- Tác giả, Samantha Shea
- , BBC Travel
Trong vùng đồng bằng bụi bặm thuộc tỉnh Sindh ngày nay của miền nam Pakistan có tàn tích của một trong những thành phố cổ ấn tượng nhất thế giới, nơi hầu hết mọi người chưa từng nghe nói đến.
Một làn gió nhẹ mát dịu thoảng qua cái nóng khi tôi đang mải quan sát thành phố cổ xung quanh mình. Hàng triệu viên gạch đỏ tạo thành lối đi và giếng nước, với toàn bộ khu vực lân cận trải dài theo kiểu ô vuông ca rô.
Một bảo tháp Phật giáo cổ kính vững chãi đổ bóng trên những con đường mòn dần theo thời gian, bên cạnh một hồ bơi chung cùng với bậc lên xuống rộng bên dưới tạo thành một cấu trúc hoàn chỉnh.
Không rõ vì sao nơi đây khá vắng người – hầu như cả không gian này chỉ có mỗi mình tôi.
Tôi đang ở cách xa thị trấn bụi bặm Larkana ở miền nam Pakistan khoảng một giờ chạy xe, tại di chỉ lịch sử Mohenjo daro. Mặc dù ngày nay chỉ còn lại những tàn tích, nhưng nơi này vào 4.500 năm trước không chỉ là một trong những thành phố xuất hiện sớm nhất trên thế giới mà còn là một đô thị thịnh vượng với cơ sở hạ tầng rất tiên tiến.
Mohenjo-daro - có nghĩa là "gò đất mộ địa" (gò đất chôn cất người chết) trong tiếng Sindhi - là thành phố lớn nhất của Nền Văn minh Lưu vực Sông Ấn (Indus Valley Civilisation, hay còn được gọi là Harappan) một thời hưng thịnh, từng cai trị từ miền đông bắc Afghanistan cho đến tây bắc Ấn Độ trong Thời Đồ Đồng.
Được cho là nơi sinh sống của ít nhất 40.000 người, Mohenjo-daro phát triển thịnh vượng từ năm 2500 đến năm 1700 trước Công nguyên.
"Đó là một trung tâm đô thị có mối liên hệ xã hội, văn hóa, kinh tế và tôn giáo với Lưỡng Hà và Ai Cập," Irshad Ali Solangi, hướng dẫn viên địa phương thuộc thế hệ thứ ba trong gia đình ông làm việc tại Mohenjo-daro, giải thích.
Nhưng so với các thành phố của Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà phát triển mạnh cùng thời điểm, không mấy người biết đến Mohenjo-daro.
Đến năm 1700 trước Công nguyên, thành phố này đã bị bỏ hoang và cho đến ngày nay, không ai biết chính xác cư dân nói đây đã rời đi vì lý do gì và họ đã đi đâu.
Các nhà khảo cổ đã đến thành phố cổ này lần đầu tiên vào năm 1911, sau khi nghe báo cáo về một công trình xây bằng gạch trong khu vực.
Tuy nhiên, Cơ quan Khảo sát Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) đã bác bỏ ý tưởng cho rằng những viên gạch này có liên quan tới thời cổ đại, và nơi đây đã không hề bị xáo trộn trong vài năm sau đó.
Mọi sự không thay đổi mấy cho đến năm 1922, khi RD Banerji, một viên chức của ASI, tin rằng ông đã nhìn thấy một bảo tháp bị chôn vùi, một cấu trúc giống như gò đất, nơi các Phật tử thường ngồi thiền. Sự việc này đã dẫn đến việc tiến hành những cuộc khai quật quy mô lớn – đáng chú ý nhất trong đó là các cuộc khai quật của Huân tước John Marshall, nhà khảo cổ học người Anh - và việc Mohenjo-daro cuối cùng được Unesco công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1980.
Những tàn tích được phát hiện đã cho thấy mức độ đô thị hóa chưa từng thấy trong lịch sử, và Mohenjo-daro được Unesco ca ngợi là tàn tích "được bảo tồn tốt nhất" của Thung lũng Indus.
