Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

CÔNG VIỆC VÀ VẬN MỆNH

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke (*)
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

 

Với cách suy nghĩ “Đối với bất cứ việc gì cũng hành động theo ý chí của chính mình” thì khi có sự việc khó khăn lớn xảy ra, bạn sẽ dễ lung lay dao động. Do đó bạn cũng nên hướng về một mục tiêu vượt qua ý chí của bạn (thí dụ điều mà bạn cho là sứ mệnh trời giao cho bạn) để sống.

Khi tôi 22 tuổi lúc tôi đang làm việc cho công ty Đèn Điện (Dentô), tôi đã quyết tâm nghỉ hãng và ra riêng để chế tạo đồ vật xài điện, nhưng không phải là máy truyền hình hoặc máy giặt như ngày nay mà chỉ là ổ cắm điện nhỏ; và tôi đã tự mình bắt đầu. Mặc dù quy mô công việc rất khiêm tốn nhưng rõ ràng tôi đã quyết định bằng ý chí của chính tôi. Tự tôi đã quyết định làm như vậy và tôi đã chọn con đường đi này.

Tuy nhiên về sau này khi tôi hồi tưởng lại, tôi có cảm tưởng không phải chỉ có vậy. Không sai, đúng là chính tôi đã tự quyết định nhưng tôi nghĩ rằng có những cái gì đó đã khiến tôi quyết định như vậy.

Thí dụ tình thế xã hội lúc đó có lẽ là một trong những cái này. Nếu tôi được sinh ra sớm hơn 20 hoặc 30 năm về trước, chắc chắn tôi đã không nghĩ đến việc chế tạo ra đồ vật xài điện (đồ điện). Ngoài ra, tôi nghĩ rằng tình trạng sức khỏe của tôi, hoàn cảnh sống của tôi khi đó v.v…cũng có ảnh hưởng lớn đến việc chọn lựa và quyết định trên của tôi. Nếu như cơ thể của tôi cường tráng, cha mẹ tôi còn sống, và 2 anh tôi không sớm qua đời, còn khỏe mạnh thì có thể con đường tôi chọn sẽ khác đi. Do đó, việc tôi quyết ý chế tạo đồ điện không phải đơn thuần chỉ do ý chí của tôi. Điều này làm tôi phải nghĩ rằng ở quyết định trên của tôi có một sức mạnh vận mệnh nào đó đã tác dụng lên tôi.

Con người là loài sinh vật dù sinh vào bất cứ thời đại nào cũng có thể phát huy bản thân mình thích ứng với thời đại đó. Tuy nhiên để làm được một việc đặc biệt gì đó, nếu không sinh ra phù hợp với thời đại để làm công việc đó thì có lẽ không thể nào thực hiện được. Ở mặt nào đó, con người có thể chọn con đường của mình sống bằng ý chí của mình nhưng ở mặt khác ngoài ý chí của bản thân còn có tác dụng của một sức lực to lớn khác. Đây là sự thật không thể phủ định. Tôi nghĩ rằng chúng ta mọi người cần phải biết rõ điều này, và với nhận thức này chúng ta sẽ có được một sức mạnh rất to lớn.

Nếu bất cứ việc gì chúng ta cũng làm theo ý chí của bản thân thì khi có việc gì xảy ra, chúng ta dễ bị dao động. Tuy nhiên nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta hành động do một sức mạnh nào đó tác động thì chúng ta sẽ “phục tùng tuân theo”, cách nói này có thể gây hiểu sai lầm, và từ đó chúng ta sẽ có được một thứ an tâm và chúng ta sẽ không dao động lung lay mà tự nhiên trung thực tuân theo.

