Thứ Sáu, 30 tháng 6, 2023

Tạp Ghi và Phiếm Luận : Chữ AN - Chiêu Đức Diển Giãi

Tạp Ghi và Phiếm Luận :  
                                       
                                     Chữ   AN 
                         
        AN 安 là YÊN, YÊN là Yên Ổn, Yên Bình mà ta thường nói thành Bình Yên, mà Bình Yên là do chữ Nho BÌNH AN 平安 mà ra. Theo "CHỮ NHO...  DỄ HỌC" thì AN thuộc dạng chữ Hội Ý, có diễn tiến của chữ viết như sau :             
Giáp Cốt Văn            Kim Văn        Đại Triện               Tiểu Triện        Lệ Thư
                

Ta thấy :
            Chữ AN 安 có bộ MIÊN 宀 là cái nóc nhà có hai mái đàng hoàng ở phía trên, bên dưới là chữ NỮ 女 là cô con gái; với Hội ý là "Cô gái mà ngồi ở trong nhà thìsẽ không bị bắt nạt, là biểu thị của sự an toàn, yên ổn. Nên AN có nghĩa gốc là YÊN, và các nghĩa phát sinh như sau :

     * AN 安 là Yên. Như : An Tâm 安心, An Nhàn 安閒, An Toàn 安全, An Thân 安身...
     * AN 安 là Làm cho yên. Như : An Ủy 安慰 (An Ủi), An Dân 安民 là làm cho dân chúng sống được yên ổn.
     * AN 安 là cảm thấy yên. Như : Tâm An 心安 là Trong lòng yên ổn, không lo sợ; An Cư 安居 là Sống Yên ổn không lo lắng...
     * AN 安 là không nguy hiễm. Như : Bình An 平安, Chuyển Nguy Thành An 轉危為安 là Xoay chuyển cho từ nguy hiễm đến an toàn. Ta còn có thành ngữ : CƯ AN TƯ NGUY 居安思危 Có nghĩa : Ở nơi An toàn luôn phải nghĩ đến lúc có Nguy hiễm, chớ không được  y  xem thường . Đây cũng là bốn chữ hiện din trên phù hiệu của trường Võ Bị ThĐức để cảnh giác "Lúc cảm thấy  an toàn nhất cũng phải đ phòng sự nguy hiễm đang rình rập đâu đây. Thành ngữ nầy có xuất xứ từ : Tả truyện 左傳: "Cư an tư nguy, tư tắc hữu bị, hữu bị vô hoạn 居安思危, 思則有備, 有備無患 (Tương Công thập nhất niên 襄公十一年). Có nghĩa : Đương lúc ở yên thì phải nghĩ đến lúc nguy cấp, nghĩ thì phải có phòng bị, mà có phòng bị thì sẽ không lo lắng.
              
     * AN 安 là đặt để. Như : An Trí 安置; An Táng 安葬...
     * AN 安 là sắp xếp sẵn . Như : An Bài 安排; An Vị 安位 ...
     * AN 安 là Nghi vấn tự. Như : An Năng 安能? là Làm sao có thể ?... An Tại 安在? là Ở đâu?... An Đắc 安得 ?  Làm sao để có được ?...
       Bài thơ thất ngôn cổ thi Tẩy Binh Mã 洗兵馬 (Rửa khí giới quân đội) của Thi Thánh Đỗ Phủ có 2 câu kết là 

               安得壯士挽天河,     AN ĐẮC tráng sĩ vãn thiên hà;
               淨洗甲兵長不用.     Tịnh tẩy giáp binh trường bất dụng. 
Có nghĩa :
        - Làm Sao Để Có Được một tráng sĩ kéo nước trên sông Ngân Hà xuống, để...
        - Rửa sạch hết các giáp binh khí giới rồi vĩnh viễn không dùng tới nữa !

