Sáng 13.1 (tức ngày 22 tháng chạp), nhiều người dân TP.HCM đã mua đồ, chuẩn bị cúng ông Công, ông Táo (ngày 23 tháng chạp). Nhiều tiểu thương tại các chợ truyền thống bán hàng không ngưng tay.
Mua sớm cho dễ chọn
Theo ghi nhận của Thanh Niên, từ sáng sớm tại chợ Hòa Hưng (Q.10), nhiều người đã ghé đến sạp hàng vàng mã, bánh kẹo, trái cây mua về cúng ông Công, ông Táo. Các tiểu thương bày biện sẵn hàng để khách dễ lựa chọn. Hàng vàng mã, nhiều người sắp xếp thành từng bộ, khách đến mua sẽ có ngay.
Bà Hạnh Trình (63 tuổi, tiểu thương chợ Hòa Hưng) có sạp hàng vàng mã trong chợ. Những ngày trước, tranh thủ lúc vắng khách, bà phân loại từng bộ cúng ngày ông Công, ông Táo, ngày 30, mùng 1 tết.
“Theo tôi thấy so với ngày thường, khách đến mua đồ cúng ông Công, ông Táo nhộn nhịp hơn nhưng so với dịp này của những năm trước khách giảm. Tôi đoán do kinh tế eo hẹp nên ít người đi mua hơn. Khách mua cũng chỉ mua nhang đèn, mũ cho ông Công, ông Táo”, bà cho hay.
Nhiều người đến chợ Hòa Hưng mua đồ cúng- dương lan
Cũng theo bà Trình, không khí tết đã tràn ngập cả khu chợ. Nhiều người mua đồ cúng ông Công, ông Táo sẽ mua luôn đồ cúng ngày tết để tiết kiệm thời gian. Nhiều người đã đến từ sáng sớm tránh chen chúc.
“Khách quen đến mua cũng nhiều, sạp nhà tôi khá nhỏ nên chưa cần phải thêm người phụ, chỉ một mình tôi bán. Giá cả năm nay không có nhiều thay đổi, khách mua đơn giản về cúng ngày 23 tháng chạp”, bà chia sẻ.
Cầm trên tay tờ giấy ghi chép những mặt hàng cần mua cho ngày mai và những ngày tết, bà Đặng Thị Trang (46 tuổi, ở Q.3) cẩn thận, tránh bị sót vì theo bà đồ cúng không thể thiếu được. Bà cho hay, gia đình cúng ông Công, ông Táo khá đơn giản gồm có: bông, trà mứt, vàng mã,….
Khách tranh thủ đi mua sớm-dương lan |
“Nay tôi tranh thủ đi mua để mai còn cúng sớm vì sợ không kịp. Mấy ngày nay chợ đông người nhưng các chủ sạp quen các mặt hàng nên tôi đọc những thứ cần mua là có ngay”, bà cho biết.
Việc chuẩn bị đồ cúng cho ngày 23 tháng chạp đã trở thành thói quen với bà. Bà hi vọng năm mới đến gia đình, người thân luôn may mắn, bình an và mạnh khoẻ.
“Chợ này gần nhà tôi nên qua đây mua cho tiện thêm nữa chủ sạp hàng tôi cũng quen mấy năm rồi. Lát mua xong vàng mã tôi qua mua ít bông cúc, mứt,…”, bà nói.
Nhiều người tiện mua đồ cúng tết -dương lan |
Không khí tấp nập
Trong khi đó, chợ Tân Định (Q.1) cũng tấp nập kẻ bán, người mua trước ngày cúng ông Công, ông Táo. Ai nấy đều tranh thủ đến sớm lựa chọn những bông cúc vạn thọ, trái cây, đèn nhang. Nhiều tiểu thương ở sạp hàng trái cây còn nhập những loại quả có thể khắc chữ lên với ý nghĩa may mắn như dưa hấu, dưa gang,…
Bà Phụng nhập thêm hoa, trái cây về bán -dương lan |
Bà Nguyễn Thị Phụng (48 tuổi) bán quần áo tại chợ Tân Định 20 năm nay. Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, vào những dịp lễ tết, bà nhập thêm bông, trái cây về bán thêm.
“Năm nay tôi xuống tận vườn cúc vạn thọ của người em nhổ về bán. Mấy năm trước tôi bán thêm bông đồng tiền nhưng năm nay khí hậu khắc nghiệt nên không có nhiều. Cúc vạn thọ tôi để cả rễ, tươi nên nhiều người mua về cúng. Sạp hàng này chỉ trông chờ vào ngày ông Công, ông Táo, mấy ngày tết nên sáng giờ tôi đứng bán liên tục”, bà nói.
Mỗi bông bà bán với giá 20.000 đồng. Bà viết sẵn giá từng mặt hàng ở giấy bìa nên khách mua nhanh, không trả giá.
Bông cúc vạn thọ được nhiều người chọn - dương lan |
Bà Nguyễn Thị Hằng (52 tuổi, ở Q.1) ghé sạp hàng của bà Phụng mua 1 kg quýt và bông cúc vạn thọ màu vàng. Bà cho hay, mâm cúng ông Công, ông Táo đơn giản hơn những mâm cơm cúng ngày tết.
“Nhà tôi cúng ngày 23 tháng chạp vào đầu giờ trưa nên nay phải đi sớm mua. Tôi thấy có dịch vụ đặt đồ cúng ông Công, ông Táo trên mạng nhưng từ nhiều năm nay tôi vẫn tranh thủ tự tay sắm để mâm cúng thêm ý nghĩa”, bà nói và tiếp tục đến các sạp hàng khác.
Mời Xem Lại 1./ :Ông Táo và Tống Táo Thi - Đỗ Chiêu Đức
2./ ‘Cá chép vượt Vũ Môn’: Một câu chuyện cảm động chưa từng được kể
bài rất hay
Trả lờiXóa