Thứ Ba, 20 tháng 6, 2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHẤT là MỘT- Đỗ Chiêu Đức Diển Giãi

Tạp Ghi và Phiếm Luận :

                                       NHẤT là MỘT

   NHẤT là MỘT, Một là Nhất. NHẤT là chữ thuộc dạng Chỉ Sự đơn giản nhất, dễ viết và dễ nhớ nhất trong CHỮ NHO... DỄ HỌC. Có diễn tiến chữ viết như sau :


     Giáp Cốt Văn    Đại Triện            Tiểu Triện       Lệ Thư         Khải Thư
Ta thấy :
          Dù cho có diễn biến như thế nào thì chữ NHẤT vẫn cứ là một phệt dài, một đoạn thẳng, một nét ngang. Thế nhưng, ông bà ta lại hay nói :"Cái thằng đó nó dốt đến không biết chữ NHẤT là MỘT". Truy nguyên câu nói trên thì ta mới biết rằng : À, thì ra chữ NHẤT tuy dễ viết, dễ nhớ, dễ thuộc, chứ trong ngôn ngữ sử dụng hằng ngày, chữ NHẤT không đơn giản tí nào cả ! Vì NÓ mang đến 11 cách nói và sử dụng khác nhau như sau đây :

    1. NHẤT 一 : là số đếm, đơn vị nhỏ nhất của số nguyên, có dị bản phồn thể để ghi những
                con số quan trong cho không thể sửa đổi được như sau : 壹.
    2. NHT 一 : là Thuần, là Chuyên. Như "Nhất Tâm Nhất Ý 一心一意" là Một lòng một dạ, 
                là Thuần Nhất 純一, là Chuyên Nhất 專一.
    3. NHẤT 一 : là Cả, là Đầy. Như "Nhất Sinh 一生" là Cả cuộc đời; "Nhất Thế 一世" là Cả đời;
                "Nhất Hồ Thủy 一湖水 là Một Hồ nước, là Đầy cả một hồ nước.
    4. NHẤT 一 : là Giống nhau. Như "Nhất Dạng 一樣" là Một thứ, một kiểu; 
               "Màu sắc Bất Nhất 不一" là Màu sắc không giống nhau.
    5. NHẤT 一 : là Ngoài Ra. Như "Phi cơ Nhất Danh Thiết Điểu 飛機一名鐵鳥" là Máy bay 
                Ngoài ra còn có tên là Chim sắt.
    6. NHẤT 一 : Chỉ các bộ phận kết nối lại thành một tổng thể. Như "Thống Nhất 統一,
                Hợp Nhất 合一, Đồng Nhất 同一".
    7. NHẤT 一 : là Hoặc...Hoặc... Như "Nhất sinh Nhất Tử 一生一死" có nghĩa "Hoặc là Sống 
                hoặc là Chết"; "Nhất Thắng Nhất Phụ 一勝一負" có nghĩa : Hoặc là ăn hoặc là thua.
    8. NHẤT 一 : là Cho (đến). Như "Nhất chí vu thử 一至于此" là "Cho đến thế nầy đây; Nếu 
                phía sau thêm dấu hỏi(?) thì có nghĩa : Cho đến thế nầy sao ?
    9. NHẤT 一 : là Một lần, Một cái...là Thăm dò. Như "Toán Nhất Toán 算一算" là "Tính thử 
                một cái xem sao"; "Thí Nhất Thí 試一試" là "Thử một cái xem sao"...
   10. NHẤT 一 : là Ký âm của một "nốt" nhạc. Theo nhạc lý Trung Hoa, Ngày xưa là âm "Si",
                ngày nay là âm "Đô".
   11. NHẤT 一 : là Mới, là Lần Đầu. Như "Nhất Kiến Như Cố 一見如故" là "Lần đầu gặp nhau
               mà như đã quen nhau lâu rồi; "Nhất Kiến Khuynh Tâm 一見傾心" là "Mới gặp nhau 
               thì đã phải lòng nhau liền".

