Nói
thì hơi xấu hổ, vừa đậu Tú Tài phần hai, lúc đó tôi mới 18 tuổi Tây,
tức 19 tuổi Ta, mà tôi đã… “muốn vợ !” Con trai mà “muốn” chuyện gì thì
thường vòi vĩnh với mẹ, như chiếc xe đạp, đồng hồ, quần áo mới, kể cả
chiếc solex cáu cạnh tôi đang chạy, mà chỉ hàng “thiếu gia”… ở tỉnh như
tôi mới có.
Những
thứ đó tôi đều mạnh dạn nói với mẹ, và lần nào cũng vậy, mẹ tôi không
cần suy nghĩ mà “ô kê” liền. Còn cái vụ “muốn vợ” nầy, tôi có miệng mà
chẳng thốt nên lời! Tôi định bụng lúc nào mẹ vui và khi chỉ có hai mẹ
con ở nhà thì tôi “tâm sự” liền. Mẹ lúc nào lại không vui!
Vả lại tôi là con một trong gia đình, chỉ cần ba tôi đi uống cà phê hay đi đâu đó thì có biết bao nhiêu dịp… may!
Thế mà khi thấy mẹ ngồi, tôi vừa xề lại thì bao dũng khí đã tiêu tan!
Bao lần như vậy, dường như bà để ý, giọng ngọt ngào cố hữu:
– Gì đó con trai cưng? Muốn gì nữa phải không?
Lúc đó tôi chỉ cần một “gờ-ram” dũng khí, thêm một tiếng “vợ” sau tiếng “muốn” của me tôi thì đòn cân cục diện đâu lại vào đấy rồi.
Đằng nầy tôi lại nhút nhát, rụt rè! – Điều nầy, vốn không phải là bản tính của tôi:
– Dạ… có “muốn” gì đâu mẹ!
Trả
lời xong tôi thấy ấm ức, giận mình sao quá yếu gan! Thì may thay, vợ
chồng anh hai Trân tới chơi. Anh với tôi là chú bác ruột tôi. Hai Trân
là con trai trưởng của bác hai, còn cha tôi đến thứ chín, nên ảnh nhỏ
hơn cha tôi chẳng bao nhiêu. Anh rất vui tính, cởi mở, lẹ làng, sốt
sắng. Cái gì cũng chịu hoạch toẹt, không chịu úp úp mở mở, nên có khi
hơi lố lố. Vậy mà tôi lại quý mến anh ở điểm nầy nhất, mới lạ!
Chưa chào hỏi mẹ tôi, anh nhìn tôi bôm bốp:
– Đậu (Tú Tài) rồi hả mậy? Là người lớn rồi, cưới vợ được rồi đó nghen!
Thuở
đó đậu Tú Tài cũng oai lắm, kiếm việc làm dễ như chơi. Trong thân tộc
có người đậu tú tài là niềm hãnh diện chung. Nghe anh nói, tôi khoái chí
tử, nhưng cũng làm bộ:
– Mới bây lớn mà có vợ gì anh ơi!
– Sao lại “bây lớn”? Hồi tao cỡ mầy là con cu biết gáy rồi. Mầy hỏi chú chín….
Chị hai thúc mạnh vào hông chồng:
– Nói bậy không hà! Thím chín kìa! Chú nó còn nhỏ…
– Nhỏ nhỏ cái gì? Cỡ tuổi nó tôi có con rồi!
Tôi mỉm cười, thấy thích anh lạ! Anh hai quay sang mẹ tôi:
– Thím chín! Em lớn rồi nghen thím. “Nam đại bất hôn như liệt mã vô cương”
đó thím. Em nó đẹp trai, học giỏi, nhà giàu, mà thím không chịu cưới vợ
cho nó là có ngày có người bồng cháu nội về cho thím nuôi đó!
Chị hai nạt:
– Nói bậy không hà! Cái tật không bỏ!
Anh
hai nói chuyện thường chêm vào mấy câu chữ nho, những lần đó tôi cũng
bực mình, vì có câu tôi cũng không hiểu nghĩa rõ ràng.
Câu
anh vừa nói tôi hiểu, xem ra nó cũng hay đó chứ! Còn chị hai, là người
phụ nữ nết na, đẹp lại hiền, hay kìm chế chồng những khi anh quá trớn.
Đặc biệt lần nầy tôi lại thấy chị hơi… quá trớn!
Mẹ mỉm cười:
– Biết nó chịu không mà cưới?
Tim
tôi đập thình thịch. Không ngờ diễn tiến lại thuận lợi như vậy. Mẹ nói
thế tức là nếu tôi “chịu” thì mẹ cưới chứ gì? Ôi con đường… cưới vợ sao
mà hanh thông như vậy!
