Thứ Sáu, 16 tháng 6, 2023

PHÚ QUÝ - Tg: Vũ Thị Thanh Hương

Lão Phú rút cái dép tổ ong, đuổi vờ vờ theo vợ. Vừa chạy vừa hét:

- Ông mà không lấy mày thì ông quan to súng ngắn nhá!
Quý ngoái đầu trề môi:
- Bà đây mà không lấy mày thì bà cũng phi-rê tóc bồng nhá nhá!
Lão chừng đã mệt, ném cái dép tổ ong về phía vợ. Đàn gà nãy giờ nghển cổ lên nghe. Bị cái dép lão Phú làm cho kinh động, chạy táo tác! Bà Quý vừa lao ra cổng thì đập vào cái xe đạp con Thơm! Nó phanh kít lại. Tiếng má phanh đã mòn giật khục.
Thơm vừa ra chợ làng bán mấy mớ rau dưa cải ngồng. Má nó đỏ hồng như tô phấn. Cặp lông mày thanh tú nhíu nhíu làm đôi mắt đen càng sáng ánh:
- Bố mẹ lại cãi nhau à? Mệt quá thôi! Lúc nào cũng ầm ĩ, rồi người ta cười cho. Con xấu hổ lắm!
Bà cúi đầu ngượng nghịu còn lão thì cười xòa:
- Ôi dào! Ai người ta chả biết tao với mẹ mày phường chèo! Cơm nước đã xong cả, rửa mặt mũi chân tay rồi ta ăn con!
Nó nguýt bố rồi than:
- Chán lắm cơ! Con gái lớn tướng rồi mà còn cãi nhau! Rõ rồi là con ế đấy!
Lão nhăn nhở cười:
- Thôi thôi bố hứa được chưa?
Lão quay ra hét:
- Mụ kia còn không vào dọn cơm ra!
Mẹ nó lụt cụt đi vào. Vòng ra phía sau con gái nhưng vẫn bị lão phát bụp vào mông!
Con Thơm chán nản:
- Nào, nào,,, bố lại thế rồi!
Lão cười hề hề:
-Tao đùa mẹ mày!
Thơm chưa nghỉ, nó vào trong buồng lấy ít ngô đỏ rải cho đám gà ăn. Nó nán lại vuốt ve, ngắm nghía chiếc xe máy mới tinh còn chưa gắn biển số! Lòng vui lắm, thế là nó đã có hẳn cái xe máy để đi làm rồi! Bố mẹ tích cóp bao năm rồi cũng đủ! Cho nó được bằng bạn bằng bè!
Chích, chích, chích...
Đàn gà nghe tiếng gọi chạy cả về sân. Nó tung ngô và nhìn chúng bằng ánh mắt âu yếm. Bố nó đứng bên cạnh từ bao giờ:
- Lứa này ta không bán con nhỉ. Cuối năm bên ông bác sĩ có nhời là ta dùng làm cỗ cưới luôn con ạ!
Thơm bẽn lẽn:
- Còn lâu mà bố!
Lão cười hiền lành. Xem ra khác hẳn lúc đuổi theo ném vợ! Nhưng không, đấy là điệp khúc yêu riêng của PHÚ QUÝ mà thôi chứ chả đánh nhau to! Chí chóe như trẻ ranh! Chả biết nuối tiếc cái gì?
"Ông mà không lấy mày thì ông quan to súng ngắn!"
Là lão mường tượng ra cảnh oai phong như cảnh sát!
"Bà mà không lấy mày thì bà cũng phi-rê tóc bồng"
Mẹ nó mơ được đẹp đẽ như mấy cô diễn trong tivi!
Song hai người vẫn chỉ là bố mẹ con Thơm đây thôi! Nhưng giờ đã khá. Thế kỉ 21 rồi nhà mới đỡ nghèo! Giờ làm gì còn ai đói nữa đâu...
Năm 1985,,,
Mẹ nó là diễn viên đoàn chèo hẳn hoi. Sau khi mổ cái bướu cổ 3 năm giời không nói được! Liệt hẳn một bên dây thanh. Một bên đang phục hồi rất chậm. Đành bỏ nghề.
Giữa đô thị phồn hoa mà học không hay! Lộn về quê thì cày chả biết! Đành buôn thúng bán mẹt sống qua ngày.
Còn bố nó kể:
Bà nội nó mất lúc bố còn ẵm ngửa. Ông đi lấy bà khác về ghê gớm quá. Bố nó trốn nhà, bỏ đi từ năm lên 10, lang thang phố chợ! Hết bưng bê hàng quán, lại theo đánh giầy kiếm sống. Được cái khôi ngô, còn tự học đàn, biết hát! Năm 20 tuổi thì được ông chủ hàng phở giao hẳn cho quản lí nhóm bưng bê. Đứng chính, thái bốc chan phở!