Có lẽ đặc điểm đáng ngạc nhiên nhất của thành phố là một hệ thống vệ sinh vượt xa những hệ thống cùng thời.
Hệ thống thoát nước và nhà vệ sinh riêng được biết đến ở Ai Cập và Lưỡng Hà là những thứ xa xỉ của riêng giới nhà giàu. Trong khi đó, Mohenjo-daro có bồn cầu với hầm chứa chìm và cống thoát nước có nắp che ở khắp nơi.
Kể từ khi những cuộc khai quật bắt đầu, hơn 700 cái giếng đã được phát hiện bên cạnh một hệ thống các nhà tắm riêng, trong đó có một "Nhà Tắm Công cộng Lớn" kích thước 12m x 7m để sử dụng chung. Thật đáng kinh ngạc, nhà vệ sinh được tìm thấy ở nhiều khu nhà riêng và chất thải được xả một cách bí mật thông qua hệ thống cống thoát nước thải công phu khép kín có khắp thành phố.
“Đó là sự hoàn thiện ở cấp độ thành phố mà chúng ta mong muốn trong thời đại ngày nay,” Uzma Z Rizvi, nhà khảo cổ học và phó giáo sư tại Viện Pratt của Brooklyn, tác giả của bài nghiên cứu công bố năm 2011 'Mohenjo-daro, cấu trúc hệ thống và quá trình xử lý chất thải', cho biết.
Người dân của Mohenjo-daro cũng hiểu biết môi trường của họ. Do thành phố nằm ngay bờ tây của Sông Ấn (River Indus), họ đã xây dựng các đập chống lũ và các hệ thống thoát nước khá đồ sộ để tự vệ trước nạn lũ lụt hàng năm.
Hơn nữa, họ còn đóng vai trò chủ chốt trong mạng lưới thương mại đường biển trải dài từ Trung Á đến Trung Đông. Trong nhiều thế kỷ, họ đã sản xuất những mảnh gốm, đồ trang sức, tượng nhỏ và các mặt hàng được chạm khắc tinh xảo khác ở khắp mọi nơi từ Lưỡng Hà đến Oman ngày nay.
Ngày nay, di chỉ lịch sử này đã trở thành một công viên địa phương với bàn ăn picnic ngoài trời phục vụ du khách và những khu vườn tươi tốt, rợp bóng mát.
Tuy vậy, du khách từ các vùng khác của Pakistan ít khi mạo hiểm đến địa điểm xa xôi này và khách du lịch nước ngoài cũng rất hiếm hoi.
Tôi đi vòng quanh những con đường cổ kính chạy ngang dọc vuông vắn như những ô bàn cờ, ngắm nhìn cơ man các giếng nước, những bức tường cao phủ bóng râm mát và những đường cống thoát nước có nắp che – thật kinh ngạc khi tất cả những thứ tiên tiến này đã được chế tạo nên từ nhiều ngàn năm trước.
Khả năng nắm bắt và sử dụng thành thục các kỹ xảo về vệ sinh và thoát nước thải của Mohenjo-daro không phải là những đặc điểm tiên tiến duy nhất khiến những người dân nơi đây khác biệt với các nền văn minh sơ khai khác.
Các nhà khảo cổ học đã ghi nhận việc sử dụng vật liệu xây dựng được chuẩn hóa, mặc dù máy móc hầu như không có.
“Tất cả các viên gạch đều có tỷ lệ 4:2:1 (dài 4, rộng 2, dày 1), ngay cả khi chúng không có hình dạng giống nhau,” Rizvi giải thích. "Điều quan trọng là phải nhận ra rằng tất cả những viên gạch này đều được làm ra theo một ý tưởng thông thái nhất định. Gợi lên cảm giác rằng người dân nơi đây có ý thức rõ rệt mong muốn thành phố của họ trông sẽ phải như thế nào đó. Nếu bạn sắp xếp mọi thứ theo một tỷ lệ, thì ngay cả những không gian để đi lại dường như cũng tiềm ẩn tuân theo một quy tắc tinh tế nào đó của tỷ lệ đã định trước."
