Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2023

HỆ MIỄN DỊCH CƠ THỂ (IMMUNE SYSTEM) - Đông Y Sỉ Cảnh Thiên


 
-Chào các bạn. Hôm nay nhân trả lời câu hỏi của Bà Minh Thi ở VN, tôi xin chia sẻ cùng các bạn 1 đề tài y học rất bổ ích. Câu hỏi vắn tắt như sau: "Ngày nào cũng nghe Bác Sĩ, báo, đài nói về miễn dịch cơ thể, bảo ăn cái nầy, uống cái kia nhưng không hiểu rõ nó ở đâu, làm sao mình biết nó mạnh hay yếu? Cám ơn"...
 
I. CẤU TRÚC HỆ MIỄN DỊCH.
 
Định nghĩa và lý giải:
-Hệ miễn dịch cơ thể, tiếng Anh gọi là “Immune system”, chỉ một hệ thống được tạo thành từ mạng lưới các tế bào đặc biệt gồm protein, mô và nhiều cơ quan liên kết phối hợp với nhau để bảo vệ con người chống lại vi trùng và vi sinh vật có hại cho sức khỏe. Một trong những tế bào quan trọng của hệ miễn dịch là tế bào bạch cầu (white cells), bao gồm hai loại cơ bản kết hợp với nhau để tìm kiếm và tiêu diệt các sinh vật truyền nhiễm, tức những kẻ xâm lược gây hiểm họa cho sức khỏe. Hệ miễn dịch tấn công những nhân tố gây bệnh thông qua một loạt các tiến trình có lúc thầm lặng có lúc dữ dội khiến chúng ta cảm nhận được, gọi chung là phản ứng miễn dịch.
-Hệ miễn dịch nằm rải rác khắp nơi trong cơ thể, bao gồm: Da, hạch amidan ở cổ họng, ở hệ thống tiêu hóa, ở tủy xương, hạch bạch huyết, ở lá lách, ở niêm mạc bên trong mũi, trong họng và bộ phận sinh dục… Việc phân bố hệ miễn dịch ở nhiều vị trí như vậy nhằm giúp hệ miễn dịch hình thành và lưu trữ các tế bào, cũng như duy trì hoạt động liên tục, giữ toàn bộ cơ thể luôn được khỏe mạnh. Có thể nói hệ miễn dịch giống như lực lượng an ninh, có trách nhiệm ngăn chặn và tiêu diệt kẻ thù, giúp chúng ta khỏe mạnh. Nếu không có hệ miễn dịch, cơ thể sẽ bị siêu vi trùng, vi trùng, vi khuẩn và ký sinh trùng có hại xâm nhập, tấn công gây ra nhiều chứng bệnh nguy hiểm và có nguy cơ gây tử vong.
 
-Phân loại hệ miễn dịch:
1. Tuy năng lực miễn dịch của mỗi người có khác nhau, nhưng nhìn chung, hệ miễn dịch sẽ hoạt động tốt hơn khi đến tuổi trưởng thành. Đây là lý do tại sao thanh niên và người lớn có khuynh hướng ít bệnh hơn trẻ con.
2. Khi kháng thể được tạo ra, bản sao của nó vẫn lưu lại trong cơ thể để khi gặp lại cùng một “thủ phạm” xuất hiện (thuật ngữ y khoa gọi là “kháng nguyên”) nó sẽ tiêu diệt nhanh hơn. Đó là lý do tại sao với một số bệnh (như bệnh thủy đậu) chúng ta chỉ bị nhiễm một lần. Điều này được gọi là miễn dịch.
3. Ở con người, có 3 loại miễn dịch gồm: Miễn dịch bẩm sinh, miễn dịch thích nghi và miễn dịch thụ động:
 
a/. Miễn dịch bẩm sinh: Chúng ta nên biết, mỗi người được sinh ra đều có một lượng miễn dịch nhất định. Hệ thống miễn dịch dùng để tấn công các nhân tố gây hại ngay khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Miễn dịch bẩm sinh có tác dụng như một tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại mầm bệnh, chẳng hạn như da và màng nhầy của cổ họng và ruột. Phản ứng này không đặc hiệu. Nếu mầm bệnh tìm cách né tránh hệ thống miễn dịch bẩm sinh thì kế đó là tiến trình miễn dịch thích nghi hoặc mắc phải sẽ diễn ra.
 
b/. Miễn dịch thích nghi hay thích ứng: Miễn dịch thích nghi có chức năng bảo vệ cơ thể tránh khỏi mầm bệnh khi chúng xâm nhập vào cơ thể. Khi con người tiếp xúc với bệnh tật hoặc được tiêm vắc-xin là lúc chúng ta tự tạo ra một lượng kháng thể vừa đủ để chống lại các mầm bệnh khác nhau. Đây được gọi là tiến trình tạo bộ nhớ miễn dịch vì hệ thống miễn dịch có khả năng nhớ những kẻ thù trước đó mà chúng đã gặp.
 
