Người Việt-nam thuộc về loài da vàng, nhưng mà người nào phải đi làm-lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da ngăm-ngăm đen, người nào nhàn-hạ phong-lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da trăng-trắng như màu ngà cũ.
Trạc người thì thấp nhỏ hơn người Tàu, mà lăn-lẳn con người, chứ không to-béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn-bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng-điệu đi-đứng thì nhẹ-nhàng và xem ra bộ vững-vàng chắc-chắn.
Áo-quần thì dài rộng, đàn-ông thì búi tóc và quấn khăn vành rây, áo mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống quần thì rộng. Đàn-bà ở Bắc-Việt và phía bắc Trung-Việt thì đội khăn, mà ở chỗ thành-thị thì mặc quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía nam Trung-Việt và Nam-Việt thì đàn-bà mặc quần cả, và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.
Về đàng trí-tuệ và tính-tình, thì người Việt-nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại-khái thì trí-tuệ minh-mẫn, học chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học, trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ, trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng có khi quỉ-quyệt, và hay bài-bác nhạo-chế. Thường thì nhút-nhát, hay khiếp-sợ và muốn sự hòa-bình, nhưng mà đã đi trận-mạc thì cũng có can-đảm, biết giữ kỹ-luật.
Tâm-địa thì nông-nổi, hay làm liều, không kiên-nhẫn, hay khoe-khoang và ưa trương-hoàng bề ngoài, hiếu danh-vọng, thích chơi bời, mê cờ-bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ-bái, nhưng mà vẫn không nhiệt-tin tông-giáo nào cả. Kiêu-ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người và hay nhớ ơn.
Đàn-bà thì hay làm-lụng và đảm-đang, khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia-đạo làm trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần, kiệm.
Người Việt-nam từ Bắc chí Nam, đều theo một phong-tục, nói một thứ tiếng. Cùng giữ một kỷ-niệm, thật là cái tính đồng-nhất của một dân-tộc từ đầu nước đến cuối nước.
Người nòi-giống Việt-nam ta mỗi ngày một nẩy-nở ra nhiều, mà ở phía bắc thì đã có nước Tàu cường-thịnh, phía tây thì lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ bể lần xuống phía nam, đánh Lâm-ấp, dứt Chiêm-thành, chiếm đất Chân-lạp, mở ra bờ-cõi bây giờ.
Từ khi người Việt-nam lập thành nước đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai-trị mấy lần, chịu khổ-sở biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự-chủ, và vẫn giữ được cái tính đặc-biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí-lực của người mình không đến nỗi kém-hèn cho lắm.
Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẻ-vang bằng người, nhưng mình còn có thể hy-vọng một ngày kia cũng nên được một nước cường-thịnh.
--
Bài viết của tác giả Trần Trọng Kim - Việt Nam sử lược .
bài rất hấp dẫn
Trả lờiXóa