      Các bạn thấy sao ? Qua các nghĩa trên của chữ NHẤT, khiến cho câu nói "Dốt đến không biết chữ Nhất một" không còn là cách Nói Nhấn nữa, mà là một thực tế phải học hỏi. Nên chi quyển sách Huấn Mông Tam Tự Kinh 訓蒙三字經 ngày xưa, trong các bài đầu đã dạy ngay cho trẻ em chữ NHẤT và các số đếm :

                一而十,十而百, NHẤT nhi thập, Thập nhi bách,
                百而千,千而萬。 Bách nhi thiên, Thiên nhi vạn.
 Có nghĩa :
             Một rồi mười, Mười rồi trăm,
             Trăm rồi ngàn, Ngàn rồi vạn.
       * VẠN 萬 : Ta gọi là một Muôn = Mười ngàn.

      NHẤT 一 là số mở đầu cho các số đếm căn bản từ Một đến Mười. Mời đọc bài thơ "Sơn Thôn Vịnh Hoài 山村咏懷" của Thiệu Ung 邵雍 đời Tống. Bài thơ nầy cũng được dùng để dạy cho các trẻ em ngày xưa như sau :

                  一去二三里,    Nhất khứ nhị tam lý,
                  烟村四五家。    Yên thôn tứ ngũ gia.
                  亭台六七座,    Đình đài lục thất tọa,
                  八九十枝花。    Bát cửu thập chi hoa.
  Có nghĩa :
                 Một đi hai ba dặm,
                 Xóm nhỏ bốn năm nhà.
                 Đình đài sáu bảy cái,
                 Tám chín mười cành hoa !
     Lục bát :
               Một hai ba dặm đường làng,
               Bốn năm nhà nhỏ mơ màng khói sương.
               Đình đài sáu bảy bên đường,
               Tám chín mười đóa hoa hương đầy đồng !                                                                                                                         Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm
   Đọc bài thơ trên lại làm cho nhớ đến bài ca dao "Mười Thương" của ta :

               MỘT thương tóc xõa đuôi gà,
               Hai thương ăn nói mặn mà có duyên.
               Ba thương má lúm đồng tiền,
               Bốn thương răng nhánh hạt huyền kém thua.
               Năm thương cổ yếm đeo bùa,
               Sáu thương nón thượng quai tua dịu dàng.
               Bảy thương nết ở khôn ngoan,
               Tám thương ăn nói lại càng thêm xinh.
               Chín thương cô ở một mình,
               Mười thương con mắt hữu tình với ai.
        
      NHẤT 一 là Một, nhưng lại cũng có nghĩa là Bao Trùm tất cả như câu đối Tết mà ta thường đọc thấy trong các ngày xuân :

                一元復始,   NHẤT nguyên phục Thủy,
                萬象更新。   Vạn tượng canh tân.
Có nghĩa :
           Cả một bầu nguyên khí của trời đất trở lại lúc ban đầu, và...
           Muôn vạn hiện tượng đều thay da đổi thịt cho mới mẻ lại.

      NHẤT 一 là Một Giềng Mối như câu nói trong chương Lý Nhân của Luận Ngữ《論語. 里仁》: Tử Viết :"Sâm hồ, Ngô đạo NHẤT dĩ quán chi. 子曰:“参乎,吾道一以貫之" Có nghĩa : Khổng Tử dạy rằng : Sâm này, Đạo của ta chỉ có Một Giềng Mối mà bao gồm tất cả !". Do câu nói nầy mà cụ ĐÀO TRINH NHẤT, một nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu của ta đã lấy hiệu là QUÁN CHI là vì thế. 
   NHẤT 一 là Một, NHẤT PHIẾN BĂNG TÂM 一片冰心 là một tấm lòng trong sáng như băng tuyết, như hai câu thơ nổi tiếng trong bài "Phù Dung Lâu Tống Tân Tiệm 芙蓉樓送辛漸" của Vương Xương Linh đời Đường :

               洛陽親友如相問,   Lạc Dương thân hữu như tương vấn,
               一片冰心在玉壺.    NHẤT PHIẾN BĂNG TÂM tại ngọc hồ.
 Có nghĩa :
               Bè bạn Lạc Dương như có hỏi,
               Bình ngọc tuyết băng một tấm lòng ! 

       Bài thơ trên còn là nguồn cảm hứng cho soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà soạn ra tuồng cải lương "Áo Cưới Trước Cổng Chùa", là chùa Phù Dung Tự 芙蓉寺 ở Kiên Giang với sư cô trụ trì đầu tiên là Xuân Tự. Câu thơ "NHẤT PHIẾN BĂNG TÂM tại ngọc hồ" được nhắc đi nhắc lại khi Xuân Tự bị nhốt vào trong cái lu. 

