Thứ Bảy, 24 tháng 6, 2023

THUỐC CŨ TRỊ BỊNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2 - BS.Đặng Quang Tâm

Lời mở đầu:
Đây là một chương trong cuốn sách tôi viết về bịnh tiểu đường. Mục đích chánh là để bàn về những thuốc mới trị bịnh này như các thuốc họ Incretin (GLP-1) hoặc họ SGLT2 (Sodium Glucose Cotransporter-2) inhibitors. Nếu các bạn muốn hiểu thêm về bịnh tiểu đường, xin coi lại những bài viết cũ tôi viết về bịnh này có đăng trong Facebook của tôi. Trong bài viết này, tôi chỉ bàn về những thuốc cũ trị bịnh tiểu đường trước khi có các thuốc họ Incretin và SGLT-2 inhibitors.

Trước hết, xin nhắc sơ qua về bịnh tiểu đường. Có 2 loại bịnh tiểu đường:

-Tiểu đường loại 1, thường xảy ra ở trẻ em, do tuỳ tạng không sản xuất chất Insulin được.

-Tiểu đường loại 2, thường xảy ra cho người lớn tuổi, từ 35 tuổi trở lên. Bịnh này do tuỳ tạng không sản xuất đủ Insulin hoặc Insulin còn đủ nhưng không còn hữu hiệu (resistance) nữa. Bịnh này có thể là do đi truyền, tức là khi cha hoặc mẹ bị tiểu đường thì xác suất con bị rất cao hoặc do bịnh béo phì.

Cách đây 30 năm, thuốc trị bịnh tiểu đường loại 2 gồm có 4 loại thuốc sau đây:
 
A-Metformin:
Thuốc này chỉ mới được bán ở Mỹ từ năm 1995 dưới tên Glucophage. Đây là thuốc trị tiểu đường thông dụng nhất, vì nó rẻ tiền và tương đối ít có phản ứng phụ so với các thuốc khác. Có thể nói không quá đáng, Metformin là thuốc có trong toa của tất cả những ai bị tiểu đường, bất kể nặng hay nhẹ. 
 
Thuốc này có các tác dụng sau đây:
1-giảm lượng đường do gan sản xuất,
2-giảm sự phân hủy Glycogen trong gan để tạo ra chất đường ,
3-giúp tạo ra nhiều chất Glut4 hơn. Glut4 là chất chở đường ở trong máu đi vào các tế bào bắp thịt, tế bào mở và các tế bào tim. Có càng nhiều Glut4 thì càng nhiều đường được chở vào các tế bào này. Nhờ đó mà lượng đường trong máu sẽ giảm. Tiếng Mỹ gọi tác dụng này là improved Insulin sensitivity. Lượng Glut4 sẽ tăng khi ta tập thể dục. Đó là lý do người ta khuyên người bịnh tiểu đường nên bỏ ra ít nhất 15-30 phút mỗi ngày để tập thể dục.
Metformin là thuốc trị bịnh tiền tiểu đường ít có phản ứng phụ nhất. Tuy nhiên, khi thận bắt đầu suy (Creatine>1.7 hoặc khi máu chảy qua thận eGFR giảm dưới 30 mg/min), người bịnh không nên tiếp tục uống Metformin nữa vì nó sẽ dẫn đến việc tăng lượng lactic acid trong máu. Hiện tượng ta gọi là Lactic acidosis, rất nguy hiểm. Những người bị hiện tượng này cảm thấy uể oải, không còn định hướng được (disorientation), da bị vàng, người thở hào hển, tim đập rất nhanh. Không chửa trị sớm có thể dẫn đến cái chết. Một điểm khác tôi thấy những người uống Metformin ở độ cao 2 gr một ngày thường bị thấp chất sắt, lượng Hồng Huyết Cầu do đó cũng thấp. Những người này cần uống 325 mg sắt (Fe) một ngày. Metformin được thải qua thận, nên khi ta làm CT có thuốc nhuộm contrast ta cần phải ngưng uống Metformin ít nhất 8 tiếng đồng hồ trước khi làm CT và chỉ uống lại 48 giờ sau khi làm CT để tránh tình trạng lượng Metformin tăng cao, dẫn đến hiện tượng Lactic Acidosis mà tôi đã nói ở trên, rất nguy hiểm.
 