      Hai câu thơ trên của Đỗ Phủ đã được danh tướng Đặng Dung 鄧 容 đời Trần của ta mượn ý trong bài thơ THUẬT HOÀI 述懷 rất nổi tiếng của ông là :

               世事悠悠奈老何      Thế sự du du nại lão hà !
               無窮天地入酣歌      Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
               時來屠釣成功易      Thời lai đồ điếu thành công dị,
               運去英雄飲恨多      Vận khứ anh hùng ẩm hận đa. 
               致主有懷扶地軸      Trí chúa hữu hoài phù địa trục,
               洗兵無路挽天河      Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.        
               國讎未報頭先白      Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
               幾度龍泉戴月磨      Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma !              
Có nghĩa :
                 Thế sự dằng dai đã lão rồi,
                 Đất trời say khước hát ca chơi.
                 Có thời câu cá thành công dễ,
                 Hết vận anh hùng nuốt hận thôi.
                 Giúp chúa những mong xoay đại cuộc,
                 Bãi binh còn muốn kéo sông trời.
                 Quốc thù chưa báo đầu đà bạc,
                 Mài mãi Long Tuyền dạ chẳng nguôi !  
 
 Hai câu 5 và 6 có nghĩa :           
        - Giúp chúa lòng những muốn xoay lại trục của trái đất (xoay lại đại cuộc),
        - Muốn rửa sạch giáp binh (muốn chấm dứt chiến tranh) nhưng không có đường để kéo nước trên sông Ngân Hà xuống (ý nói Đành bất lực!).    
            

      Sống trên đời, trước tiên là ai cũng muốn được yên thân, vì thân có yên thì tâm mới yên; Thân An tâm tắc An, mà TÂM AN thì LÝ ĐẮC. TÂM AN LÝ ĐẮC 心安理得 là thành ngữ chỉ : Lòng có yên, có bình thản, thì lý lẽ cũng sẽ vững vàng chắc chắn hơn ! Cho nên, gặp bất cứ việc gì trước tiên là phải giữ cho lòng được yên tĩnh rồi mới tính chuyện giải quyết sau.

     Chữ AN là YÊN, nghe như đơn giản, nhưng lại hiện diện trong tất cả các mặt của đời sống con người, kể cả những người bình dị, chất phác nhất, cho đến các hiền nhân quân tử, anh hùng hảo hán, chí đến những vua chúa đế vương... đều không thể xa rời chữ AN được !

      Người bình dân chất phác thì chỉ cầu mong cho có được một cuộc sống an bình yên vui, theo như câu nói của ông bà xưa để lại :

                  隨感而應, Tùy cảm nhi ứng,
                  隨遇而安.   Tùy ngộ nhi AN.
Có nghĩa :
          - Tùy theo cái cảm xúc của mình mà ứng tiếng hành xử, và...
          - Tùy theo cái hoàn cảnh mà mình đang có để sống cho yên thân. Ý là ...

      Sống tự nhiên vui vẻ theo cảnh ngô trước mắt, không đòi hỏi cao xa, không ước mơ những điều qúa tầm tay với  của mình theo như câu thành ngữ :

                  安份守常   AN phận thủ thường,
Có nghĩa :
         - Phải biết sống yên ổn với cái thân phận vốn có của mình mà giữ lấy cái nếp sống bình thường nầy. 
      Ta gọi là AN PHẬN THỦ THƯỜNG chớ người Hoa gọi là AN PHẬN THỦ KỶ 安份守己. Đây là Tập quán Ngôn ngữ, là thói quen của mọi tiếng nói, Tuy có khác nhau một chữ nhưng tựu trung thì ý nghĩa cũng "xem-xem" như nhau mà thôi. AN PHẬN THỦ KỶ là giữ lấy cái thân phận của mình mà sống, và có như thế thì mới AN CƯ LẠC NGHIỆP 安居樂業 được !
        AN CƯ LẠC NGHIỆP là sống yên ổn và vui với cái nghề nghiệp vốn có của mình ! Không đứng núi nầy trông núi nọ, không so bì với người khác, không cầu mong có được những của hoạnh tài như cờ bạc, trúng đề, trúng số...             
                  
       Nếu biết sống AN CƯ LẠC NGHIỆP thì khi về già sẽ có cuộc sống AN NHÀN TỰ TẠI 安閒自在. AN NHÀN là Yên ổn nhàn nhã; TỰ TẠI là Tự do tự tại,không bị gò bó trói buộc gì cả ! Đây là đời sống của những người hưu trí thảnh thơi, không còn biết đến tranh danh đoạt lợi gì nữa cả ! Như đời sống của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vậy :

                    Một mai một cuốc một cần câu,
                    Thơ thẩn vào ra vui thú nào.
                    Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
                    Người khôn người đến chốn lao xao !...
             