Anh hai quyết liệt:
– Sao lại hổng chịu thím? Hỏng lẽ nó muốn vợ nó lại la làng lên sao?
Hồi trước con muốn vợ, con cũng đâu dám nói cho má con mà phải nhờ chú chín mở hơi giùm. Thím quên rồi sao?
Quay qua tôi, anh dịu giọng:
– Nè cưng, anh hai hỏi thiệt nghen, cưng có muốn cưới vợ không?
Phải
nói là nhờ anh hai mà lòng tôi tràn dũng khí. Tôi quyết không bỏ lỡ cơ
hội. Chỉ cần tôi nói một tiếng “muốn” là bài toán có đáp số ngay, và bao
nhiêu đè nén trong lòng bấy lâu chắc chắn giờ đây tan biến!
Nhưng như vậy xem phàm phu quá! Tôi cười cười, đợi cho mọi người chờ một lát, thần khẩu xui tôi phát ra một câu quá tuyệt vời:
– Thì hồi trước anh hai sao thì giờ em vậy thôi!
Mọi
người cười rần và mang ý nghĩa khác nhau. Tôi cười cho… đỡ mắc cở. Chị
hai cười xòa góp phần vui; anh hai cười ngất, cười sặc sụa của người
thích chí; còn mẹ thì cười hiền hòa, sung sướng, lấy tay áo chậm hai
khóe mắt rưng rưng. Tôi thấy thương mẹ vô cùng, sà vào lòng mẹ. Dù là
một cậu tú, nhưng với mẹ, tôi vẫn thường thích mẹ vuốt ve như thuở lên
ba. Mẹ vò tóc tôi, nói với anh chị hai:
– Bây thấy hôn? Nó làm còn như nhỏ lắm vậy!
Mẹ hỏi tôi:
– Bộ con có để ý bạn gái nào ở trường hả?
Tôi lắc đầu. Mẹ bảo:
– Vậy thì mẹ biết ai mà cưới cho con?
Anh hai nhanh nhẩu:
–
Thì làm mai! Hồi trước chú chín cũng vậy, con cũng vậy. Có ai thương
yêu ai trước đâu? (liếc sang chị hai) Chừng về ở chung cũng khoái thấy
mồ…
Anh phủi bàn tay chị hai định nhéo vào hông anh:
– Vậy chớ hỏng phải sao?
Rồi quay sang tôi, anh lại ngọt ngào và xôm tụ:
–
Nè, bây giờ em chưa quen ai phải không? E hèm! Hồi trước anh cũng vậy
thôi. Có sao? Nhưng em phải cho thím chín và anh chị hai đây biết mẫu
người em ưng thế nào thì ở đây mới kiếm cho em được chứ! Thí dụ, hồi
trước anh ra tiêu chuẩn là phải vừa đẹp, vừa hiền, vừa có chút học vấn.
Em thấy hôn, chị hai đúng bon tiêu chuẩn đó, Anh thấy là khoái liền.
Hề hề…!
Tôi thấy mặt chị hai đỏ lên vì sung sướng:
– Nói không biết mắc cở….
Sẵn đà, tôi tiếp:
– Mà phải ở miệt vườn nữa em mới chịu.
Anh hai có vẻ cụt hứng, còn mẹ thì có vẻ vui:
– Phải đó à bây, con gái ở vườn nó nết na, thùy mị, giỏi giang.
Anh hai cười, lại xông xáo:
– Trúng tủ bả rồi! Mà cũng dễ thôi! Thím bán tạp hóa lớn, mối mang miệt vườn biết bao nhiêu, nhờ họ mối lái giùm.
Chị hai:
– Sao hăng hái dữ! Mai mốt anh hai chịu lạy đó nghen!
– Tất nhiên! Tất nhiên!
Thói
thường người ta tin tưởng vào những gì mình hy vọng, và sợ mất những gì
mình có. Mẹ đã xong rồi, còn ba thì sao? Ba thường hay chiều ý mẹ dù
đôi khi ý mẹ có đôi chút ông chẳng hài lòng, nhưng đó là những việc nhỏ
đời thường, còn đây là “hôn nhân đại sự,” liệu ba có còn chiều mẹ hay
không?
Ngày hôm sau, tôi thấy ba có vẻ khác khác – vậy là mẹ nói với ba rồi!
Ba ít nói, có chiều nghĩ ngợi. Khi giáp mặt tôi, ba mỉm cười khó hiểu. Phúc hay là họa đây!
