Thứ Bảy, 17 tháng 6, 2023

Khuất Đẩu: CON SÔNG XƯA

           Bến cũ,Đò Xưa-Tranh Mai Tâm
 

Con sông chảy qua làng tôi, ngày xưa chắc là sông đào, cùng với một con sông cũng nhỏ như thế chảy ở làng bên, nên gọi là Mương Đôi. Hai bờ mương người ta trồng tre để giữ đất, con sông nhỏ đến nỗi tre bên này chạm đầu vào tre bên kia. Và sông cũng ở dưới thấp, trong khi soi ruộng ở trên cao, nên người ta phải tát đến hai sòng. Ruộng thấp tát một gàu đai/ ruộng cao thì phải tát hai gầu sòng, là vì vậy.
Phải bốn người khỏe mạnh dẻo dai mới tát được gầu sòng. Khi múc nước dưới sông lên, người ta phải nghiêng người xuống, nhưng đầu, lưng và chân sau phải thẳng, tức chỉ còn một chân trụ. Khi kéo nước lên người ta lại phải ngửa người ra sau, sức dồn cả hai tay. Khó là vậy, nhưng cả bốn người cùng làm một lúc, nhịp nhàng đều đặn và chính xác như đã lập trình, nên chừng một phút đã nghe một tiếng“tòm” là lúc các tia nước bắn ra như pháo bông, một pháo bông mát lạnh, ngọt ngào. Họ tát suốt ngày, thỉnh thoảng dừng lại ăn miếng cốm bắp uống bát nước chè, hút một điếu thuốc vấn bằng lá chuối khô như con sâu kèn. Tôi thích cảnh họ tát nước hơn là đi cày bừa, trông họ sạch sẽ khoan thai, làm cứ như chơi nhưng thật ra tốn nhiều công sức. Đến khi có máy bơm thì gàu sòng được cất lên gác bếp, không còn cảnh những chiếc gàu vung lên cao như múa lụa, không còn nghe tiếng “tòm” mà là tiếng rè rè của máy chạy.
Ở những đoạn mương sâu, người ta dùng cành cây còn đủ lá để ngăn dòng nước chảy xiết, rồi đặt một bánh xe bằng cây khổng lồ, có gắn những ống tre đục rỗng một đầu, suốt ngày đêm nó tự lấy nước rồi đổ vào một con mương nhỏ trên cao, nơi có những bãi dâu, soi bắp khát nước đang chờ.
Sông Kôn, là mẹ của các con sông nhỏ, nhiều chỗ người ta dựng guồng san sát, trông thật đẹp. Nhưng nhiều guồng nhất và đẹp nhất là ở sông Trà Khúc. Rồi khi có máy bơm, hay có những con đập cao lớn, các xe guồng đều dỡ bỏ, đoạn sông trở nên xấu xí, như con thú vừa bị lột da.
Gò là nơi trẻ con đá banh làm bằng giẻ rách, lá chuối, nhiều khi với một trái bưởi, hoặc rượt đuổi nhau, đôi lúc phá tổ ong vò vẽ rồi ù té chạy, đứa nào bị ong cắn là nhớ đời. Nhưng bến sông mới là nơi trẻ con đứa nào cũng thích. Tắm thì ít, bằng cớ là hai bên tai cáu ghét dày đến nỗi có thể gieo mạ được, còn chơi giỡn thì nhiều. Thích nhất là chia phe “nhận nước”.
Nay, những đứa cùng xóm đó, nếu không chết vì chiến tranh thì cũng chết vì bệnh tật, vì tuổi già, giờ chỉ cỏn mỗi mình tôi là sống dai như đỉa.
Vì con sông quá nhỏ, nên mọi ngóc ngách chỗ nào cạn chỗ nào sâu người ta đều biết. Ngoẹo bà Quyển là sâu nhất, có mấy cây rù rì xồm xoàm rễ thả xuống tận đáy. Nơi đây có rất nhiều cá trê, nhưng cũng có rất nhiều ma da. Ngay chỗ guồng nước, có một con đập lá, người ta gọi là đập Bảy lăng. Mùa nước cạn thì không sao nhưng mùa lũ thì chảy như thác. Có một con đò trong buổi chợ phiên bị chìm, chết đến bảy người nên mới đặt tên như thế.
