Thứ Hai, 23 tháng 1, 2023

TẢN MẠN CHUYỆN MÈO - Lê Tấn Tài


 Con giáp thứ tư trong 12 con giáp, chi có Việt Nam là
mèo trong khi ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn độ,
Thái Lan... lại là thỏ. Mèo và Cọp cùng thuộc bộ ăn thịt,
nhưng mèo nhỏ nhắn, dễ thương, hiền lành, nhanh nhẹn,
leo trèo giỏi, mắt mèo rất tinh nhanh nhất là trong bóng
tối, quấn quít với con người. Mèo nhà có trên 30 dòng, có
nhiều bộ lông khác nhau: mèo trắng (lông màu trắng), mèo
mướp (lông màu xám có vằn đen nhạt), mèo nhị thể (lông
hai màu thường là đen trắng hoặc vàng xám hay vàng trắng),
mèo tam thể (lông ba màu thường là vàng, trắng, xám...),
mèo mun còn gọi là linh miêu (lông đen tuyền)...

Ở Thái Lan có dòng mèo Xiêm rất nổi tiếng, được nuôi nhiều
trên thế giới vì thông minh, dễ dạy, bắt chuột giỏi.
Mèo vốn thích sạch sẽ, thường thè lưỡi tiết nước bọt vào
chân rồi xoa lên mặt và toàn thân để làm sạch chất dơ bám
trên bộ râu, bộ lông. Khi đi tiêu, mèo đào lỗ chôn phân, đi
tiểu cũng rất kín đáo. Mèo thích nằm chỗ cao ráo ấm áp.
Tánh tình thì đạo mạo, ban ngày mắt cứ lim dim trầm mặc
như nhà hiền triết. Vì thế hiện nay mèo được nuôi như là
thú cưng chứ không hẳn là để bắt chuột và trở thành con
vật quen thuộc của gia đình, nhất là bạn thân của trẻ con
và các cô gái.
Mỗi quốc gia có quan niệm khác nhau về mèo. Người La
Mã Hi Lạp xưa nuôi mèo đề diệt các loài gặm nhấm. Người
Ai Cập cổ rất quý mèo, họ tôn thờ vị nữ thần Bastet (hay
Pasht) thân người đầu mèo, xem mèo là thần bảo hộ. Ở
Trung Hoa mèo mang lại điềm lành. Ở Ấn mèo tượng
trưng người khổ hạnh. Ờ Châu Phi mèo tượng trưng cho sự
tài giỏi. Ở Bắc Mỷ mèo rất được quý trọng. Ở Đông Phương
mèo được ái mộ vì có vẻ đẹp huyền bí. 

Tuy nhiên cả Đông và Tây phương, mèo còn bị xem là con vật 

ma quỷ, đem lại điềm xui xẻo. Thời Âu châu Trung Cổ, mèo là hiện thân
của phù thủy hay ma quái. Ở Nhật mèo được ví với sự tàn ác
của đàn bà. Ờ Campuchia mèo là vật tế thần để cầu mưa.
Đạo Phật xem mèo là con vật vô cảm. Đạo Hổi mèo được
trọng vọng, trừ mèo đen vì có nhiều ma thuật. Ở Việt Nam
nhiều người tin rằng nếu để linh miêu nhảy qua xác một
người mới chết, người đó sẽ bật dậy, hóa thành quỷ nhập
tràng, tiếng mèo gào vào đêm người ta cho rằng chúng là
quỷ dữ, báo hiệu điềm xui.
Mèo giống như cọp có biệt tài săn mồi, các động tác của
mèo khi vồ con mồi, phóng cao, chạy nhanh, xoay chuyển
linh hoạt, trở thành nguồn cảm hứng của võ thuật. Các hệ
phái võ Việt Nam nghiên cứu và mô phỏng động tác của
một số động vật để tạo thành các thế võ tuyệt chiêu như:
võ hổ (hổ quyền), võ khỉ (hầu quyền), võ rắn (xà quyền),
võ gà (kê quyền), tất nhiên không thế thiếu võ mèo (miêu
quyền) như thế “Linh miêu mai phục, tấn thích ngưu”
(mèo mai phục rình mồi, tiến công thế đâm trâu), hoặc thế
«Linh miêu tróc thử» (mèo vồ chuột)...