Rồi
ngày tôi chờ đợi cũng đến. “Phái đoàn” gồm ba mẹ, anh chị hai và tất
nhiên có vai chánh là tôi. Thật khó tả được bao cảm xúc bồn chồn lo
lắng, hồi hộp, đủ thứ lộn xộn trong lòng tôi. Mẹ tôi cứ dặn dò đủ mọi
việc, hết chuyện nọ tới chuyện kia, đến nỗi khó mà nhớ hết; còn anh hai
thì cứ lải nhải bên tai “bình tỉnh, bình tỉnh, đừng có run.”
Nhà ông nhạc tôi (tạm gọi vậy) ở xã Ngũ Hiệp, cách thành phố Mỹ Tho 30
cây số về hướng tây. Chợ Ngũ Hiệp nằm bên kia sông, muốn qua phải nhờ
một phà nhỏ.
Từ chợ, theo lời bà mai, chúng tôi phải đi bộ thêm gần ngàn mét nữa. Nghe vậy anh hai nói với tôi:
– Như vậy là “vườn trong vườn” rồi phải không cưng? Tiêu chuẩn một đạt hai trăm phần trăm rồi hén!
Chị hai cau mặt:
– Cái ông nầy lúc nào cũng đùa được.
Thật
vậy, đây là vùng trù phú đất đai, cây lành trái ngọt. không biết cơ man
nào là cây trái quả mọng trĩu cành! Cam, bưởi, sa bô chê, dừa, vú sữa,
nhãn, chôm chôm… Nhất là sầu riêng cây nào cây nấy chân tay đeo đầy
nghẹt quả, theo gió thơm lừng. Bà mai chỉ tay về căn nhà ngói kiểu xưa
(kiểu “chữ Đinh”) nói:
– Nhà đó đó.
Tất cả dừng lại “hội ý.” Mẹ khẩn trương thấy rõ, lại dặn dò:
– Nhớ những gì mẹ dặn nghen con!”
– Dạ!
Anh hai cũng thì thào:
– Nhà cất kiểu nầy mà gặp ông già củ tỏi thì mệt lắm à nghen!
Chị hai nạt nhỏ:
– Ông lo cái miệng ông đó. Vô đó nói bậy đi!
Bà
mai vô trước, mẹ sửa lại áo quần tôi chưa xong thì có người ra mời vào.
Giờ phút nầy tôi càng thấy tình mẫu tử bao la như thế nào. Mẹ hồi hộp
như sắp bước vào nơi hang hùm nọc rắn không bằng, lại điệp khúc “Nhớ
nghe con!” lại phát ra!
Vừa
vào cổng, tôi bị hốt hồn vì hơn hai chục cặp mắt, đủ hạng tuổi, nhiều
nhất là trẻ em chăm chú vào tôi, một bà trạc tuổi mẹ có lẽ thông cảm
được điều ấy, bèn rầy đám nhỏ:
– Nè, mấy đứa làm gì tụ tập lại đây dữ vậy? Có đi hết không?
Đám
trẻ tản đi vài bước rồi bẽn lẽn đứng nhìn. Phòng khách được bài trí hai
bàn. Bàn giữa gồm ba mẹ tôi, bà mai, ông bà nhạc và hai vị cao niên.
Bàn bên có anh chị hai tôi và bốn người bên gái cùng trang lứa.
Phần
tôi nghe lời mẹ là không được ngồi, mà đứng sau ghế cha mẹ, hai tay xếp
lại để dưới bụng (nếu đã mời trà xong), tư thế y như lính hầu ở phủ
huyện, hay các thái giám ở cung đình hầu hạ đức vua!
Theo
cách nói chuyện… lại có dịp đứng trước nhạc phụ mẫu; tôi biết ông bà là
người cởi mở, dễ tính. Câu chuyện của hai “sui” càng lâu càng khởi sắc
tốt đẹp. Dần dà khách khí không còn, mà như đã quen nhau từ trước vậy.
Bỗng Ông nhạc gọi:
– Con hai đâu, châm trà mới đi con!
Một
tiếng “dạ” thảnh thót không kém Điêu Thuyền thời Tam Quốc từ nhà dưới
vọng lên làm tim tôi rộn ràng. “Phái đoàn” nhà trai ai cũng hồi hộp chờ
đợi. Bởi ai cũng biết bảo “châm trà” chẳng qua là lời nói khéo cho con
mình ra chào để nhà trai “coi mắt” đó thôi!
Mẹ
quay lại nhìn tôi mỉm cười, thầm bảo “hãy xem kỹ vì thời gian không
lâu.” Tôi chưa kip mỉm cười với mẹ thì rèm hoa lay động, một kiều nữ vận
bộ bà ba, không phấn không son mà má phấn môi hồng. Tóc dài phủ long
gọn gàng bởi chiếc kẹp vàng có đính bông hồng chói lọi. Thoạt trông, tôi
giật nẩy người, đến nỗi bố vợ nhìn thấy. Đợi giai nhân chăm trà xong,
ông vội bảo:
– À quên nữa, cháu qua bên ngồi uống nước, hay cứ ra ngoài dạo cho thoải mái.