       NHẤT 一 là Một, Nhưng NHẤT NHẤT 一 一 không phải là "Một Một" mà có nghĩa là : Bất cứ cái gì đó, bất cứ việc gì đó. Ví dụ như : Trong công ty, NHẤT NHẤT đều phải do Giám đốc quyết định, chớ không được tự tiện làm ngang. 
       Chữ MỘT trong tiếng Nôm ta cũng thế, ngoài nghĩa là số 1 ra, MỘT còn được dùng để liệt kê. Như trong Truyện Kiều, khi biết Thúc Sinh chuộc Kiều từ lầu xanh về làm vợ lẻ, Thúc Ông đã "Sốt gan ông mới cáo qùy cửa công", và Quan phủ sau khi thẩm án đã "xử" rằng :
          
                  MỘT là, cứ phép gia hình,
                MỘT là, lại cứ lầu xanh phó về !

       MỘT LÀ chữ Nho là NHẤT VI 一為, như trong bài thơ "Dữ Sử Lang Trung khâm thính Hoàng Hạc Lâu thượng xuy địch 與史郎中欽聽黃鶴樓上吹笛" rất nổi tiếng của Thi Tiên Lý Bạch như sau :

                一為遷客去長沙,  NHẤT VI thuyên khách khứ Trường Sa,
                西望長安不見家。  Tây vọng Trường An bất kiến gia.
            黃鶴樓中吹玉笛,  Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch,
                江城五月落梅花。  Giang thành ngũ nguyệt Lạc Mai Hoa !
 Có nghĩa :
            MỘT LÀ bị biếm đến Trường Sa,
            Trông ngóng Trường An chẳng thấy nhà,
            Hoàng Hạc véo von vang sáo ngọc,
            Tháng năm còn thổi Lạc Mai Hoa !

      NHẤT còn có nghĩa là : HỄ...như trong thành ngữ "Nhất Kiến Chung Tình 一見鍾情". Có nghĩa : HỄ gặp một cái là chung tình liền; cũng có nghĩa là : HỄ vừa gặp mặt là yêu nhau ngay. Trong tiếng Việt ta gọi là "Tiếng sét ái tình", vì ta nói theo Tây là "Un coup de foude", còn như nói theo Mỹ là "Love at first sight" là "Yêu nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên !".

     NHẤT là HỄ... "Hễ mỗi lần lên trên hương đài là đài thắp hương để nhìn chiều xuống, là ta sẽ thấy ngay ánh nắng chiều như còn lưu luyến trên tàn cây đơn độc của xóm cát xa xa, và chẳng thấy được bóng dáng của nhà sư ra khỏi núi xanh, mà chỉ nghe có tiếng chuông chùa văng vẳng như để tiễn chân khách ra về... " Đó là nội dung của một bài thơ tứ tuyệt rất hay là "Sơn Trung Biệt Hữu 山中别友" của Cao Khải, một thi sĩ đời nhà Minh như sau :

               一上香台看落暉,    Nhất thướng hương đài khán lạc huy, 
               沙村孤树晚依依.    Sa thôn cô thọ vãn  y  y . 
               老僧不出青山寺,    Lão tăng bất xuất thanh sơn tự,
               祗有锺聲送客歸.    Chỉ hữu chung thinh tống khách quy.
Có nghĩa :
               Lên tận hương đài ngắm tịch dương,
               Cây trơ xóm cát nắng chiều vương.
               Sư ông nhập định không rời núi,
               Vẳng tiếng chuông đưa khách dặm trường !
   Lục bát :
               Nắng chiều lên tận hương đài,
               Xóm xa bóng ngã cho dài hoàng hôn.
               Sư ông nhập định thả hồn,
               Ngân nga chuông tiễn khách dồn bước chân.
       祗有锺聲送客歸. Chỉ hữu chung thinh tống khách quy.            

   Và trong bài "Hàm Dương Thành Đông Lâu 咸陽城東樓" của Hứa Hồn cũng mở đầu bằng hai câu thơ rất hay là :

              一上高城萬里愁, NHẤT THƯỚNG cao thành vạn lý sầu,
              蒹葭楊柳似汀洲, Kiêm hà dương liễu tự Thinh Châu, 
Có nghĩa :
              Vòi vọi thành cao vạn dặm sầu,
              Lau xanh liễu rũ ngỡ Thinh Châu.

