Thứ Năm, 26 tháng 1, 2023

Ngày Tết ở Nhật và Shichifukujin (“ Bảy vị thần phước đức ”)

Người Nhật gọi Tết là O-shogatsu (chính nguyệt) – ngày lễ lớn nhất trong năm, thường được nghỉ từ 29 tháng 12 cho đến hết ngày 3 tháng 1. Ở Nhật Tết là ngày lễ đầu tiên của rất nhiều tế lễ hội hè và người ta đã vô tình cho rằng Tết là ngày đầu tiên khi mùa Xuân đến, mặc dù nước Nhật đổi từ âm lịch sang dương lịch từ mồng 1 tháng 1 năm 1873 – tức là năm thứ 6 thời Minh Trị.

Những gì liên hệ với O-shogatsu thường có nghĩa là mới nhất, nên từ O-shogatsu còn có nghĩa là “đổi mới”. Giờ giao thừa, một-trăm-linh-tám hồi chuông trừ tịch (joya no kane) gióng lên từ các ngôi chùa làm người ta quên đi những phiền não trong Năm Cũ để chào mừng Năm Mới. Thiên hạ phần đông đi thăm đền, chùa đầu năm, gọi là “Hatsumode” ; người ở vùng Tokyo thường đến Meiji Jingu (Minh Trị Thần Cung), đền kỷ niệm Minh Trị Thiên hoàng ở trong thành phố.

Để đón Tết, trong nhà người ta thường treo Origami (giấy xếp) hình con hạc (tsuru) và con rùa (kame), hai sinh vật tượng trưng cho trường thọ và hạnh phúc. Nhà cửa, phố xá thường cắm nhành thông Kadomatsu (môn tùng) ở cửa ra vào nhằm “ tế thần ” trong dịp Tân Niên. Thường thường, ngoài nhành thông, người ta còn thêm tre, vì tùng (thông) và trúc (tre) là biểu hiện của sự cường tráng, sức mềm dẻo, uyển chuyển và tràn đầy nhựa sống. 

Đồ 'ăn Tết' O-sechi

          

Thông thường người Nhật
chuẩn bị đồ ăn cho đến hết ngày mồng 3. Trước hết phải nói đến “ đồ ăn Tết ” O-sechi-ryori. O-sechi là “ Tiết ”, giống như trong từ “ sekku ” (tiết cú), một trong năm tiết mỗi năm (chẳng hạn như Tiết Đoan ngọ, v.v.) ; và ryori là “ liệu lý ”, tức là món ăn. Cũng nên nói thêm rằng chữ Tết trong tiếng Việt cũng bắt nguồn từ chữ “ tiết ” này – một điểm khá thú vị mà ta ít để ý. Bắt đầu từ thời
(794-1185) người Nhật tiếp thu phong tục này từ Trung Hoa. O-sechi-ryori thường để trong hộp gỗ gọi là jubako, giống như hộp cơm bento. Trong ba ngày đầu năm, người ta tránh dùng bếp và nấu ăn, ngoại trừ những thức ăn đơn giản.

Từ xưa, O-sechi gồm có những món nghe qua có vẻ dân dã, nhưng ngày nay không rẻ. O-sechi gồm những thứ như : Datemaki (trứng đổ chả, thêm những gia vị khác và đổ dày) ; kamaboko (giống như chả cá, nhưng có thêm vào khoai từ, lòng trắng trứng, v.v.) ; kazunoko (trứng cá hồi, sake) kazu có nghĩa là số, và ko có nghĩa là con, ăn kazunoko sẽ may mắn về đường con cái) ; konbu (một loại rong biển rộng bản ; konbu nghe giống như chữ yorokobu, có nghĩa là vui mừng) ; kuro-mame (đậu đen ; mame còn có nghĩa là sức khoẻ), tai (cá hồng, âm tai thường làm người liên tưởng đến medetai, tức là chuyện tốt lành), và tazukuri (tức là cá xacđin khô, kho với xì dầu Nhật là shoyu). Tazukuri nguyên nghĩa là “ làm ruộng ”, vì cá xacđin (iwashi) vốn để làm phân bón. Người ta tin rằng ăn món tazukuri nông dân sẽ được mùa.