       "Đến chốn lao xao" là đến chỗ đông người, đến những nơi thị thành chợ búa đông đảo để bon chen, để tìm lợi danh tiền bạc như người đời thường nói :

                  鬧裡有錢,  Náo lí hữu tiền,
                  靜處安身。  Tịnh xứ an thân.
      Có nghĩa :
               - Ở nơi náo nhiệt nhộn nhịp thì có tiền, còn...
               - Ở nơi vắng vẻ yên tịnh thì được yên thân.

       Nhưng trước khi muốn yên thân thì con người ta thường phải bươn chải để kiếm sống, để làm giàu, nên vẫn thích ở nơi thị thành náo nhiệt hơn. Vì ai cũng có tính háo thắng, cũng muốn tranh danh đoạt lợi, thậm chí tranh quyền đoạt vị, mưu cầu quan tước, và nếu thời cơ thuận lợi đưa đẩy còn có thể tranh bá đồ vương để thi thố tài năng AN BANG TẾ THẾ 安邦濟世.
      AN BANG TẾ THẾ hay TẾ THẾ AN BANG 濟世安邦 có xuất xứ từ "Cửu Thế Đồng Đường" của Vô Danh Thị đời nhà Nguyên 元·無名氏《九世同堂》:...Tế thế an bang sách, án lục thao tam lược thư 濟世安邦策,按六韜三略書。Có nghĩa :... cứu giúp người đời và làm cho nước nhà ổn định, theo sách nói về Lục Thao Tam Lược". Nên muốn AN BANG TẾ THẾ thì phải là người có tài thao lược, có tài trị nước an dân, phải là những bậc vua chúa ngày xưa hay là những Thủ Tướng, Tổng Thống, Chủ Tịch nước... của ngày hôm nay mới có tài AN BANG ĐỊNH QUỐC 安邦定國 là giúp cho đất nước được yên ổn vững vàng.
             

       Người có tài AN BANG ĐỊNH QUỐC cũng là người có tài làm cho người khác được AN CƯ LẠC NGHIỆP. Theo chương Công Dã Tràng trong sách Luận Ngữ 《論語·公冶長》, Khi Thầy Tử Lộ hỏi về chính sách an dân thì... Tử viết : "Lão giả an chi, bằng hữu tín chi, thiếu giả hoài chi 子曰:老者安之,朋友信之,少者怀之。" Có nghĩa : Khổng Tử nói rằng :"Người già thì được sống an nhàn, bạn bè thì tin tưởng nhau, còn trẻ nhỏ thì được quan tâm chăm sóc". Câu nói trên chứng tỏ chí hướng của Khổng Tử rất cao xa và rộng mở, luôn lấy Nhân Từ và Tín Nghĩa làm đầu; Đây cũng là mục tiêu phấn đấu tu dưỡng của người quân tử trong đạo Nho và cũng là chính sách nhân từ đòi hỏi phải có của các bậc vương hầu, là giai cấp thống trị ngày xưa. 
      Ta thấy câu nói trên đây của Khổng Tử đã hơn hai ngàn năm trước, nhưng có hơi hám của "Xã Hội Chủ Nghĩa" là :"...Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng... Người già và trẻ nhỏ không làm nhưng cũng được hưởng...". Nhưng, "Xã Hội Chủ Nghĩa" không làm được những điều đã nói. Trái lại, chính sách về "AN SINH XÃ HỘI" của Mỹ lại làm rất tốt vấn đề xã hội nầy. AN SINH 安生 là Sống một cách An Ổn Yên Lành. Trẻ nhỏ được hưởng chính sách giáo dục miễn phí cho 2 bậc Tiểu học và Trung học, còn có xe đưa đón và trợ cấp ăn trưa trong trường học nữa. Người già thì ngoài tiền hưu trí ra, còn có tiền An Sinh Xã Hội (SSI), tiền trợ cấp thực phẩm (Food stamps), tiền trợ cấp y phí (Medicare)...