Mẹ
lại quay ra tôi, nhướng mày, thầm bảo “hãy đi đi con,” vì thực ra, ông
nhạc cũng ngầm ý cho tôi và vợ tôi gặp nhau để “tìm hiểu,” dù thời lượng
ít oi, nhưng nếu tri túc ắt tiện túc mà thôi! Mọi sự đều được người lớn
sắp xếp có bài có bản và, có màn có lớp hẳn hoi!
Không
khí bên ngoài thực thoải mái. Nhiều loại cây trái lớn nhỏ thi nhau che
rợp ánh mặt trời làm mát rượi cả một không gian rộng. Vài tia sáng yếu
ớt cố gắng chen vào đất tạo thành những đóm trắng lưa thưa đây đó tựa
rãi hoa. Mùi sầu riêng thơm lừng. Hàng Sa Pô thẳng tắp trái nặng sai
oằn. Mấy nhánh ổi cho trái bóng láng no tròn, rục mềm rơi rụng tứ tung,
tỏa hương thơm bát ngát. Chim hót líu lo, bướm vờn thẳng cánh.
Đàn ong tranh nhau hút mật của trăm ngàn hoa đủ sắc đủ màu. Rõ ràng là vùng đất lành thừa mứa cây lành trái ngọt.
Bên sau một giọng êm đềm:
– Biết người ta ưng hay không mà dám đi hỏi vậy?
Tôi quay lại, thì ra là vợ tôi, (tạm gọi vậy), mà cũng là Vi, người đã làm tôi kinh ngạc đến đánh thót cả người khi nãy!
Vi
là bạn học cùng lớp với tôi hồi năm đệ Tứ. Hồi đó lớp đệ Tứ được xem là
cái “móc” của sự chia tay. Bởi con trai, nếu thi rớt thì cha mẹ thường
cho nghỉ để học nghề, còn thi đậu (cấp bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp) thì
cũng mỗi người một hướng đi: Vào sư phạm hoặc gành nghề nào đó, hoặc học
tiếp ba năm nữa để lấy Tú Tài rồi lên đại học. Con gái thì ít người
được học đến nơi đến chốn. Rớt hay đậu cũng thường bị cha mẹ cho nghỉ mà
lo phụ việc nhà, viện lẽ con gái “học cao” khó có chồng! Vi cũng nằm
trong số phận nầy. Bởi vậy cuối năm đệ Tứ, chúng tôi thường trao nhau
lưu bút, mọi người đều nắn nót tuồng chữ cho trang mình thường tặng cả
ảnh, dán vào giữa trang viết, dưới đề:
“Thương nhau mới tặng ảnh nầy,
Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau’
Dù cho ảnh có phai màu,
Cũng đừng xé bỏ mà đau lòng người!”
Để làm kỷ niệm những ngày xa nhau’
Dù cho ảnh có phai màu,
Cũng đừng xé bỏ mà đau lòng người!”
Không
biết bốn câu thơ ấy là của tác giả nào, sáng tác tự bao giờ, mà đến
nay, thỉnh thoảng tôi lại thấy sau bức ảnh ”tặng nhau” của các em cũng
có đề như vậy.
Hơi
lạc đề, nhưng nói thêm cho vui: Hồi đó tôi cũng có quyển lưu bút, tất
nhiên khi ai nhận thì cũng nắn nót từng chữ và giữ sạch sẽ như nói ở
trên. Khi tôi đưa cho thằng Nhứt, ngày sau nó trả (thường thì vậy), nó
viết vào trang đôi mấy chữ tổ bố: “Lưu niệm làm cái xê bình phương gì?”,
rồi láu cá ký tên giáp cả hai trang giấy!
Tôi xem giận run. Cự nó. Nó cười: “Để sau nầy mầy nhớ tao.”
Tôi nghe cũng xìu lòng. Quả thật, đến giờ, nó là người tôi nhớ nhất.
Và đến ngày cuối, chúng tôi tổ chức tiệc liên hoan cuối khóa tại lớp.
Văn
nghệ xung quanh các bài hát về “Mùa chia tay,” “Tạm biệt,” “Nỗi buồn
hoa phượng”… Tôi có sở trường ngâm thơ, ngâm hai bài thơ Đường Luật, bài
đầu của Thầy H.C, giáo sư Sử Địa, bài nầy tôi chỉ nhớ hai câu cuối:
“Rồi đây nếu chẳng sau mùa phượng,
Tất cũng mai kia ở chợ đời!”