Thiên hạ thích ăn mì sợi kiều mạch toshi-koshi soba trong giờ Giao thừa. Cây kiều mạch (soba) có trồng ở miền Bắc nước ta hồi Thế chiến thứ hai. Toshi-koshi soba có nghĩa là “ mì sợi kiều mạch soba ăn vào giờ Giao thừa ”. Người ta tin là ăn mì sợi soba vào giờ Giao thừa sẽ trường thọ và được nhiều sức khoẻ trong năm mới. Trên thực tế, món này ít khi thiếu trong dịp mừng Xuân !



Kadomatsu

Sáng mồng một Tết, một món không thể thiếu là mochi, giống như bánh dầy không nhân của Việt Nam. Để làm mochi, người ta dùng nếp, chưng thành xôi (chứ không nấu), xong rồi giã cho thật mịn (thường giã bằng cối). Mochi để khô sẽ cứng ra, rồi từ đó người ta dùng mochi để làm những thức ăn cần thiết. Chẳng hạn, mochi thả trong nước xúp “ miso ” và ăn nóng gọi là “ ozoni ”, hoặc ăn với chè đậu đỏ (azuki) gọi là “ shiruko ”, v.v. Người ta rất thích ăn mochi vào ngày Tết vì những hạt nếp khi nấu thành xôi “ dính liền nhau ” – một biểu tượng mà từ lâu người ta tin là ăn mochi thì tình nghĩa sẽ hoà hợp và sợi dây đoàn kết sẽ mỗi ngày một thắt chặt và gắn bó hơn.

II.

Trên đây chúng ta đã lướt qua vài điểm chính của ngày Tết ở Nhật, qua đó ta thấy ít nhiều về những tương đồng giữa Nhật và các nước láng giềng – trong đó có Việt Nam. Sau đây, chúng ta thử xem những nét độc đáo của văn hoá Nhật Bản trong ngày Tết qua Shichifukujin (Thất phúc thần), hay là “ Bảy vị thần phước đức ”, một phong tục mà các nước Đông Á khác không có.

Sau những năm loạn lạc dài đằng đẵng mà người ta gọi là “ Thời Chiến quốc ” (Sengoku jidai, 1477-1573), dân chúng mong ước thái bình cùng những điều may mắn tốt lành trong cuộc sống. Từ nguyện vọng đó, nước Nhật có tục thờ Shichifukujin. Họ tin rằng những vị thần Shichifukujin xuống cõi trần trong đêm Giao thừa và ở lại trong ba ngày đầu của Năm Mới.

Bởi vậy quà cho trẻ em là hình của các vị thần này ngồi trên chiếc thuyền buồm Takarabune (Bửu thuyền, tức là “ Thuyền chở của quý ”) bằng tranh vẽ, hoặc làm bằng gỗ nhỏ nhắn, lót dưới gối khi trẻ em nằm mơ “ thấy ” giấc mộng đầu năm (hatsuyume). Trên thuyền có ghi bài thơ đọc xuôi đọc ngược gì cũng giống nhau (tiếng Nhật gọi những bài như vậy là kaibun, tức là “ hồi văn ”) :

“ Nagaki yo no/tô no nemuri no/mina mezame/nami nori fune no/oto no yoki kana ”.

Tạm dịch là :

Đêm dài ngủ giấc say sưa / Thuyền ta sóng vỗ thấy người vui sao !

Điểm thú vị là lúc ban đầu Bảy vị thần Shichifukujin người ta cho các em bé tấm hình nhỏ bé, lót dưới gối khi em bé ngủ, hy vọng em bé sẽ nằm mơ thấy giấc mộng đẹp đầu năm, nhưng dần dần, Shichifukujin đã trở thành biểu tượng chiêm bái và tượng thờ để đi hành hương (Shichifukujin meguri) đến các đền chùa vào Năm Mới của tất cả mọi người !

Khi đi hành hương người ta mang theo vật hiến nạp. Điều quan trọng là các vật hiến nạp không được chênh lệch nhau lắm, nếu không thì những điều may mắn sẽ khác nhau ! Ở vùng Tokyo, người ta đi hành hương ở nhiều chùa và đền, chẳng hạn ở Fukagawa và Kameido thuộc Koto-ku, hoặc Kichijoji, v.v. Tục lệ này bắt đầu từ đầu thời Edo (1600-1868) và vẫn tiếp tục cho đến ngày nay.