     Bài thơ được Hứa Hồn 許渾 làm để nối theo âm vận hơi hám của bài Hoàng Hạc Lâu bất hủ của Thôi Hiệu với dư âm...

              黃鶴一去不復返, Hoàng hạc NHẤT KHỨ bất phục phản,
     là...
              Hạc Vàng MỘT ĐI không trở lại...
     "MỘT ĐI không trở lại" có nghĩa là : HỄ... đi rồi thì không trở lại bao giờ ! Câu thơ nầy lại làm cho ta nhớ đến câu :

               一醉解千愁    NHẤT TÚY giải thiên sầu
Có nghĩa :
              HỄ Say một cái là có thể giải tỏa được ngàn mối sầu ! 
     Chả trách, Hễ có chuyện buồn, lo, sầu, não gì là người ta cứ đổ xô đi nhậu ! Ngày xưa, thì chỉ thấy cánh "nình ông" là bợm nhậu; còn ngày nay, do sự tiến hóa của xã hội, đòi hỏi nam nữ bình đẵng, nên có cả những tay bợm nhậu là cánh "nình bà" uống rượu cũng không thua cánh "nình ông" chút nào cả ! Viết đến đây lại làm cho tôi nhớ đến câu thiệu trọng nam khinh nữ của thời phong kiến là :

              一男曰有,    NHẤT nam viết hữu,
              十女曰無。    Thập nữ viết vô.
Có nghĩa :
        - Có MÔT đứa con trai là kể có MỘT đứa con; còn...
        - Có mười đứa con gái, thì kể là Không Có đứa con nào cả !
     Tại sao ?!
         Vì các ông bà xưa nghĩ rằng : Con gái lấy chồng sinh con sẽ mang họ của nhà chồng, nên dù cho có đến 10 đứa con gái cũng không có ai mang họ của cha để thừa tự và cúng tế ông bà tiên tổ. Ông bà ta còn phán một câu nghe rất đau lòng và bạc bẽo là :"Ối, Thứ cái đồ con gái ăn cơm nguội ở nhà ngoài !. Có biết đâu rằng, ngày nay rất nhiều gia đình cha mẹ đều nhờ cậy vào con gái cả !

     NHẤT còn là Hạng Nhất, dùng để chỉ người nào đó, cái gì đó tốt, đẹp, giỏi, ngon... Hạng Nhất. Như con gà trên bàn nhậu là "Nhất phao câu, nhì đầu cánh" vậy ! Trong ca dao dân gian ta thì có các câu sau đây :

                        Đẹp NHẤT con gái làng Tranh,
                   Chua ngoa làng Nhót, ba vành kẻ Ôm.
    
     Nói đến núi non thì :

                         NHẤT cao là núi Ba Vì,
                   Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.
 Còn nói về thanh lịch thì :

                          NHẤT cao là núi Ba Vì,
                 NHẤT lịch NHẤT sắc kinh kỳ Thăng Long.

     Để tỏ rõ chí lớn phiêu bạt giang hồ thì :

                       NHẤT cao là núi Chóp Chài,
                   NHẤT rộng là bể, NHẤT dài là sông.
                      NHẤT giang hồ là kẻ đàn ông,
                 Bồng bềnh một chiếc thuyền giong hải hà !

     Còn muốn tỏ tình với cô gái xóm đông thì kể lể :

                        NHẤT chờ, nhì đợi, tam mong,
             Tứ thương, ngũ nhớ, lục thất bát mong, cửu thập tìm !

     "Ga-lăng" hơn, ve vản cả những nàng góa phụ trẻ trung :

                         Cô kia khăn trắng tang ai ?
                  NHẤT tang cha mẹ, thứ hai tang chồng.
                      Tang chồng thì vứt khăn đi,
                  Tang cha tang mẹ ta thì tang chung !

 ... Và thực tế hơn trong cuộc sống hằng ngày với lời khuyên chí thành :

                     NHẤT nghệ tinh, NHẤT thân vinh, 一藝精,一身榮,
                    Ai ơi phải qúy nghề mình mới nên.
                     Hoặc buôn bán hoặc thợ thuyền,
                   Nghề gì cũng sẽ làm nên sang giàu !
  
