Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

Một thời TV trắng đen

 

Thời tôi chưa đi học, xóm tôi chưa có nhà nào có ti vi. Ông dượng tôi (ông Nguyễn Công Giáo, hiệu trưởng trường tiểu học Đất Đỏ từ thời Tổng Thống Ngô Đình Diệm) là người đầu tiên trong xóm tôi rinh về cái ti vi trắng đen hiệu National mới tinh cò măng từ Nhựt Bổn. 

Cái ti vi có bốn chân đựng trong một cái tủ bằng gỗ màu nâu sậm bóng lưỡng, có hai cánh cửa đóng mở và chìa khóa để khóa lại. 

Đêm nào có kịch, cải lương hoặc hồ quảng, nhà ông dượng đông vui như cái chợ chồm hổm. 

Hồi đó người trong xóm tôi gọi là đi coi truyền hình, chuyện đi coi truyền hình ké ở nhà hàng xóm trở thành một chuyện rất bình thường, nhà ai có ti vi đều sẳn lòng mở cửa cho hàng xóm tới coi chung cho vui, còn chuẩn bị sẳn nhang muỗi để phục vụ cho khán giả khỏi bị muỗi cắn nữa. Có dì còn ẳm theo đứa con, vừa coi cải lương vừa vạch áo cho con bú tỉnh bơ. 

Chỉ có một chuyện thường xảy ra làm cho gia chủ hơi phiền lòng là bữa nào mấy đứa con nít đem theo hột mít lùi tro, vừa coi vừa ăn là thế nào một hồi cũng có cái vụ…bịt mũi…quạt…khí thế. 

May là ông bà mình ngày xưa học tiếng Tây và ảnh hưởng văn hóa Phương Tây, cho rằng chuyện đó là bình thường, còn ợ mới là xấu nên không bị la.

Bà ngoại tôi mê nhứt là coi hồ quảng của gánh Minh Tơ với các nghệ sĩ Bạch Lê, Thanh Bạch, Thanh Tòng, Đức Lợi, Bửu Truyện…Tôi thường đi theo ngoại qua nhà ông dượng coi hồ quảng, coi riết đâm ghiền nên thuộc tên nhiều nghệ sĩ, đôi khi đang coi bị ngủ gục nằm trong lòng ngoại ngủ một giấc cho đến hết tuồng. 

Các tuồng hồ quảng thường được dựng từ những tích Tàu rất hay như Bao Công xử án Quách Hoè, Chiêu Quân cống Hồ, Tây Thi…, điệu nhạc lại nghe vui tai và dễ nhớ nên tôi thích coi hồ quảng hơn, nhứt là những bài có điệu nhạc giống như bài Mê Linh biệt khúc nghe thiệt hay. 

Về sau có thêm “Chương trình lúc không giờ” do Thẩm Thuý Hằng và Thanh Tú đóng, thường hát những vở kịch ma rùng rợn làm nhiều người không dám coi vì sợ …đái dầm do ráng nín, không dám đi tiểu khuya.

Thời đi coi truyền hình ké nhà hàng xóm chỉ diễn ra trong vòng một hai năm, sau đó nhiều nhà đã sắm được ti vi trắng đen, lúc đó ngoài băng tần 7 và 9 còn có thêm băng tần số 11 chiếu phim Mỹ. 

Trẻ con chúng tôi mê nhứt là phim Wild Wild West với anh chàng James West tài ba xuất chúng, luôn giấu sẳn trong người những dụng cụ độc đáo để khi cần anh ta có thể dùng chúng tự giải vây cho mình.

Mặc dù chẳng hiểu một chút tiếng Mỹ ngoài chỉ biết nói OK salem, chúng tôi chỉ coi và đoán theo từng hành động của nhân vật, vẫn hiểu nội dung câu chuyện theo cách hiểu đơn giản của trẻ con. Tôi nhớ hoài một cảnh trong phim khi James West bị nhốt vào trong một cái rương đóng kín rồi thả xuống biển, bằng trí thông minh và những dụng cụ giấu trong người, anh đã bật tung được nắp rương rồi bơi lên mặt nước thoát chết trong gang tấc. 

Phim James West này chỉ chiếu một thời gian rồi ngưng luôn không rõ tại sao, làm cho ai cũng tiếc hùi hụi. Sau đó có thêm những phim khác như Tàu ngầm, Lỗ tai lừa, Batman và Robin khá hấp dẫn nhưng vẫn không hay bằng James West.

Ti vi trắng đen ngày đó thu sóng qua cây ăng ten gắn trên nóc nhà, hay xảy ra tình trạng khi đang coi màn hình bị giựt hoặc sọc do ăng ten bị gió thổi lung lơ, nhiều khi phải leo lên nóc nhà xoay ăng ten hoặc lấy tay vỗ nhẹ vài cái lên nóc ti vi mới hết giựt. 

Tôi vẫn còn nhớ lúc đi coi truyền hình ở nhà ông dượng, mỗi khi ti vi bị sọc, ông thường nói : “rồi, ti vi bán vải nữa” (màn hình giống như miếng vải sọc). Thời đó, nhiều tỉnh ở xa Sài Gòn không bắt được sóng truyền hình nên khỏi sắm ti vi.

Sau năm 1975, chiếc ti vi trắng đen vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ “trung tâm giải trí” cho mọi gia đình, ngoài ra còn là một “cái loa tuyên truyền”của chính quyền mới. 

Đến năm 1990 khi ti vi màu bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều (đầu tiên là loại TV JVC 14 inches có hai màu đỏ và đen) thì ti vi trắng đen dần dần được mang ra chợ điện tử Nhựt Tảo, quận 10 để bán về các tỉnh. Bước sang thế kỷ 21, ti vi trắng đen hoàn toàn chấm dứt “vai trò lịch sử” của nó và lui vào dĩ vãng.

Thế hệ con cháu sau này đâu biết rằng có một thời, chiếc ti vi trắng đen nặng cồng kềnh từng là một tài sản quý giá trong mỗi gia đình, từng là một trung tâm giải trí hấp dẫn, một món ăn tinh thần bổ ích cho thế hệ cha ông trong gần nửa thế kỷ khi chưa có mạng internet.

TV trắng đen giống TV của ông dượng tôi như tấm hình dưới đây chắc giờ đã trở thành món đồ cổ.

Quan Nguyen ( Tác giả )


 

1 nhận xét:

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...