      Tăng Quảng Hiền Văn có câu :

                  黃金未為貴,   Hoàng kim vị vi qúy,
                  安樂值錢多。   AN LẠC trị tiền đa.
Có nghĩa :
              - Vàng ròng chưa chắc đã là qúy giá, chớ...
              - Sự YÊN VUI mới đáng giá nhiều tiền... 
 Ý là :
          Có nhiều vàng nhiều tiền, giàu sang phú qúy chưa chắc đã là qúy giá; Sống yên vui hạnh phúc, không bệnh tật lo lắng mới đáng giá ngàn vàng. Vì thế, nên lại có câu khuyên ta rằng :

                 君子安貧,   Quân Tử An Bần,
                 達人知命。   Đạt nhân tri mệnh.
Có nghĩa :
            - Người quân tử sống yên thân với cái nghèo của mình, cũng như...
            - Người thành đạt thì nên biết mạng trời (mà không đòi hỏi gì thêm nữa!)
             
    
      Câu nói trên đây có xuất xứ từ bài "Đằng Vương Các Tự 滕王閣序" nổi tiếng của người đứng đầu "Sơ Đường Tứ Kiệt" là Vương Bột 王勃. Câu ĐẠT NHÂN TRI MỆNH 達人知命 còn có nghĩa là : Người thông tình đạt lý là người hiểu rõ mệnh trời, nên không oán trách và đòi hỏi gì thêm nữa mà phải biết yên thân, như câu :

               富貴定要安本分,  Phú qúy định yếu an bổn phận,
               貧窮不必枉思量。  Bần cùng bất tất uổng tư lương.
Có nghĩa :
        - Đã giàu sang phú qúy rồi thì nên yên với cái phước phần vốn có của mình đi; Còn bần cùng nghèo khổ thì cũng phải biết thân biết phận của mình mà đừng có lo buồn nghĩ ngợi làm gì cho vô ích !
       Nói thì nói thế, chớ nghèo khổ thì ai mà chịu chấp nhận bao giờ; phải "tận nhân lực 盡人力" rồi mới "tri thiên mệnh 知天命" chớ. Tức là : Phải cố gắng làm hết sức mình rồi mới biết mệnh trời ra sao !
     Nói chung, 
         Chữ AN là YÊN; nhưng cũng tùy theo năng lực và khả năng mà YÊN ở mức độ nào. Nếu người tài trí bình thường thì cứ AN PHẬN THỦ THƯỜNG mà sống đời sống AN CƯ LẠC NGHIỆP hay AN BẦN LẠC ĐẠO; còn nếu có chí lớn để giúp đời hoặc làm nên sự nghiệp lớn để TẾ THẾ AN BANG hay lớn hơn nữa là AN BANG ĐỊNH QUỐC thì cứ mặc tình mà thi thố tài năng để tạo phước cho muôn người.

       Trở lại với chữ AN là Nghi Vấn Tự. Ta có AN NĂNG 安能 ? Có nghĩa là : Làm sao đươc? Làm sao có thể ? Mời nghe một giai thoại về "Liễn Khống" rất thú vị sau đây :

       Đời nhà Minh, đất Giang nam có bốn người tài tử nổi tiếng được xưng tụng là GIANG NAM TỨ ĐẠI TÀI TỬ 江南四大才子; đứng đầu nổi tiếng nhất là Đường Bá Hổ 唐伯虎, kế đến là Chúc Chi Sơn 祝枝山, Văn Trưng Minh 文徵明 và Châu Văn Tân 周文賓. Ta chỉ nhắc đến thư pháp của Chúc Chi Sơn dưới đây thôi. Truyện kể...
                       