Việc xúc tiến sự việc bằng sự phán đoán đúng sai theo tính toán cân nhắc và ý chí của bản thân vốn là quan trọng. Tuy nhiên con người còn có một khía cạnh là tâm tình thay đổi theo thời gian, cách nhìn, cách suy nghĩ sự việc cũng thay đổi theo. Do đó nếu sống cả đời bằng ý chí của bản thân thì khi chúng ta hoang mang do dự trầm trọng thì chúng ta sẽ bất an và dao động mãnh liệt sẽ thường xảy ra.

Do đó việc đi đường đời bằng ý chí của mình là quan trọng, nhưng ngoài ra nên kết hợp cùng một mức độ hoặc nhiều hơn với “phục tùng” theo ý nghĩa tốt và để hết tâm sức vào hoàn cảnh mà trời ban phú cho mình. Nếu có thể sống bằng cách này thì khi gặp phải vấn đề hoặc khó khăn trong cuộc đời dài trên cơ bản chúng ta có thể không dao động lớn mà có thể vượt qua được. Tôi nghĩ rằng đối với mỗi vấn đề dù chúng ta có lo lắng, cực nhọc nhưng không đến mức độ to lớn hoặc phiền não đến mức phải phủ nhận bản thân. Tôi cảm thấy rằng bản thân tôi đã có thể đi một mạch con đường đang đi hiện nay trên 60 năm phải chăng là nhờ tôi có quan niệm về vận mệnh và cách nhìn sự vật như nói trên.

Nguyễn Sơn Hùng 22/9/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Mới Xem : 

Điều 7: Lòng biết ơn giúp bạn cảm thấy lẽ sống và sống hạnh phúc (1)-MATSUSHITA Kônosuke (*)


Nhận xét của người dịch

Khi lập chí, đặt mục tiêu cho cuộc đời mình, việc chọn lựa công việc nghề nghiệp hợp với điều bản thân muốn làm và năng khiếu của mình (thiên phận) là quan trọng. Một điều khác quan trọng không kém là mục tiêu này sao cho xứng đáng để chúng ta có thể xem là một sứ mệnh mà trời giao phó cho chúng ta. Việc “xem là một sứ mệnh mà trời giao phó” mới nghe qua có vẻ hoang đường hoặc mê tín nhưng không phải vậy, vì niềm tin có thể giúp chúng ta khắc phục và vượt qua những giờ phút khó khăn, những lúc có thể làm ý chí của chúng ta lung lay và bỏ vỡ mục tiêu giữa chừng. Khi ý chí có thể lung lay là lúc niềm tự tin của chúng ta gần mất hết nên cần có một niềm tin khác để nương tựa vào, đó là hành động thiết thực hợp lý, không phải là hành động mê tín. Tác giả đã nói và người dịch cũng có những thể nghiệm tương tự.

Mặc dù có thể không phải là niềm tin vào sứ mệnh trời giao phó mà nhờ vào một loại niềm tin khác nên trong lịch sử nhân loại cũng đã có nhiều người từng thốt lên “Con người chắc chắn ai cũng có một lần chết. Tuy nhiên, cái chết đó có thứ có giá trị nặng hơn núi Thái Sơn, có thứ chỉ có giá trị nhẹ hơn lông chim hồng là do cách sử dụng mạng sống khác nhau.” (3).

Đặt một mục tiêu xứng đáng là một sứ mệnh trời giao phó là tốt nhưng nếu chúng ta không luôn hướng tới thì việc đặt ra mục tiêu cũng không giúp ích chúng ta được gì, đây là việc không nên quên. Trong một tác phẩm khác, tác giả đã cho biết sự nghiệp của tác giả bắt đầu phát triển là sau khi tác giả đã bắt đầu ý thức công việc đang làm là sứ mệnh của trời giao phó cho tác giả. Tác giả đã tìm ra chân lý này trên đường về nhà, sau khi đi viếng thăm một ngôi chùa mà nơi đó có rất nhiều người đến thăm viếng. Tác giả đã tự hỏi tại sao ngôi chùa này có kết quả này và đã tự tìm ra câu trả lời: “xem việc làm của mình là một sứ mệnh mà trời giao phó”. Viết đến đây người dịch lại nhớ tới “Truyện Người Thỉnh Kinh” của Nguyễn Nam Trân biên dịch (4). Nhờ đâu, nhờ sức mạnh gì mà nhà sư Pháp Hiển đã rời Trường An khi tuổi đã 64 để qua Ấn Độ xa xôi thỉnh kinh và đã thành công trở lại quê hương sau 13 năm?