Những viên gạch - được làm từ đất, trải qua quá trình phơi nắng cho khô và cuối cùng là nung trong lò - đã tồn tại qua các yếu tố lý hóa trong hàng ngàn năm.
Tuy những kiến trúc phô trương như dinh thự, đền thờ và các dấu hiệu khác thể hiện địa vị không hiện hữu trong thiết kế của Mohenjo-daro, nhưng Rizvi giải thích rằng điều này không có nghĩa là không có những kiến trúc kỳ vĩ.
“Kỳ vĩ nhất ở nơi đây là mức độ bề thế của cơ sở hạ tầng,” bà nói.
Sau khi đi qua một đoạn vỉa hè lát gạch dẫn ra khỏi Thượng Phố (Upper City), tôi tới Hạ Thị (Lower Town), chiếm phần lớn diện tích hơn 300 ha của Mohenjo-daro và là nơi có các khu dân cư giàu có của thành phố.
Nơi này được xây dựng rất quy củ. Hàng chục con phố tương đối nhỏ hẹp trải dài theo một dải hình các ô giao cắt vuông vắn đúng 90 độ. Cửa ra vào của những căn nhà - kể cả những ô cửa nhà tắm – đều có bậc thềm đàng hoàng, không giống như những gì bạn thấy trong những ngôi nhà hoặc tòa nhà nào ngày nay.
“Nhìn bậc thềm là biết ngay rằng họ đã ý thức rõ ràng về phân biệt không gian bên trong và bên ngoài nhà,” Rizvi nói.
Ở Bảo tàng Mohenjo-daro, một tòa nhà nhỏ nằm trên bãi cỏ của khu phức hợp, tôi đã hiểu rõ hơn về những người dân sống ở đây.
Hàng trăm con dấu trang trí - thường có hình một con vật - và tượng nhỏ, đồ trang sức, công cụ, đồ chơi và các mảnh gốm đã được khai quật thành công ở di chỉ này. Chúng được trưng bày trên các dãy kệ bằng kính, các cổ vật đều được bảo quản rất tốt.
Trong số các đồ thủ công có hai tác phẩm điêu khắc: một là người phụ nữ trẻ đeo đồ trang sức và để kiểu tóc điệu đà công phu; và người kia là một quý ông ăn vận đẹp đẽ, có vẻ là người có địa vị cao.
“Người đàn ông thuộc giới tinh hoa này – chúng ta không biết ông ấy là giáo sỹ hay là một vị vua – cho ta thấy việc trang trí và chăm sóc diện mạo đã được chú ý đến từng chi tiết,” Rizvi giải thích. "Điều này cho chúng ta cái nhìn sâu sắc về cách [những người dân sống ở đây] đối xử với bản thân, với cơ thể của họ. Rõ ràng là họ hiểu biết về toán học. Đặc biệt là họ am tường hình học. Và họ rất có gu thẩm mỹ đối với thời trang.”
Tuy nhiên, vẫn chưa có thể tìm ra được một chi tiết quan trọng có thể hé mở nhiều điều hơn nữa về cuộc sống của những người dân ở đây và niên đại họ đã sống.
Các bản viết cổ xưa thường tiết lộ bí mật của các nền văn minh, nhưng điều này lại không xảy ra với Mohenjo-daro, nơi mà người dân sử dụng thứ được gọi là Chữ viết vùng Thung lũng Ấn. "Đó là một ngôn ngữ tượng hình với hơn 400 ký hiệu. Thứ ngôn ngữ này đến nay vẫn chưa được giải mã," ông Solangi, hướng dẫn viên của tôi, nói.
Chính xác điều gì đã xảy ra với Mohenjo-daro là một bí ẩn chưa có lời giải.
