ông George Eastman còn đạt được một kết quả rực rỡ về
phương diện kỹ thuật, đó là sự tìm ra loại phim dẻo và trong suốt. Loại phim
này là kết quả của sự pha trộn rất nhiều chất khác nhau với nitrocellulose
cho tới khi dung dịch đủ đặc để thành một lớp phim mỏng, trong suốt và không
có hạt, đủ sức dẻo dai, làm nền đế để bôi các lớp thuốc ảnh lên trên.
Vào tháng 8 năm 1889, loại phim Kodak trong suốt đầu tiên được bán ra thị
trường và đã được các nhà nhiếp ảnh đón tiếp nồng nhiệt. Cũng nhờ loại phim
này, nhà bác học Thomas Edison đã xử dụng để làm cuộn phim chiếu bóng đầu
tiên, khai sinh ra kỹ nghệ điện ảnh.
Với chủ đích làm giản dị ngành Nhiếp
Ảnh, ông Eastman lúc nào cũng nghiên cứu, tìm tòi. Ông đưa ra các cải tiến
liên tiếp khác nhau. Vào năm 1891, Hãng Kodak sản xuất loại phim cuộn khiến
cho các người chơi ảnh có thể lắp phim vào máy ngay tại ngoài trời và từ
đây, người ta không cần phải gửi máy ảnh trở lại thành phố Rochester để lắp
phim nữa.
Từ khi loại phim cuộn ra đời, một
tình trạng khác hẳn đã xẩy ra. Trước kia người chơi ảnh phải là một thợ ảnh,
họ phải biết tráng phim và rọi hình, hai công việc này bắt buộc họ phải học
thêm kỹ thuật phòng tối. Ngày nay với loại phim mới, người chơi ảnh chỉ cần
chụp sao cho đẹp, theo đúng theo các điều kiện ánh sáng, còn việc tráng phim
và rọi hình đã có hàng ngàn hiệu ảnh lớn nhỏ đảm nhiệm thay họ.
Vào năm 1895, một loại máy ảnh có
thể xếp lại và bỏ túi, được tung ra thị trường rồi 5 năm sau, máy ảnh
Brownie dùng cho trẻ em đã được bán ra với giá một mỹ kim. Việc chế tạo
phim, giấy và máy ảnh đã trở nên một loại kỹ nghệ và Công Ty Eastman Kodak
trở thành một hãng sản xuất sản phẩm nhiếp ảnh lớn nhất thế giới.
3/ Đóng góp vào cộng đồng.
Từ xưa, ông George Eastman vẫn chỉ
mong tìm ra các phương pháp làm giản dị môn Nhiếp Ảnh để đại chúng có thể
hưởng lợi thì ngày nay, điều đó thành sự thật. Những đóng góp của ông
Eastman vào ngành Nhiếp Ảnh thật là lớn lao. Charles Greeley Abbot đã phải
nói rằng: “Đó là một cuộc cách mạng trong ngành chụp ảnh, được thực hiện nhờ
lòng tận tụy của một viên thư ký ngân hàng chơi ảnh một cách tài tử”.
Do thiên tài sáng tạo, viên thư ký
ngân hàng đã trở nên một tay cự phú. Nhưng dù thành công rực rỡ, ông George
Eastman vẫn giữ lòng khiêm tốn, ít khi ông xuất hiện nơi công cộng hay có
hình ảnh đăng trên báo chí. Vì luôn luôn hồi tưởng những ngày còn hàn vi,
phải sống chật vật để sinh tồn, ông nghĩ ra các dự án thiết lập các quỹ hưu
bổng, bảo hiểm và trợ cấp cho các công nhân của công ty.
