Thứ Bảy, 3 tháng 6, 2023

Nỗi lo ‘máy khôn hơn người’

Hiếu Chân/Người Việt


Một nhóm các nhà lãnh đạo công nghệ Mỹ vừa cảnh báo hôm Thứ Ba, 30 Tháng Năm, rằng công nghệ trí khôn nhân tạo (artificial intelligence – AI) mà họ đang phát triển một ngày nào đó sẽ tạo ra mối đe dọa sinh tử cho nhân loại và do vậy nó phải được coi là một nguy cơ xã hội ngang bằng với dịch bệnh và chiến tranh nguyên tử.
 Ông Samuel Altman, tổng giám đốc công ty OpenAI, điều trần trước Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ hôm 16 Tháng Năm, nói về AI, tập trung vào việc quản lý trí khôn nhân tạo. (Hình minh họa: Win McNamee/Getty Images)

Làm giảm rủi ro bị diệt chủng vì AI phải là một ưu tiên toàn cầu bên cạnh những rủi ro ở quy mô toàn xã hội khác, chẳng hạn như đại dịch và chiến tranh nguyên tử.” Đó là lời cảnh báo súc tích, chỉ một câu – được đưa ra trong lá thư ngỏ của Trung Tâm Vì An Toàn AI (Center for AI Safety), có chữ ký của 350 nhà quản lý doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, và kỹ sư trong lĩnh vực trí khôn nhân tạo, được đăng lại trên nhật báo The New York Times – quả là đáng lo ngại, giữa lúc mọi người đã mất ăn mất ngủ với những vấn đề thời sự nóng, ví dụ như nguy cơ chiến tranh nguyên tử ở Ukraine.

Trong số người ký có ông Sam Altman, giám đốc điều hành OpenAI – cha đẻ của ứng dụng ChatGPT đang làm mưa làm gió trên thế giới từ cuối năm ngoái đến nay; ông Demis Hassabis, giám đốc điều hành chương trình DeepMind của Google – cha đẻ của ứng dụng AlphaGo từng đánh bại các kỳ thủ giỏi nhất thế giới môn cờ vây; ông Geoffrey Hinton và ông Yoshua Bengio – hai nhà khoa học được giải Turing Award về nghiên cứu mạng thần kinh não bộ, được coi là “bố già” của công nghệ trí khôn nhân tạo hiện đại; cùng nhiều nhà khoa học lỗi lạc khác…

Lời cảnh báo được đưa ra vào lúc mối lo ngại về những tác hại tiềm tàng của công nghệ AI đang gia tăng sau khi có những tiến bộ trong lĩnh vực gọi là các mô hình ngôn ngữ lớn, hay LLMs (Large Language Models) – nền tảng của các ứng dụng đối thoại (chatbot) như ChatGPT. Những tiến bộ này đe dọa loại bỏ hàng triệu công việc làm lao động trí óc, từ bác sĩ, luật sư, đến nhà báo và chuyên viên tiếp thị.

Thực ra các ứng dụng trí khôn nhân tạo đã có từ lâu. Người dùng điện thoại iPhone của Apple đôi khi nhờ “trợ lý ảo” Siri tìm kiếm thông tin bằng cách nói vào máy. Amazon có trợ lý ảo Alexa. Google có câu thần chú “Hey, Google!” mỗi khi muốn Google làm một việc gì đó trên mạng. Hầu hết các cơ sở dịch vụ như ngân hàng, trung tâm y tế, và cả những cơ quan chính phủ, cũng có những “trợ lý ảo” như vậy để giúp khách hàng tìm kiếm thông tin và thực hiện một số dịch vụ căn bản mà không phải cất công đi tới trụ sở của dịch vụ.

*****
Bước nhảy vọt khổng lồ của các trợ lý ảo (virtual assistant) xảy ra vào cuối năm ngoái khi công ty OpenAI trình làng ChatGPT – một chatbot có khả năng trả lời những câu hỏi phức tạp thuộc nhiều lĩnh vực tri thức bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, làm thơ, viết mã điện toán, phiên dịch… Trong học đường, sinh viên học sinh nhờ ChatGPT làm bài tập nộp cho thầy cô giáo hoặc viết luận án tốt nghiệp, các tòa báo dùng AI viết ra những bản tin “mạch lạc đến kinh ngạc,” có luật sư đã dùng ChatGPT để soạn bài bào chữa trước tòa, còn ở Nhật, thành phố Yokosuka thuộc tỉnh Kanagawa nhờ chatbot AI giúp thực hiện các công việc hành chính do thiếu nhân viên…

Hai tháng sau khi ChatGPT trình làng và được tích hợp vào công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft, Google cho ra chatbot Bard, giới hạn trong một số người dùng ở Anh và Mỹ. Trung Quốc cũng nhanh chóng vào cuộc khi tập đoàn Baidu giới thiệu chatbot Ernie vào giữa Tháng Ba vừa qua… Cuộc đua tạo ra những công cụ AI nhanh hơn, chính xác hơn, thông minh hơn vẫn đang diễn ra rất quyết liệt.