C/. Miễn dịch thụ động: Loại miễn dịch này được "mượn" từ một nguồn khác và nó không tồn tại được trong thời gian dài. Chẳng hạn, em bé nhận được kháng thể từ người mẹ qua nhau thai trước khi sinh và có mặt trong sữa mẹ sau khi sinh ra. Loại miễn dịch thụ động này bảo vệ em bé khỏi một số bệnh nhiễm trùng trong những năm đầu đời.
Chủng ngừa cũng là tiến trình miễn dịch thụ động khi đưa vào cơ thể các kháng nguyên hoặc mầm bệnh suy yếu nhằm tạo ra kháng thể. Bởi vì cơ thể sẽ lưu lại các bản sao của kháng thể, có tác dụng bảo vệ nếu mối đe dọa xuất hiện trở lại sau này.
4. Lập trình hoạt động của hệ thống miễn dịch:
-Quan sát hệ thống miễn dịch hoạt động: Trước hết, trách nhiệm hàng đầu của hệ thống miễn dịch là phát hiện kẻ thù từ mọi phía. Nó thực hiện điều này bằng cách nhận dạng các protein được tìm thấy trên bề mặt các tế bào. Khởi đầu, nó học thuộc lòng các protein của chính nó và tập làm quen hay bỏ qua những "người anh em ruột thịt" nầy ngay từ giai đoạn đầu để tránh giết lầm.
-Vai trò của tế bào lympho: Có 2 loại lympho quan trọng là lympho bào B và lympho bào T:
a/. Khi tế bào lympho B phát hiện ra kháng nguyên, tức là kẻ lạ, chúng bắt đầu tiết ra kháng thể. Kháng thể là các protein đặc biệt có tác dụng vô hiệu hóa các kháng nguyên, có nghĩa tước đoạt vũ khí sát thương trong tay kẻ thù. Mỗi tế bào lympho B tạo ra một kháng thể cụ thể. Ví dụ, một số tế bào B tạo ra một kháng thể chống lại vi khuẩn gây viêm phổi trong khi một số tế bào B khác nhận ra virus gây chứng cảm lạnh. Cũng cần biết, kháng thể là thành phần của một nhóm các hóa chất gọi là immunoglobulin, có nhiều vai trò trong phản ứng miễn dịch như:
-Immunoglobulin G (IgG): Có trách nhiệm đánh dấu các vi khuẩn để các tế bào khác nhận diện và đối phó với chúng.
-IgM: Là chuyên gia (sát thủ) tiêu diệt vi khuẩn.
-IgA: Tập hợp trong chất dịch cơ thể, như nước mắt và nước bọt, nơi nó bảo vệ các cổng vào cơ thể.
-IgE: Bảo vệ chống lại ký sinh trùng và cũng là nguyên nhân gây ra dị ứng.
-IgD: Gắn kết với tế bào lympho B, giúp chúng bắt đầu phản ứng miễn dịch.
Kháng thể có vai trò khóa chặt kháng nguyên, tức kẻ lạ, nhưng không giết chết nó, mà chỉ đánh dấu nó. Việc tiêu diệt là công việc của các tế bào khác, chẳng hạn như thực bào còn gọi là tế bào “nuốt”, giống như con trăn nuốt chững con mồi.
b/. Lympho bào T: Có nhiều loại tế bào lympho T khác nhau, gồm:
 
-Các tế bào Helper T (tế bào Th) - chúng phối hợp các phản ứng miễn dịch. Một số kết hợp với các tế bào khác, và một số kích thích tế bào B tạo ra nhiều kháng thể hơn. Số còn lại thu hút nhiều tế bào T hoặc thực bào.
-Các tế bào Killer T (tế bào lympho T gây độc tế bào) đúng như tên gọi. Các tế bào T này tấn công các tế bào khác. Chúng đặc biệt hữu ích để chống lại virus. Chúng hoạt động bằng cách nhận ra các phần nhỏ của virus ở bên ngoài các tế bào bị nhiễm bệnh và tiêu diệt các tế bào đó.
 
