Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Bàn Chân Trần Thuở Bé - Lê Trung Ngân

 
Nhà tôi ở phố, bước ra khỏi cửa là tới lề đường. Nên trước thềm nhà, mỗi người trong nhà đều có một đôi dép để mang khi muốn đi đâu đó. Dần dần việc xỏ dép khi ra khỏi nhà đã thành thói quen. Mấy đứa cháu nội mấy tuổi đầu cũng có thói quen đó. Một hôm, vì quá mừng mẹ nó đi xa về có mang quà, thằng cháu nội nhỏ nhất nhảy xổ ra đường quên mang dép. Bà nội trách cháu sao quên mang dép và còn dặn nếu còn quên dép để đi chân đất nửa sẽ bị ăn đòn!. Tôi chợt nhớ lại tôi lúc tuổi lớn hơn thằng cháu nội bây giờ nhiều vẫn phải đi chân đất. Lý do: đâu có dép để mang!!! Có ai từng đi chân đất thời còn nhỏ không? Có ai từng đi chân đất thời tuổi thơ nào? Có tôi ngày còn nhỏ đấy. Đôi chân trần tôi bì bõm lội những ngày mưa. Đôi chân trần tôi răng rắc bẻ mảnh nắng trưa hè mặt trời đổ lửa. Bàn chân cứ mát lịm, êm đềm lướt trên rơm cỏ, khi lại thình thịch, nhăn nhó trên các con đường quê, quanh co đá sỏi. Đôi chân tôi quên mỏi mệt khi rong ruổi khắp nơi thời bé dại. Bây giờ, khi đi trên đất vào buổi trưa, tôi nghe rát bỏng bàn chân. Vậy mà hồi nhỏ da còn mõng, tôi đi chân trần trên cát nóng vẫn không thấy gì. Tôi nghiệm ra có lẽ do quen đi như vậy nên da bàn chân dày lên không nghe rát!
Xuân thu bốn mùa tôi hầu như độc nhất chiếc quần đùi ngày ngày nhảy tót thấp cao ra nhập với bọn “phá làng phá xóm” đang chơi đầu đường. Thoăn thoắt cũng phải, rộn ràng cũng đúng. Đôi chân nhanh nhẩu, tung tăng khắp đường quê, khi nhảy dây, đánh đáo, đuổi nhau, lúc lại tập đi xe đạp cành cạch ngã sóng soài. Vết trầy này chưa khỏi, vết khác lại bầm lên. Những chiếc gai tre, gai mắc cỡ, miển chai…nơi rìa đường rìa ao và bờ rào vẫn thường đâm vào bàn chân mỗi lần đi câu cá, bắt ốc, lội nước, kiếm củi với lũ bạn. Cảm giác gai đâm rồi rút gai ra khỏi chân đều buốt nhói âm ỉ. Đứa nào bị gai đâm cũng chảy nước mắt và xuýt xoa nhưng một loáng rồi cũng quên ngay, lại í ới tiếng “tao, mày” đủ trò không biết mệt.
Vẫn đôi chân trần ấy, tôi theo anh chị, ba má ra đồng. Con đường trải thảm bằng thứ cỏ gà, cỏ mắc cở, eo ôi, thỉnh thoảng có cả phân bò, tôi từng sa chân vào đống phân bò làm anh trai tôi đang cưỡi bò nhe răng cười nắc nẻ. Bờ ruộng lõm thụt, trơn nhão, tôi bước theo dấu chân ba má đã đi, rồi bấm mười đầu ngón chân xuống đất bùn cho chắc, khỏi trợt. Tôi mà té thì ấm nước trà của ba má đi đời, lấy gì để hai người uống lúc nghỉ mệt. Vậy nên tôi dò dẫm, cẩn trọng, từ từ lắm. Khi được mấy bác, mấy chú ở ruộng bên khen thì dù má có giục về, nắng có thành bóng tới nơi tôi vẫn còn thơ thẩn ngoài đồng.