Trong văn hóa hiện đại, hình ảnh những chú mèo ngộ nghĩnh,
dễ thương là nguồn cảm hứng vô tận cho tranh ảnh, hoạt
hình, truyện tranh, như: Mèo đi hia, Mèo Kitty (con thú
cưng của nhiều bạn trẻ), phim hoạt hình «Tom và Jerry»
của Mỹ, coi mèo Tom là đần độn to xác đáng ghét, còn
chuột nhắt Jerry lí lắc dễ thương, mèo Luna trong bộ tranh
Nhật «Thủy thủ Mặt Trăng», và đặc biệt là hình tượng chú
mèo robot Doraemon của Nhật Bản.
Mèo bình thường rất hiền lành, nằm dài ngủ yên, nhưng
rất dữ dằn khi giơ móng vuốt chiến đấu với chó hay khi vồ
chuột. Dáng đi của mèo uyển chuyển, nhẹ nhàng, mang vẻ
đài các từ màu sắc, đến bộ lông óng mượt, nhưng khi giết
con mồi thì cắn xé tàn bạo rõ nét kẻ võ biền, bởi thế người
Việt cho mèo là hình tượng của sự vờ vĩnh giả dối, hiểm
ác, rình rập gieo tai họa cho người khác, dân gian có bài
đồng dao chửi xéo mèo:
“Con mèo mà trèo cây cau,
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà.
Chú chuột đi chợ đường xa,
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.”
Mèo còn là hình tượng xấu, hàm ý không nghiêm túc, tử tế.
Nhiều thành ngữ, ca dao, tục ngữ, chuyện kể, tranh... mô tả
mèo với hàm ý không tốt. Chẳn hạn «Chó treo mèo đậy»
vì cho mèo ưa ăn vụng sục sạo kiếm đồ ăn. «Như mèo thấy
mở» chỉ người háo ăn. “Mèo khen mèo dài đuôi” chỉ người
tự đề cao mình quá đáng. «Mèo mù vớ cá rán» chỉ người
gặp may được điều gì đó ngoài khả năng của mình. “Buộc
cổ mèo, treo cổ chó” chỉ người hà tiện, có tính bủn xỉn...
Mèo còn được dùng để chỉ người có nhân tình, bồ nhí: “Anh
ta có mèo”. Người theo tán tỉnh gái thì gọi là “O mèo”.
Ngưởi nào có máu dê thì gọi là: “Anh ấy thích mèo chuột” .
Người lăng nhăng sa đọa thì gọi là: “Mèo mả gà đồng ”.
Chuyện tình lăng nhăng của nam nữ thì gọi là “Mèo mỡ”.
Các cụ xưa còn cho mèo lạ mà đến nhà thì mang đến xui
xẻo “Mèo đến nhà thì khó, chó đến nhà thì sang”. Phụ nữ ăn
uống nhỏ nhẹ thì gọi “Nữ thực như miêu”. Mèo già là hình
ảnh để chỉ người gian xảo, tiểu nhân. Mèo hoang chỉ người
sống lang thang, ở nơi dơ bẩn.
Trong kho tàng văn chương Việt Nam có nhiều tác phẩm
viết về mèo.
 Miêu - Nguyễn Trãi
“Lọ vằn sinh lạ mãi phương Tây
Phụng sự Như Lai trộm phép thầy
Hơn chó được ngồi khi mặt bếp
Tiếc hùm chẳng bảo chước leo cây
Đi: nào kẻ cấm buồng the kín
Ăn: đợi ai làm bàn soạn đầy
Khó liễn sang chăng nỡ phụ 1
Nhân chưng giận chuột phải nuôi mày”.

