Thứ Ba, 6 tháng 6, 2023

Chụp hình chẩn bệnh và mức độ nguy hiểm của các phương pháp X-RAYS, CT SCAN, MRI, PET SCAN & ULTRA SOUND.

Chào các bạn. Hôm nay, một nữ thân hữu ở Tiểu Bang Florida (FL) Hoa Kỳ nhờ giải đáp thắc mắc: "Tôi 63 tuổi. Cách đây 3 năm đi chụp CT scan ngực Bác Sĩ cho biết tôi bị ung thư vú (breast cancer) bên trái. Sau khi giải phẫu khối u và xạ trị (chemo), Bác Sĩ cho cái hẹn mỗi 3 tháng phải tái khám và chụp CT scan ngực như trước. Gần đây tôi thấy sức khỏe ngày càng yếu, mệt, sụt cân. Có người quen làm trong ngành y bảo đừng chụp CT scan nữa vì nó nguy hiểm, làm tổn hại sức khỏe. Xin hỏi: CT scan đúng là có hại không? Nếu đúng, tôi nên đề nghị Bác Sĩ thay thế bằng loại nào cho an toàn?..."

Tuy không chuyên về phương pháp truy tầm bệnh chứng qua film chụp nhưng thấy câu hỏi rất hữu ích cho nhiều người vì hầu hết chúng ta đều mù mờ về khoa nầy nên xin mượn lời của Bác Sĩ Alice Park (Hoa Kỳ) để vừa giải đáp thắc mắc cho chị X ở Florida vừa trao đổi thông tin y học thường thức đến các bạn trên diễn đàn.
 
1. X-rays (X-quang ):
-Trước hết, hãy tìm hiểu khái niệm về “sóng điện từ trường” (electromagnetic wave, electromagnetic radiation). Nên biết chung quanh chúng ta luôn luôn hiện hữu một không gian năng lượng dưới dạng điện từ trường, trong đó ánh sánh mặt trời (ánh sáng chúng ta thấy được) cũng là một dạng sóng điện từ trường. Có nhiều loại sóng từ trường, từ yếu đến mạnh theo thứ tự, gồm có: sóng radio, sóng microwaves, sóng hồng ngoại (infared, IR, dùng trong các remote controls), ánh sáng thường, tia cực tím còn gọi là tia tử ngoại (ultraviolet light, UV), tia X-quang, và cuối cùng là gamma-rays. Như thế chỉ có 3 loại sóng mạnh hơn ánh sáng thường là: tia X-rays, UV, và Gamma. Sóng càng mạnh, độ “xuyên thủng” qua tế bào càng nhiều. Cả 3 loại sóng nầy đều được sử dụng trong y học để truy tầm hay chữa bệnh trong khi ánh sáng thường trở xuống, khi đụng vật cản, đa phần sẽ bị phản chiếu và ít ảnh hưởng đến cấu trúc hay làm hư hại vật thể bên trong.
-X-rays được khám phá năm 1895 bởi một giáo sư vật lý người Đức, Wilhelm Conrad Röentgen. Một công dụng thường dùng của X-rays là để “chụp hình quang tuyến”. Tuy nhiên, X-rays còn dùng để trị ung thư và để dò tìm các thiên thể trong ngành thiên văn (cosmos). X-rays còn được dùng để dò tìm hàng lậu, súng ống …
 
2. CT Scan:
-CT scan còn gọi là CAT scan, viết tắt của hai chữ “computed tomography”, được phát minh năm 1967 bởi một kỹ sư người Anh tên là Godfrey Hounsfield. CT scan cho ta thấy hình chụp của cơ thể theo dạng mặt cắt, một khối 3 chiều, thể hiện trên những mặt phẳng hai chiều. Mỗi một hình ảnh là tập hợp bởi nhiều tia X-rays, bắn đi từ nhiều hướng khác nhau vòng quanh cơ thể. Khi chụp hình bằng X-ray thường, tia sáng bắn đi một chiều nên hình ảnh chồng lên nhau. Thí dụ chụp hình phổi, ta thấy cả tim phổi xương sườn chồng lên nhau làm cho khó thấy rõ chỗ bị bệnh.
-CT scan dùng computer để tổng hợp hình X-rays từ nhiều góc độ khác nhau, từ đó tạo ra hình chụp rõ ràng, giống như cơ thể được cắt ngang từng lát mỏng như những tờ giấy trong một cuốn sách!
 