Cho đến hôm có lão béo vào ăn, tát chảy máu mồm thằng bé bưng bê vì đánh đổ vào giày của lão! Bố nó điên tiết! Lao ra đánh lão ta thừa sống thiếu chết! Can tội côn đồ! Bố nó lĩnh án tù hẳn 7 năm! Ngày hết hạn tù, mò về bản quán thì cha đã mất, Mẹ kế bán đất vườn đi đâu không rõ! Lại mò lên HÀ NỘI. Gặp mẹ nó, í hợp tâm đầu theo nhau luôn! Mẹ nó về báo cáo gia đình thì cả nhà cấm đoán, không cho lấy thằng tội tù! Vẫn theo nhau! Lại về phố, thuê cái nhà con con chui vào, chui ra buôn bán loanh quanh.
Dạo đẻ nó được hai tháng. Mẹ nó tái phát bệnh. Cái bướu cứ to lù lù trước cổ. Buôn thúng, bán bưng thì sớm nắng, chiều mưa. Bố mẹ nó thay nhau người trông con, người ra chợ. Mẹ nó cứ gầy rạc! Còn nó thì mấy cái tóc dựng đứng! Bệnh viện bảo do nó bú sữa mẹ bệnh nên suy dinh dưỡng. Đến cái hôm nó sốt mê man, li bì mang ra viện Xanhpôn.
Gặp ông bác sĩ rõ là tốt! Ông cho bố mẹ nó sữa đường rồi cả tiền! Lúc hỏi đến cái giấy khai sinh, được hưởng chế độ miễn phí trẻ dưới 6 tuổi thì mẹ nó khóc hu hu! Bố nó chảy nước mắt! Nó đã làm gì có giấy khai sinh? Cứ gọi là con Thơm thôi chứ biết khai sinh ở đâu! Quê bố không có! Quê mẹ thì chả cho!
Ông bác sĩ trầm ngâm! Ông bảo:
- Để rồi ông tính!
Gọi thế vì trọng ông. Chứ sau này biết ra, ông cũng chỉ hơn bố mẹ nó mươi tuổi!
Hôm nó được ra viện. Ông bác sĩ thuê hẳn chuyến xe đưa thẳng bố mẹ nó về quê đây. Ông đã bàn với chị dâu xong xuôi rồi. Cả nhà nó được ở căn nhà của bà mẹ cô Thu đã mất năm ngoái. Ông nhập khẩu bố mẹ nó về đây cho đỡ phải tha phương cầu thực! Nó được khai sinh đủ tên họ sau khi bố mẹ làm giấy kết hôn!
Rồi ông mua cho bố nó chiếc thuyền ra sông đánh cá. Mẹ nó thì được cô Thu chỉ dạy cách nuôi lợn, gà, trồng rau làm vườn. Nhà cô Thu có anh con trai hơn nó vài ba tuổi. Anh gọi ông bác sĩ là chú út. Nhưng thực ra tên ông là Tú. Bác sĩ Tú làm trong viện Xanhpôn. Vợ con ông ở HÀ NỘI.
Từ dạo có nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Bố mẹ nó chăm chỉ làm lụng sớm tối. Con Thơm được học hành hẳn hoi. Lại được cô Thu và anh con trai dìu dắt! Nó tốt nghiệp lớp 12 rồi học dược ra bán thuốc như ông Tú định hướng cho. Giờ đã có việc làm ổn định! Nó yêu anh con trai nhà cô Thu từ dạo đang học trường dược dưới Chèm. May cho nhà nó bên anh không chê cảnh hèn kém. Vả lại bố anh mất từ lúc mẹ Thu mang thai. Ông Tú vẫn chăm nuôi cho anh học hành...
Mẹ anh cũng mới mất hơn một năm đây thôi! Tội quá, bố mẹ nó cứ xót xa:
- Người đâu tốt thế! Vậy mà chả được phúc phần!
Ngồi vào mâm cơm. Mẹ nó xoáy vào nồi xới 2 bát rõ đầy rồi bảo:
- Hai bố con ăn đi. Con đừng nhịn vì sợ béo! Ông phải ăn hai bát thế này mới đủ sức khỏe nghe chưa!
Bố nó thong thả:
- Bà này! Nao bên ông bác sĩ xin con Thơm về làm dâu. Tôi và bà phải mang cái lễ về bên bà ngoại. Cũng may bà không chấp lách gì mà nhận con bé! Chứ như dạo tôi về ra mắt thì sợ quá! Con sau là được sung sướng hơn tôi với bà! Bên nhà ông bác sĩ tốt quá! Đúng là: "không ai khó ba đời" con ạ!...

1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...