Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đà say
Người
Quảng Nam được biết đến nhiều với lời khó xóa được “Quảng Nam hay cãi”
nhưng câu ca dao trên nổi tiếng từ lâu với một điều khó có thể “cãi”:
Quảng Nam nổi tiếng về rượu hồng đào.
Tuy nhiên, khi đọc câu ca
dao, là người ta liên tưởng ngay đến hai câu hỏi: có loại đất nào không
mưa mà đã thấm và có rượu nào không uống mà lại say .
Ý nghĩa
câu thứ nhất “Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm” chắc bắt nguồn từ chính
cái tên Quảng Nam, vùng đất thuộc châu Ô, châu Rý (còn gọi là châu
Lý) do vua Chàm Chế Mân cống hiến cho vua Trần Anh Tông để cầu hôn
Huyền Trân Công Chúa. Khi vua Chàm qua đời Công Chúa Huyền Trân được
tướng Trần Khắc Chung đón về lại đất Việt và do đó không bị hỏa thiêu
cùng chồng.
Sau đó vua Lê Thánh Tôn đặt tên vùng đất này là Quảng
Nam với ý nghĩa Quảng là mở ra và Nam là phía Nam: mở ra về phía Nam.
Nhà vua, cũng là thi sĩ Hồng Đức, muốn người Việt tiến về phương Nam để
mở mang đất nước. Do đó theo Nguyên Ngọc viết trong quyển Tìm Hiểu Con
Người Xứ Quảng, người Quảng Nam “nhạy cảm với cái mới, khao khát cái mới
như đất hạn khát mưa, háo hức hút ngay từ giọt nước đầu tiên. Thậm chí
khi chưa thật sự có giọt nước nào, chưa thật sự mưa đã náo nức hóng về
mưa, cảm nhận ra nó rất sớm, chờ đón nó nồng nhiệt”.
Câu thứ hai
“Rượu hồng đào chưa uống đà say” là câu còn có ý tả tình… yêu, diễn tả
một sự yêu thương đến say đắm mà không cần đến rượu.
Trước hết
người ta hay viết là “đã say” là chuyện say trong quá khứ, nhưng hay
hơn phải viết là “đà say”vì nghe có vẻ như đến hiện tại người vẫn còn
…ngây ngất.
Rượu hồng đào, đọc lên nghe thơm ngọt như là môi má
hồng của một người đàn bà đẹp như hoa đào. Nghe đã thấy dễ… yêu. Chắc
hẳn hồng đào phải là rượu màu hồng, đẹp và ngon.
Qua internet, trên thị trường (trong nước) thấy quảng cáo nhiều chỗ bán rượu hồng đào.
Rồi
có các nguồn gốc, cách làm rượu hồng đào khác nhau. Có người tả rượu
hồng đào được ngâm từ rượu ủ với trái đào tiên, có màu hồng tươi rất
đẹp. Có người khác viết rượu hồng đào là rượu đế trắng có dùng cây tăm
hương (chân hương đã đốt còn trong bát nhang) hay lấy cái vỏ bao hương
nhúng vào rượu cho có màu hồng.
Nhưng cũng có người cho rượu hồng đào chỉ là loại rượu … tưởng
tượng như là lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm, nghĩa là không có thực.
Và bất cứ chai rượu nào có bọc giấy bóng hồng hay đỏ, thắt nơ hồng hay
đỏ cũng coi như rượu hồng đào được.
Thôi ta cứ coi như loại rượu chuyên dùng cho những đám cưới, rượu hợp cẩn nghĩa là rượu uống trong đêm động phòng sau lễ cưới.
Bây giờ nói chuyện không uống rượu mà say nhé. Thực tế cũng có chuyện không uống rượu mà say rượu, chuyện khó tin nhưng có thật.
Tiến
sĩ Barbara Cordell (Dean of Nursing and Health Sciences Pancola
College) và Bác sĩ Justin McCathy (Gastroenterologlist, Covenant Health)
vài tháng trước trên báo International Journal of Clinical Medicine vừa
trình bày một trường hợp bệnh lý như sau.
Bệnh nhân là một đàn
ông 61 tuổi được nhập vào một bệnh viện ở Texas vì quá say rượu mà không
có uống một giọt rượu nào cả. Lượng rượu trong máu Blood Alcohol
Concentration BAC là 371 mg/dl hay .37% tức là hơn gấp 3 lần mức độ của
người coi như bị ngộ độc vì rượu (alcoholic intoxication). Bệnh sử cho
thấy trong 5 năm vừa qua, ông ta cứ bị say rượu đều đều, mà theo ông và
vợ ông, ông không hề uống rượu.
Bệnh nhân nhập viện, đồ đạc mang
theo được khám kỹ và không có ai được vào thăm. Trong 24 giờ quan sát,
BAC được đo mỗi 2 giờ và khoảng sau 20 giờ lại lên đến 120 mg/dl tức là
.12%. Phân (stool) được cấy và kết quả có một loại nấm tên là
Saccharomyces carevisiae (brewer’s yeast) mọc lên. Được biết loại nấm
này có thể làm lên men (fermentation) chất bột (carbohydrate)
thành rượu. Bác sĩ cho là bệnh nhân có nấm này trong ruột và nấm đã làm
lên men đồ ăn có chất bột để thành rượu và cuối cùng rượu thẩm thấu
(absorbed) vào máu.
Bệnh nhân sau đó được chữa với thuốc trị nấm
gồm fluconazole và nystatin trong nhiều tuần lễ. BAC được thử 4 lần
trong 1 ngày trong nhiều ngày và luôn luôn là zero. Bệnh nhân đã được
theo dõi trong vòng một năm rồi và không bị “bệnh” trở lại.
Thật
ra y khoa đã có vài trường hợp được tường trình trong quá khứ tương tự
như vậy, bắt đầu từ 2 trường hợp xảy ra ở Nhật Bản khoảng thập niên
1970.
Cuối cùng để kết thúc là một bài thơ ngắn, không biết tác
giả là ai, nhặt được từ “net”. Bài thơ viết về rượu không uống cũng say
và nhờ đọc nên biết được lý do thường xảy ra hơn, tại sao say mà không
uống rượu:
Có rượu không uống mà say
Hồn nay bay bổng vì ngây ngất tình
Môi em đỏ, má em xinh
Lòng người say đắm yêu… mình là anh
BS Phạm Anh Dũng, ABFP
Santa Maria, California USA
Tháng 12 Năm 2014
đặc sản của Quảng Nam đó
Trả lờiXóa