                       Chúc Chi Sơn và Giang Nam Tứ Đại Tài Tử qua đin ảnh

       Chúc Chi Sơn 祝枝山 (1460 - 1526), tên là DOÃN MINH, tự là HY TRIẾT, vì bàn tay phải dư ra một ngón nên mới có biệt hiệu là CHI CHỈ SANH 枝指生 (nghĩa là : Ngón tay mọc thêm ), gọi mãi thành CHI SANH, rồi gọi trại thành CHI SƠN và chết tên luôn là CHÚC CHI SƠN 祝枝山. Ông người xứ Trường Châu tỉnh Giang Tô (Tô Châu). Xuất thân từ một gia đình danh nho vọng tộc, rất giỏi về thư pháp, ông viết được nhiều kiểu chữ và viết rất đẹp, nhất là chữ Thảo. Người đương thời thường xưng tụng : Họa thì có Đường Bá Hổ, Thư pháp thì có Chúc Chi Sơn....
       Có một lần, ông đến thăm Đường Bá Hổ ở Hàng Châu, nhưng lại ở trọ nhà của Châu Văn Tân, nấn ná lần lừa mà đã đến giao thừa lúc nào không hay. Dân chúng ở Hàng Châu có tục lệ là chỉ dán liễn KHỐNG không có chữ, lấy ý là : suốt năm được Bình An Vô Sự. Trong cơn tửu hứng cuối năm, Chúc Chi Sơn cười bảo rằng : Họ muốn bình an vô sự, năm nay ta phải cho họ "hữu sự" mới được !. Bèn bảo gia đồng của mình chuẩn bị mực viết và mượn thêm một thư đồng của Châu Văn Tân để xách lồng đèn dẫn đường....
      Sau khi cúng Giao thừa, mọi nhà đều đóng cửa đi ngủ, nhà nào cũng dán sẵn một đôi liễn đỏ không có chữ gì cả. Khi đến một nhà lớn xây mặt về hướng đông, thư đồng bảo rằng đây là nhà của một đại thiện nhân (nhà hảo tâm hay làm việc thiện) ở địa phương, Chúc bèn dừng lại, viết đôi câu đối sau : 

              向陽門第春常在,   Hướng dương môn đệ xuân thường tại,       
              積善人家樂有餘.   Tích thiện nhân gia lạc hữu dư.                 
Có nghĩa :
         - Nhà xây về hướng mặt trời, nên mùa Xuân thường ngự nơi đó.
         - Người trong nhà hay làm việc thiện, nên niềm vui luôn có thừa. 

     Khi đến một căn nhà nhỏ, nhưng cũng khá khang trang, thư đồng bảo rằng :
     - Lúc ban chiều, khi người chồng đi làm xa về, vợ lục lọi trong tay nải, thấy không có đem tiền gì về ăn Tết cả, nên không cho ăn cơm đoàn viên chiều 30 Tết, đến khi phát hiện trong túi quần của chồng có đến mấy chiếc nhẫn vàng, chị vmới dịu giọng cho ăn cơm và thân cận, bây giờ thì họ đã ngủ yên rồi ! Chúc Chi Sơn bèn cả cười và cất bút đề rằng :

               Nang nội vô tiền, hưu tưởng ẩm thực nam nữ ,
               囊 内 無 錢, 休 想 飲 食 男 女. 
               Đại trung hữu vật, tiện thành sài mễ phu thê.
               袋 中 有 物,便 成 柴 米 夫 妻.
 Có nghĩa :
             - Túi xách không tiền, đừng hòng gái trai ăn uống,
             - Trong lưng có bạc, mới mong chồng vợ cháo cơm .
            

               Sài Mễ Phu Thê ân ái đa (Vợ chồng tấm mẳn thương nhau lắm)
      
        Cứ thế, họ đi hết dãy nầy đến dãy khác.....

        Khi đi đến một tòa nhà cao cửa rộng, sơn son thếp vàng, thư đồng bảo Chúc Chi Sơn đừng viết liễn ở cửa nầy, vì đây là nhà của một ác bá nổi tiếng của xứ nầy, Chúc bảo thế thì càng cần phải viết, thấy có 2 lớp cửa, cửa lớn ở ngoài dán đôi liễn trống thếp vàng, Chúc bèn viết đôi câu đối như vầy :

            明日逢春,好不晦氣,   Minh nhật phùng xuân, hảo bất hối khí,   
            终年倒運,少有馀财.   Chung niên đão vận, thiểu hữu dư tài.    
Có nghĩa :
            Ngày mai đón xuân, chẳng xui xẻo lắm sao,
            Suốt năm lận đận, ít có tiền tài dư dã. 

          Cửa trong , nhỏ hơn, dán đôi liễn trống màu đỏ, Chúc bèn viết :

                 此地 安能 居住,    Thử địa  an năng  cư trú,             
                 其人 好不 悲傷.    Kỳ nhân  hảo bất  bi thương.      
Có nghĩa :
              - Nơi nầy làm sao mà ở được !
              - Người ở đây sao khỏi buồn thương !

      Viết xong, ông lại ký tên đàng hoàng là : Tô Châu Giải Nguyên Chúc Chi Sơn thư. làm cho 2 đứa thư đồng đều hoảng sợ, lo lắng...... 

