Thứ Ba, 3 tháng 1, 2023

Tết của một thời - Phạm Công Luận

 


Ngày xưa nghe Ngoại kể
“Lo mà lấy nước đổ đầy lu đi, cúng giếng đến nơi rồi kìa!”.
Năm nào cũng vậy, bầy con nít bắt đầu nghỉ học sau khi ăn liên hoan tết là má tôi nhắc mấy ông con trai câu đó. Hăm ba, hăm bốn tháng chạp thì còn sớm, lấy nước xong rồi cũng sẽ dùng hết. Phải đợi đến hăm tám, hăm chín tết, thức ăn các thứ đã nấu xong, nhà cửa đã lau chùi, chỉ còn lo cúng kiến thì phải trữ nước cho mấy ngày tết sau khi đã đóng giếng để cho giếng “nghỉ ngơi”.
Cúng giếng là phong tục cổ mà từ thời trước 1975 ở Miền Tây-Sài Gòn – Gia Định vẫn còn duy trì. Nhà anh rể tôi ở Phú Nhuận có cái giếng nằm trong sân nhà, không tết nào thiếu lễ cúng giếng vào trưa giao thừa rước ông bà, sau khi đã đổ đầy nước các lu khạp. Lễ vật là dĩa trái cây và bình hoa đặt bên miệng giếng. Đến sáng mùng một đầu năm, ba của anh lại thắp nhang trên bàn thờ và khấn chư thần cho giếng có nước ngon nước ngọt.
Nhà chồng của dì tôi bên ngã tư Bình Hòa cũng có giếng riêng nhưng cả xóm dùng nhờ. Cha chồng của dì cũng cúng giếng đàng hoàng, nhưng khi hàng xóm giữa chừng hết nước xài trong mấy ngày đầu năm, qua xin đôi gánh, ông tỉnh bơ cho lấy nước cho dù mấy phụ nữ trong nhà cằn nhằn.
Thời gian giếng đóng từ chiều ba mươi cho đến mùng ba đâu có ngắn, trong khi đó ngày tết vẫn phải nấu nướng, khách khứa đông, rửa chén nhiều nên mau hết nước. Cho nên những chiều ba mươi, cả xóm huy động ra bao nhiêu lu, thùng thiếc con sò, xoong nồi để chứa nước càng nhiều càng tốt. Cả xóm xếp hàng thả thùng vét tận đáy cái giếng tội nghiệp đến nỗi mạch nước không rỉ nước. Mấy cục lọc nước hình trụ của từng nhà chuyển từ màu trắng sang vàng khè, được dùng sát tối giao thừa. Tới quá trưa ba mươi, giếng được đóng lại bằng một cái nong tre lớn.
Tối giao thừa, vậy mà cũng có người mò ra giếng. Trong bóng tối, tôi thấy họ thắp nhang đầu đỏ lập lòe, lên, khấn vái rồi đứng một hồi mới bỏ đi. Mấy anh chị hẹn hò nhau tạm thời rời xa cái giếng vì không còn cớ gặp nhau nữa.
Nhớ về cái giếng, tôi nhớ những ngày tết xưa giản dị và yên vui. Ba má lo đi làm hay đi bán ngoài chợ, con cái sau buổi liên hoan ở lớp thì nghỉ tết hơn cả tuần lễ. Đá banh hay coi phim rạp Văn Cầm được vài buổi cũng chán, mấy anh em xúm nhau lo dọn dẹp nhà, lau cửa, đánh bóng lư đồng, chà sân, lặt lá mai.
Xong việc, tôi đi vòng quanh xóm xem người ta dọn nhà ăn tết mà vui… ké. Đứng xem họ quét vôi nhà, sơn cửa, chỉ hít mùi sơn vôi thôi mà thấy tết đến gần hơn. Có khi tôi đạp xe lang thang qua xóm đứa bạn học. Xóm nó lo ăn tết vui gấp mấy lần xóm tôi.
Mấy ông già sau khi dọn dẹp xong, rủ nhau qua nhà nhậu. Nhậu ở nhà ông này rồi lúc khác chuyển sang nhà kia. Gần nhà lại có cái lò làm bì heo, nó bảo mấy ông nhậu hoài không hết mồi, tai heo rồi lỗ mũi heo mần phá lấu thêm dĩa củ kiệu.
Ông nội nó có rẫy cải ở miệt Cây Gõ, có trồng ổi mận nên hùn mồi tươi rói ai cũng khoái. Có lần ba nó dắt mấy ông bạn Mỹ trong sở làm về xóm chơi, mấy ông già kéo vô nhậu luôn. Mấy ông Mỹ ban đầu e dè, sau vui vẻ chơi tới bến, uống tới đâu đỏ mặt, đỏ cổ, đỏ ngực tới đó. Phụ nữ và đám con nít cả xóm bu lại rần rần.