      Ta thấy câu trên có 2 từ NHẤT với nghĩa rất khác nhau :
         - NHẤT NGHỆ 一藝 là Một nghề, chỉ BẤT CỨ một nghề nào đó.
         - NHẤT THÂN 一身 là Một thân, chỉ SUỐT CẢ một đời của thân mình. Tương đương với từ NHẤT SINH 一生 là Suốt cả cuộc sống của mình, là Suốt Đời, và NHẤT THẾ 一世 là Một Đời, chỉ Cả đời sống của mình. Ngoài ra, ta còn có từ :
        - NHẤT THÌ 一時 là Một thuở, chỉ trong một lúc nào đó. Ta có thành ngữ THIÊN TẢI NHẤT THÌ 千載一時 là Ngàn năm một thuở, như lời nói của Thúy Kiều đã nói với sư Giác Duyên khuyên bà hãy nán lại chơi để hàn huyên tâm sự :

                     Nàng rằng THIÊN TẢI NHẤT THÌ,
                    Cố nhân đã dễ mấy khi bàn hoàn.
                     Rồi đây bèo hợp mây tan,
                  Biết đâu hạc nội mây ngàn là đâu !?

      Ngoài ra, "NHẤT THÌ... NHẤT THÌ" còn dùng để chỉ :(cái nầy) MỘT LÚC...(cái kia) MỘT LÚC. Như khi Vương Ông khuyên Thúy Kiều hãy từ giả sư Giác Duyên để cùng về nhà đoàn tụ với gia đình :

                    Ông rằng :"BỈ THỬ NHẤT THÌ,
                Tu hành thì cũng phải khi tòng quyền.
                    Phải điều cầu Phật cầu Tiên,
                 Tình kia hiếu nọ ai đền cho đây !?

      BỈ THỬ NHẤT THÌ 彼此一時 có xuất xứ từ Chương Công Tôn Sửu hạ trong sách Mạnh Tử《孟子·公孫丑下》: Bỉ nhất thời, thử nhất thời dã 彼一時,此一時也. Có nghĩa : Cái kia một lúc thì cái nầy một lúc, phải thay đổi tùy theo hoàn cảnh thời thế, chớ không thể cứng ngắt mãi được.

     Còn ĐỆ NHẤT 第一 là Lớp học cao nhất của chương trình Trung học ngày trước; Học xong lớp Đệ Nhất sẽ thi lấy bằng Tú Tài Đôi và mới vào Đại Học được. Nhưng nghĩa thông thường của ĐỆ NHẤT là Điều thứ nhất, mà cũng có nghĩa là HẠNG NHẤT nữa, như ta thường nghe nói :

         - Đệ Nhất Mỹ nhân     - Đệ Nhất Dũng sĩ
         - Đệ Nhất Danh y       - Đệ Nhất Sát thủ
         - Đệ Nhất Danh ca     - Đệ Nhất Danh hài...

  ... Và cả Nho- Việt- Anh đề huề như cái anh chàng Việt Thảo, người dẫn chương trình của Chương trình Ca nhạc Hải Ngoại VÂN SƠN ngày trước, đã tự xưng mình là :

                ĐỆ NHẤT "EM-SI" (MC)  Hải Ngoại  第一 海外 MC.

  Với truyền thống "Tôn Sư Trọng Đạo", người Việt Nam ta luôn luôn rất kính trọng đối với Thầy học với câu nói "NHẤT TỰ VI SƯ, BÁN TỰ VI SƯ 一字為師,半字為師. Có nghĩa :"Dạy cho ta MỘT chữ cũng là thầy; Dạy cho ta NỬA chữ cũng là thầy của ta". Mời xem hai giai thoại về câu nói trên như sau :

               Theo sách " Đường Tài Tử Truyện"《唐才子傳》ghi chép:

       Nhà sư thi sĩ TỀ KỶ 齊己 (863—937), tục danh là Hồ Đắc Sinh 胡得生, có biệt hiệu là Hành Nhạc Sa Môn 衡岳沙門, là người đất Ninh Hương, thuộc huyện Trường Sa tỉnh Hồ Nam hiện nay. Ông sống ở cuối đời  Đường, và xuyên suốt qua ba triều đầu đời Ngũ Đại. Lúc nhỏ gia đình nghèo khó, 6 tuổi đã phải đi chăn trâu độ nhật. Nhưng lại có chí cầu học, mỗi ngày đều đọc sách và làm thơ trên lưng trâu. Sư Cụ trong chùa Đồng Độ Tự thương tình cho vào chùa tu để có thời gian học hành và nghiên cứu kinh Phật. Từ đó, Tề Kỷ học hành tấn tới và làm thơ rất nhanh rất giỏi.
       Một hôm gần cuối năm, như thường lệ, Tề Kỷ thức sớm cúng Phật và làm công phu buổi sáng trong khi đêm qua tuyết rơi rất lớn. Mở cửa ra sân nhìn về thôn xóm xa xa, chợt thấy trong nền tuyết trắng bao la lấm tấm có mấy cành mai đà hé nở ! Cảm cho cái tinh thần bất khuất trước tuyết đông giá lạnh, cái sức sống mạnh mẽ ngạo nghễ vươn lên giữa biển tuyết mênh mông của hoa mai, Tề Kỷ về phòng làm ngay bài thơ " TẢO MAI 早 梅 " để tán thưởng cho việc hoa mai nở sớm. Trong bài thơ có 2 câu rất hay là : 

                  Tiền thôn thâm tuyết lý,    前村深雪裏
                  Tạc dạ SỔ chi khai.           昨夜數枝開。
Có nghĩa :
               - Trong rừng tuyết của xóm phía trước xa xa...
               - Tối đêm qua đã có VÀI cành mai đà hé nở !

        Tề Kỷ rất đắc ý với 2 câu thơ nầy, nên mới đem khoe với Trịnh Cốc 鄭谷 (849-911), một thi sĩ đương thời. Trịnh Cốc đọc xong phê rằng : " SỔ Chi Khai 數枝開 " là VÀI cành mai đà nở, chưa thấy được cái " TẢO 早 " là SỚM của Mai, nên đổi lại là " NHẤT CHI KHAI 一枝開 " để nêu bật được cái SỚM của MỘT cành Mai nở trong tuyết lạnh ! Tề Kỷ nghe xong, phục sát đất, bèn sửa lại thành :

                 Tiền thôn thâm tuyết lý,    前村深雪裏
                 Tạc dạ NHẤT chi khai.       昨夜一枝開。
... và từ đó về sau gọi Trịnh Cốc là " NHẤT TỰ SƯ  一字师 ", vừa có nghĩa là " Ông Thầy dạy cho MỘT chữ ", lại vừa có nghĩa là " Ông Thầy dạy cho chữ NHẤT " !

      Còn "Bán Tự Vi Sư 半字為師" thì theo tích sau đây :

      CAO THÍCH 高適 (706-765), tự là Đạt Phu 達夫, người Bột Hải đất Thương Châu (nay là Cảnh Huyện tỉnh Hà Bắc). Ông là nhà thơ biên tái với lời lẽ mộc mạc chất phác nhưng mạnh mẽ, nổi tiếng ngang hàng với Sầm Tham, được người đời xưng tụng chung là CAO SẦM. Ông từng là Quan Sát Sứ của đất Lưỡng Chiết. Truyện kể...

       Một hôm, Cao Thích đi ngang qua Thanh Phong Lãnh của đất Hàng Châu, đêm ngủ lại một ngôi chùa cổ trên núi, nhìn thấy cảnh trời cao lồng lộng không một bóng mây, ánh trăng thu sáng vằng vặc chiếu xuống dưới dòng sông đang gợn sóng lăn tăn với thuỷ triều đang xuống trông vô cùng gợi cảm... bất chợt gợi hứng hồn thơ, bèn đề một bài thất ngôn tứ tuyệt lên trên vách chùa :


               絕嶺秋風已自涼,  Tuyệt lãnh thu phong dĩ tự lương,
               鶴翻鬆露濕衣裳。  Hạc phiên tông lộ thấp y thường.
               前村月落一江水,  Tiền thôn nguyệt lạc nhất giang thủy,
               僧在翠微閒竹房。  Tăng tại thúy vi nhàn trúc phòng.  
Có nghĩa :
                   Đỉnh núi gió thu lạnh mát người,
                   Áo tơi hạc lượn ướt sương rơi.
                   Trước thôn trăng lặn đầy dòng nước,
                   Phòng trúc tăng thiền vẻ thảnh thơi.
   