      Sáng sớm hôm sau, Mùng Một Tết, Cả thành Hàng Châu xôn xao hẵn lên, vì tất cả liễn khống đều đã được ai đó viết chữ lên....Dĩ nhiên, có người rất hoan hỉ, vui vẻ vì những lời chúc Tết tốt đẹp ở trên đó, như Nhà Hảo tâm làm việc thiện kia vậy, có người cũng lỡ khóc lỡ cười như 2 vợ chồng nhà nghèo n, nhưng...cũng có người giận dữ và thưa lên Quan Phủ, như nhà Ác bá kia... Chúc Chi Sơn đã chuẩn bị tư thế sẵn sàng đi hầu quan từ sáng sớm, nên khi được mời là ông lập tức đến ngay. Quan Phủ kính trọng ông vì ông là một Giải Nguyên, lại là Tài Tử nổi tiếng của xứ Giang Nam, nên chỉ hỏi ông, vì sao viết những lời xui xẻo, xấu xa cho nhà ác bá kia?. Ông cười và trả lời rằng : Đó toàn là những lời chúc tốt đẹp cả mà !. Tên Ác bá cải lại rằng : Ông có chắc là những lời tốt đẹp không ?. Chúc bảo : Thư pháp của ta, một chữ giá đáng ngàn vàng (Nhất tự trị thiên kim  一字值千金), ông không trả công cho ta còn thưa gởi lôi thôi !. Tên Ác bá cải : Nếu quả thực là những lời tốt đẹp, ta sẽ sẵn sàng trả cho ông một ngàn lượng bạc, bằng ngược lại thì ông tính sao đây?. Chúc đáp là mình sẽ chịu mọi hình phạt do quan xử. Được lời của hai bên, Quan Phủ bèn cho sai nha đến nhà của tên Ác bá gở hai đôi liễn xuống, mang đến công đường. Tên Ác bá dương dương tự đắc, phen nầy cho nhà ngươi hết chạy tội, còn Quan Phủ thì lo ra mặt, vì thấy đôi câu đối xấu quá, không biết phải xử sao cho phải. Chỉ có Chúc Chi Sơn là tươi cười giải thích rằng : Vì suốt đêm bận viết liễn, nên khi viết đến nhà của tên Ác bá ông đã quên chưa kịp chấm câu, và ông bèn mượn cây bút trên bàn của Quan Phủ, chấm lại đôi câu đối như sau :

Câu 1:
            Minh nhựt phùng xuân hảo,  bất hối khí,   明日逢春好, 不晦氣,
            Chung niên đão vận thiểu,  hữu dư tài.     终年倒運少, 有馀财.
Có nghĩa :
            Ngày mai đón xuân tốt đẹp, không có gì xui xẻo,
            Suốt năm vận xui rất ít, có tiền bạc dư dã.

Câu 2 :
            Thử địa an,  năng cư trú,
            Kỳ nhân hảo,  bất bi thương.
 Có nghĩa :
            Nơi đây yên lành, có thể ở được,
            Người ở đây tốt, không có chuyện buồn thương.

      Kết quả như thế nào thì chắc các Bạn cũng đoán được rồi... Chỉ biết là sau đó, Chúc Chi Sơn về lại nhà của Châu Văn Tân, mời cả Đường Bá Hổ cùng đến, anh em cùng Ăn Tết và cùng nhậu...mút mùa cũng không hết một ngàn lượng bạc...
            

      AN 安 là Yên ổn; KHANG 康 là Mạnh khỏe; THỊNH 盛 là có nhiều và đầy đủ, VƯỢNG 旺 là Dồi dào rực rỡ; nên AN KHANH THỊNH VƯỢNG 安康盛旺 là vừa Mạnh khỏe yên vui, lại vừa Phát đạt dồi dào đầy đủ. Vì thế mà ai cũng ao ước và ai cũng chúc nhau trong dịp đầu xuân, vì ai cũng muốn cho gia đình mình và thân nhân bè bạn, tất cả mọi người đều được : AN KHANG THỊNH VƯỢNG 安康盛旺 !
              


      Mong ước lắm thay !

                                                                                      杜紹德
                                                                                  Đỗ Chiêu Đức




1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...