Ý NGHĨA NHÂN VĂN CỦA BÀI CA DAO
“THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO”
Câu chuyện về giao dịch thành công giữa Thằng Bờm - có cái quạt mo và Phú Ông - có nắm xôi, thể hiện thành bài ca dao: “Thằng Bờm có cái quạt mo”, đem niềm vui, hứng thú, đồng thời đưa ra bài học nhẹ nhàng, sâu sắc.
Trong bài ca dao chỉ có hai nhân vật: Thằng Bờm - tiêu biểu cho tầng lớp người nghèo, yếu thế. Phú Ông - đại diện người giàu có, ưu tú. Hai nhân vật trao đổi, đối thoại với nhau thoái mái, tự do, thẳng thắn, chân tình. Lời người đối thoại thể hiện sự văn minh, rất chuẩn mực.
Bài ca dao cho thấy ý nghĩa khác: Thằng Bờm có bề ngoài khờ khạo, nhưng rất chính trực, kiên định và có tầm nhìn xa. Chiếc quạt mo là giá trị của riêng của Thằng Bờm (người khác không có). Thế nhưng, thằng Bờm không tham lam, chỉ đồng ý đổi quạt mo của mình để lấy nắm xôi của Phú Ông mà thôi.
THẰNG BỜM LÀ AI:
Thằng Bờm: là một nhân vật truyền thuyết, được lưu truyền lâu đời, được xem là một trong số những nhân vật tiêu biểu nhất cho dòng văn học dân gian Việt Nam. Nhân vật Thằng Bờm được miêu tả với nhiều tính cách khác nhau, thường được biết đến như một người khờ khạo, vụng về, chất phác. Thế nhưng có cách nhìn khác về nhân vật Thằng Bờm: đó là một cậu bé chăn trâu, tinh nghịch, tốt bụng, ham học hỏi.
Tên gọi Thằng Bờm có thể xuất phát từ cách để tóc những cậu bé trai người Việt Nam thời xưa. Bởi, tóc của các bé trai được cạo láng, chỉ chừa một chỏm nhỏ phía trước trán giống như bờm ngựa, để che thóp, ngừa va chạm hoặc để tránh gió: Tóc bờm.
Trong đời sống bình thường, từ bề ngoài của Thằng Bờm, đôi khi người Việt Nam gán cái tên "Thằng Bờm" để gọi cho những bé trai, hoặc dùng với ngụ ý để châm chọc, hoặc ngụ ý chê bai.
BÀI CA DAO "THẰNG BỜM CÓ CÁI QUẠT MO":
Trong bài ca dao: "Thằng Bờm có cái quạt mo" - mà có lẽ có rất nhiều người Việt thuộc lòng, nhân vật Thằng Bờm được mô tả như một đứa trẻ có tính cách khá ngộ nghĩnh:
Thằng Bờm có cái quạt mo,
Phú Ông xin đổi ba bò chín trâu,
Bờm rằng, Bờm chẳng
lấy trâu,
Phú Ông xin đổi một
xâu cá mè,
Bờm rằng, Bờm chẳng
lấy mè,
Phú Ông xin đổi một
bè gỗ lim.
Bờm rằng, Bờm chẳng
lấy lim,
Phú Ông xin đổi con chim đồi mồi.
Bờm rằng, Bờm chẳng
lấy mồi,
Phú Ông xin đổi nắm
xôi. Bờm cười!
Hai nhân vật Thằng Bờm và Phú Ông trong bài ca dao đối diện nhau, hoàn toàn tự do, bình đẳng, trao đổi thẳng thắn, chân tình. Cuộc đối thoại thể hiện, hai bên thực lòng tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của nhau, biết ý nhau, thông cảm nhau.
Hình ảnh Thằng Bờm trong bài ca dao là nét đẹp, hài hòa. Con người bên ngoài của Thằng Bờm có vẻ khờ khạo, nhưng bên trong là những tấm lòng trong sáng, chứa chan tình người, nhân ái, công bằng, chính trực. Thằng Bờm không tham lam, không tự ty, mặc cảm, hơn nữa rất nghiêm chỉnh trong cuộc đối thoại.
Hình ảnh Phú Ông, có quyền lực, nhưng không cậy thế bắt nạt người nghèo, người yếu thế. Phú Ông thích chiếc quạt Mo của Thằng Bờm để có tiện nghi mát mẻ, thoải mái, nên lên tiếng đối thoại, trao đổi.
Thằng Bờm ít tuổi và chỉ có cái quạt mo, nên làm chủ câu sáu (06). Phú Ông lớn tuổi và hơn nhiều mặt, nên làm chủ câu tám (08). Điều này tạo nên sự hài hòa ngay trong cấu trúc thơ lục bát. Mỗi người làm chủ một câu, thay phiên nhau phát biểu, không cướp lời nhau, không át giọng nhau. Hai bên cùng thoải mái trao đổi quan điểm, đưa ra lập trường của mình cho đến lúc cùng đồng ý với nhau thì hai bên cùng làm chủ câu kết, thỏa mãn, thích thú. Kết thúc đàm phán, Thằng Bờm cười và Phú Ông chắc chắn cũng vui.