Tất cũng mai kia ở chợ đời!”
Và bài họa của tôi:
“Việc cũ, ngàn sau vẫn đổi dời.
Chút tình tâm huyết nói sao vơi?
Luyến lưu kẻ ở đôi dòng lệ,
Tiếc nhớ người đi một góc trời
Chín tháng vui buồn trong một lớp,
Vài giây ly biệt rẽ ngàn khơi,
Đường mây một kẻ hanh thông bước,
Một kẻ lang thang giữa chợ đời!”
(Thơ Kha Tiệm Ly)
Chút tình tâm huyết nói sao vơi?
Luyến lưu kẻ ở đôi dòng lệ,
Tiếc nhớ người đi một góc trời
Chín tháng vui buồn trong một lớp,
Vài giây ly biệt rẽ ngàn khơi,
Đường mây một kẻ hanh thông bước,
Một kẻ lang thang giữa chợ đời!”
(Thơ Kha Tiệm Ly)
Đám
con gái mắt đỏ hoe, có đứa khóc thành tiếng. Chúng tôi lai tặng quà lưu
niệm cho các bạn “nghỉ luôn.” Tôi tặng Vi cái kẹp tóc bằng vàng 14 (tôi
là… “thiếu gia” mà! Vàng hồi đó rẻ lắm, đàn bà con gái chẳng thấy ai
đeo, có đeo thì cũng sơ sài, đeo nhiều mắc cở, bị coi là “quê”; không
thấy ai đeo cục cục như giờ. Vi tặng lại cho tôi cây bút “Pilot” nắp
vàng, loại tốt nhất thời ấy.
– Sao không trả lời?
Vi nghiêm trang như thuở nào, tôi hơi chột dạ:
– Thật lòng tôi không ngờ mình đi hỏi cưới Vi. Đã bao năm rồi, vả lại lúc đó mình còn nhỏ cả mà!
– Bộ mấy năm qua không nhớ chút gì về Vi sao?
– Vẫn nhớ về người bạn nhỏ hiền lành, nhiều nước mắt.
Vi vừa đưa tay rút cây viết trên túi áo tôi, vừa nói:
– Xin lỗi nghe, cho Vi mượn.
Rồi xoay cán viết, nhìn những dòng chữ khắc trên ấy, Vi có vẻ xúc động:
– Vẫn còn giữ của Vi à?
Tôi không đáp, nhìn hai rèm mi chơm chớp, tôi thấy Vi đẹp não nùng.
Tôi nắm lấy tay Vi:
– Không ngờ lại gặp lại Vi. Chẳng phải không có duyên số hay sao? Vi đồng ý nhé!
Vi tủm tỉm cười:
– Nếu em không ưng thì sao?
– Thì anh về, nhưng xin gởi trái tim anh lại.
Lại cười:
– Rõ là thi sĩ! Em đã đồng ý từ khi bà mai nói chuyện với ba mẹ, đâu phải đến bây giờ.
– Không biết mặt làm sao ưng?
Vi kéo mái tóc về phía trước ngực:
–
Khờ quá đi! Mọi người ở đây ai không biết con trai một của tiệm tạp hóa
Vạn Phát, chứ em thì rành lắm. Vị “công tử” ấy còn tặng cho em chiếc
kẹp xinh đẹp nầy nữa phải không?
Trên đường về, mẹ luôn miệng với ba:
– Con nhỏ xem nết na và lịch sự ghê ông há?.
Lại lo ngại:
– Hổng biết nó có ưng thằng con trai cưng tôi không nữa?”
Nãy giờ tôi lặng thinh, nhớ lại những lời nói của Vi mà thấy lòng hân hoan lạ.
Nhưng thấy mẹ cứ lo lắng mãi, tôi mói nói:
– Chắc ăn rồi mẹ ơi! Mẹ đừng lo!
Mẹ nghi ngờ. Anh hai nói:
– Hồi nãy ngoài vườn tụi nó nói chuyện, chỉ cần khi về, đá lông nheo một cái là kể như xong. Thím lo gì!
Ba châm vào:
– Hồi trước bả cũng vậy, sao bả mau quên quá!
Không biết mẹ đánh hay phủi bụi cho ba:
– Cha già mất nết!
oOo
Thế
là chậm lắm khoảng một tuần, mươi ngày tôi đều đến thăm nhạc gia, nhạc
mẫu. Ba mẹ vợ tôi đều nhân hậu, nghiêm khắc với con cái nhưng xem chừng
“dễ” với thằng rể tương lai.
Trước
khi đi, ba tôi dặn: “Con đến đó thấy cái gì làm được thì làm, chứ đừng
lấy mắt ngó là không được! Ngày xưa trước khi cưới, phải làm rể ba năm:
Chẻ củi, vác lúa, cày bừa, làm đủ thứ nặng nhọc, chứ chẳng phải chơi
đâu!”