B-Thuốc kích thích tuỳ tạng tiết ra Insulin:
Loại này có hai họ
 
1-Họ Sulfonylureas:
Đây là thuốc trị bịnh tiểu đường lâu đời nhất, thuốc xuất hiện trên thị trường từ những năm 1950. Thuốc chỉ có hiệu quả khi tuỳ tạng còn tạo ra Insulin. Khuyết điểm của thuốc này là lượng đường trong máu có thể xuống rất thấp, làm người bịnh bị run tay, đổ mồ hôi, nếu không biết để trị, có thể đi đến hôn mê. Thuốc này tuyệt đối không được uống lúc bụng đói, đặc biệt trước khi đi ngủ. Để tránh lượng đường xuống thấp, tôi thường dặn người bịnh chỉ nên uống thuốc họ này trong lúc ăn hoặc sau khi ăn. Trị khuyết điểm tuột đường này bằng cách nhai kẹo hoặc uống nước ngọt nếu có các triệu chứng kể trên. Ngoài ra, một khuyết điểm khác là người bịnh uống thuốc này dể bị lên ký do đói bụng, ăn nhiều hơn. Những người bị dị ứng với chất Sulfa có trong thuốc trụ sinh Bactrim hoặc Septra (Sulfamethoxazole-Trimethoprim) thì không nên uống thuốc họ này. Còn nếu bạn uống thuốc này mà da bị ngứa, nổi mận, xây xẩm, khó thở, bạn nên ngưng thuốc này ngay lập tức và báo cho Bác Sĩ của bạn biết để họ đổi thuốc họ khác. Phụ nữ có thai tuyệt đối không nên uống thuốc họ này. Insulin là thuốc duy nhất cho người có thai bị tiểu đường. Những người bị men gan cao do sưng gan (Hepatitis) hoặc sơ gan (Cirrhosis), không nên uống thuốc họ này vì xác suất bị tuột đường rất cao.
Dưới đây là danh sách của một số thuốc thông dụng thuộc họ này:
Amaryl (Glimepirid)
Diabenase (Chlorpropamide)
Glucotrol (Glipizide)
Glycron, Micronase, DiaBeta (Glyburide)
Trong các thuốc kể trên, tôi thường dùng thuốc Glimeperide vì nó là thuốc mới trong họ này mà cũng vì triệu chứng tuột đường ít xảy ra hơn so với những thuốc khác cùng họ. Ngoài ra, tôi tránh không dùng các thuốc này ở độ tối đa. Thí dụ nếu độ tối đa của
Glimeperide là 8 mg/ một ngày, tôi chỉ cho người bịnh uống 6 mg thôi, vì theo kinh nghiệm của tôi, uống ở độ tối đa, ngoài chuyện lượng đường dể bị tuột thấp, còn đưa đến những hậu quả tai hại như suy tim, tim đập nhanh, nhồi máu cơ tim.
 
2-Họ Meglitinides:
Ở Mỹ, có 3 thứ thuốc thuộc họ này: Repaglinide (Prandin), Nateglinide (Starlix) và Mitiglinide (Glufast). Trong bài viết này, tôi chỉ bàn đến thuốc Repaglinide vì nó có tiếng hơn 2 thuốc kia. Thuốc này bắt đầu bán ở Mỹ năm 1997 dưới hiệu Prandin. Thuốc kích thích tế bào bê ta của tuỳ tạng tiết ra Insulin. So với các thuốc trong họ Sulfonylureas, thuốc này hạ đường nhanh hơn. Thuốc bán dưới dạng thuốc viên: 0.5 mg, 1mg và 2 mg. Thuốc này uống trước khi bắt đầu ăn, thuốc hiệu quả rất nhanh, khoảng 20-30 phút sau khi uống. Thuốc có thể dùng cho những người đã bị suy gan hoặc suy thận. Độ bắt đầu là 0.5 mg một ngày 3 lần. Tối đa là 2 mg một ngày 3 lần. Nếu bạn có uống các thuốc sau đây, bạn không nên dùng thuốc này, vì nồng độ của thuốc sẽ tăng cao, rất dể bị tuột thấp đường trong máu: thuốc hạ Cholesterol như Atorvastatin, Gemfibrozil, thuốc loảng máu Clopidogrel, thuốc hạ áp huyết cao Nifedipine, thuốc trụ sinh thuộc họ Macrolide như azithromycin, clarithromycin, erythromycin, và roxithromycin. Tóm lại, bạn nên báo cáo cho Bác Sĩ biết bạn đang uống các thuốc kể trên để Bác Sĩ của bạn quyết định có nên cho bạn uống thuốc Prandin hay không và nếu uống thì phải bắt đầu bằng độ thấp nhất. Thuốc này bán ở Canada dưới tên GlucoNorm, ở Nhật và các nước Á Châu dưới tên Surepost.
 