Có thể nói, công nghệ trí khôn nhân tạo là phát minh vĩ đại nhất gần đây của nhân loại sau máy điện toán và mạng toàn cầu Internet. Con người hãnh diện đã làm ra được thứ máy móc “giống người,” có thể đảm nhiệm, thậm chí làm tốt hơn con người trong nhiều công việc đòi hỏi kiến thức, trí thông minh và khéo léo như vẽ tranh, chẩn đoán bệnh, phân tích dữ kiện, lái xe, hay đánh cờ, viết báo…

Nhưng cũng như mọi phát minh khoa học khác, trí khôn nhân tạo là con dao hai lưỡi, có thể làm cho cuộc sống của con người tốt đẹp lên rất nhiều nhưng cũng có thể hủy diệt cuộc sống đó. Ở Trung Quốc chẳng hạn, công nghệ AI và nhận diện khuôn mặt được nhà cầm quyền sử dụng để theo dõi hàng trăm triệu người dân, dập tắt mọi biểu hiện phản kháng. Ở chiến trường Ukraine, nó được dùng để điều khiển các hỏa tiễn chính xác tự tìm và diệt mục tiêu theo lệnh đặt trước. Không Quân Mỹ mới đây còn thử nghiệm để AI “lái” chiến đấu cơ F-16 thay cho phi công – mở ra kỷ nguyên vũ khí được trí khôn nhân tạo điều khiển. Ở mức độ phổ biến hơn, AI đang được dùng để chế biến ra những hình ảnh giả như thật (deepfake), viết các bản tin giả như thật, lũng đoạn nhận thức, tâm lý của nhiều nhóm người trong xã hội.

Tạp chí Foreign Affairs nhận định bước tiến nổi bật nhất trong 100 năm qua của nền văn minh chính là khả năng của nhân loại chấm dứt sự tồn tại của chính mình! Năng lực tự hủy diệt của loài người được thực hiện qua việc làm biến đổi khí hậu, bào chế ra các loại virus gây đại dịch như COVID-19, chế tạo vũ khí nguyên tử và phát triển công nghệ trí khôn nhân tạo. Tuy hiện nay các hệ thống AI hoạt động theo chỉ thị của người điều khiển nhưng với đà tiến bộ nhanh chóng của công nghệ “học máy” (machine learning) chẳng mấy chốc các cỗ máy “giống người” sẽ học được cách suy luận, cách ra quyết định, không phụ thuộc vào con người và thậm chí chống lại loài người. Không bao lâu nữa AI sẽ tiến hóa thành AGI (artificial general intelligence), một kiểu trí khôn nhân tạo bắt kịp hoặc vượt qua khả năng của con người trong hàng loạt nhiệm vụ khác nhau. Đó không còn là chuyện viễn tưởng trên màn ảnh xi nê mà đang trở thành một thực tế.

*****

Giật mình trước sự bùng nổ của công nghệ AI và những hậu quả tai hại nếu nó được sử dụng vào mục đích xấu, hồi cuối Tháng Ba, hơn 1,000 nhà khoa học và nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực công nghệ Mỹ, trong đó có tỷ phú Elon Musk – chủ các công ty Space X, Tesla, và Twitter; ông Steve Wozniak – đồng sáng lập Apple; ông Andrew Yang – doanh nhân, ứng cử viên tổng thống Mỹ… đã ký bức thư ngỏ của Viện Tương Lai Sự Sống (Future of Life Institute) yêu cầu “tạm ngừng” trong sáu tháng các hoạt động nghiên cứu phát triển trí khôn nhân tạo để “xây dựng các quy tắc an toàn chung” cho các hệ thống AI. Bức thư cảnh báo, những người phát triển công nghệ AI “đang lao vào một cuộc đua ngoài tầm kiểm soát để phát triển và ứng dụng những bộ óc kỹ thuật số ngày càng mạnh mẽ mà không ai – kể cả những người tạo ra chúng – có thể hiểu được, dự đoán được hoặc kiểm soát được một cách đáng tin cậy.”

Những lá thư ngỏ cảnh báo như vậy dường như có rất ít tác dụng vì khó mà thuyết phục cộng đồng công nghệ tự nguyện “tạm ngừng” công việc mà họ đang say mê theo đuổi. Vì vậy, hồi đầu tháng này, các ông Sam Altman, Hassabis, và Dario Amodei đã đến Tòa Bạch Ốc, gặp Tổng Thống Joe Biden, Phó Tổng Thống Kamala Harris để yêu cầu phải quản lý công nghệ AI. Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện sau đó, các nhà khoa học này biện luận rằng rủi ro của các hệ thống trí khôn nhân tạo hiện lớn đến mức chính phủ phải can thiệp để ngăn chặn các tác hại tiềm tàng của nó.

Họ cho rằng công nghệ trí khôn nhân tạo phải được quản lý một cách có trách nhiệm. Cần có sự hợp tác giữa những công ty hàng đầu về phát triển AI, cần có nhiều nghiên cứu về kỹ thuật các mô hình ngôn ngữ lớn, cần thành lập các tổ chức về an toàn AI toàn thế giới, tương tự như Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (International Atomic Energy Agency – IAEA) đang làm nhiệm vụ kiểm soát việc sử dụng năng lượng nguyên tử. Trước mắt, theo đề nghị của ông Altman, chính phủ Mỹ cần có luật buộc những công ty phát triển các mô hình AI tiên tiến phải ghi danh, được kiểm tra và cấp giấy phép trước khi đưa ra thị trường thương mại cho công chúng.

Tác hại của công nghệ AI không dễ thấy như trái bom nguyên tử thả xuống Hiroshima hay như con virus SARS-CoV-2 trong đại dịch vừa qua nhưng không kém phần khủng khiếp nếu không sớm tìm được biện pháp quản lý nó, để đến lúc thần đèn đã chui ra khỏi chiếc đèn cổ thì e rằng đã quá muộn!

 

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...