Bảy vị thần Shichifukujin là :

1. Ebisu




Thần Ebisu (Huệ-tỷ-thọ) là vị thần độc nhất có gốc ở Nhật trong Shichifukujin. Thần Ebisu là con của Izanagi và Izanami, theo Thần đạo là hai người sáng lập ra nước Nhật và biểu tượng của thuần chân và mang lại điều tốt lành. Thần Ebisu nguyên là Hiruko-no-Mikoto ở đền Nishinomiya, thuộc huyện Hyôgo, thần phù hộ người đi biển, ngư nghiệp và thương nghiệp.

Ebisu cai quản các ngư dân và phù hộ họ với những mảng cá đầy khoang. Vì thần Ebisu có nguồn gốc từ biển, thần còn giúp cho người đi biển được an lành. Ở miền quê, vị thần này coi quản ruộng đồng và tất cả những gì có dính líu đến nghề nông. Được xem là vị thần được mến chuộng nhất trong bảy vị thần, nông gia và doanh gia xem Ebisu như thần hộ mạng.

Biểu tượng của thần Ebisu là một con cá cực lớn, thường là cá hồng (tai), cá chép (koi), cá cá rô biển (suzuki), hoặc cá tara (có người gọi là “cá tuyết” theo chữ Hán trong tiếng Nhật) – một loại cá ở biển Bắc. Thần Ebisu thường buộc con cá hồng bằng sợi dây dừa rồi đeo ở tay mặt trước ngực, hoặc cầm dây buộc cá bằng tay trái. Thần có nụ cười hồn nhiên, bộ râu cằm cạo nhẵn nhụi, đội mũ như người đi săn.



2.        2/ Daikokuten

Daikokuten (Đại Hắc Thiên) du nhập sang Nhật Bản từ Trung Hoa vào thế kỷ IX. Do tiếng Phạn là Manhakala, theo Mật giáo Daikokuten là hoá thân của Tự Tại Thiên, tức là thần thủ hộ của Phật giáo Đại Thừa có gốc từ Ấn Độ giáo. Thần Daikokuten kính yêu tam bảo (Phật, Pháp, Tăng) và thích ăn uống. Ở Nhật Bản, lúc ban đầu Daikokuten là Thần Chiến đấu và Thần Phẫn nộ, sau đó trở thành Thần Bếp, nói nôm na là “ Ông Táo trong bếp ”. Thường thường, ta thấy thần đầu chít khăn vải, đứng trên bồ lúa; tay trái mang một cái túi lớn, tay mặt cái vồ nhỏ bằng gỗ (uchide-no-kozuchi).

Thần Daikokuten còn giúp người ta được mùa màng, hoặc may mắn khi buôn bán, làm ăn.

3.              3/     Bishamonten   





Bishamonten (Tỳ Sa Môn Thiên), viết tắt là Bishamon, là một vị thần Phật giáo Đại Thừa có gốc từ Ấn Độ giáo. Tên tiếng Phạn là Vaisravana, thần Bishamonten là một của Tứ Thiên Vương hay Thập Nhị Thiên. Thần có dáng vẻ phẫn nộ, bận áo giáp như võ thần, một tay cầm bửu tháp (tahoto, đa bửu tháp) bên tay mặt và cái mâu bên tay trái. Thần Bishamonten ở Bắc phương của Tu Di Sơn, lo coi giữ Bắc phương Thế giới và là người che chở cho lẽ phải và quyền uy. Tên thần còn được dịch là Đa Văn Thiên.

Bishamonten còn là thần tài (tượng trưng bởi bửu tháp) và thần của chiến tranh (tượng trưng bởi cái mâu). Thần mang lại điều may trong chiến loạn cũng như trong thái bình. Thần lo giữ Phật Giới và hoà bình trên thế gian. Trong chùa, thần chia của cải và điều may cho những người nghèo hoặc người xứng đáng. Nếu người ta đã ăn nên làm ra, thần giúp họ giữ gìn những cái gì họ đã có được. Điều đáng tiếc là trên thế gian có lắm người không xứng đáng, thần thường dùng sức mạnh để phá huỷ tài sản của họ.

Benten (Benzaiten)

4. Benzaiten

Benzaiten (Biện Tài Thiên) hay Benten (Biện Thiên) là nữ thần duy nhất trong Shichifukujin, thường cầm cây đàn tỳ bà (biwa). Thần thường ngồi hay đứng trên lá sen, hoặc cỡi bạch long (rồng trắng), rắn biển, hay rắn thường. Những sinh vật này thường ghen nhau, bởi vậy các đôi nam nữ thường tránh viếng nữ thần.

