Thứ Sáu, 27 tháng 1, 2023

Tạp ghi và Phiếm luận : CÂU ĐỐI ĐIỆP TỰ - Đỗ Chiêu Đức

Tạp ghi và Phiếm luận :

                                    CÂU ĐỐI ĐIỆP T

Trong "CHỮ NHO... DỄ HỌC" có một chữ Giả Tá rất đặc biệt, đó là chữ HÀNH 行. Chữ nầy có bộ XÍCH 彳(nghĩa là Bước chân trái) ở bên trái, và chữ XÁCH 亍 (Bước chân phải) ở bên phải. Bước chân trái 1 cái, bước chân phải 1 cái, nên HÀNH 行 có nghĩa là ĐI.

* HÀNH 行 Ngoài nghĩa ĐI ĐỨNG ra, còn có nghĩa là LÀM, như HÀNH ĐỘNG 行動, mà việc làm thì biểu hiện tánh tình và bản chất của con người, nên HÀNH còn được đọc là... 
      
    * HẠNH: là Phẩm Hạnh 品行, chỉ phẩm chất đạo đức của một con người: "Nhân sanh bách HẠNH hiếu vi tiên 人生百行孝為先" chính là chữ HẠNH nầy.  Kết hợp Hành động và Phẩm hạnh chữ HÀNH còn được đọc là...

    * HÀNG : là Hàng Ngũ 行伍 là phải đi cho ngay hàng thẳng lối; Xếp Hàng cũng là chữ HÀNG nầy. Ngoài ra HÀNG còn có nghĩa là "Ngành Nghề". Cải HÀNG 改行 là Đổi Nghề. Ta có thành ngữ: HÀNG HÀNG XUẤT TRẠNG NGUYÊN 行行出狀元. Có nghĩa là "Bất cứ ngành nghề nào cũng đều có Trạng Nguyên của ngành nghề đó cả". Ý muốn nói : Bất cứ ngành nghề nào cũng có thể phát triển và làm giàu lớn được cả!  Nghĩa phát sinh của âm đọc nầy ta còn có...

    * NGÂN HÀNG 銀行: là Cái Tiệm, Cái Hảng chuyên kinh doanh Tiền bạc. HÀNG QUÁN 行館 cũng là chữ HÀNG nầy.  Vì là chỗ Kinh Doanh nên còn được đọc là...

    * HẢNG: như TỬU HẢNG 酒行: là cái Hảng Rượu. Hảng Xưởng là chữ HẢNG nầy.  Cuối cùng...

    * HÀNH : còn là một thể loại Văn Học trong Nhạc Phủ chỉ các bài thơ Trường Thiên như : TÌ BÀ HÀNH 琵琶行 của Bạch Cư Dị, TÒNG QUÂN HÀNH 從軍行 của LÝ Cần, LỆ NHÂN HÀNH 麗人行 của Đỗ Phủ... Nhưng, Trong đàm thoại...

    * HÀNH 行 cón có nghĩa là Được, như "Hành bất Hành 行不行 ?", là "Được hay không được ?" "ĐƯỢC thì trả lời là HÀNH 行!", "KHÔNG ĐƯỢC thì nói là BẤT HÀNH 不行!".
HÀNH là chữ tiêu biểu cho câu nói của ông bà ta xưa kia thường nhắn nhủ là : Nhất tự lục nghì (Một chữ mà có tới 6 nghĩa !)

      Một công ty ở Hồng Kông đã để tên Bảng Hiệu như thế nầy: 行 行 行 thu hút không ít khách hàng ghé lại xem Công Ty của ông ta kinh doanh cái gì và tên của bảng hiệu phải đọc như thế nào, làm cho business của ông ta trở nên vô cùng bận rộn và phát triển... Thì ra ông ta đang chơi trò Giả Tá. Ba chữ  行 行 行 đọc là HẠNH HÀNH HẢNG, tức là cái Hảng có tên là Hạnh Hành, thế thôi!

     Sau đây là câu đối toàn chữ 行 của một Trường Dạy Nghề như sau :

               行行行行行行行,    Hàng hảng hàng hảng hàng hàng hảng,
               行行行行行行行.    Hảng hành hảng hành hảng hảng hành.
Cũng có thể đọc là :
                      Hàng hàng hảng hảng hàng hàng hảng,
                      Hảng hảng hành hành hảng hảng hành.