        Sáng hôm sau khi từ giả lên đường, Cao Thích đi thuyền trên sông Tiền Đường mới thấy rằng, khi trăng lặn cũng là lúc thủy triều xuống nước ròng sát thì dòng sông Tiền Đường nhỏ lại chỉ còn bằng một nửa lúc nước đầy, nên câu thơ "前村月落一江水, Tiền thôn nguyệt lạc nhất giang thủy" không ổn chút nào cả. Vì "NHẤT GIANG THỦY là Một dòng nước đầy", nên khi Nguyệt Lạc (trăng lặn) thì nước sông chỉ còn có "BÁN GIANG THỦY 半江水 là Nửa dòng nước" mà thôi. Ông trăn trở mãi vì câu thơ có chữ "NHẤT" đó. Cho đến một hôm khi có việc đi ngang qua Hàng Châu, ông bèn lên núi tìm đến ngôi chùa trước kia định sửa chữ NHẤT 一 thành chữ BÁN 半. Nhưng khi đến nơi thì thấy chữ NHẤT 一 trong câu thơ đã được ai đó thêm vào chữ THẬP 十 và HAI CHẤM 丷 hai bên thành chữ BÁN 半 rồi ! Cao Thích vừa ngạc nhiên vừa thích thú, mới hỏi thăm sư trong chùa xem ai đã sửa chữ NHẤT của ông thành chữ BÁN vậy ?
       Một nhà sư trẻ mới nói cho ông biết là khi ông vừa đi chẳng bao lâu, thì có một người khách khác đến, đọc bài thơ xong bèn mượn bút mực của chùa mà sửa chữ, và vì người khách nầy có tiếng tăm rất lớn nên nhà chùa không dám cản. Cao Thích hỏi ra thì mới biết người khách đó chính là Lạc Tân Vương 駱賓王, một trong TỨ KIỆT của buổi sơ Đường, bèn chắc lưỡi tán thán rằng : " Qủa là bậc thầy trong chữ nghĩa !". Và cũng vì thế mà người đời kháo nhau rằng : Lạc Tân Vương 駱賓王 chính là BÁN TỰ SƯ 半字師 (ông thầy chữ BÁN) của Cao Thích 高適. Và vì BÁN TỰ 半字 cũng có nghĩa là NỬA CHỮ, nên BÁN TỰ SƯ cũng có nghĩa : Nửa chữ cũng là Thầy !

         BÁN TỰ VI SƯ 半字為師 "Nữa chữ cũng là Thầy" có xuất xứ nên thơ như thế đó ! 
       
        Trong "Tăng Quảng Hiền Văn" có một nhóm câu ngạn ngữ bắt đầu đều bằng chữ NHẤT rất hay như sau đây :

               一年之計在於春,  NHẤT niên chi kế tại ư Xuân,
               一日之計在於寅;  NHẤT nht chi kế tại ư Dần;
               一家之計在於和,  NHẤT gia chi kế tại ư Hòa,
               一生之計在於勤!  NHẤT sinh chi kế tại ư Cần !

Có nghĩa :
    -  Những kế sách hoạch định cho một năm phải bắt đầu từ mùa XUÂN,
    -  Những tính toán dự định trong một ngày phải bắt đầu từ giờ DẦN (từ 3 đến 5 giờ sáng). 
    -  Những kế hoạch để xây dựng gia đình cho êm ấm là chỉ ở một chữ HÒA.
    -  Những hoạch định tính toán dự trù cho cả một đời người là chỉ ở một chữ CẦN mà thôi ! Nếu chịu khó siêng năng cần cù, thì trong cuộc đời dù không thành công lớn, cũng thành công nhỏ và có tệ nhất thì cũng... đủ ăn đủ mặc, chớ không đến nỗi phải đói rách lang thang.

