Bất cứ
nhà văn nào khi có tác phẩm xuất bản, chắc chắn họ đều muốn biết bạn
đọc nghĩ gì về nó. Những ai bảo rằng họ hoàn toàn không quan tâm đến dư
luận, thì hoặc đó là một cách làm cao đôi khi để che giấu sự yếu đuối,
hoặc họ nói dối.
Luôn chỉ xảy ra hai trường hợp: Khen hoặc chê. Khen,
kể cả chỉ là khen xã giao, sẽ không gây ra vấn đề gì nghiêm trọng. Trong
trường hợp còn lại, tác phẩm của bạn bị chê, thì tùy mức độ mà bạn có
thể không quan tâm, thấy buồn chán hoặc tệ nhất là nổi cáu, mắng bạn đọc
không hiểu tác phẩm của bạn. Tuy nhiên, những phản ứng như vậy chỉ
chứng tỏ hai điều: Bạn là người bình thường và với tư cách nhà văn, bạn
thiếu khả năng chịu đựng sự phê phán.
Chuyện này xảy ra với hầu hết những người cầm bút.
Trong hồi ký của nhàvăn Tô Hoài, nếu tôi nhớ không nhầm, ông kể về
chuyện các nhà văn phản ứng lại khi tác phẩm của mình bị chê chả khác gì
những chuyện vẫn đang xảy ra trong làng văn bây giờ. Hóa ra thế hệ các
nhà văn thời Tô Hoài, trong đó gồm cả những người mà chúng ta đang coi
như những bậc trưởng thượng, khi bị chê cũng đỏ mặt tía tai, thậm chí
còn sẵn sàng thượng cẳng chân hạ cẳng tay với người chê. Từ “đánh” trong
văn chương luôn được hiểu theo nghĩa bóng. Nhưng như Tô Hoài và một vài
người khác chứng kiến, thì từng có chuyện nhà văn nhà thơ nào đó “đánh”
người chê mình theo nghĩa đen.
Có thể hiện tượng vừa nói là chuyện hy hữu. Nhưng chê
nhau dẫn đến từ mặt nhau thì thường xuyên và xảy ra ở mọi nơi chứ không
riêng gì ở Việt Nam. Tôi còn nhớ, vào khoảng những năm 90 của thế kỉ
trước, một tác phẩm văn học nội địa được trao giải thưởng, được báo chí
tung hô ầm ỹ. Nhưng với một số người thì tác phẩm ấy sáo mòn, cũ kỹ,
nặng về kể lể kiểu báo chí mà chả có bao nhiêu chất văn học. Một trong
số những người đó thậm chí còn viết hẳn bài chê tan nát tác phẩm được
giải danh giá. Phản ứng của tác giả là dọa viết đơn kiện người chê, gửi
đến một số cơ quan, với lý do tác phẩm của ông đã được Hội Nhà văn trao
giải, tức là đã được khẳng định chất lượng ở cấp “quốc gia”.
Nếu không bị can ngăn ở phút chót, văn đàn Việt đã có một chuyện tức cười cỡ thế kỷ để mua vui.
Nhà văn Bảo Ninh, tác giả của tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh nổi
tiếng thế giới, có lần nói với tôi (sau đó ông nhắc lại trong một bài
trả lời phỏng vấn) rằng, đọc những lời chê tác phẩm của mình nhiều khi
nóng hết cả mặt, nhiều khi thấy nản chí, nhưng thà như vậy còn hơn sách
bị cấm không cho bàn luận, tức cấm cả khen lẫn chê!
Nhưng không mấy nhà văn xứ này có được bản lĩnh và sự
tự tin như Bảo Ninh. Bản thân người viết bài này đã từng bị ông vua
truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp mắng cho “sấp mặt”, chỉ vì có ý muốn “biên
tập” miệng vài chỗ trong tiểu thuyết Tuổi hai mươi yêu dấu của
ông. Mới chỉ là biên tập miệng, tức ở mức đề xuất thôi nhé, mà đã phải
trả giá bằng một trận mắng, không biết khi nhúng bút biên tập thật thì
còn tai vạ đến đâu. Vấn đề có lẽ không phải chỉ là “biên tập vài chỗ,
cắt đi vài câu”, mà điều đó đồng nghĩa với việc dám coi tác phẩm của ông
chưa hoàn hảo, vẫn có thể phải sửa chữa. Với ai khác có thể mặc kệ, chứ
với Nguyễn Huy Thiệp thì không được phép! Chính ông đã nói thẳng với
tôi điều đó.
Tôi quen thân một bạn trẻ luôn khao khát và quyết
liệt tìm cho mình lối đi riêng trong nghiệp viết lách của mình. Với anh
và điều này anh đúng, nhà văn không thể cùng nhau đi theo đàn theo lũ
như trẩy hội, mà phải cô độc, dám đi một mình. Anh đưa ra những tác phẩm
đầy “thách thức” sự chịu đựng của dư luận chung. Thông thường chúng ta
(trong đó có cả chính tôi) nghĩ anh chàng này phải có bản lĩnh thép
trong việc đối mặt với mọi sự phê phán của độc giả. Bởi việc phê phán ấy
đôi khi lại đồng nghĩa với việc gián tiếp ghi nhận sự độc đáo của anh
ta. Anh ta chắc phải là người ý thức rõ hơn ai hết về điều đó, rằng nếu
không chịu được sự chê bai, thì tốt nhất cứ “lối cũ ta về”, cho nó lành!
