Thứ Năm, 15 tháng 6, 2023

Khí Hậu: Thế Giới Đối Phó Với El Nino, Nắng Nóng, Cháy Rừng…

 Ngày 5/6 là ngày Môi trường Thế giới, nhưng cũng trong tuần qua, nhiều nơi trên thế giới đã phải trải qua những đợt nắng nóng như thiêu đốt, thời tiết khô hạn, nạn cháy rừng dữ dội. Tỉnh Quebec của Gia Nã Ðại đến hôm 8/6/2023 vẫn còn hơn 150 đám cháy rừng chưa được dập tắt, trong đó có khoảng 90 đám cháy đã vượt tầm kiểm soát.

Miền Đông Bắc Mỹ rộng lớn, với hơn 111 triệu dân, cũng trở thành nạn nhân liên đới của các vụ cháy rừng ở nước láng giềng Gia Nã Ðại. Riêng ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn, đến chiều tối 8/6, báo động ô nhiễm không khí đã lên đến mức "đỏ". Sự kiện dự kiến được tổ chức tại Tòa Bạch Ốc vào tối thứ Năm để mừng Pride Month, tháng Tự hào của cộng đồng người đồng tính, chuyển giới LGBT+, cuối cùng đã phải hoãn lại, tương tự như một trận bóng chày chuyên nghiệp. Nhìn đến New York, theo thông tấn xã AFP, cũng giống như ở Hoa Thịnh Ðốn, các vườn thú Bronx và công viên Central Park buộc phải đóng cửa. Thứ Sáu 9/6, các trường công ở New York cho học sinh học từ xa.

Ở Âu Châu, theo Viện nghiên cứu khí hậu và môi trưởng của Na Uy (NILU), khói bốc lên từ hàng trăm đám cháy rừng hiện tại ở Gia Nã Ðại thậm chí đã lan sang tận Na Uy, cách những điểm cháy rừng ở Gia Nã Ðại hàng ngàn  cây số .

Nhìn đến Á Châu, Bangladesh đang đối phó với đợt nắng nóng dài nhất tính từ gần nửa thế kỷ trở lại đây. Tình hình nghiêm trọng đến mức chính phủ đã phải quyết định đóng cửa đến ngày 8/6 hàng trăm ngàn trường tiểu học. Tại Trung Quốc, nắng nóng kéo dài ở tỉnh Hải Nam, miền Trung đất nước, vựa lương thực của Trung Quốc, đã làm dấy lên mối lo ngại về an ninh lương thực.

Điều đáng lo ngại đối với thế giới nói chung, theo thông báo hôm 8/6 của Cơ quan Đại dương và Khí quyển của Mỹ (NOAA), là hiện tượng thời tiết El Nino, thường gắn với sự tăng nhiệt độ trên thế giới, đã bắt đầu và có thể sẽ gây ra những đợt nhiệt độ tăng cao kỷ lục mới tại một số vùng.


Canada: Cháy Rừng Tiếp Tục Hoành Hành Dù Được Ngoại Quốc Tăng Cường Hỗ Trợ

-Tình hình cháy rừng tại Gia Nã Ðại tiếp tục diễn biến phức tạp, lực lượng cứu hỏa được sự hỗ trợ tăng cường từ nhiều nước đang cố gắng hết sức.

Cho đến ngày 9/6/2023, còn nhiều đám cháy chưa kiểm soát được. Hàng trăm hecta rừng trong các tỉnh Alberta, Nova Scotia, Québec, giờ đến lượt British Columbia đã bị thiêu trụi trước sự bất lực của chính quyền. Thông tín viên RFI Guillaume Naudin, tại Val d'or, Québec (Gia Nã Ðại), cho biết thêm thông tin:

"Chỉ là vấn đề thời gian. Từ nhiều năm nay nhiều vụ cháy rừng đã xảy ra ở miền Tây Gia Nã Ðại. Do tác động biến đổi khí hậu và sau một mùa Xuân đặc biệt nóng và khô, hiện tượng cháy rừng đã lan tới miền Đông với cường độ cao chưa từng thấy. Nhà hoạt động môi trường và là Chủ tịch hiệp hội bảo vệ rừng Action Boréale, Henri Jacob cho biết:

"Tôi thấy ngạc nhiên là vì trong 2 -3 năm qua, chúng tôi may mắn chỉ bị một vài vụ cháy rừng, ít hơn mức trung bình. Trước vẫn xảy ra cháy rừng cực bắc nhưng không lớn lắm và chưa bao giờ với số lượng lớn như bây giờ. Có hơn 120 vụ cháy rừng đang diễn ra, phần lớn nằm ngoài tầm kiểm soát vì có quá nhiều, người ta không đủ trang thiết bị để đối phó".