Nhưng tôi biết cái gì mà làm, mà phụ? Lần đầu đến, tôi thấy ba vợ tôi đang chài cá, thấy tôi sựng rựng, ông hiểu ý, nói:
– Con đứng chơi, ba vãi vài chài nữa ba vô.
Thế
coi sao được! Đợi mỗi khi ba kéo chài lên, tôi phụ gỡ cá, mà có được
đâu! Tôi đụng tới con nào thì con ấy giãy rồn rột, rách cả tay, có khi
phóng lại xuống mương; trong lúc ông bỏ vào giỏ lia lịa như bỏ đá vào
vậy!
Một
lần thì thấy ông đang chiết nhánh cây, cái nầy tôi càng mù tịt, nhưng
cũng có việc làm là… đưa dây cho ba tôi cột “bầu”; cái công việc không
cần người phụ tá!
Ba
vợ tôi rất điệu đời, ông thường bảo vợ tôi dắt tôi ra vườn xem có “cái
gì nó thích thì hái nó ăn.” Tôi biết ba tạo điều kiện cho chúng tôi
chuyện trò. Ông dư hiểu, bởi nói tiếng là thăm cha mẹ vợ, nhưng chủ yếu
của chàng rể tương lai nào cũng là thăm… vợ cho đở nhớ mà thôi.
Nếu không, tại sao mỗi lần đến thăm mà cha mẹ vợ đi vắng thì chàng rể lại hớn hở trong lòng!?
Vườn
nhà vợ tôi đủ loại cây nên có trái quanh năm, chúng chen chút nhau nên
chỉ cách hơn mười thước là không thấy dáng người. Tôi có cảm tưởng như
hoàng tử gặp công chúa trong rừng vậy! Đến hàng dừa tơ, quày ôn trĩu
trái màu vang rực, sai oằn đụng tới mép mương, Vi đưa tôi dao, bảo:
– Chặt dừa uống nhé!
– Trái nào đây?
– Thì tùy chọn.
Khổ
sở lắm tôi mới đem được hai trái dừa rời quày được. Dùng dao chặt phần
đầu có cuống. Dao bén ngót mà tôi phạt năm bảy nhát liền mà vỏ dừa chỉ
dập dập, trầy trầy, tung mấy miếng văm! Vi cười khoe hai hàm răng đều
như hạt bắp:
– Để nô tì giúp cho, thưa công tử!
Dành
lấy dao, Vi chỉ phập ba nhát nhẹ nhàng mà vỏ dừa tách ra từng mảng lớn,
nhát thứ tư, nhẹ hơn, chạm vào gáo, Vi thuần thục lách nhẹ lưỡi dao, để
lộ phần “cái” trắng bóc mịn màng, bao quanh phần nước sóng sánh trong
veo! Một tay đưa dừa cho tôi, tay kia chỉ chỉ vào trái dừa bảo:
– Chặt dừa phải chặt đầu lớn nầy nầy, Lưỡi dao phải để hơi xiêng. Ai đời ở trên bổ xuống… 90 độ. Làm sao đứt được?
Lợi dụng tôi nắm lấy cổ tay tròn trịa mịn màng của Vi, ghé mũi xuống hít một hơi dài. Vi vẫn để yên nhưng bặm môi:
– Có thấy con dao ở đây không thì bảo?
Rồi cùng cười, tôi hít mũi chọc:
– Còn ngọt hơn cả nước dừa!
Đến
địa phận chuyên canh sầu riêng. Ôi! Hàng hàng thẳng tắp. Không biết cơ
man nào là trái đậu trên cành! Toòng teng nhỏ to đủ cở, lủng la, lủng
lẳng tầng thấp tầng cao, xem vô cùng ngoạn mục. Tôi hỏi:
– Nghe nói sầu riêng chỉ rụng về đêm, phải không?
– Sao lạ vậy?
– Thì… trời khiến để đừng bể đầu người!
Vi cười ngoặt ngoẽo:
–
Sao trái dừa vẫn rụng ban ngày? Bộ trái dừa không làm bể được đầu
người? Chủ vườn nói vậy để cho mấy thằng ăn trộm không dám lẻn vào đó
thôi!
Rồi chỉ vào phía trước, bảo:
– Có hai trái rụng kìa! Anh lại lượm đi! Coi chừng nó “bịch” một cái là hết có vợ đo..o..ó!
Tôi
nhìn lên, thấy hàng trăm trái lòng thòng, gai tua tủa, giống như những
quả chùy của các võ tướng ngày xưa. Nói dại, nếu nó mà”phịch” xuống một
cái như lời Vi nói thì dù không bể đầu, thì mặt mũi chắc cũng khó coi!