3. MRI:
-MRI, chữ viết tắt của ba chữ Magnetic Resonance Imaging, được phát minh bởi Paul C. Lauterbur vào năm 1971, nhưng kỹ thuật còn kém cho đến những năm 1990 mới được hoàn thiện. Nguyên tắc của MRI là tạo ra một từ trường chung quanh phần cơ thể muốn chụp. Vì trong cơ thể chúng ta hầu hết là nước, mà phân tử nước có chứa nguyên tử Hygrogen mang điện cực dương, còn gọi là proton. Khi bị kích động bởi từ trường, những hạt proton như bị “sắp hàng lại” và rung lên, phát ra sóng radio. Máy computer sẽ ghi nhận sóng radio nầy thành hình ảnh.
Như vậy, nhìn chung, MRI an toàn và kỹ thuật càng ngày càng tiến bộ, độ chính xác nhiều hơn là CT.
-So với X-rays, MRI có nhiều lợi thế hơn.
 
4. PET scan:
-PET scan là chữ viết tắt của Positron Emission Tomography. PET scan dùng chất phóng xạ để truy tầm những dấu hiệu bất bình thường trong cơ thể, hầu hết là truy tầm bệnh ung thư hay ung thư di căn. Tuỳ theo trường hợp, bệnh nhân sẽ được tiêm, uống, hay hít thở hơi có chất phóng xạ, gọi là radiotracer. Nguyên tắc là, các tế bào bất thường, như ung thư chẳng hạn, thường tụ tập thành khối u và sử dụng nhiều máu, nhiều oxigen, ăn nhiều đường, tiêu hoá và sanh sản nhanh hơn tế bào bình thường. Nhờ vào chất phóng xạ, những chỗ bất thường nầy sẽ hiện lên hình bất thường ở những tụ điểm. PET scan thường kết hợp với CT scan hay MRI, vì hai thử nghiệm trên chỉ phát hiện hình ảnh, thí dụ khối u chẳng hạn, trong khi đó PET sẽ cho biết khối u đó là ung thư hay không.
 
5. Siêu âm hay ultrasound:
-Ultrasound, còn gọi là sonogram, là phương pháp dùng sóng âm thanh (siêu âm) để tạo ra hình ảnh. Nó tương tự như sóng radar mà các loài dơi dùng để định hướng, hay ứng dụng khoa học để dò tìm tàu ngầm, máy bay cho trạm không lưu, hay tìm cá cho dân đi đánh lưới. Thiết bị phát sóng bắn ra sóng âm thanh, khi đụng vật thể muốn dò tìm sẽ dội lại tạo ra hình ảnh. Nhiều bệnh nhân hỏi có an toàn không? Xin trả lời là rất an toàn, vì nó chỉ là sóng âm thanh, không có phóng xạ.
 
Mức độ an toàn:
- Qua nhiều cuộc khảo sát, các nhà khoa học nhận thấy phương pháp chụp MRI và Ultrasound có lẽ an toàn nhất vì chẳng dính dáng gì tới phóng xạ, radiation cả. - Muốn đo độ phóng xạ, người ta dùng đơn vị Millisievert (mSv). Mỗi năm, từ môi trường chung quanh, tất cả chúng ta đều chịu độ phóng xạ trung bình là 3 mSv. Lấy ví dụ, trong một chuyến bay 5 tiếng đồng hồ, mỗi hành khách trên phi cơ sẽ bị nhiễm một lượng phóng xạ khoảng 0.03 mSv. Mỗi lần chụp X-rays, tuỳ theo bộ phận cơ thể, độ nhiễm phóng xạ trung bình từ 0.001 - 1.5 mSv. Ví dụ: chụp hình ngực mammogram là 0.4 mSv và chụp hình phổi là 0.1 mSv (so ra độ nhiễm ít hơn một ngày phơi nắng ngoài biển). Trong khi đó, CT scan, độ nhiễm phóng xạ từ 2- 20 mSv, còn với PET scan sẽ nhiễm phóng xạ khoảng 25 mSv.
-Nhưng, nếu so sánh giữa sự chăm nom sức khỏe và sự tàn phá của bệnh tật, thì độ nhiễm phóng xạ từ các phương pháp chụp hình cũng không đến nỗi nào, vì lâu lâu mới chụp một lần, và nếu cần, là chuyện phải làm thôi.
 