Nhắc về những cái tết hồi xưa ở Sài Gòn, một anh bạn khác kể tôi nghe một câu chuyện tức cười. Hồi sau 1975, ba anh từ công chức thời trước chuyển sang kiếm sống nuôi gia đình bằng nghề đạp xích lô. Khác với nhiều người phải đi thuê xe, nhà anh được người thân ở nước ngoài gửi tiền về đủ mua một chiếc. Mỗi ngày, ba của anh đạp từ sáng đến chiều, buổi tối thì thỉnh thoảng người anh trai lớn lấy ra đạp kiếm tiền xài vặt. Nhiều người đề nghị thuê lại mỗi buổi tối nhưng ba anh lắc đầu.
Đến gần tết, một anh trong xóm qua than thở là nhà nghèo quá không có tiền ăn tết và ngỏ ý thuê lại chiếc xích lô vài ngày kiếm tiền mua áo tết cho con. Ba của anh thấy tội nghiệp, lại đang lúc mới nhận thùng thuốc tây gửi biếu từ nước ngoài nghĩa là có tiền xài, nên đồng ý cho anh ta mượn trong mấy ngày cuối tuần, không phải trả tiền thuê. Anh kia rất mừng, tranh thủ đạp xe từ sáng đến tối mịt mới mang trả. Đến ngày cuối cùng, anh ta đẩy trả chiếc xe vào nhà lúc khuya 27 tết. Sáng hôm sau, bạn tôi bất ngờ thấy bỗng dưng nhà có một cây mai gốc to, đẹp rực rỡ với bông và nụ tràn đầy vàng rực trong nắng sớm. Cả nhà không biết cây mai ở đâu ra thì thấy anh hàng xóm cười nhăn nhở đi tới nói lời cảm ơn và xin biếu cây mai.
Ba anh bạn tôi nhìn cây mai cổ thụ này biết là loại mắc tiền, làm sao anh ta có được, số tiền mua cây mai có khi gấp rất nhiều lần tiền công ba ngày đạp xe. Hỏi gạn, anh này nói thiệt là tối hôm qua anh ta chở một ông cụ về nhà trên đường Hồ Xuân Hương miệt Bà Chiểu. Nhà ông cụ là một ngôi nhà vườn rộng có nhiều cây kiểng đẹp. Ông cụ trả tiền xong đi vào, bỏ anh ta với cái cổng không đóng. Thấy cây mai đẹp quá để cạnh cổng phía trong vòng rào, anh ta bưng lên xe chở về để biếu “ông thầy” đã cho mượn xích lô!
Ba anh bạn tôi tá hỏa vì nhà mình đang trữ “đồ gian”. Ông hối thúc anh kia mang trả lại cho mau. Tối hôm đó, phải cho anh ta mượn chiếc xích lô lần nữa, khiêng cái chậu lên xe giùm và tiễn đi, bụng có phần hồi hộp. Lát sau anh ta về, cười toe toét bảo: “Con đã đặt cây mai trước nhà rồi giật chuông cho người nhà ra mang vô”. Cả nhà bạn tôi thở phào.
Anh này là dân trong xóm về từ vùng kinh tế mới, may là còn giữ được ngôi nhà nên có chỗ quay về. Vài năm đầu thập niên 1980, khu chợ Ga ở Phú Nhuận có vài gia đình cũng từ Bù Đăng, Bù Đốp bỏ về thành phố vì không quen chịu cực, không biết trồng trọt và khi về cũng không còn nhà ở vì đã bán trước khi đi. Họ sống trong những góc chợ trống, tối ngủ trên các sạp. Đàn ông đàn bà thì gầy gò, nhưng đám con nít còn giữ nét sáng sủa trên khuôn mặt. Những người bán ở chợ cảm thấy phiền hà, thỉnh thoảng lại la mắng đám con nít và càu nhàu người lớn trong số đó.
Má bán hàng đến trưa ba mươi, tôi ra đóng sạp hàng phụ má và thấy họ loay hoay cúng rước ông bà trên nóc hầm xi măng ủ chuối bằng dĩa mì xào, dĩa bánh mì hấp và cái bình bông nhỏ cắm bông vạn thọ. Vài bác gái bán cá đồng, đồ lê-ghim thường ngày hay la mắng, trước khi nghỉ ăn tết còn cho họ mấy cái bắp cải còn nguyên, ít cá vụn, khoai mì… Má tôi cũng cho hai bịch kẹo cứng Vinabico cho đám con nít. Họ chỉ ở trong chợ qua hai cái tết rồi đi đâu mất.
Đó là vài câu chuyện tết vụn vặt trên đất Miền Tây-Sài Gòn – Gia Định cách nay trên dưới bốn mươi năm trước. Đó là những năm còn nhiều người nghèo, nhưng tình người lúc đó còn đầy, ngày tết còn là một khoảng thời gian thiêng liêng chứ không phải là kỳ nghỉ dài để đi du lịch như bây giờ.
 
 Phạm Công Luận
 Theo TC Kiến Trúc & Đời Sống số 164

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...