Dợm chạy đi, bỗng luồng gió quái ác từ đâu lùa tới, bèn chột dạ, tôi
dừng lại. Vi cười ngất:
– Coi vậy mà cũng sợ mất vợ hén!
Tôi chữa thẹn:
– Vậy chớ vợ như Tây Thi thì chết sao dành!
Má Vi càng đỏ thêm, nắm tay lại giá giá vào tôi:
– Cái tật nịnh…
Tôi vừa dặt hai trái sầu riêng xuống thì Vi bảo:
– Tách ra đi!
Nói
đoạn lại bờ rào tìm hái những nhánh bông. tôi lui cui lấy dao chặt
phình phịch vào đầu lớn trái sầu riêng, dao cũng để xiêng một góc mà xem
ra vỏ sầu riêng còn dai hơn cả vỏ dừa. Thật tình, sầu riêng tôi ăn có
hàng trăm nhưng mỗi lần đều được mẹ bóc sẵn bỏ vào tủ lạnh, nên có biết
gì đâu!
Tôi
lật qua, lật lại, chợt nhớ tới cái vỏ sầu riêng mẹ bóc xong đâu có trầy
trụa, hay mất một góc đàng đầu trái, mà xem ra nó còn nguyên vẹn giống
như một chiếc xuồng! Tôi sửa lại rồi dùng dao bổ theo chiều dọc, cũng
chẳng ăn thua! Mệt, tôi định gọi cầu cứu, thì Vi đã đứng sát bên tôi bụm
miệng cười tự lúc nào…
Rõ ràng là Vi biết tôi không làm được mà cố chọc chơi! Bèn ngồi xuống, lấy dao, vừa làm vừa dạy đời:
–
Hồi nãy em bảo công tử “tách” ra chứ có bảo “chặt” đâu mà làm như bửa
củi vậy? Đây nè, chỗ nầy lúc nào cũng có một khe hở. Chỉ cần để mũi dao
vào đây rồi dùng đòn bẩy “Ạc Shi Mét” là xong. Làm rể kiểu nầy mất vợ như chơi.
Tôi bá lấy cổ Vi:
– Giỏi quá, để anh thưởng cho một cái.
Vi nhắm mắt, lắc đầu quầy quậy:
– H..ô..ông..!
Đợi khi tôi “chụt” xong, Vi mới mở mắt ra, chỉ tay vào vỏ sầu riêng, nói:
– Cái vỏ sầu riêng nầy mà vô mặt thì còn hơn té thùng đinh nữa đó!
Lần nào cũng có chuyện tương tự như vậy, thử hỏi sao tôi không khoái về thăm… ông bà nhạc?
Gần
tới ngày cưới, tội nghiệp Vi gầy thấy rõ. Sau nầy tôi mới biết, là con
gái trưởng trong gia đình, Vi lo lắng sắp xếp mọi thứ, lại nghĩ tới ngày
theo chồng, xa mẹ bỏ em nên đủ thứ tình cảm ray rức trong lòng. Vậy mà
trò chuyện với tôi một hồi, mặt hoa lại rạng rỡ, nói nhỏ cho tôi vừa
nghe, như một chuyện gì quan trong lắm:
– Làm rể mà lỏng nhỏng không động móng tay, cứ đeo sát con gái người ta hoài không sợ bà con họ nói sao?
Ba vợ tôi thường bảo tôi: “Con ở chợ không quen việc ở vườn. Con cứ về thăm, khỏi làm gì hết, đừng ngại, cứ coi như ở nhà con.”
Tôi đem lời nầy nói cho vợ nghe, rồi châm thêm:
– Vậy chứ anh có việc gì để làm?
– Em chỉ cho. Gần tới ngày cưới rồi, phải có củi để nấu chứ! Hay là anh chịu khó ra chẻ một mớ….
– Ở đâu?
Vi
chỉ tay về một hàng củi được chất ngay ngắn từng ô một, dài chừng… vài
chục mét, khúc nào khúc nấy cở bắp đùi… voi. Tôi chột dạ:
– Chẻ hết sao?
Vi làm mặt nghiêm:
– Ừa!… Thì tới đâu hay tới đó! Ngày còn dài mà!….
Tôi
xách búa đi mà tác phong rời rã như Hạng Võ tại bến Ô Giang! Nhưng muốn
ăn phải lăn vào bếp, muốn cưới được vợ thì phải bửa củi, cày bừa… Thì
ra lời ba tôi nói chẳng sai, bằng chứng là tôi cũng không ngoại lệ!