      Nhưng dù có đọc như thế nào, thì câu đối trên vẫn có nghĩa là :
         
        - Bất cứ ngành nghề nào, bất cứ hảng xưởng nào;
        - Hảng xưởng nào cũng được, ngành nghề nào cũng được cả !

      Vì HÀNG HÀNG XUẤT TRẠNG NGUYÊN 行行出狀元 mà ! Theo ngành nghề nào cũng tốt cả như ông bà ta đã dạy qua câu ca dao :

                                Nghề nào cũng trọng cũng hay,
                           Làm quan cũng quý, đi cày cũng sang !

      Sau đây cũng là một câu đối rất rắc rối và lắc léo về chữ 行 được đọc là "HÀNH là ĐƯỢC" và "HÀNG là NGÀNH NGHỀ". Câu đối như sau :

                             幹一行就行一行, 一行既行, 行行都行; 
           Cán nhất hàng tựu hành nhất hàng, nhất hàng ký hành, hàng hàng đô hành;
                             幹一行不行一行, 一行不行, 行行不行. 
           Cán nhất hàng bất hành nhất hàng, nhất hàng bất hành, hàng hàng bất hành.

Có nghĩa :
       - Làm một ngành mà được một ngành, một ngành đã được, thì ngành ngành đều được;
       - Làm một ngành mà không được ngành đó, một ngành đã không được, thì ngành ngành đều không được !

       Trên một trường đình bên đường để cho khách bộ hành ngồi nghỉ ngơi của huyện Phụng Hóa tỉnh Chiết Giang có đôi câu đối như sau :

               行,行,行,行行且止; Hành, hành, hành, hành hành thả chỉ;
               坐,坐,坐,坐坐何妨。 Tọa, tọa, tọa, tọa tọa hà phương.
Có nghĩa:
             - Đi, đi, đi,   đi một hồi rồi lại nghỉ;
             - Ngồi, ngồi, ngồi,   ngồi một lát có sao đâu !

         Trường đình đã nói lên đúng cái chức năng của mình, và khuyên người bộ hành đã đi nhiều rồi thì hãy ngồi lại nghỉ một lát rồi hãy đi tiếp, đâu có sao đâu !
Truyện kể...
            Một tân khoa Trạng Nguyên ngày đầu tiên đến bái kiến ra mắt đức vua. Vua muốn thử tài, bèn chỉ vào bút mực đang bày sẵn trên văn án mà phán rằng :"Khanh hãy viết một đôi câu đối cho buổi triều kiến hôm nay". Trạng nguyên được lời bèn ngồi vào văn án hươu bút như rồng bay phượng múa, khi vừa dứt nét cuối thì nhà vua và bá quan văn võ có mặt đều há hốc tỏ ra rất kinh ngạc, vì trên giấy hiện ra hai hàng chữ rất lạ lùng mà mọi người đều không hiểu là nghĩa gì. Nhà vua bèn bảo Trạng đọc to lên cho mọi người cùng nghe. Tân Trạng Nguyên bèn hướng về bá quan cất cao giọng đọc như sau :

                        一 行 行 行 行 行 行 行 行 的 整 齊;
          Nhất hàng hành, hàng hàng hành, hàng hàng hành đích chỉnh tề,
                        一 朝 朝 朝 朝 朝 朝 朝 朝 拜 君 王。
          Nhất triêu triều, triêu triêu triều, triêu triêu triều quân vương.
         
      * NHẤT HÀNG HÀNH 一 行 行 : HÀNG là Hàng ngũ; HÀNH là Đi. Nên
        NHẤT HÀNG HÀNH là Một hàng đi...
      * NHẤT TRIÊU TRIỀU 一 朝 朝 : TRIÊU là Buổi sáng, TRIỀU là đi Chầu. Nên
        NHẤT TRIÊU TRIỀU là Một buổi sáng đi chầu...
Câu đối có nghĩa :
             - Một hàng người đi, mỗi hàng đều đi theo, mỗi hàng đều phải đi rất ngay ngắn.
             - Một buổi sáng đi chầu, mỗi buổi sáng đều đi chầu, mỗi buổi sáng đều phải đi chầu quân vương.
  Mọi người nghe xong mới vỡ lẽ ra và đều gục gặc đầu tán thưởng. Nhà vua rất đẹp ý bèn phong ngay cho tân trạng chức Hàn Lâm Học Sĩ.

         Còn rất nhiều câu đối điệp tự rất thú vị của các danh lam thắng cảnh...
        
          Hẹn bài viết tới !

                                                                                          杜紹德
                                                                                      Đỗ Chiêu Đức





 


1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...