Vịnh Con Mèo - Phan Văn Trị
“Mấy từng đài các sải chơn leo,
Nhảy lẹ chi cho bẳng giống mèo.
Chợt ngảnh mặt hùm nhìn trực thị,
Chi cho lũ chuột dám vang reo.
Lung lăng sẵn có nhiều nanh vút,
Vằn vện đành không chút bụi meo.
Trăm tuổi hồn dầu về chín suối,
Nhắm lông để lại giúp trò nghèo”
Con Mèo - Tú Mỡ
“Mèo là một giống hùm bé tí
Thân hình nhỏ nhen nhưng chí khí chẳng nhỏ nhen
Nó không phũ như giống chó đê hèn
Lại khéo làm bộ giả hiền, vờ quân tử
Ta hãy nhìn: dáng nó đi thong thả
Khinh khỉnh coi đời bằng nửa con ngươi
Nó tìm nơi ấm cúng, cao ráo để nằm ngơi
Bộ phè phỡn như một ngài trưởng giả
Nó khảnh ăn, phong lưu, nhàn nhã
Bữa thường không thịt cá, dửng dừng dưng
Trông mặt mà bắt hình dong
Trong gia súc nó xem chừng cao thượng nhất
Phò nhà chủ cơm ăn, chuột bắt
Nó chẳng chui luồn, khuất tất một ai
Ai vuốt ve, nó cũng vuốt ve chơi
1- Câu nầy chỉ có 6 chữ. tìm các tài liệu khác cũng chỉ có 6 chữ
kể cả bản chữ Hán Nôm- Các câu khác đều có 7 chữ.
Ai trở mặt, nó tức thời trở mặt
Dưới bàn chân nhung, nó liền giơ vuốt sắt
Quào kẻ xấu chơi, rồi nhảy phắt lảng xa ngay.”

Trong truyện ngắn “O chuột”, Tô Hoài có đoạn miêu tả về
con mèo: “Mèo lờ mờ và nghiêm nghị tựa một thầy giáo nhà
dòng, trên mình có khoác bộ áo thâm. Hắn có cái cốt cách
quý phái và trưởng giả. Lúc nào hắn cũng ra vẻ nghĩ ngợi
như sắp mưu toan một việc ghê gớm lắm. Có phải thế chăng,
hỡi cái gã lừ đừ và nghiêm nghị kia? Gã lại càng làm ra vẻ
khó hiểu tợn. Nhưng ngoài cái vỏ ngoài chưa thể đủ để nói
rõ được bề trong. Biết đâu, mèo ta không khó chịu như mình
tưởng. Mà vốn hắn lại hiền lành cũng nên?”.
Trái với văn học dân gian Việt Nam, các nhà văn nổi tiếng
trên thế giới rất ưa thích mèo. Lý do họ yêu mèo có thể do
tính cách kỳ bí của chúng, giúp các tác giả gợi mở niềm
cảm hứng, cũng như được tận hưởng sự an tĩnh mà chúng
đem lại. Có phải nhờ loài mèo mà nhiều tác phẩm nổi
tiếng trên giới đã ra đời?
Mark Twain, đại văn hào Mỹ là một người cực kỳ yêu
mèo. Ông từng có đến 19 con mèo trong nhà. Trong cuốn
sách “Những cuộc phiêu lưu của Tom Sawyer”, ông thêm
một chú mèo mướp tên Peter làm bạn với cậu bé Tom tinh
nghịch. Mark Twain có một câu nói nổi tiếng về loài mèo:
“Nếu con người được lai với loài mèo, việc đó sẽ nâng cấp
con người nhưng làm giảm giá trị loài mèo”.
Ernest Hemingway, nhà văn Mỹ, có sở thích đặt tên các
con mèo theo tên người nổi tiếng: Marilyn Monroe, Tổng
thống “Hairy” Truman, Truman Capote, Billie Holiday,
Cary Grant... Hiện nay, Bảo tàng Ernest Hemingway đang
nuôi khoảng 40 - 50 con mèo, và tất cả đều được sinh ra tại
đây. Hemingway từng chia sẻ: “Mèo tuyệt đối thành thực
về cảm xúc. Con người, vì nhiều lẽ, có thể che giấu cảm xúc
của mình, chứ mèo thì không”.
Haruki Murakami, tiểu thuyết gia Nhật, có bài viết đăng trên
tờ New Yorker với tựa là “Town of Cats”, một câu chuyện
về người đàn ông lạc trong một thị trấn toàn mèo. Những
chú mèo xuất hiện ở hầu khắp các tác phẩm của ông. Ông
viết: “Tôi thích đọc sách, nghe nhạc, yêu mèo, chỉ 3 thứ đó.
Từ khi chỉ mới là cậu nhóc, tôi đã luôn thấy hạnh phúc, vì
tôi biết rõ mình thích gì..”
Stephen King, nhà văn Mỹ, lấy nguồn cảm hứng từ loài mèo
để viết truyện kinh dị như “Cat’s Eye”, “Pet Sematary”,
“The Cat from Hell”... Với ông, “sự phân chia thế giới lớn
nhất không phải là giữa đàn ông và đàn bà, mà là giữa
những người yêu mèo và những người yêu chó”.
T.S. Eliot, nhà thơ lớn nước Anh thế kỷ 20, viết về những
khía cạnh khác nhau của loài mèo với những cái tên Old
Deuteronomy, Rum Tum Tugger và Mr. Mistoffelees. Tập
thơ “Old Possum’s Book of Practical Cats” của ông gồm
15 bài thơ, là niềm cảm hứng cho vở nhạc kịch “Cats” nổi
tiếng Broadway của Andrew Lloyd Webber. Ông nói: ‘’Khi
một con mèo nhận bạn làm ‘’sen’’ (kẻ hầu hạ), bạn sẽ chẳng
thể làm gì khác ngoài việc chấp nhận điều đó và chờ đến khi
gió đổi chiều’’.
Raymond Chandler, người Mỹ gốc Anh, là tác giả của các
truyện trinh thám đen, nổi tiếng là một người yêu mèo. Ông
viết: “Có thể tôi đã nói gì đó khiến ngài lầm tưởng rằng tôi
ghét mèo. Nhưng thưa ngài, tôi là một trong những kẻ cuồng