Tôi
cởi áo sơ mi máng trên cành bưởi, còn lại chiếc áo thun ba lỗ trắng
tinh, vốn là “mô đen” của con nhà giàu mới có áo lót bên trong. Dù là
“công tử,” nhưng tôi thường tập tạ nên bắp thịt coi cũng ngon lành.
Tôi
đếm thầm: Một, hai, “phập!”; một, hai “phập!” Có cái “phập” làm củi vỡ
ra, có cái “phập” thì búa lại dính khắn vào củi, gỡ ra cũng tróc vải
trầy vi! Khi độ mệt đã choáng váng mặt mày, nhưng còn đủ để nhận được
tiếng ông nhạc ở sau lưng:
– Bây làm cái gì vậy?
Tôi quay lại chào ông bà vừa đi xóm về, rồi trả lời với giọng điệu của người vừa lập nên công trạng:
– Dạ, vợ con biểu chẻ củi để khi đám cưới có mà xài!
– Thôi, thôi! Bây “bị” nó rồi! Đi vô! Đi vô uống nước con!
– Dạ, để con chẻ thêm một mớ nữa, ba!
–
Củi nầy ba để bán cho lò bánh mì, đâu cần chẻ! Còn củi dùng cho đám
cưới thì để trong nhà kho kia, có xài mười đám cũng không hết!
Bà nhạc lắc đầu:
– Cái con nhỏ nầy…
Vào nhà bà nhạc rầy Vi:
– Chồng của mầy nó không quen làm việc nặng. Xúi dại rũi nó trợt chân trợt cẳng thì sao?
Bà
nhạc dùng tiếng “chồng mầy” tôi thấy ấm áp lạ lùng! Còn vợ tôi thì chúm
chím cười, còn liếc qua tôi với ánh mắt còn bén hơn… lưỡi búa, lại chu
đôi môi đỏ ao chế nhạo.
Thế là bao mệt mỏi trong tôi biến mất tiêu!
Phải
nói trong đời thường, về sự thông minh, lúc nào vợ cũng hơn tôi một
phép. Khi về làm dâu vợ tôi đã chứng minh đầy đủ điều đó. Ngoài sự hiếu
thảo với cha mẹ chồng, vợ tôi còn nhiều đức tính như hân hậu, cần kiệm…
Thuở
đó, ở thành phố “nhà giàu” mới có tủ lạnh (ti vi chưa có), còn dưới quê
thì tuyệt đối không, bởi có điện đâu mà xài! Nên những ngày đầu, tủ
lạnh đối với vợ tôi là một phát minh khoa học lớn lao, nó đủ công năng,
nên có cái gì cũng “thồn” vô trong đó. Có lần mẹ tôi mở tủ lạnh, rồi nói
với vợ tôi:
– Tô mắm nêm nầy, con đừng có để vào đây, nếu không tất cả cái gì trong nầy đều có mùi mắm nêm hết.
Chỉ chờ có dịp nầy, tôi cười hí hí:
– Trái cây mà có mùi mắm nêm ăn càng ngon chứ sao mẹ?
Mẹ cười, còn vợ tôi cứ đem cái sở trường là bắn nửa mắt vào tôi.
Tôi khoái chí, nói theo kiểu đá banh thì “gỡ” được một, nhưng dường như chỉ có một mà thôi!
Khi
con chúng tôi đã lớn, tuổi có thể về quê thăm ngoại một mình, thế mà
một tối cả nhà xem “ti vi,” không phải nhằm đoạn hài mà vợ tôi cười
ngất. Con hỏi, “sao tự nhiên mẹ cười?” Một lát vợ tôi mới trả lời được:
– Mẹ thấy bộ tướng ông thái giám đứng khúm núm kia giống “mấy thằng cha” lần đầu coi mắt vợ quá! Hi! Hi!
Biết bị xỏ ngọt nhưng tôi biết gì hơn ngoài làm…thinh! May sao đến chương trình quảng cáo, quảng cáo tủ lạnh, tôi nói tỉnh bơ:
– Tủ lanh đời mới coi bộ tốt à nghen! Nó tự khử mùi, dù “mấy con mẹ” ở vườn có để mắm nêm vô đó cũng không sợ hôi. Ha! Ha!…
Tức thì vành tai tôi bị kéo ra cả thước, tiếp theo là một giọng tru tréo, muốn nổi da gà:
– Trời..u.u..i! Chuyện cũ nhắc hoài! Nhắc hoài!
Vậy đó, “chuyện xưa” thì vợ tội nhắc được, còn “chuyện cũ” tôi nhắc thì như bị muốn nhai xương!
Có vợ miệt vườn, miệt quê là vậy đó!
Thái Quốc Mưu
--
bài viết rất hay
Trả lờiXóa