Thần Benzaiten là một trong ba nữ thần Ấn Độ, tên tiếng Phạn là Sarasvati. Benzaiten là thần trông coi về âm nhạc, tài biện luận và ăn nói (biện tài), phúc trí, trường thọ, tai qua nạn khỏi, và chiến thắng. Mặc dù thần Sarasvati vốn là thần Ấn Độ giáo, thần Benzaiten được tiếp thu vào Nhật Bản cùng với Phật giáo. Những nghệ nhân, ca sĩ, cùng những người làm quán ăn cũng thường thờ nữ thần. Thỉnh thoảng thần Benzaiten được hiện ra với nhiều tay (bốn tay, sáu tay hay tám tay) và có thể đàn hay hoạ cùng một lần.


Fukurokuju(Fukurokujujin)

5. Fukurokuju

Fukurokuju (Phúc Lộc Thọ), hay Fukurokujujin (Phúc Lộc Thọ Thần), là một vị thần của Lão giáo (Đạo giáo). Thần Fukurokuju thường biến hoá phép lạ, đặc biệt về sống lâu và phát tài. Ngoài ra, người ta cho Fukurokuju là thần tài, thần của trí tuệ, của những điều may mắn, sức khoẻ, sinh lực và sống lâu. Thần có cùng thân hình với Jurojin, và hai thần na ná giống nhau.

Thần Fukurokuju mặc áo Tàu dài và rộng, tay chống gậy. Trên gậy thần buộc cuốn kinh (makimono) ghi những bí truyền về sống lâu và trí khôn của nhân loại. Tay trái thần cầm cái quạt xếp (ogi). Thần trán rộng, đầu hói đội mũ văn nhân, bộ râu để dài và bạc, tượng trưng cho cao niên và trí tuệ. Bên cạnh thần Fukurokuju thường có nai (shika), rùa (kame), và hạc (tsuru). Những sinh vật này tiêu biểu cho trường thọ.


Jurojin

6. Jurojin

Jurojin (Thọ Lão Nhân), người Trung Hoa vào khoảng đời Nguyên Hữu (1086-1093) thời Tống. Dáng vóc bên ngoài của thần Jurojin trông giống như thần Fukurokuju : một ông lão đầu dài, râu dài và bạc phơ, tay cầm trượng, trên đầu trượng cócuốn kinh ghi về trí khôn nhân loại và bí quyết sống lâu. Thần là tiêu biểu của trường thọ, thần tài, của trí tuệ và sức khoẻ. Thần thường có những sinh vật tượng trưng cho sống lâu như nai, rùa, hạc đứng chung quanh.

Jurojin thường được xem giống như Fukurokujin là thần tài.


Hotei
(Hoà thượng Bố Đại
)

7. 7Hotei                              

Hotei (Bố Đại) là một Thiền tăng đời Hậu Lương. Tên là Khế Tỷ, hiệu là Trường Đinh Tử hoặc Định Ứng Đại Sư, ngụ ở Tứ Minh Sơn. Hoà thượng Hotei có dung mạo phúc đức, thân hình to béo, lúc nào cũng mang cái đãy, bụng thường để lộ ra ngoài khi đi khất thực. Ta thường gọi hoà thượng là “ Ông Phật cười ”. Người ta tin Hoà thượng Hotei là hoá thân của Di Lặc Bồ Tát (Miroku Bosatsu).

Giống như Daikoku, Hotei là thần của dồi dào và may mắn. Thần cũng là thần cười và vui vẻ với những gì mình đang có. Bởi vậy, thần là thần viên mãn trong mậu dịch, như ta thường thấy tượng của thần để trước cửa hàng quán. Thần Hotei thường được người ta để thờ là một ông Phật cười với cái bụng to lớn để nói lên cái tâm rộng rãi của thần. Thần Hotei thường cầm quạt và mang trên vai một đãy gạo. Gạo trong đãy của thần không bao giờ cạn vì lòng độ lượng vô hạn của thần Hotei. Có khi thần ngồi trên xe kéo bởi các trẻ đã biết lòng vị tha của thần.


III.