Nhưng ở thời cha ông ngày trước chứ lúc tôi còn học tiểu học thì con sông đất lở rộng hơn, nhưng cũng nhiều cát bồi nên trở thành trường tập bơi. Suốt cả mùa khô chịu đau cho chuồn chuồn cắn rún, giờ là lúc làm bài thi ra trường. Đứa nào bơi được qua bên kia là đậu một nửa, bơi về mới khó vì nước chảy ngược. Phải biết lựa theo dòng, không bơi về chỗ cũ mà ở chỗ bên dưới. Nhưng coi chừng tấp ngoẹo bà Quyển là có ma da chờ sẵn. Như bắc on bắc đơ, cũng đậu tú tài mà là “ tú tài toàn phần bơi”!
Lúc tôi với cái bụng no nước, vừa trần truồng leo lên bờ, đã thấy bà tôi cầm roi tre chờ sẵn. Tôi lấm lét như chó cụp đuôi cắm đầu chạy một mạch, về tới nhà là leo lên phản nằm úp mặt chờ bà cho ăn mừng thi đỗ bằng bánh canh …roi. Bà tôi chỉ có mỗi đứa cháu bánh tráng treo đầu gậy, rất sợ tôi tắm sông, nhất là trong mùa nước lũ.
Với tôi khúc sông đẹp nhất chảy qua thôn Thanh Liêm, phía bên kia sông thuộc xã Nhơn Thành, có một ngọn tháp hãy còn mới và chưa bị trùng tu, dù trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn hay bóng trăng trắng ngà, nó đều lặng lẽ soi bóng xuống lòng sông, cứ như hình bóng Trương Chi hiện ra trước mắt Mị Nương trong chiếc chén ngọc làm bằng trái tim chàng..
Một con sông khác nổi tiếng đẹp nhất nước, là sông Hương. Con sông của sử lịch của thơ văn. Cao Bá Quát, Nguyễn Tuân,…viết về vẻ đẹp, còn Lữ Kiều viết về cầu Tràng tiền khi phía bên kia lúc chưa thắng cuộc đã giật sập cho bõ ghét trong tết Mậu Thân.
Với tôi, nó đẹp, nó tinh khiết và có mùi hương là nhờ có bến Thừa Phủ. Bến Thừa Phủ thì thơm tho gì, nhưng từ bến đò này, các cô gái trường Đồng Khánh ngày hai buổi đều “sang ngang”. Con đò cũ kỹ được khoát lên màu trắng của áo trắng nữ sinh, và nón bài thơ, trắng hơn cả mây xứ Đoài, trắng như chở cả muôn ngàn hoa sen trắng thành nội. Cần gì mơ, Hoàng Trúc Ly chỉ cần đứng ở đây lúc em tan trường về là thấy nữ sinh bay nhiều quá/ những cánh tay mềm như cánh chim. Tôi không đứng, tôi xuống hẳn con đò, nhưng chẳng còn chút dũng cảm nào cả, tôi muốn sải cánh bay lên bờ nếu có cánh vì bị các cô trêu đùa. Một lần là tởn tới già, tức là tối nay, tôi vẫn chưa hết sợ.
Ở Huế, tôi học thì ít mà lang thang mơ mộng thì nhiều. Trong đáy rương tôi, lúc nào cũng dấu kín một nửa mái tóc đen tuyền, lấy trộm của cô giáo cắt bỏ tại tiệm uốn tóc khi cô phi dê. Cô coi là đồ bỏ, còn tôi thì quý như vàng. Cô chỉ dạy có mấy tháng lúc tôi học Đệ ngũ ở trường Cường Để, rồi được đổi về Huế. Từ đó đến khi ra Huế học, hơn 3 năm. Tôi giữ gìn cẩn thận còn hơn giữ con ngươi của mắt mình. Tôi định đem trả lại cho cô, nhưng nghĩ lại, không chừng bị cô mắng là đồ ăn cắp, nên thôi..
Một buổi chiều trước lúc bỏ học, tôi lặng lẽ đứng trên cầu Tràng Tiền, thả từng sợi, từng sợi một xuống sông cho đến sợi cuối cùng. Đến giờ, tôi vẫn không hiểu mình yêu cô hay yêu mái tóc! Chắc là yêu mái tóc, chứ yêu cô thì không dám đâu. Cũng có thể là yêu giọng cô nói, yêu dáng cô đi, yêu dáng cô đứng, yêu dáng cô ngồi khi cô vào lớp. Chỉ ngần ấy thôi, tóc cô giờ đã trôi ra cửa Thuận An, nhưng mà sao lòng tôi vẫn còn vương vấn đến tận bây giờ. Đúng là trời cũng không hiểu nổi.