Xã hội hài hòa thu hẹp trong sinh hoạt tươi vui giữa hai nhân vật Thằng Bờm, Phú Ông còn biểu lộ trong thái độ và lời nói biết tôn trạng tha nhân, tôn trọng người đối thoại và tự trọng đúng mức, không có mày, tao trịnh thượng, phách lối hay khúm núm, nhút nhát. Hai bên nhìn thẳng vào nhau và tôn trọn nhau từ đầu đến cuối, Phú Ông “xin đổi”, Thằng Bờm lễ độ thưa “rằng”. Hình ảnh của cả Thằng Bờm và Phú ông có vẻ ngộ nghĩnh mà thân thiết, gần gũi, hài hòa, “đẹp như tranh”, “vui như tết”.
Biết lắng nghe:
Thằng Bờm không những tôn trọng Phú Ông vì tuổi tác và địa vị xã hội, mà còn vì nhu cầu chính đáng và trao đổi thẳng thắng, cởi mở của Phú Ông. Đáp lại, Phú Ông tôn trọng Thằng Bờm, vì Thằng Bờm là người có giá trị nhân vị cá thể, dù bên ngoài có vẻ khờ khạo, nhưng bên trong là thiện tâm, hiền hậu, chân thật, chất phác. Phú Ông cũng tôn trọng cả chiếc quạt mo của Thằng Bờm vì đó là tài sản riêng có của Thằng Bờm. Từ lời nói đến thái độ ứng xử, Bờm và Phú Ông luôn hòa nhã, cố gắng tìm hiểu và thông cảm.
Cuộc đối thoại giữa Thằng Bờm và Phú Ông rất đặc biệt, đặc biệt ở chỗ, hai bên đều biết nghe vì biết nghe mới biết đối thoại, biết nghe là thái độ của người chín chắn, biết suy nghĩ, biết tự chủ, biết tôn trọng tha nhân.
Người biết nghe luôn chiếm được thiện cảm của người nói, biết nghe là biết đối thoại, biết trao đổi ý kiến, biết nói với nhau để người khác tích cực tham dự vào cuộc đỗi thoại, chia sẻ ưu tư góp ý xây dựng tìm ra giải pháp khả thi chứ không chống đối hoặc bảo thủ ý kiến tới cùng. Hai bên ôn tồn nhã nhặn, tương thân, tương kính trong suốt cuộc đối thoại. Thằng Bờm và Phú Ông biết nghe và đã đi đến đồng thuận cuối cùng
Vào cuộc giao tế xã hội, các bên muốn hài hòa thì cần nhận rõ hai nhu cầu sâu xa và căn bản của người khác. Người nào cũng muốn được nhìn nhận cái tôi của mình, tầm quan trọng của việc mình làm, giá trị đồ vật mình đang dùng và muốn được sống chung với hòa bình, được mọi người ghi nhận, yêu quý, thông cảm.
Văn minh thương mại:
Bài ca dao bên ngoài nghe có vẻ khờ khạo, ngốc nghếch, nhưng bên trong chứa đựng những nguyên tắc chủ yếu cho một xã hội công bằng, đem niềm vui hiền hòa, mộc mạc cho mọi người. Phú Ông thấy Thằng Bờm còn nhỏ, ngây thơ, khờ khạo, nhưng không vì thế mà bắt nạt, dùng sức mạnh người lớn để cướp lấy quạt mo. Phú Ông cũng không dùng lời lẽ dụ dỗ, mánh khóe mượn cái quạt mo để xem từng chi tiết rồi làm quạt giả đúng kích thước xinh xắn, nhẹ nhàng như quạt của Thằng Bờm. Phú Ông cũng không bóc lột sức lao động của Thằng Bờm và cũng không chấp nhận làm hàng giả, không ăn cắp bản quyền, dù chế tác quạt mọ khá dễ dàng.
Thằng Bờm cũng vậy, Thằng Bờm không vì cung ít, cầu nhiều mà tham lam chớp thời cơ bán ra quạt mo với bất cứ giá nào. Thằng Bờm không vì nghèo mà tham lam, thấy Trâu, Bò, gỗ Lim… mà làm trò chộp giật. Thằng Bờm cũng không quảng cáo quá mức. Thằng Bờm biết giá trị thực của cái quạt mo và cái giá tương đối của quạt mo nên đồng ý đổi lấy nắm xôi - đồ vật tương xứng - trong công bằng giao hoán. Thuận mua vừa bán, Thằng Bờm không đưa ra mức giá hay những yêu cầu vượt quá mức, từ đó nhận được sự đồng thuận của cả Phú Ông và công luận. Do đó, khi nghe đề nghị “nắm xôi” thì Thằng Bờm cười.
Bức tranh xã hội hài hòa, Thằng Bờm có nắm xôi no bụng. Phú Ông có tiện nghi quạt mo tìm phấn khởi mát mẽ. Không có cảnh gian tham lừa đảo, không có hàng giả, hàng lậu, không có cách thức kinh doanh chộp giật, chỉ có những người tử tế biết điều, tôn trọng công bằng xã hội. Việc trao đổi hàng hóa với nhau để thỏa mãn nhu cầu chính đáng.
Ngày nay sinh hoạt cũng không chỉ đơn thuần là nắm Xôi để no và cái quạt Mo để làm mát nhưng quan trọng hơn hết là chúng ta phải tự ý thức và trang bị cho mình những kiến thức nhất định để từ đó nhận biết được những giá trị mình có, để không đánh mất cơ hội vươn lên, để không bị bắt chẹt, không mang tiếng tham.
Nội dung bài ca dao “Thằng Bờm có cái quạt mo” thật thâm thúy, tươi đẹp của nền văn hóa Việt nam.
(Tài liệu trên trang Everest.VN)
Hồ Xưa sưu tầm, trình bày và phổ biến__________
chỉ Việt Nam mới có quạt mo
Trả lờiXóa