mèo nhất thế giới. Nếu ngài ghét chúng, tôi có thể sẽ ghét
ngài. Nếu chứng dị ứng của ngài ghét chúng, thì tôi sẽ cố
gắng hết sức mình mà dung thứ cho chuyện đó.”
Charles Bukowski nhà văn, nhà thơ, người Mỹ gốc Đức,
có lối sống phóng túng. Trong tập thơ “On cats” cho thấy
Ông rất yêu mèo. Ông viết: “Sống cùng một bầy mèo tốt
cho chúng ta. Những khi đau buồn chỉ cần nhìn thấy chúng
thôi là ta đã khỏe lại, bởi loài mèo giúp ta nhìn vào mọi sự
theo đúng bản chất của nó: Không có gì phải bận tâm phấn
khích, chỉ cần biết sự vật như nó vốn là.”
Charles Dickens, nhà văn lớn nhất nước Anh thế kỷ 19,
ngoài sự nghiệp sáng tác, còn được biết đến là một người
yêu mèo hiếm có. Ông có nuôi một con mèo bị điếc tên Bob
thường lẽo đẽo theo Ông. Khi nó chết, Ông than thở: “Có
món quà nào lớn hơn tình yêu của một con mèo”.
Năm Mão thường mưa thuận gió hòa, khiến nhà nông được
mùa. Do đó Mão mang ý nghĩa tươi tốt, cây cỏ xanh tươi.

Trong lịch sử, năm Mão cũng là năm mang nhiều thành
công, thạnh trị cho dân tộc Việt.
- Năm Tân Mão (931): Dương Đình Nghệ tập trung lực
lượng được 3.000 quân sỹ đánh chiếm Đại La giết chết
tướng Nam Hán, tiếp tục sự nghiệp.