C-Họ Glitazone:
Thuốc họ này có 2 hiệu bán ở Mỹ: Avandia (Rosiglitazone) và Actos (Pioglitazone). Cả hai được bán ở Mỹ năm 1999. Đến năm 2007, sau khi có thí nghiệm cáo buộc thuốc Avandia có thể gây ra suy tim và đột quỵ (Heart Failure, Heart Attack and Stroke), thuốc Avandia bị cấm bán ở Mỹ một thời gian. Sau khi kiểm chứng, điều cáo buộc trên không đúng, thuốc này được bán trở lại nhưng rất giới hạn vì ít người xài. Hiện giờ, chỉ còn thuốc Actos vẫn còn được bán rộng rãi trên thị trường. Những người có xác suất bị ung thư bàng quang (bladder) cao, thí dụ như hút thuốc lá, tiếp xúc với chất hoá học hằng ngày, hoặc nhiễm trùng đường tiểu kinh niên nên tránh thuốc Actos. Tôi đã dùng cả hai thuốc này hơn 20 năm, chẳng thấy ai bị những tai hoạ nói trên. Khi tôi thấy người bịnh có dấu hiệu của suy tim như phù chân, hoặc áp xuất máu cao quá là tôi giảm độ thuốc của 2 loại này, và cộng thêm những thuốc họ khác ít có phản ứng phụ về tim hơn. Thuốc họ Glitazone giúp các tế bào nhạy cảm (sensitivity) với Insulin. Thuốc này có bán dưới dạng tổng hợp Actos plus Metformin 15/500 mg hoặc 15/850 mg, có thể uống một ngày một lần, hai lần hoặc ba lần tuỳ theo HgA1c của bạn.
 
D-Acarbose:
Đường Glucose (monosaccharide, đường đơn) là chất căn bản các tế bào cần để sống. Những thứ đường kép (disaccharides) hoặc đường hổn hợp (polysaccharides) cần phải biến đổi ra đường Glucose thì cơ thể mới tiêu dùng được. Acarbose là thuốc chận phản ứng này. Do đó, chất bột trong đồ ăn sẽ không được ruột non phân hủy và hấp thụ mà đi xuống ruột già, sau đó thành phân.
Thuốc này được bán ở Mỹ năm 1990, và là thuốc rất thông dụng lúc đó. Khi tôi mới mở phòng mạch, nó là thuốc thông dụng dùng để trị bịnh tiền tiểu đường. Do có nhiều phản ứng phụ, năm 1995, thuốc này dần dần bị Metformin thay thế. Ngoài việc bất tiện là thuốc này phải uống 1 ngày 3 lần, bắt đầu từ mỗi bửa ăn, người bịnh còn bị đánh dấm (78%) và tiêu chảy (18%). Những người uống thuốc này họ nói với tôi họ bị đánh dấm ở sở làm nhiều lần quá, họ phải xin tôi đổi qua thuốc khác. Sở dĩ có đánh dấm là vì thuốc này ngăn cơ thể biến chất bột (starch, polysaccharide, đường hổn hợp) trong đồ ăn thành chất đường Glucose. Do không bị phân hủy ở ruột non, nên khi chất bột đi xuống ruột già, nó bị những con vi trùng ở đây phân hủy, tạo ra rất nhiều gas, trong đó, đặc biệt chất gas hydrogen sulfide có mùi trứng thúi. Thuốc này bán ở châu Âu và Trung Quốc với thương hiệu Glucobay, ở Canada tên Prandase. Thuốc này rất thông dụng và rẻ ở các nước châu Á, vì đồ ăn ở các nước này có quá nhiều chất bột. Thuốc bán với dạng thuốc viên 25 mg, 50 mg và 100 mg. Ở Mỹ 90 viên Acarbose 50 mg bán 16-20 đô tuỳ tiệm. Ở VN, 100 viên Acarbose 50 mg bán 220 ngàn, cũng khoảng 10 đô. Ngoài việc đánh dấm ra, thuốc này còn một phản ứng phụ khác, thường chỉ xảy ra khi uống độ cao, 100 mg một ngày 3 lần, đó là lượng đường trong máu tuột rất thấp (hypoglycemia). Đối với các thuốc tiểu đường khác, khi tuột chất đường, ta chỉ cần ngậm kẹo (disaccharide=glucose +fructose), nhưng trong trường hợp của Acarbose, ngậm kẹo không hiệu quả, vì kẹo là loại đường kép disaccharide mà Acarbose là thuốc chống phản ứng biến đisaccharide thành đường Glucose, do đó, ta nên uống mật ong hoặc ăn trái bơm hoặc bất cứ nước trái cây nào khác cũng được vì trong các đồ ăn này có đường Glucose (monosaccharides). Theo kinh nghiệm của tôi, thuốc này chỉ xài tới sau khi đã uống hổn hợp thuốc Metformin+thuốc họ Sulfonylureas+thuốc Actos mà HgbA1c không giảm xuống dưới 6.5 thì tôi mới cộng thêm thuốc Acarbose, và chỉ bắt đầu ở độ thấp nhất 25 mg một ngày 3 lần. Sau đó, đo HgbA1c mà nếu còn cao thì tăng lên 50 mg một ngày 3 lần. Nếu HgA1c cũng không giảm dưới 6.5, tôi tăng lên 100 mg một ngày 2 lần, trưa và ăn tối. Tôi sẽ khuyên người bịnh nên tập thể thao, ăn uống kiêng cử. Nếu HgA1c còn cao, tôi sẽ thử những thuốc mới đắt tiền mà tôi sẽ bàn trong chương khác.