Qua phong tục Shichifukujin, chúng ta thấy những nét độc đáo sau đây của văn hoá Nhật Bản :

1. Người Nhật tiếp thu rất nhiều văn hoá nước ngoài. Qua Shichifukujin, ngoài văn hoá Nhật Bản, ta thấy họ tiếp thu văn hoá Trung Hoa và văn hoá Ấn Độ. Chúng ta đã biết thần Ebisu có gốc Thần đạo của Nhật Bản, rồi chúng ta cũng có Fukurokuju, Jurojin, và Hotei từ Trung Hoa ; sau đó lại có Daikokuten, Bishamonten và Benzaiten từ Ấn Độ. Trong những vị thần đi từ Trung Hoa, thần Hotei có gốc Phật giáo, Fukurokuju và Jurojin là hai vị thần Lão giáo. Chúng ta cũng nên để ý điểm khác nhau giữa thần Bishamonten với hai vị thần Daikokuten và Benzaiten : Bishamonten là thần của Phật giáo, còn Daikokuten và Benzaiten là thần của Ấn Độ giáo. Cũng nên nhắc lại Benzaiten là một nữ thần.

2. Vì Shichifukujin bắt nguồn từ thế kỷ 16, ta thấy có phảng phất ít nhiều ảnh hưởng của thời đó. Ví dụ, Bishamonten (Tỳ Sa Môn Thiên) là Thần Chiến tranh của daimyo lừng danh Uesugi Kenshin (1530-1578) vùng Echigo vào “ Thời Chiến Quốc ”. Kenshin vừa giỏi về binh lược lại giàu lòng nghĩa hiệp. Lúc tranh hùng với Takeda Shingen (1521-1573), một võ tướng nổi tiếng ở Shinano và Kai, Kenshin thấy quân của Shingen bị phong toả muối bởi một đối thủ khác, ra lệnh lấy muối tiếp viện cho quân của Shingen. Kịp đến khi nghe tin địch thủ là Shingen chết, người ta nói Kenshin đã khóc rống lên. Bởi vậy, thiên hạ mới đồn Kenshin là hoá thân của thần Bishamonten. Phải chăng Bishamonten đã được đưa vào “ Bảy vị thần phước đức ” Shichifukujin vì dân chúng cảm phục và luyến tiếc Kenshin chẳng bao lâu sau khi vị tướng lãnh tài ba qua đời ?

3. Chúng ta thấy văn hoá Nhật rất mới, nhưng cũng rất cũ. Ngày Tết đổi qua dương lịch ngay từ đầu thời Minh Trị, thoạt nghe có gì “ rất mới ”, nhưng nội dung thì lại “ rất cũ ” và rất truyền thống. Bởi vậy, một học giả Tây phương sau nhiều năm nghiên cứu văn hoá Nhật Bản đã từng nói : “ Không có dân tộc nào bén nhạy đối với văn hoá của thế giới như người Nhật trong việc tiếp thu văn hoá nước ngoài ; mặc khác, không có dân tộc nào lại thích bảo tồn văn hoá của mình như dân tộc Nhật Bản ”. Quả thật như vậy, cách trang hoàng nhà cửa ngày Tết như Kadomatsu hoặc Origami, các món ăn như O-sechi-ryori hoặc mochi, đối tượng chiêm bái và hành hương đến những nơi có “ Bảy vị thần phước đức ” Shichifukujin đều phản ánh chiều hướng đó.

4. Cuối cùng, như chúng ta đã thấy, “ Bảy vị thần phước đức ” Shichifukujin ra đời ngay sau lúc nước Nhật Bản vừa bước qua một cuộc chiến dài đằng đẵng, không tiền khoáng hậu, vào cuối thế kỷ 16. Dân chúng mong ước an cư lạc nghiệp và những gì may mắn tốt lành trong cuộc sống. Nói một cách khác, nguyên nhân của sự hình thành Shichifukujin là những khổ đau trong chiến tranh. Sau Thế chiến thứ hai, nước Nhật Bản lại tạo được “ kỳ tích ” khác ngay từ điêu tàn của chiến tranh. Lòng lạc quan và tin tưởng ở ngày mai thể hiện qua khi đi hành hương ngày đầu Xuân đến “ Bảy vị thần phước đức ” Shichifukujin có thể nói là một trong những điểm son của văn hoá Nhật Bản. 

VĨNH SÍNH

Giáo sư, Đại học Alberta, Canada

 Xem Thêm :Vì sao nước Nhật không bao giờ rối loạn?

1 nhận xét:

NGẪM CHUYỆN ĐỜI - Thơ LAN và Bài Họa Của Các Thi Hửu

NGẪM CHUYỆN ĐỜI. Sáu chục xuân qua, ngẫm lại đời Ngọt bùi, cay đắng.... số mà thôi! Nhà nghèo, cảnh khó nào đâu muốn Phận hẩm, phần hiu vẫn ...