Không phải riêng mình tôi đâu, mà cả bọn trai gái đồng lứa với tôi trong xóm cũng quen đi chân đất. Tôi tưởng tượng đất vùng quê tôi giống như một chiếc nệm đàn hồi, chúng tôi tha hồ tung chân mà bật nhảy dọc ngang, cao thấp. Trời quê âu yếm nhìn những đám mây chiều bồng bềnh hồn nhiên quấn quýt. Những con diều no gió hạnh phúc bay cao, mặt đất hiền dịu ngọt ngào bên hoa lá sum suê tranh nhau nói cười kể chuyện, đàn chuồn chuồn, đàn chim, đàn kiến, thong dong đẹp chưa kìa.
Đâu phải chỉ đi chơi, khi đã đi học nhưng đa phần học trò trường quê tôi vẫn đi chân đất. Trường học ở xa, phải đi xuyên qua làng mới tới. Con đường đất ngày nắng thì bụi cát, ngày mưa thì lầy lội, ổ voi ổ gà lỗ chỗ vì xe bò đi lại nhiều. Đám bò đi qua cày cắm những móng chân to xuống mặt đường, vết bánh xe bò in thành rãnh nham nhở. Những vũng nước đục ngầu là chỗ cho bọn học trò ném đất bắn tung toé trêu trọc những đứa đi qua, mặc người lớn càu nhàu, bạn bè mắng mỏ. Những ngày mưa, cả lũ đi học không có áo mưa, lấy cặp bàng đội đầu, ướt lướt thướt khi tới lớp. Những đôi chân trần nối nhau, cố bấm chặt đầu ngón chân xuống đường cho khỏi trợt. Vậy mà vẫn có đứa “vồ ếch”, vừa bị dơ vừa mắc cở, trong khi cả đám cười ngặt nghẽo. Có đứa nhà khá giả hơn nên có đi dép, nhưng ngày mưa sợ bị dơ dép nên nhét dép vào cặp... cho sạch. Dù vậy, khi tới lớp, mấy đứa nghịch ngợm bắt phải bỏ dép ở cửa lớp, đi chân không vào trong để lớp không bị “dơ”!?. Đúng là thơ ngây nghịch ngợm của học trò.
Chúng tôi lớn dần lên bên luỹ tre, bờ ao, ruộng đồng và những bữa cơm vấn vương làn khói bếp. Chẳng đứa nào mấy khi ốm đau, làn da đen nhẻm vì nắng, gót chân bất khuất nổi chai sần, thời gian nối vần, rồi cũng chạm ngày lũ trẻ chúng tôi phổng phao xa quê, mỗi đôi chân một hướng. Đứa thì học hành, đứa thì đi làm sớm, đứa đi lính ra trận, đứa lại lấy vợ gả chồng hết lượt. Cho đến tận bây giờ, chúng tôi có dịp gặp lại nhau vẫn chuyện trò hỏi thăm nhau và mừng cho nhau vì ai nấy đều có gia đình hạnh phúc và sự nghiệp ổn định. Những đôi chân trần của quê xưa dẫu ở đâu cũng tìm thấy chỗ đứng, chỗ bước cho riêng mình.
Đôi chân của tôi được rèn giũa từ một miền quê đầy nắng gió. Tôi cảm ơn lúc nhỏ đã sải bước chân trần, để ngày nay tuổi đời chồng chất mà chân vẫn cứng cáp, cân bằng, dẻo dai đi về phía trước.
Ai cũng luôn có những ký ức thân thuộc cất giữ cho riêng mình. Những đôi chân nhỏ xinh dù được sinh ra lớn lên ở quê như tôi hay ở phố như các cháu của tôi cũng đều có thể trở thành những đôi chân độc lập, khoẻ khoắn, vững vàng ghi dấu ấn cho đường đời của mình đẹp mãi.

Mời Xem :


Thương Về Những Ngày Xưa - Lê Trung Ngân


1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...