Tóm lại, bịnh tiểu đường là bịnh ta cần trị sớm. Khi Bác Sĩ thử máu báo cáo kết quả bị tiểu đường, người bịnh nên tin là mình bị tiểu đường. Đừng nghĩ là không sao hoặc ông BS đó hù dọa mình mà phải nên nghe lời khuyên của BS. Dưới đây là kinh nghiệm của tôi:
  • Phải thay đổi cách ăn uống. Ăn một ngày 3 bửa, tránh ăn vặt, tránh uống nước ngọt để giử lượng đường thấp dưới 110. Tránh tình trạng tế bào bê ta bị lượng đường cao kích thích tiết Insulin liên tục. Nếu cần ăn vặt, nên ăn các loại đậu như hột điều, Almonds, Walnuts vừa giúp tăng HDL mà không tăng đường. Nấu ăn nên dùng ít chất đường. Nói các bạn đừng cho là quá đáng, chứ theo tôi, khi đã bị tiểu đường, bạn cần phải biết sợ đồ ăn. Câu nói “ăn để sống chứ không phải sống để ăn” phải là câu kinh nhật tụng.
  • Tập thể dục mỗi ngày ít nhất 15 phút
  • Ăn nhiều chất đạm.
  • Uống thuốc theo lời Bác Sĩ chỉ dẫn. Đừng nghe những người không học ngành Y, đi uống thuốc dược thảo hoặc thuốc Bắc, không cần toa Bác Sĩ. Thuốc Tây bán ở Mỹ đã được FDA kiểm chứng có hiệu quả mới cho bán. Tôi không muốn kể ở đây những kết quả đau khổ của những người trị tiểu đường bằng dược thảo. Đặc biệt những thứ mà người ta quảng cáo…gia truyền. Các bạn nên tin ở thuốc Tây.

Tóm lại, nếu đã bị bịnh tiểu đường, thì phải uống thuốc, ăn kiêng cử, tập thể dục để gửi lượng đường HgA1c dưới 6.5 may ra sẽ tránh những tai họa do bịnh này tạo ra, như đột quỵ, mù mắt hoặc cưa chân.

Bác Sĩ ĐẶNG QUANG TÂM

Mời Xem :BỊNH TIỂU ĐƯỜNG - Đặng Quang Tâm

 

1 nhận xét:

ĐÊM NÔ EN XƯA - Thơ MP.Trường Giang Thủy

bài thơ cũ ĐÊM NÔ EN XƯA Tôi về trên lối đông xưa, Nghe lồng lộng gió cuối mùa lạnh căm. Nô en xưa gặp - trăng rằm, Nhưng đêm ly ...