      "Thiên hữu tứ thời XUÂN tại thủ 天有四時春在首". Trời có 4 mùa thì mùa XUÂN là mùa đầu tiên, tiết trời đã ấm áp trở lại sau mùa đông giá rét , cây cỏ đâm chồi nẩy lộc, vạn vật đều tái sinh, khí thế đang lên, nên các kế sách dự định trong năm cũng nên bắt đầu ở thời điểm nầy... hơn nữa, nếu có gì trục trặc thì cũng có đủ thời gian để... điều chỉnh lại ! Kế hoạch trong năm bắt đầu ngay được từ mùa Xuân, thì xem như đã thành công một nửa rồi !
      "Thiên quang DẦN, nhật xuất MÃO 天光寅,日出卯". Trời sáng ở giờ Dần, mặt trời mọc ở giờ Mão, nên công việc dự định trong ngày phải bắt đầu ngay từ giờ DẦN. Ngay cả nông dân làm ruộng cũng thế, muốn gieo mạ, cấy lúa, gặt lúa...đều phải thức giấc lúc giờ Dần để bắt đầu cho công việc đồng áng. Ngày xưa, phương tiện giao thông khó khăn, nên đnh đi đâu để làm gì thì cũng phải thức giấc lúc giờ DẦN.
      "HÒA khí sanh tài 和氣生財" . Có Hòa Thuận để làm ăn thì mới phát sinh tài lộc được, gia đình xào xáo, mỗi người một ý , thì làm ăn làm sao lên cho được ! Ông bà cũng đã dạy "Gia HÒA thì Vạn sự Hanh 亨". Có nghĩa : Gia đình Hòa Thuận thì muôn việc đều hanh thông suông sẻ. Câu nầy thường bị đọc lệch đi là "Gia Hòa vạn sự HƯNG 興 (Hưng là Hưng Vượng 興旺) , ý nghĩa cũng tương tự mà thôi.
      Cuối quyển Tam Tự Kinh có câu : "CẦN hữu công, Hí vô ích " 勤有功,戲無益. Nghĩa đã rõ : Chơi bời lêu lỏng không đem lại lợi ích gì cả, còn Siêng Năng cần cù thì sẽ gặt hái được thành công trong mọi mặt, nên trong cuộc đời của một người, yếu tố "CẦN" là "Siêng Năng" không thể thiếu trong việc tạo dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc cho gia đình được !
           
       NHẤT NHẬT 一日 là Một ngày, NHẤT ĐÁN 一旦 cũng là Một Ngày, nhưng lại có nghĩa phiếm chỉ là :"Một Ngày Nào Đó", ngày đó có thể có, cũng có thể không, như trong câu :

                百年成之不足,  Bách niên thành chi bất túc,
                一旦壞之有餘。  NHẤT ĐÁN hoại chi hữu dư !
Có nghĩa :
         - Sự gầy dựng để được thành công trong một trăm năm thấy như vẫn còn chưa đủ; Nhưng...
         - Sự hũy hoại phá tán chỉ cần trong một ngày (nào đó) là đã có thừa rồi !
Ý là :
         Cơ nghiệp gầy dựng cả trăm năm của ông cha để lại, nếu con cháu không biết trân trọng, thì chỉ cần ăn chơi trác táng, cờ bạc trong một ngày một buổi là đã thua sạch cả rồi ! Tăng Quảng Hiền Văn cũng có câu :

               莫將容易得;   Mạc tương dung dị đắc,
               便作等閒看。   Tiện tác đẵng nhàn khan.
Có nghĩa :
            - Đừng thấy những gì dễ dàng có được quá, dễ dàng thành công quá; bèn...
            - Lấy đó mà ỷ y xem thường; (sẽ gặp thất bại và vấp ngã về sau đó !).

       Mong rằng tất cả mọi người đều phải biết trân trọng những cái mà ta có được trước mắt, đừng đứng núi nầy trông núi nọ, đừng mơ ước những cái xa vời ngoài tầm tay của mình... để rồi quên đi thực tại, đánh mất hay phá tán những cơ bản vốn có trước mắt một cách không thương tiếc, rồi để lại sự nuối tiếc và mối hận khó mà hàn gắn được về sau !
   
 
       NHẤT NHẤT đều phải nên cẩn trọng, "Tam tư nhi hành, Tái tư khả hỉ 三思而行,再思可矣!". Suy nghĩ ba lần rồi hãy làm; Trước khi làm còn có thể suy nghĩ lại thêm một lần nữa !(Cho chắc ăn !) Để khỏi phải :

                          一失足成千古恨!   NHẤT thất túc thành thiên cổ hận !
Đừng để đến đổi...
                          Một lần xẩy chân đưa đến mối hận sầu thiên cổ !

       Mong lắm thay !

                                                                                         杜紹德
                                                                                    Đỗ Chiêu Đức

 Mời Xem :
 
 
 
 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...