 Để khắc phục, chính quyền chủ yếu trông chờ vào mưa, dự báo sẽ có trong những ngày tới. Nhưng theo ông Henri Jacob, sẽ cần phải mưa rất nhiều:

"Nếu trời mưa ba ngày thì cũng tạm được, có thể làm giảm tốc độ cháy một chút, nhưng không đủ để dập tắt các đám lửa với cường độ cao như thế này. Tôi cho rằng trời phải mưa liên tục gần như cả tháng thì mới đủ để dập cháy rừng thực sự".

Dường như cả mùa Hè này sẽ rất nóng. Giải pháp của Henri Jacob là gì? Đó là xem xét lại cách khai thác rừng, trồng lại nhiều hơn các loại cây có lá rộng và bớt các loại cây nhiều gai, tuy sinh lợi nhiều hơn cho các nhà khai thác nhưng lại dễ cháy.

Cháy Rừng Canada Khói Mù Bay Đến Tận Bắc Âu

-Sau Hoa Kỳ đến lượt Na Uy hít khói mù từ hàng trăm đám cháy rừng tại Gia Nã Ðại. Đến hết ngày 10/6/2023 Gia Nã Ðại vẫn phải đối mặt với 416 "ổ lửa" gần như từ miền Đông sang miền Tây nước này. Gần một nửa trong số đó ngoài tầm kiểm soát. Tình hình tại chỗ không hề thuyên giảm. Tính từ đầu năm 2023 hỏa hoạn cướp đi hơn 4,6 triệu hecta rừng của Gia Nã Ðại.

Trong tuần các đám khói, bụi đã bao phủ bờ đông Hoa Kỳ làm xáo trộn nhiều hoạt động kinh tế, các sinh hoạt thể thao. Gió thổi khói đã băng Đại Tây Dương, tràn tới Groenland, rồi Iceland, và giờ đây đến lượt Na Uy. Lượng khói mù và bụi siêu nhỏ tại Na Uy cao "bất thường", dân chúng bị ngột ngạt vì mùi khét. Thông tín viên đài RFI trong khu vực Bắc Âu, Carlotta Morteo từ thủ đô Stockholm của Thụy Điển tường trình:

"Người Na Uy sống ở bờ tây có lẽ đã ngửi thấy mùi khói khét và thậm chí là trông thấy một lớp bụi mù màu vàng úa bao phủ ở khắp nơi. Thế nhưng từ đài dự báo thời tiết ở Birkenes, miền Nam Na Uy, giới quan sát đã thấy khói từ Gia Nã Ðại thổi đến khu vực Bắc Âu, với những lượng còn rất nhỏ về khí thải carbon monoxid độc hại, và trong không khí có nhiều hạt bụi siêu nhỏ. Căn cứ vào ảnh vệ tinh, những đám khói đó xuất phát từ Gia Nã Ðại cách Na Uy 3.000 cây số.

Nạn cháy rừng càng kéo dài, khói mù càng được đẩy lên độ cao và những phân tử cực nhỏ lại càng được thổi đi xa. Trước mắt các giới chức địa phương không quá lo lắng. Khói mù từ Gia Nã Ðại không đe dọa đến sức khỏe của các công dân bắc Âu, ở mãi tận bên này Đại Tây Dương. Dù vậy các nhà nghiên cứu Na Uy theo dõi sát hiện tượng này để xem rằng những hạt bụi nhỏ có bám vào băng tuyết và nhất là bám vào những tảng băng ở Bắc Cực hay không.

Các nhà khoa học cũng cần biết rằng khói bụi đó có làm hâm nóng thêm bầu khí quyển, gây tan băng nhanh hơn hay không. Đây là kịch bản đã xảy ra hồi 2020 vì khói từ các đám cháy rừng ở tiểu bang California, Hoa Kỳ đã thổi đến quần đảo Svalbard, thuộc trung tâm Bắc Cực".

Ảnh từ VOA

Ảnh 2 từ BBC

1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...