Các nhà nghiên cứu đều không biết chắc chắn nguyên nhân chính xác của việc thành phố bị bỏ hoang vào khoảng năm 1700 trước Công nguyên, mặc dù nhiều người tin rằng các yếu tố khí hậu là một phần lý do. Mặc dù vậy, Rizvi giải thích, việc Mohenjo-daro biến mất không phải là chuyện xảy ra một sớm một chiều.
“Bản thân thành phố không lâm vào tình cảnh phải đột ngột sơ tán. Khoảng năm 1900 trước Công nguyên, bạn thấy một sự thay đổi xảy ra, dấu vết của những người sống trong thành phố bắt đầu xuất hiện ít hơn trong các vật chất ghi nhận được. Không phải là tất cả mọi người đều biến mất, nhưng ta thấy có một số khu vực ở trong tình trạng bắt đầu bị hư hỏng. Thời gian về sau mật độ dân số đã giảm hẳn so với thời gian trước đó. Ta thấy được rằng dòng người đã từ từ di chuyển ra khỏi thành phố," bà nói.
Giờ đây, vài nghìn năm sau, thành phố một lần nữa gặp nguy hiểm sau trận siêu lũ tàn phá Pakistan vào tháng 8/2022. Tiến sĩ Asma Ibrahim, nhà khảo cổ học và bảo tàng học đã tham gia vào công việc bảo tồn trên khắp đất nước, xác nhận rằng mặc dù Mohenjo-daro có bị hư hại, song trận lụt tác động đến di chỉ này ít nghiêm trọng hơn so với những gì các nhà khảo cổ học lo ngại ban đầu.
Khi được hỏi về cách Mohenjo-daro có thể được bảo vệ trong tương lai, Ibrahim khuyến nghị sử dụng các kênh đào để nước đọng được tháo rút ra khỏi nơi này, nhưng nhấn mạnh rằng "cần có một chiến lược dài hạn”.
Một kế hoạch lâu dài cho khu vực sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho di chỉ khảo cổ mà còn cho nhiều người dân địa phương, như Solangi, cư dân sống ở gần đó.
Từ nhà của Solangi ở làng Dandh, có thể nhìn thấy rõ bảo tháp. "Đối với tôi, Mohenjo-daro là kho báu của nền văn minh cổ đại. Chúng ta phải bảo vệ nó cho các thế hệ tương lai," ông nhấn mạnh.
Khi tôi đi dọc theo các con đường, tôi đồng ý với mô tả của Solangi. Tôi nghĩ về những con đường được thiết kế một cách trật tự và những viên gạch có kích thước hoàn hảo. Bể bơi xây chìm xuống đất được gọi là Nhà Tắm Lớn. Một hệ thống vệ sinh rộng khắp có thể còn vượt trội hơn so với một số cơ sở hạ tầng được thấy ở Pakistan ngày nay.
Như Solangi đã nhận xét một cách sắc sảo, “của công đã được chi tiêu cho phúc lợi công.”
Và ít nhất là trong một thời gian, khoản đầu tư của họ đã được đền đáp. Mohenjo-daro phát triển mạnh và người dân có thể tận hưởng mức sống vượt xa tiêu chuẩn chung thời bấy giờ.
Khi tôi ngồi trong một chiếc xe kéo kêu leng keng trên đường trở về Larkana vài giờ sau đó, trong tôi trào dâng một cảm giác biết ơn. Trong suốt hàng nghìn năm, Mohenjo-daro đã bị chôn vùi trong đất cát, dường như đã vĩnh viễn biến mất ở vùng đồng bằng Nội Sindh.
Tuy nhiên, nhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong suốt thế kỷ qua của những hướng dẫn viên tận tâm như Solangi và các nhà khảo cổ học, một trong những thành phố tiên tiến nhất của thế giới cổ đại lại có thể được du khách đến tham quan chiêm ngưỡng một lần nữa. Và, khá thường xuyên, bạn sẽ được dạo bước một mình trên những con đường sạch gọn, với những đường cống thoát nước chỉn chu.
độc đáo quá
Trả lờiXóa