Rủi ro nhiễm phóng xạ khi chụp CT Scan:
Theo Bác Sĩ Alice Park, chúng ta nên thận trọng khi quyết định đi làm CT scan vì rủi ro bị nhiễm phóng xạ hết sức nguy hiểm. BỆNH NHÂN BỊ TIA PHÓNG XẠ GÂY HẠI trong một số khám nghiệm y khoa là điều rõ ràng. Tuy nhiên, để bệnh nhân tiếp xúc với tia phóng xạ bao nhiêu thì mới gọi là nguy hiểm? Ví dụ: Mỗi lần làm CT scan phần ngực/vú sẽ hứng chịu 1 lượng phóng xạ là:
-7 mSv so với 0.1 mSv nếu dùng X-ray.
-1,400 lần so với chụp hình răng bằng quang tuyến X.
-240 lần so với đi máy bay kéo dài 5 tiếng đồng hồ.
-70,000 lần khi đi qua máy dò xét ở phi trường,
-19 năm hút thuốc lá với 1 gói (20 điếu) / ngày.
 
Kết luận: 
Các cuộc nghiên cứu mới đây đưa ra lời báo động cho rằng thủ tục làm CT scan, còn gọi “imaging” hay nội soi để tìm đủ mọi loại bệnh từ nhiễm trùng, té ngã vỡ sọ, hay tìm bệnh ung thư…đưa đến nhiều nguy hiểm cho bệnh nhân. Nữ Bác sĩ Rebecca Smith-Bindman và ê kíp chuyên viên của bà ở bệnh viện UC San Francisco Hoa Kỳ vừa mới đưa ra một phúc trình nghiên cứu cho biết họ tỏ ý lo ngại về phương pháp CT scan được dùng khá nhiều lúc gần đây (tăng gấp ba lần kể từ năm 1996), nói rằng kỹ thuật CT scan phóng ra nhiều chất phóng xạ (radiation) hơn là phương pháp chụp bằng quang tuyến X thông thường. Đặc biệt đối với trẻ em, rủi ro nhiễm phóng xạ còn cao hơn gấp bội phần. Một nhóm nghiên cứu quốc tế công bố bản báo cáo cho thấy trẻ em đang mạnh khoẻ, lỡ bị té ngã, đem các em đi làm CT scan, các em có nhiều rủi ro sẽ bị ung thư so với trẻ em từ chối không làm CT scan. Cuộc nghiên cứu này được theo dõi kéo dài 23 năm cho thấy những em làm CT scan có nhiều rủi ro bị ung thư não gấp ba lần và ung thư máu gấp bốn lần.
Tuy các chuyên gia không đồng ý với nhau trong việc giải thích kết quả của cuộc nghiên cứu, trong đó có Tổ chức Radiology Society of North America cho rằng rủi ro gây ra bệnh ung thư vì làm CT scan rất nhỏ so với những ích lợi mà kỹ thuật này giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh, và ông Mark Pearce, một trong những tác giả nghiên cứu về rủi ro xảy ra cho trẻ em thuộc trường đại học Newcastle University nói rằng; “Mặc dầu rủi ro có thể là gấp ba lần nhưng đó là gấp ba lần của một con số rất nhỏ”, nhưng nhiều chuyên viên về quang tuyến, nhất là bác sĩ Smith-Bindman, biện minh cho lập trường của mình. Họ nói rằng việc dùng kỹ thuật CT scan đã bị lạm dụng chỉ vì dễ sử dụng, thậm chí bệnh nhân còn đòi phải cho đi làm CT scan và Bác sĩ không ngần ngại cho đi làm CT scan chỉ vì sợ mình có thể đã bỏ sót trong chẩn đoán dù họ có chùng bước trước khi quyết định sau lời cảnh báo nghiêm khắc của Bác sĩ Smith-Bindman.
 
CT.
 
 
 

1 nhận xét:

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...