Thứ Ba, 27 tháng 6, 2023

ON ƠI ON! SÀ LANH BON TÊ? - Phan Ni Tấn (Từ Trang Nguyên Lạc và Bạn Hửu )

Hồi nhỏ có lần vào dịp lễ Ok Om Bok nội dắt tôi đi Sóc Trăng coi lễ hội truyền thống đua ghe Ngo của người Khmer trên sông Nhu Gia ở xã Thạnh Phú. Lớn lên, anh bạn Thạch Sum quê Cù Lao Dung (Sóc Trăng) đưa tôi tới Chùa Dơi coi đàn dơi khổng lồ đeo tòn ten trên cây sao, cây dầu xong xuống kinh Chà Và lội về bến cá Bãi Xàu uống rượu nếp Bãi Xàu say tít cung thang. Tôi còn nhớ buổi nhậu trong một quán lá đơn sơ, lần đầu tiên tôi nghe câu nói lạ tai: “On ơi on! Sà lanh bon tê?”, “Sóc Sờ Bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi”. (*)
Ngót nửa thế kỷ sau ở quê người tôi lẩn thẩn ngồi nhớ Sóc Trăng.
Sóc Trăng tên cũ là Ba Xuyên, là một tỉnh ven biển, nằm trong vùng hạ lưu phía Nam sông Hậu. Sóc Trăng do từ Srok Kh’leang phiên âm tiếng Việt là Sốc-Kha-Lang, gọi tắt là Sóc Trăng. Sóc Trăng được mệnh danh là xứ kho bạc, xứ sở chùa vàng, quê hương của bánh Pía.
Ờ, Sóc Trăng trong vòng bốn năm ngày, tôi theo anh bạn Thạch Sum vốn ưa thích hoạt động ngoài trời, lượn qua những khu chợ cũ, qua các công trình hành chánh kiến trúc kiểu Pháp, qua nhà máy xay lúa dọc theo kinh xáng Xà No, qua khu bungalow ven sông, qua cầu Phú Lộc, qua nhà thờ Sóc Trăng (xây dựng 1888, giảng đạo bằng tiếng Khmer)… Đi qua những địa danh lịch sử này tôi đều không thích cho bằng buổi thăm viếng một số chùa Miên.
Nói tới Sóc Trăng là nói tới những người bạn bản xứ Khmer giản dị, hiền lành, sinh sống đông nhất tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Họ xem chùa chiền là nơi thiêng liêng, thờ phượng, nơi tập trung những tinh hoa về văn hóa, nghệ thuật của dân tộc.

Chùa Khmer có kiến trúc độc đáo dựa trên tinh thần văn hóa Phật giáo Tiểu thừa, như chùa Prêk On Pu (Tầm Vu) xây dựng từ năm 1664, chùa Botum Vongsa Som Rong từ năm 1785, chùa Kh’leang có tuổi thọ 500 năm, chùa Bốn Mặt, ngôi cổ tự 500 năm, chùa Wath Sro Loun (chùa Chén Kiểu) xây dựng từ 1815, chùa Kos Tung xây dựng hơn một thế kỷ trước… Nhưng với tôi, ngôi chùa ở Sóc Trăng thu hút nhiều khách thập phương nhất vẫn là chùa Mahatup tức Chùa Dơi.

chùa Kh'Leang

Chùa Kh’leang

chùa 4 mặt

Chùa Bốn mặt

chùa dơi

Chùa Dơi

Chùa Dơi còn gọi là chùa Mã Tộc, là ngôi chùa duy nhất thờ Phật Thích Ca của cộng đồng dân tộc Khmer sinh sống trên địa bàn tỉnh. Chùa được khởi công xây dựng vào từ năm 1569, cách nay 454 năm. Gọi là Chùa Dơi vì khuôn viên chùa là nơi sinh sống của hàng ngàn con dơi. Ban ngày dơi treo lủng lẳng trên cành cây sao, cây dầu. Buổi chiều chúng bay đi xa để kiếm ăn mờ sáng hôm sau mới quay về. Dơi trong chùa thuộc loại dơi ngựa to lớn, trọng lượng từ 1kg tới 1.5kg, cánh sải rộng khoảng 1.5m, lông màu vàng đen. Các sư sãi trong chùa cho rằng hiện tượng dơi về chùa là phúc lành nhà Phật nên cần bảo vệ chúng. Đáng tiếc nghe nói ngày nay Chùa Dơi không còn bóng dáng một con dơi nào.