Ông Eastman đã đi trước các chủ nhân đương thời về những đức tính dân chủ và
nhân đạo trong việc xây dựng kỹ nghệ bằng cách nâng đỡ giới công nhân theo
cách chia lời cho họ tỉ lệ với số lương, vì ông biết rằng người công nhân có
được tưởng thưởng xứng đáng thì sản phẩm mới tốt đẹp hơn. Ông Eastman cho
rằng sự thịnh vượng của một tổ chức không những chỉ nhờ vào các phát minh và
các bằng sáng chế mà còn cần tới thiện chí và lòng trung thành của giới công
nhân. Khi tuổi đã cao, ông Eastman đành phải mướn các chuyên viên thay thế
mình trong nhiều công việc nghiên cứu, nhờ vậy ông có dư thời giờ nhàn rỗi
để đi săn bắn, câu cá, du lịch hay thưởng thức âm nhạc.
Vào thời còn trẻ, ông Eastman không
được học hỏi về Âm Nhạc trong khi ông rất ưa chuộng các vẻ đẹp và những âm
thanh êm tai. Ông thường kể lại vào thời xa xưa, ông đã mua một cây sáo và
tập thổi bài hát Annie Laurie trong hai năm trường. Dù rằng không có thiên
khiếu về âm nhạc nhưng do lòng yêu thích nghệ thuật âm thanh, trong thập
niên 1920 ông Eastman đã thảo ra nhiều kế hoạch thành lập tại thành phố
Rochester một trường âm nhạc , một rạp hát và một ban nhạc hòa tấu, và dân
chúng Rochester đã ủng hộ sáng kiến của ông.
Ông George Eastman còn giúp đỡ các bệnh viện và trường y khoa tại Rochester,
nhưng ngành chữa răng được ông chú ý tới nhất. Ông đã ủng hộ tài chính để
thành lập tại thành phố của ông một bệnh viện nha khoa trị giá 2 triệu rưỡi
mỹ kim. Có người hỏi tại sao ông ưu đãi các nhà thương chữa răng thì ông
Eastman trả lời: “Tiền bỏ ra cho ngành này mang lại nhiều kết quả hơn bất cứ
ngành nào khác. Về y học, chúng ta nhận thấy trẻ em sẽ tốt đẹp hơn, sức khỏe
dồi dào hơn và năng lực tinh thần mạnh mẽ hơn nếu răng, mũi, cuống họng và
miệng của chúng được chăm sóc chu đáo trong thời còn nhỏ”. Từ lý do vững
vàng này, ông Eastman đã tặng nhiều tiền cho các bệnh viện nha khoa của các
thành phố London, Paris, Rome, Bruxelles và Stockholm, và hàng trăm ngàn trẻ
em châu Âu đã ghi ơn ông George Eastman trong cả quá khứ, hiện tại lẫn tương
lai.
Ngoài việc giúp đỡ các công cuộc
chống bệnh tật, ông Eastman còn chú ý tới nền giáo dục. Khi Viện Cơ Khí
Rochester (the Mechanics Institute of Rochester) được thành lập vào năm 1887
và đang phải phấn đấu, ông Eastman đã tặng tiền cho Viện rồi ông còn tự đề
nghị là một trong 10 người đỡ đầu cho Viện. Ngày nay Viện này được đổi tên
thành Viện Kỹ Thuật Rochester (the Rochester Institute of Technology).
Do việc thuê mướn một số kỹ sư tốt
nghiệp từ Viện Kỹ Thuật Massachusetts, ông Eastman thấy được khả năng của
các chuyên viên này và ông càng khâm phục Viện Kỹ Thuật đó. Rồi do lòng quý
trọng, ông Eastman đã tặng cho Viện Kỹ Thuật đó một số tiền lớn tới 20 triệu
mỹ kim với ẩn danh là “ông Smith”. Người ta đã bàn tán rất nhiều về ông
Smith và ngày nay trong bài hát phổ thông của Viện, các sinh viên năm dự bị
còn ca tụng vị ân nhân bí mật của họ như sau: “Hoan hô, hoan hô, nhân danh
sinh viên trường Kỹ Thuật và trường Boston, hoan hô, hoan hô ông Smith, vị
ân nhân ẩn danh”.