Tóm lại: Tế bào lympho B và tế bào lympho T giữ vai trò diệt địch còn hệ miễn dịch thì giữ vai trò bảo vệ cơ thể khỏi bị nhiễm bệnh. Câu hỏi đặt ra: Hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể như thế nào? Theo nghiên cứu khoa học, phản ứng miễn dịch được diễn ra như sau:
 
-Bước 1: Khi hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ tạo ra một rào cản ngăn chặn mầm bệnh hoặc kháng nguyên lạ xâm nhập vào cơ thể.
-Bước 2: Nếu chúng vượt qua khỏi hàng rào thứ nhất, hệ miễn dịch tiếp tục sản sinh các tế bào bạch cầu, cũng như các hóa chất và protein khác tấn công và phá hủy những nhân tố lạ gây hại cho con người. Hệ miễn dịch sẽ làm mọi cách để tìm và loại bỏ kháng nguyên trước khi chúng bắt đầu phân chia.
-Bước 3: Trong trường hợp rào chắn thứ 2 thất bại, hệ thống phòng thủ của cơ thể sẽ tăng cường hoạt động mạnh mẽ hơn nữa để kìm hãm, không để cho mầm mống gây bệnh phát triển.
Hệ miễn dịch có thể nhận ra hàng triệu kháng nguyên khác nhau và sẽ phát huy toàn bộ chức năng cần thiết để loại bỏ hầu hết những yếu tố gây bệnh xâm nhập. Nếu hệ miễn dịch hoạt động tốt, hệ thống phòng thủ phức tạp này có thể ngăn chặn các vấn đề bất trắc từ cảm lạnh thông thường cho đến ung thư nguy hiểm.
c/. Bạch cầu: Bạch cầu hay Bạch huyết cầu là thành phần tế bào quan trọng của hệ miễn dịch, có khả năng chống lại mầm bệnh cực kỳ hiệu quả. Quan sát qua kính hiển vi điện tử quét, ta có thể nhận ra một vài loại bạch cầu như lymphocyte (còn gọi bạch cầu lymphô), bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính.
Bạch cầu hoạt động giống như các sinh vật đơn bào độc lập và là trợ thủ đắc lực của hệ miễn dịch bẩm sinh. Các bạch cầu bẩm sinh bao gồm các tế bào thực bào, các tế bào lympho bẩm sinh, các tế bào phì-dưỡng bào, bạch cầu ưa acid, bạch cầu ưa base, và các tế bào giết địch tự nhiên... Nói chung, các tế bào này xác định và loại bỏ mầm bệnh bằng cách tấn công các mầm bệnh qua tiếp xúc, hoặc bằng cách nuốt chúng và sau đó giết chết các vi sinh vật.
Riêng Bạch cầu trung tính và đại thực bào là những tế bào thực bào chu du khắp cơ thể truy đuổi mầm bệnh xâm nhập. Bạch cầu trung tính thường được tìm thấy trong máu và là dạng phổ biến nhất của tế bào thực bào, bình thường chiếm từ 50% đến 60% tổng số bạch cầu của dịch tuần hoàn. Trong giai đoạn cấp tính của viêm, đặc biệt là do nhiễm khuẩn, bạch cầu trung tính sẽ di chuyển đến chỗ viêm trong một tiến trình gọi là hướng hóa, và thường là các tế bào đầu tiên đến "hiện trường" nhiễm trùng. Các đại thực bào là các tế bào đa năng nằm trong các mô và sản xuất ra một loạt các chất gồm: enzyme, bổ thể và các cytokine, chúng hoạt động như những "máy dọn rác" để loại bỏ các tế bào không còn chức năng và các mảnh tế bào khác... Đó là 1 số nét căn bản học thuyết về hệ miển dịch cơ thể. Tất nhiên, văn hóa y học rất khô khan, dễ gây nhàm chán, không hợp với những người chỉ thích vui. Và vì trang nhà có giới hạn, chủ đề nầy kỳ sau còn 2 phần nữa là "SUY GIÃM MIỄN DỊCH" và "NÂNG CAO HỆ MIỄN DỊCH. Bạn nào muốn tìm hiểu thêm xin tiếp tục theo dõi và đóng góp ý kiến để cùng nhau học hỏi.
 
 CT.

Mời Xem :Mầm giá Linh lăng (Alfalfa) và Sức khỏe - Đ. Y Sỉ Cảnh Thiên

1 nhận xét:

Xướng Họa :THƠ THẨN ĐỜI TUI - Lý Đức Quỳnh Và Các Thi Hửu

  Bài Xướng THƠ THẨN ĐỜI TUI (Thơ vui theo tranh) Thơ thẩn, vợ hoài nói xỏ xiên: -Cơm ăn, áo mặc…lấy đâu tiền? Thời đen mượn chữ che đời nợ ...