Chùa Việt Nam vốn cổ kính, trầm mặc, khác với chùa của người Khmer kiến trúc nổi bật mang màu sắc sặc sỡ. Những hoa văn, họa tiết trang trí ở đây đều mang đặc trưng kiến trúc Khmer với nhiều tháp nhỏ trên mái chùa, phía đầu hồi chạm trổ hình rắn Naga uốn lượn. Bên ngoài chánh điện có các bức phù điêu sặc sỡ được trang trí trên các bức tường, các cột kèo khắc nổi những hình tượng tiên nữ Kâyno xinh đẹp, đầu thần Bayon bốn mặt, chim thần Krud, khỉ Hanuman, chằng tinh Yeak hung dữ… Chùa của người Khmer thường vang vọng những âm thanh từ bộ nhạc ngũ âm truyền thống.
Ngoài ra, người Khmer còn có các lễ hội cổ truyền, như Chôl Chnăm Thmây (lễ mừng năm mới), Sene Dolta (lễ cúng ông bà), lễ Ok Om Bok (lễ cúng trăng), lễ Lôi Protip (lễ thả đèn nước), lễ Kathina (lễ dâng y), hát múa Rô Băm (hát rẳm), múa rom vong (múa lâm thôn), múa apsara … Đặc biệt là kho tàng nhạc khí dân tộc mang đặc trưng văn hóa của người Khmer, trong đó nghệ thuật có từ lâu đời là Chầm riêng chà pây (chầm riêng nghĩa là hát, chà pây tức là cây đàn chà pây), một loại hình nghệ thuật độc xướng với đàn chà pây đệm theo.
Xa Sóc Trăng ngót 54 năm ròng tôi vẫn còn nhớ cái tên Khánh Hưng gợi nhớ một đô thị Sóc Trăng phồn hoa xưa ở vùng đất nông thôn còn khá quê mùa. Đặc biệt đặc sản Sóc Trăng thời xa xưa đó luôn là mức lôi cuốn khách thập phương đến với mảnh đất miền Nam hiền hòa này, như bưởi năm roi, vú sữa tím, cá bống sao, bún nước lèo, bún vịt nấu tiêu, bún gỏi dà, hủ tiếu cà ri, cháo cá lóc rau đắng, bò nướng ngói, bánh xèo, bánh phồng tôm, bánh tráng sữa, bánh pía, bánh ống…
Miền Nam là vựa trái cây lớn nhất nước nên các loại rượu đều được cất từ cây ăn trái có hương vị độc đáo miền quê sông nước, như rượu dừa, rượu mận, rượu bưởi, rượu gạo, nổi tiếng nhất vẫn là rượu nếp Bãi Xàu.
Cuối thập niên 1960, dọc theo bến cá Bãi Xàu nằm cặp chợ Mỹ Xuyên có một quán lá của chị Bảy Sophea bán rượu nếp ngon nhất bến. Thạch Sum là khách quen mặt không nói làm gì, riêng tôi vừa bước vào quán đã cảm thấy vui lây với sự tiếp đón nồng nhiệt, mến khách của chị chủ quán. Hào hứng nhất là mỗi lần chị Bảy Sophea bưng rượu tới bàn cho khách, nụ cười tươi tắn luôn nở trên môi đi đôi với câu nói vừa lạ vừa vui tai lại thân tình của chị ai nghe cũng thích: “On ơi on! Sà lanh bon tê?” Hỏi ra tôi mới biết đây là câu tỏ tình vừa bạo gan lại vừa hồn nhiên của đôi trai gái Khmer: “Anh ơi anh! Có yêu em không?” hoặc ngược lại.
Khi chị Sophea tiễn chúng tôi lảo đảo ra về, chị lại vui vẻ nói như hát: (*) “Sóc Sờ Bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi” có nghĩa là mời gọi mọi người đến nơi đây. Ngôn ngữ Khmer thật tuyệt vời.
Thạch Sum đã mất năm ngoái đúng vào dịp lễ dâng y Kathina rằm tháng 9 âm lịch ở Cù Lao Dung. Nhớ bạn tôi lại thả hồn vào những kỷ niệm một thời cùng bạn lang thang trên đất Sóc Trăng.

Ai về thẳng tới Năm Căn
Ghé ăn bánh hỏi Sóc Trăng, Bãi Xàu.

Đất Sóc Trăng quê mùa nước mặn
Tôi ra Vàm Tấn chở nước về xài
Về nhà sau trước không ai
Hỏi ra em đã theo trai mất rồi.

Ngó lên trời mưa sa lác đác
Ngó xuống đất hạt cát nằm nghiêng
Rượu Ba Xuyên rót đãi người hiền
Trước là đãi bạn, sau giải phiền cho anh.

.

Phan Ni Tấn
_________________________
(*) “Sóc Sờ Bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi”: Sóᴄ Trăng đâу rồi, ᴄòn đi đâu nữa anh (em), đi đâu nữa anh (em) ơi…
 

Chú thích thêm:
Nghe đi nghe lại bài hát này, tôi cứ thắc mắc hoài về câu “Sóc sờ bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi”. Và vì thế tôi tra cứu trang mạng: “sóc sờ bai” theo tiếng Khmer có nghĩa là tỉnh, vậy sóc sờ bai Sóc Trăng tương đương là tỉnh Sóc Trăng. Còn “sóc sờ bai bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi”: Sóc Trăng đây rồi, còn đi đâu nữa anh (em), đi đâu nữa anh (em) ơi…
Tuy nhiên, kết quả này làm cho tôi chưa vừa ý so với những gì tôi được học về văn hóa người Khmer. Và rồi tôi hỏi vài người bạn Khmer để họ giải đáp giúp: “Sóc Sờ Bai” được hiểu theo hai nghĩa:

1. “Sóc” là phum, sóc – đơn vị tổ chức sinh sống của người Khmer, còn Sờ Bai là tên một phum, sóc ở Sóc Trăng.

2. “Sờ bai” cũng có nghĩa là vui vẻ, nên cả câu “Sóc sờ bai” nghĩa là sóc vui vẻ của người Sóc Trăng.

“Tâu na bòn” (đi đâu vậy anh/em), “tâu na bòn ơi” (đi đâu vậy anh/em ơi). Qua tìm hiểu, tôi tạm kết luận: Sóc Sờ Bai là một sóc (giống với xóm làng) của người Khmer tại Sóc Trăng và “Sóc Sờ Bai, bòn, tâu na bòn, tâu na bòn ơi” là lời mời gọi mọi người đến với nơi đây.
 

– Mời nghe “Sóc Sờ Bai Sóc Trăng” – Thanh Sơn



 

1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...