Nhưng những chuyện xảy ra sau đó khiến ta phải ngạc
nhiên: Anh bạn trẻ kia phản ứng quyết liệt với bất cứ chê bai nào nhắm
vào tác phẩm của anh ta, theo hai cách: Viết bài chửi lại, chửi một cách
cay cú và cách thứ hai, tuyên bố không thèm viết nữa? Hóa ra sức chịu
đựng của nhà văn rất ít khi tỉ lệ thuận với thứ mà chúng ta luôn trầm
trồ gọi là bản lĩnh sáng tạo?
Dù chúng ta biết rõ với nhau rằng, một tác phẩm đã
thoát thai khỏi tác giả, thoát khỏi thân phận bản thảo, là nó thuộc về
độc giả theo một nghĩa nào đó. Chỉ có độc giả mới đủ năng lượng, sự
nhiệt tâm và kiên nhẫn để cho nó một cuộc sống thật sự (Giả định tác giả
luôn chết trước khi tác phẩm của anh ta bị quên lãng hoàn toàn, còn với
loại tác phẩm chết trước tác giả thì không nên mất công nhắc đến ở
đây), vì thế tác giả không thể cứ bao bọc nó mãi được. Thế nhưng, dù
biết như vậy, việc bình thản chấp nhận nó trên thực tế là cả một câu
chuyện khác.
Kết luận thứ nhất: Hết thảy các nhà văn đều thích khen, đều thích nghe những điều vừa tai về đứa con tinh thần của mình.
Mặt khác, hầu hết cũng đều thừa nhận (hoặc ra vẻ thừa
nhận) rằng một tác phẩm chỉ thực sự có giá trị khi nó gây nên những
tranh luận trái chiều. Bởi điều đó phản ánh sự tác động thực sự của nó
vào đời sống, vào tâm thức độc giả.
Thêm nữa, rất nhiều nhà văn biết rõ, khi ai đó chê
tác phẩm của anh ta, chắc chắn họ phải đọc rất kỹ và họ, nếu không tất
cả thì cũng phần lớn, kỳ vọng hơn mức bình thường vào tác giả của tác
phẩm mà họ phê phán. Đó chẳng phải là một món quà quý giá sao? Ít ra nó
cũng quý hơn rất nhiều lần những lời khen chung chung, vô cảm, thực chất
là họ đọc qua quýt cho xong một việc! Biết thế, công nhận thế, không có
gì phải tranh cãi về sự thật đó… Nhưng hầu hết các nhà văn vẫn cứ thấy
nóng mặt, khó chịu với ngay cả những phê bình sâu sắc, công phu, chân
thành nhất.
Kết luận thứ hai: Hết thảy các nhà văn đều rất khó nuốt trôi những lời phê phán.
Phê bình chân chính không phải là tìm cách xóa sổ tác
phẩm (nếu có ai cố làm điều đó vì bất cứ động cơ nào, thì họ coi như tự
đánh mất vị thế và quyền lực của mình). Phê bình là để tìm ra cái cao
hơn về tầm vóc tư tưởng, thẩm mỹ so với những gì bạn đọc bình thường chỉ
thấy trên văn bản. Hình như nhà văn nào cũng đồng ý với điều này. Nhưng
đồng ý là một chuyện quá dễ. Chấp nhận cho cá nhân mình lại là chuyện
khác quá khó.
Kết luận thứ ba: Hầu hết các nhà văn đều không thật
lòng khi tiếp nhận những lời chê bai kể cả nó mang động cơ hoàn toàn
trong sáng, chân thành.
Thực ra, sức chịu đựng của người viết trước những lời
bàn ra tán vào về tác phẩm của mình chính là chỉ số cho thấy khả năng
anh ta có thể trụ lại được bao lâu với lựa chọn của mình. Nếu có ai hỏi
tôi rằng, người viết có cần đáp trả những gì bạn đọc chê tác phẩm do
mình viết ra (mọi nhà phê bình trước hết cũng đều là bạn đọc) thậm chí
sổ toẹt nó, tôi sẽ không trả lời thẳng mà sẽ hỏi lại thế này: “Bạn có
sống đủ dài để nghe và đốp chát lại hết những lời chê bai đó không”? Bởi
vì nếu trời cho bạn có tài, bạn luôn chỉ có thể nghe được một phần rất
nhỏ những lời bình phẩm về tác phẩm của bạn, kể cả khen hay chê. Và tôi
sẽ nói thêm: Còn gì thú vị hơn khi bạn trở thành “vấn đề” tranh cãi của
số đông cả khi bạn không hiện diện; còn gì đáng mong mỏi hơn với một
người cầm bút khi ngày nào bạn cũng được người ta bàn luận sau lưng, kể
cả nói xấu. Đó chính là phần thưởng lớn nhất, duy nhất mà bạn nên mong
muốn đạt được trong đời.
Không hớn hở khi nghe người khác khen mình, khen tác
phẩm của mình, chúng ta đã không là con người. Nhưng, là người viết, nếu
không có khả năng chịu đựng chê bai, phê phán của dư luận, bạn sẽ mãi
chỉ là một người cầm bút bình thường.
Trong nghệ thuật nói chung, trong văn học nói riêng,
chỉ cái khác thường (bao gồm cả cái phi thường) mới đáng kể và mới thực
sự có hy vọng tồn tại lâu dài.
_____
P/s: Một nhà phê bình "hoàn lương" thú nhận rằng ông
nằm trong số những người được "giao nhiệm vụ" chê không tiếc lời, kể cả
dùng từ miệt thị tục tĩu, những tác phẩm bị coi là "chệch hướng", làm
sao để bạn đọc tránh xa nó ngay từ khi nghe tên và cũng theo ông, số bạn
đọc đó khá đông.
Là người viết, bạn nên hãnh diện nếu bị chửi kiểu này.