Tại sao mục tiêu cuộc đời nên là sứ mệnh mà trời giao phó? Người dịch thường nghĩ: không bước đi chắc chắn sẽ không bao giờ tới đích. Mặc dù bắt đầu bước đi không có nghĩa chắc chắn sẽ tới đích nhưng xác suất là 50%, còn nếu không bắt đầu bước đi thì xác suất đến đích là 0%. Quy mô của mục tiêu cũng vậy. Nếu mục tiêu nhỏ hẹp, thấp kém thì dù có thành tựu cũng chỉ ở mức thấp kém, nhỏ hẹp. Nếu do may mắn, ngẫu nhiên đạt được thành tựu to lớn, cao cả hơn thì có lẽ người có được không có niềm vui sướng bằng người bỏ nhiều công sức, tâm huyết để đạt được mục tiêu mà họ đã đặt ra từ đầu.

Như vậy mục tiêu của Matsushita là gì? Là tạo cho nhân loại được phồn vinh, hòa bình và hạnh phúc. Do đó, ngoài việc sáng lập tiền thân của công ty Panasonic, ông còn lập viện nghiên cứu PHP (PHP Institute Inc.; PHP: Peace and Happiness through Prosperity), Matsushita Chính Kinh Thục (The Matsushita Institute of Government and Management). Có thể nói đây là đặc điểm của ông so với các doanh nhân thành công lớn khác của Nhật Bản.

Ngoài ra lòng biết ơn cũng giúp ta phấn khởi, cố gắng hàng ngày trong quá trình thực hiện sứ mệnh trời giao phó.

(Viết xong ngày 6/1/2022)

Ghi chú

  1. Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
  2. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  3. Câu này do Tư Mã Thiên (TCN 145~TCN 86) , tác giả của sách Sử Ký, viết trong lá thư gửi cho bạn là Nhiêm An. Theo chú thích sách Văn Tuyển của Lý Thiện, câu nói này căn cứ theo ý lời của Kinh Kha (?~TCN 227) nói với thái tử Đan nước Yên “Trong tiết tháo của liệt sĩ, chết nặng hơn núi Thái Sơn hay chết nhẹ hơn lông chim hồng chỉ là do dùng cái chết vào việc gì” (Theo “Cố Sự Danh Ngôn Tri Thức Từ Điển”, nhà xuất bản Shufu-to-Seikatsusha 1996). Tuy nhiên theo sách “Thái Tử Đan” (quyển hạ) (https://ctext.org/yandanzi, Vấn Kinh Đường Tùng Thư của Trung Quốc) thì câu nói của Kinh Kha như sau: “Đến nay Kha này thường hầu cận bên người quân tử, sung sướng được nghe lời dạy của thái tử rằng trong tiết tháo của liệt sĩ, có cái chết nhẹ như lông chim hồng, nghĩa nặng hơn núi Thái Sơn là do chỗ dùng”. Nếu sách “Thái Tử Đan” ghi đúng lời của Kinh Kha thì ý của Kinh Kha và Tư Mã Thiên không giống nhau. Chúng ta thường thấy các liệt sĩ có ý nghĩ như Kinh Kha, họ xem trọng nghĩa hơn chết.
  4. Nguyễn Nam Trân biên dịch: Truyện Người Thỉnh Kinh (Cầu Pháp Tăng)

https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Chin-Shun-Shin-TNTK.htm

 Mùa thu trong công viên Showa-kinen Park, Thành phốTachikawa, Nhật Bản

1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...