- Năm Đinh Mão (967): Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân
thống nhất giang sơn, xưng Vạn Thắng Vương, năm 968 mở
nước Đại Cồ Việt, xưng Hoàng Đế (Đinh Tiên Hoàng Đế).
- Năm Ất Mão (1075): Nhà Lý, mở khoa thi đầu tiên Thi
tuyển Minh Kinh bác học và Nho học bằng 3 kỳ thi, hơn 10
người trúng tuyển. Lê Văn Thịnh đỗ đầu (Trạng nguyên).

- Năm Ất Mão (1615): Chữ Quốc ngữ hình thành do các
giáo sỹ Bồ Đào Nha sáng tạo ra, Alexandre de Rhodes soạn
từ điển Việt – Bồ - La tinh.
- Năm Tân Mão (1771): Nguyễn Nhạc cùng hai anh em là
Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ quê ở Tây Sơn – Bình Định tập
hợp dân nghèo khởi nghĩa.
- Năm Quý Mão (1783): Quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ
huy thắng quân chúa Nguyễn.

Trong 12 con giáp, mèo là con vật dịu dàng nhất bởi thế
người sinh năm Mão thụ hưởng một khí chất dịu dàng,
không thích gây gỗ. Năm nay người tuổi Mão chắc vui vẻ
vì hầu hết các lá số tử vi đều cho rằng người tuổi Mão thông
minh, ôn hòa. Nói chung, người sinh năm Mão nhờ các đặc
tính tốt như kiên nhẫn, thông minh và nhanh nhẹn sống và
thích nghi với mọi môi trường nên khả năng thành công cao
trong cuộc sống cũng như sự nghiệp.
 Người tuổi Mão sống chậm rãi và kiên định, không nôn
nóng để ảnh hưởng đến công việc. Nhờ vậy mà những
người tuổi Mão thường không hay chuyển đổi việc làm
cũng như có tính gắn bó lâu dài. Trong tình yêu, kết hôn
người tuổi Mão thường dùng thái độ trân trọng, nghiêm túc.
Đối với công việc họ thường dùng hết tâm huyết cũng như
khả năng của mình vào việc được giao. Một vài hạn chế của
người tuổi Mão là họ để tâm nhiều đến tiểu tiết, hướng tới
sự hoàn hảo và cầu toàn. Nếu tính theo tiết khí (khởi vòng
Trường sinh) thì Mão ứng với cung Lâm Quan. Người sinh
năm này thường khá nhạy cảm.

Chúng ta có thể kể một vài nhân vật nổi tiếng sinh năm Mão:
Trần Nhật Duật (Ất Mão 1255 - 1330), Phạm Ngũ Lão (Ất

o 1255 - 1320), Trần Quốc Toản (Đinh Mão 1267 –
1285), Mạc Đăng Dung (Quí Mão 1483 – 1541), Nguyễn

Hữu Dật (Quý Mão 1603 - 1681), Nguyễn Thiếp (Quí Mão

1723 – 1804), Ông ch Khiêm (Tân Mão 1831 – 1884)

Xe
m ra tạo hóa ưu đãi giống mèo. Mèo là vật nuôi nhàn
nhă nhất, tự do nhất, ít bị hành hạ nhất. Mèo được coi là

thú cưng vì đặc tính của chúng giống người, đc lp, t ch,

hành động theo ý của chúng. Mèo có khả năng xoa dịu tinh

thần, là người bạn đồng hành thân thuộc và có thể đem lại

tình yêu thương vô điều kiện cho con người. Có mèo ở bên,

chúng ta sẽ bớt căng thẳng.

Năm Quý Mão đến, chúc các bạn
được nhiều mèo quý.
( Lê Tấn Tài )

Bài đã được in  trong Tập San Thế Đạo số 90.

Ảnh minh họa từ Google

1 nhận xét:

Họp Ban liên lạc Nông Lâm Súc Tây Ninh (21/4/2024 )

HỌP BAN LIÊN LẠC NÔNG LÂM SÚC TÂY NINH Ngày 21.4.2024 Ban liên lạc NLS TN có cuộc họp mặt định kỳ để bàn việc phân công phân nhiệm từng th...