Một con sông tôi chưa có dịp và không còn có cơ may được thấy là sông Hồng. Chỉ nghe người bạn Bắc kỳ di cư đã tan xác pháo ở kho đạn Quảng Ngãi, kể rằng: những con đê dài, cao ngây ngất, vậy mà không giữ nổi sức mạnh của nước. Mỗi khi đê vỡ, cả chục làng bị nó cuốn trôi. Đêm nghe tiếng trống báo hộ đê, khủng khiếp lắm. Đọc truyện Anh phải sống của Khái Hưng tôi còn nghe tiếng kêu của người vợ: “thằng Bò, cái Nhớn Cái Bé! Anh phải sống!” Rất thảm thiết!
Miền Nam, sông Tiền, sông Hậu, sông nào cũng bát ngát mênh mông, con đò ở bên kia mà bên này muốn gọi, đúng là phải ngoắc đến mòn tay. Ngày xưa, những người mở đất, vượt qua được con sông to rộng như thế phải nói là rất dũng cảm. Và giữa sông nước mênh mông, giữa lúc hoàng hôn đang lịm dần, ai mà không nhớ tới một thứ gì. Nhớ nhà, đương nhiên rồi, nơi xa xôi ấy có mẹ già tóc trắng, có vợ dại và con thơ, có mồ mả của tổ tiên. Nhớ nhà là nỗi nhớ bất tận, ngay cả khi vợ con đề huề sum họp, đời sống no đủ… người ta lại nhớ tới những lúc cơ hàn. Nỗi nhớ ấy thấm vào câu ca tiếng hát. Nó phải ấm áp nghĩa tình, phải thật dài hơi, nên thay vì réo rắt như quan họ, nỉ non như nam bình nam ai, hát chẳng những cho người cùng ngồi trên thuyền nghe, mà con ở bên kia sông xa thẳm, hát tưởng chừng vẹo cổ…nên mới có không chỉ một câu mà đến sáu câu Vọng cổ.
Sông xưa còn là nỗi đau của cả dân tộc. Như sông Gianh và Bến Hải, cả nghìn năm vẫn chưa nguôi nỗi đau anh em ruột thịt bị cắt chia.
Sông Như Nguyệt, sông Bạch Đằng, sông Rạch Gầm Xoài Mút là những con sông hùng vĩ chảy qua sử lịch bằng máu của quân Tàu và quân Xiêm La.
Nhưng những con sông xưa không còn như xưa nữa. Không phải nó to rộng hơn hay hẹp hơn, cũng không phải nó đổi dòng như sông Hoàng Hà ở bên Tàu, mỗi lần đổi cuốn theo vài chục triệu người. Nó đổi vì những con đập, không phải đập lá như ở quê tôi, cũng không phải đập tràn như ở sông Ba để đưa nước vào ruộng, mà là những con đập kiên cố cao cả mấy chục thước, nặng cả trăm ngàn tấn, để làm thủy điện.
Những con sông ngắn chũn ở miền Trung mà cũng phải đeo trên lưng cả chục con đập, như đập sông Tranh mấy lần suýt vỡ. Cái khốn nạn là khi mùa lũ, người ta không báo trước, đợi lúc nửa đêm lén xả. Dân đang ngủ bỗng nghe nước chảy ào ào, rồi nước vào nhà, chẳng mấy chốc nước lên tận mái, phải dở ngói thò dầu ra kêu cứu. Năm nào mà dân miền Trung, nhà cửa không bị cuốn trôi, người chết không đếm xuể. Không phải trời hành cơn lụt mỗi năm, mà bọn làm thủy điện nó hành. Kêu Đảng, Đảng chẳng nghe huống hồ là kêu Trời.
Sông Cửu Long thì mẹ chằn Tàu xây cả trăm trên thượng nguồn, mùa khô chúng đóng các cửa giữ nước, khiến hạ nguồn phơi cả đáy. Mùa lũ chúng thi nhau xả, gây đại hồng thủy cho cả đồng bằng sông Cửu Long. Bác sĩ Ngô Thế Vinh viết sách kêu cứu suốt mấy năm nay mà có ai thèm nghe đâu. Chẳng những không thèm nghe mà còn muốn bịt miệng cho câm mồm luôn.
Thì thôi, sông cứ việc chảy qua hồn tôi, nếu chảy qua tim làm vỡ mạch máu, khiến tôi gục xuống khi đang gõ máy như lúc này, thì càng hay, cứ như một tên lính già chết trận. Tôi chỉ còn mỗi con sông phải qua, là sông Mịch La mà thôi!
KHUẤT ĐẨU

5/23 


 Mời Xem :

 

 

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 14) – MỘT MÌNH QUA PHỐ 

1 nhận xét:

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...