Vào một buổi trời chiều vừa nhạt nắng phía đường xa, thoáng qua tôi hình ảnh từng tốp nữ sinh trong tà áo dài trắng xinh tươi buổi chiều tan trường. Lòng chợt dâng lên niềm xúc cảm ngọt ngào về một thời áo trắng xa xôi, đã qua lâu rồi và giờ đây chỉ còn là kỷ niệm….
"Em tan trường về – Đường mưa nho nhỏ…"
Theo nhà thơ Phạm Thiên Thư thì chính xác bài thơ tên là “Ngày xưa Hoàng Thị Ngọ”. Ngọ là ai thì tôi không biết nhưng biết chắc là tôi cũng như nhiều người bạn cùng trang lứa đã không biết bao nhiêu lần “bước nhỏ tìm nhau, tìm nhau” rồi. Nhờ tài năng phổ nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy mà bài thơ trở thành “bài hát cửa miệng” của biết bao thanh niên cùng thời với tôi thưở ấy. Cứ mỗi lần nghe lại bản nhạc này, hình ảnh cả một thời tuổi trẻ luôn trở lại tâm trí của tôi.
Cho đến bây giờ dù có đã có được đi qua nhiều những con đường rất đẹp của nhiều thành phố nhưng tôi vẫn cứ nghĩ rằng con đường đi học nơi quê nghèo của tôi ngày ấy là con đường đẹp nhất trên thế giới này. Cái con đường đi ngang qua nhà thờ rêu phong, rồi xuôi theo một dốc thoải để dẫn đến cái ngôi trường mang tên Trung Học Tây Ninh - nơi mà ngày ấy, sáng sáng, trưa trưa từng đàn học sinh đi bộ hoặc chạy xe đạp ngang qua mà nhiều nhất là những tà áo trắng – mà bọn tôi vẫn gọi đó là “con đường huyền thoại”. Không huyền thoại sao được khi mà chính con đường đó đã “lưu dấu” biết bao nhiêu trái tim của những chàng trai trẻ thuở xa xưa đó. Những chàng trai trẻ mà sau này đã là ông nọ, ông kia, là nhà này, nhà nọ! Hình ảnh “gót giầy lặng lẽ đường quê” của chàng trai tuổi học trò trên con đường mưa nho nhỏ theo sau dấu chân người bạn gái vừa mang một sắc thái rất thực mà cũng rất mơ. Cứ mỗi độ tiếng trống tan trường vừa điểm, chàng trai trẻ si tình lại ngập ngừng theo gót chân cô bạn thân quen, “em đó, tôi đây, nỗi yêu thương khắc khoải có lúc nào nguôi, vậy mà chẳng thốt được nên lời”. Trên con đường lất phất mưa bay, cho khung cảnh xuyến xao rung động cùng đôi trái tim non chưa một lần dám thổ lộ tiếng yêu thương, cho lòng ai thêm trĩu nặng nỗi niềm riêng mong sao được bày tỏ:
”Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.
Em tan trường về, đường mưa nho nhỏ.
Ôm nghiêng tập vở, tóc dài tà áo vờn bay…
Cái màu trắng của những tà áo dài trong cái-ngày-tôi-chưa-thấy-gì-ấy cũng rất bình thường thôi. Nhưng “đùng” một cái, vào một buổi sáng nọ, khi nhìn thấy những tà áo dài trắng tung bay ấy cái cảm giác nó khang khác hẳn. Nó khác đến một trăm phần trăm. Nó xao xao xuyến xuyến. Nó mơ mơ màng màng. Không biết cái màu trắng ấy nó có “đậm” lên một chút không, nhưng mà tự nhiên tôi thấy nó đẹp hẳn ra. Nó đẹp lắm!. Con đường cũng xinh hơn, những hàng me có vẻ mát hơn cũng chỉ với những bóng cây như cũ. Lúc đó tôi không biết được cảm giác này do đâu – nhưng sau này nhớ lại thì tôi nhủ mình rằng “À, mình đã lớn rồi đây”. Tôi chợt nhớ hai câu thơ của Huy Cận:
Vậy đó, bỗng nhiên mà họ lớn
Tuổi hai mươi đến có ai ngờ
Bỗng nhiên cơn gió tình yêu đến
Đứng ngẩn trông vời áo tiểu thư…
Xin con đường về cứ mãi còn xa, đôi dáng nhỏ liêu xiêu tìm về trên con đường ngợp trong sắc xanh lá me. Bước chân em nhẹ nhàng, dịu dàng trên con đường thênh thang, đường vẫn thênh thang mà lòng chàng trai cứ mong đường còn xa mãi. Con đường quê trải dài bao kỷ niệm, cảnh vật như cũng có hồn và thổn thức trong từng dư âm của một cõi lòng non nớt còn vang vọng khối tình si, đôi bàn tay dại khờ vội ngắt cành hoa yêu thương vừa chớm nụ trao cho em như một kỷ vật của mối tình đầu.
“Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Em tan trường về, anh theo Ngọ về
Môi em mỉm cười mang mang sầu đời, tình ơi”
Còn nhớ ngày xưa, có lần tôi được thằng bạn nó khoe cho xem cuốn “lưu bút” hè năm 1971, trong đó có mấy đoạn lưu bút mà nó khoe là của mấy cô bạn nữ. Tôi nói với nó là tao không thèm “chơi” mấy thứ này, nó “sến” lắm, “cải lương” lắm. Chả là vì thuở đó, ở cái tỉnh lẻ của tôi tuy nghèo về tiền bạc nhưng kiến thức, sách vở chắc không nghèo. Cái tỉnh có “chút xíu xìu xiu” mà có bao nhiêu là nhà sách. Và lũ tụi tôi, học đòi mấy anh lớn hơn, bày vẻ ra đọc J. P. Satre, đọc Albert Camus, đọc Phạm Công Thiện, hát nhạc Trịnh Công Sơn, nhạc Phạm Duy, nhạc Cung Tiến thôi – chứ đọc sách khác thì “dở” lắm. Hát “Thanh Tuyền, Chế Linh”, hát “Nhật ký đời tôi ghi thêm một lần vui …” là sến – Và cũng vì vậy nên “bị lây” cái ý nghĩ: “chơi lưu bút là sến” ấy. Nhưng nói thật nếu tôi có bày cái trò làm lưu bút ấy ra thì tôi lúc đó cũng chả có bạn nữ sinh nào thí cho mấy câu kiểu “Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi. Giờ như nước trôi qua cầu”...
Bước sang tuổi cổ lai hy rồi, tôi có nhiều lần được vài người bạn cũ khoe còn giữ được mấy cuốn lưu bút cũ và tôi được cho xem lại. Tôi ao ước biết mấy và cứ thầm tiếc: giá ngày ấy mình làm một cuốn giống như vầy!
Tưởng đã phai màu – Đường chiều hoa cỏ – Mười năm rồi Ngọ – Tình cờ qua đây – Cây xưa vẫn gầy – Phơi nghiêng dáng đỏ – Áo em ngày nọ – Phai nhạt mấy màu – Chân theo tìm nhau – Còn là vang vọng – Đời như biển động – Xóa dấu ngày qua… (thơ Phạm Thiên Thư)
Thú thật, cách đây hơn 30 năm, vào thời khó khăn cơ cực, tôi đã có dịp gặp những người bạn nữ sinh - thời trước là những thiên thần đi học ngang con đường huyền thoại tôi kể ở trên - đi những chuyến xe đò liên tỉnh, gặp trong những dịp lễ Tết, gặp trên những chuyến đi công tác; lòng tôi vẫn còn nôn nao như thưở mới ngày nào. Tôi còn giữ nguyên cái cảm giác buồn bã đến rã người cái ngày tôi gặp hai chị em của một người bạn bày bán những kim chỉ nút trên một tấm ni lông… ở cuối chợ. Nước mắt thật sự không còn để rơi được nữa đâu. Đúng là: Đời như biển động – Xóa dấu ngày qua – Tay ngắt chùm hoa – Mà thương mà nhớ – Phố ơi! – Muôn thuở – Giữ vết chân tình – Tìm xưa quẩn quanh – Ai mang bụi đỏ – Dáng ai nho nhỏ – Trong cõi xa vời. – Tình ơi!… Tình ơi!… (thơ Phạm Thiên Thư)
Tôi không ngắt chùm hoa nào nhưng lòng thương nhớ rất nhiều về những ngày xa xôi đó. Đường cũ đìu hiu ngày ấy, nhưng trong tôi nó vẫn là con đường đẹp nhất mà tôi đã từng đi qua. Những nàng con gái thuở ấy bây giờ không còn xuân sắc nữa – tôi biết có thể có người đang ngồi mệt mỏi bên những quầy hàng xén nhỏ ở một ngôi chợ quê nào rất xa; có thể họ đang là một người đã lưng cong vì những gánh nặng oằn vai của cuộc sống – nhưng họ vẫn là những “đứa-con-gái-trong-huyền-thoại” ngày ấy của tôi: Dáng ai nho nhỏ – trong cõi xa vời…
Mời Xem : Cảm Xúc “Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng” - Lê Trung Ngân
bài rất hay
Trả lờiXóa