Vào năm 1924, ông Eastman đã tặng
hơn 75 triệu mỹ kim cho Viện Kỹ Thuật Massachusetts (M.I.T.), trường Đại Học
Rochester trong đó có trường Âm Nhạc Eastman, trường Y Khoa, trường Nha
Khoa, Viện Hampton và Viện Tuskegee là cơ sở nâng đỡ nền giáo dục của người
da đen. Ông đã cắt nghĩa lý do tặng tiền rộng rãi này như sau:
Trước hết, sự tiến bộ của thế giới tùy thuộc vào Giáo Dục vì thế tôi đã chọn các Viện Giáo Dục. Tôi chỉ muốn đỡ đầu vài ngành mà thôi và tôi cho rằng với các Viện này, tôi có thể tìm thấy các kết quả nhanh chóng và trực tiếp hơn, hơn là để số tiền tản mát đi quá nhiều.
Ông George Eastman là một nhân vật
không thích tự quảng cáo. Thật là trái ngược khi một vĩ nhân của ngành Nhiếp
Ảnh lại ít chụp ảnh hơn bất cứ một danh nhân nào khác trong thời đại của
ông. Do ít người biết mặt, ông Eastman có thể dạo chơi trên đại lộ chính
trong thành phố mà không mấy ai nhận ra được ông. Ông Eastman rất yêu thích
và am tường về Hội Họa, ông thường đi thăm các phòng triển lãm của châu Âu
và ông đã có một bộ sưu tầm tranh đáng kể.
Nếu trong cuộc kinh doanh, ông
Eastman là một tay cạnh tranh ráo riết và thực tế thì trong các cuộc du
ngoạn, ông cũng là một người hoạt động tích cực. Ông thường tổ chức các cuộc
đi săn lớn tại châu Phi, tự vẽ kiểu từng món đồ cắm trại và luôn luôn cải
tiến các vật dụng sao cho nhẹ nhàng hơn, thu gọn được, và mỗi món đồ đều
được dùng cho hai hay ba công việc. Ông lại là tay nấu bếp giỏi, luôn luôn
nhận làm các món ăn đặc biệt cũng như món tráng miệng.
Ông Eastman là một con người can đảm
và giàu lòng tin tưởng. Trong một cuộc săn thú tại châu Phi, ông đã bình
tĩnh quay phim một con tê giác xông tới tấn công ông và viên thợ săn đã bắn
hạ con thú chỉ cách ông 5 bước chân. Có người lo rằng chỉ sơ sót một chút,
ông có thể bị thiệt mạng thì ông Eastman bình tĩnh trả lời rằng: “Dĩ nhiên
là tôi phải tin vào cách tổ chức của tôi chứ !”.
Ông George Eastman qua đời tại
Rochester vào ngày 14 tháng 3 năm 1932, không vợ con. Ông là một người tiền
phong trong việc khai thác các thị trường ngoại quốc. Ông cũng bỏ ra rất
nhiều tiền dùng vào các công cuộc khảo cứu kỹ nghệ, vào các cách quảng cáo
rầm rộ cũng như nghiên cứu ngành Tiếp Thị (marketing).
Ông George Eastman xứng danh là một nhà phát minh thiên tài, một kỹ nghệ gia
ngoại hạng, một nhà tổ chức sáng suốt, một công dân ái quốc và một con người
giàu lòng bác ái, vị tha.
Phạm Văn Tuấn
Tài liệu tham khảo: Wikipedia.org.; Britannica Encyclopedia.
👬👬👬👬👬👬👬
Mời Xem: Lee de Forest (1873 - 1961) Người Cha của Vô Tuyến Truyền Thanh
Tiến Sĩ Stefan Bean – 100% Việt, bị bại liệt, bị bỏ rơi – tranh cử Orange County
Ông Eastaman là người quá tài giỏi
Trả lờiXóa